Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương V

Những Trường Phái Thông Diễn Học

Thông Diễn Học Hữu Sinh Tính

của Martin Heidegger

(Ontological Hermeneutics)

 

Trong chương thứ hai, chúng tôi đã giới thiệu một cách chung phương pháp (hay nghệ thuật) thông diễn qua ba công năng: giải thích, giải nghĩa và chuyển nghĩa. Ngoài ra, để có thể hiểu được sự biến chuyển của Thông Diễn Học (TDH) thành một nền thông diễn triết học (philosophical hermeneutics) cũng như một phương pháp của nền khoa học xã hội nhân văn, chúng tôi cũng đã giới thiệu phương pháp hiện tượïng học trong chương thứ ba, và bàn về hiện tượng học tại Việt Nam trong chương thứ tư. Chương thứ tư, tuy không hẳn bàn về phương pháp, và có tính cách "miêu tả" nhiều hơn, nhưng có lẽ cần thiết để hiểu sự hình thành cũng như phát triển triết học ở Việt Nam. Riêng hai chương thứ năm và thứ sáu, tuy bàn về các trường phái thông diễn, nhưng thực ra cũng chỉ là sự tiếp nối hai chương thứ hai và thứ ba bàn về phương pháp thông diễn. Bởi lẽ rất đơn giản là, nền triết học hiện đại, thực ra chỉ là những quan điểm khác nhau về phương pháp mà thôi. Những triết gia được coi là vĩ đại không phải họ đã đưa ra những tư tưởng kinh thiên động địa, nhưng là vì họ đã khám phá ra một phương pháp nào đó, mà họ nghĩ rằng (và tìm cách chứng minh) đó là một phương pháp khoa học, có thể đảm bảo chân lý, hay có thể giúp chúng ta khám phá ra chân lý, hay có thể đem lại hạnh phúc cho con người. [1] Hiểu trong một nguồn mạch như vậy, nói về các trường phái thông diễn, thực ra là bàn về những phương pháp thông diễn khác nhau, mà một triết gia nào đó đề ra, và từng được một nhóm đồ đệ, hay những người khâm phục chấp nhận, phát triển, hay áp dụng. Những trường phái thông diễn, do đó, có nghĩa là những trường phái triết học, văn học, thần học, ngữ học... áp dụng TDH vào trong những tác phẩm của họ, hay từng biến hóa TDH thành một phương pháp riêng biệt của họ.

Sau hiện tựợng học của Husserl, chúng ta không chỉ có trường phái của Heidegger - Gadamer, phát triển hữu sinh luận tức ontology (theo Heidegger), hay bản thể luận (theo nghĩa của triết học trước Heidegger), và biến đổi TDH thành một nền thông diễn triết học, mà còn có trường phái của Ricoeur, tìm cách dung hoà giữa bản thể luận và tâm lý học, cũng như văn hóa và tôn giáo. Chúng ta không chỉ có trường phái của Betti, muốn trở lại đường lối thông diễn của Dilthey bằng cách đi xây dựng một nền thông diễn khoa học khách quan, và áp dụng vào trong luật học cũng như nền khoa học xã hội nhân văn cách chung; chúng ta còn có trường phái của nhóm triết gia Pháp như Jacques Lacan (1901-1981), Jacques Derrida tìm cách xây dựng một nền thông diễn dựa trên tâm lý chiều sâu của Sigmund Freud (1856-1939), trên phương pháp hệ phả tầm nguyên (genealogy) của Nietzsche, và biện chứng pháp của Hegel cũng như quan niệm về dị hóa (tha hóa, vật hóa) của Marx. Và lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể không để ý đến nền thông diễn phê phán, tìm cách dung hoà giữa lý thuyết phê bình của Kant, phê bình xã hội của Marx với nền biện chứng của Hegel và phân tâm học của Freud trong nền thông diễn học phê phán của nhóm trường phái Frankfurt mà đại biểu quan trọng hiện nay là Habermas. Nơi khoa học tôn giáo, nền thông diễn của Schleiermacher không chỉ ảnh hưởng tới khoa chú giải Thánh Kinh, mà còn ảnh hưởng tới khoa sử học như thấy nơi Wilhelm Dilthey (1833-1911), tới nền khoa học nhân văn và giáo dục của Wilhelm von Humboldt (1767-1835), và nhất là ảnh hưởng tới sự phát triển của những nền thần học mới vào thế kỷ thứ 20, đặc biệt của Rudolf Bultmann (1884-1976), Paul Tillich (1886-1965), Karl Rahner (1904-1984), vân vân.

Vì mục đích của chúng tôi tập trung vào nền thông diễn triết học, nên chương này sẽ giới thiệu các trường phái thông diễn liên quan trực tiếp tới nền triết học đương đại (contemporary philosophy), cũng như nền khoa học xã hội nhân văn, mà chúng tôi nghĩ,ø rất có thể giúp chúng ta phát triển hay khai quật nền triết học Việt Nam. Chính vì vậy mà người viết sẽ chỉ bàn tới nền thông diễn áp dụng vào văn chương một cách rất sơ sài. Với mục đích nhắm xây dựng Việt Triết, chúng tôi đặc biệt chú ý tới trường phái của Betti, trường phái của Gadamer, trường phái của Ricoeur và trường phái của nhóm Habermas. Như đã trình bày với độc giả, gốc rễ TDH vốn xoắn vào trong gốc rễ huyền thoại Hy lạp, và do đó, nó luôn gắn chặt với tôn giáo học. Chính vì vậy mà chúng tôi đã dành hẳn một tập sách khác, áp dụng TDH để suy tư về khả thể của một nền thần học Việt. [2] Riêng trong tập sách này, thể theo lời đề nghị của một số học giả Viện Tôn Giáo (thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Nhân Văn), và Viện Văn Hóa (thuộc Bộ Văn Hóa), chúng tôi dành hẳn chương thứ sáu bàn về một số nguyên lý TDH trong tôn giáo, đặc biệt trong tư tưởng của Schleiermacher, cũng như nơi các trường phái của Bultmann, Rahner và Lonergan, những đại thần học gia của thế kỷ thứ 20, tuy một cách rất tổng quát.

Phần "Những Trường Phái Thông Diễn Học" bắt đầu với Heidegger và Gadamer vì nhiều lý do: (1) Heidegger là người phát triển hiện tượng học thành thông diễn triết học; (2) triết gia có lẽ là nhà tư tưởng lớn nhất của thề kỷ thứ 20, và ảnh hưởng sâu đậm vào mọi lãnh vực, mọi trường phái, ngay cả những người chống đối ông, do đó những suy tư của ông về Hữu sinh, về ngôn ngữ, về lý trí, vân vân, giúp chúng ta hiểu hơn về TDH; (3) Heidegger cũng là một triết gia rất gần gũi với triết học Ðông phương, và gây một ảnh hưởng quyết định trong công việc khôi phục triết Ðông, trường hợp nền triết học Nhật, Trung Hoa, và cả Việt Nam qua các triết gia Trần Ðức Thảo, Lương Kim Ðịnh, Lê Tôn Nghiêm, vân vân, như đã trình bày trong chương thứ tư của tập sách này. Như vậy, chúng tôi nghĩ là, lối TDH của tiên sinh có thể đóng góp nhiều trong công cuộc xây dựng nền triết học Việt Nam. Ðiểm quan trọng hơn cả, đó là, trường phái Heidegger-Gadamer có lẽ là một trường phái gây ra một ảnh hưởng sâu rộng nhất, và quảng bá nhất ở thế kỷ thứ 20.

 

1. Thông Diễn Học Hữu Sinh Tính (Ontological Hermeneutics)

2. Nhận Biết và Thông Hiểu (Knowing and Understanding)

3. Thông Hiểu, Cách Thế Hiện Hữu và Lịch Sử Tính (Geschichtlichkeit)

4. Hữu Sinh Học (Ontology), Hiện Tượng Học và Thông Diễn Học

5. Những Quan Niệm Nền tảng của Thông Diễn Học

 

Chú Thích:

[1] Thí dụ Descartes áp dụng phương pháp của toán học (phân tích trong toán số, và phép tính, trực giác trong hình học) vào trong triết học, Bacon chủ trương phương pháp thực nghiệm (experimental), Locke nhấn mạnh tới phương pháp kinh nghiệm (empirical), Kant đưa ra một phương pháp triết trung giữa hai phương pháp trên, tức phương pháp tiên nghiệm (transcendental), trong khi Hegel và Marx chủ trương phương pháp biện chứng (tuy phương hướng đối ngược nhau), vân vân. Nếu đại đa số các triết gia duy lý và duy nghiệm đặt chân lý như là mục tiêu của triết học, thì không ít các đại triết gia nhắm đến việc tạo hạnh phúc cho con người, cho đó là mục đích chính của triết học (hay đạo lý): Ðức Khổng, Ðức Phật, Plato, Aristotle, Ðức Kitô, Rousseau, Marx, vân vân. Và từ đó, các ngài đưa ra những phương thế, tuy khác nhau, nhưng cùng nhắm đến việc đạt được hạnh phúc.

[2] Xin tkh. Trần Văn Ðoàn, Những Suy Tư về Một Nền Thần Học Việt Nam (Washington, D.C.: Vietnam University Press, đương in).

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page