Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương V

Những Trường Phái Thông Diễn Học

Thông Diễn Học Hữu Sinh Tính

của Martin Heidegger

(Ontological Hermeneutics)

 

3. Thông Hiểu, Cách Thế Hiện Hữu và Lịch Sử Tính (Geschichtlichkeit)

Trong đoạn trên, chúng tôi đã nhắc qua về Hữu sinh (Sein, Being), hữu thể (Seiendes, beings) và hiện thể (Dasein, being-there). Nơi đây để độc giả hiểu thêm về triết học Heidegger, chúng tôi xin được giải thích vài thuật ngữ như Hữu sinh (Being, Sein), hữu thể (beings, Seiendes), hiện thể (Dasein, hay Being-there). Bởi lẽ, thông hiểu và lịch sử tính chỉ có thể có được nếu ta nhìn ra được sự liên quan bản chất giữa Hữu sinh, hữu thể và hiện thể.

Chúng ta bắt đầu với hiện thể, tức là với một hình thức, hay một cách thế xuất hiện của Hữu sinh. Nó xuất hiện cho chúng ta như là sự vật, là con người, hay là một hình bóng. Nói cách khác nó xuất hiện qua hay trong một thể (morphe, form) cố định. Nhờ vào cái thể đó mà ta phán đoán nó là cái này, hay là cái nọ. Hiện thể, là cái thể được xác định bởi hiện thời tính (nunc time) và sự chiếm hữu không gian cố định (extensio theo Descartes). Chính vì hiểu như vậy, các triết gia trước Heidegger nhận định, hiện thể được xác định bởi những phạm trù không gian và thời gian (Aristotle, Kant), hay bởi yếu tố tâm lý (Hume và chủ thuyết duy tâm lý). Thí dụ nhìn một đối tượng, ta biết đó là một sự vật (Ding, thing), qua việc phán đoán kích thước, vị trí, tính chất cá biệt hay chung, công năng... của nó (đó là qua việc nhìn ra sự vật đó to, bé, cao, ngắn, dài, mầu sắc, tác dụng, biến đổi hay cố định... của nó. Nói cách khác, chính những đặc tính to, nhỏ, nặng nhẹ, mầu sắc, hình thể, biến đổi... xác định nó là vật thể gì, thuộc loại vật gì - Hay nói theo Kant, chính những phạm trù lượng (quantity), phẩm (quality), quan hệ (relation), cách thế (modes) giúp chúng ta phán đoán vật thể thuộc loại, giống... nào. Ta thấy, những đặc tính như to, nhỏ, nặng nhẹ, tuy số lượng có khác nhau, nhưng như là những quan niệm, chúng không thay đổi... Nói cách khác, chúng thuộc về những phạm trù của không gian và thời gian. Ta cũng có thể nhìn hiện thể theo cái công năng của nó (do ta tạo ra), theo lối nhìn duy ý (voluntarism), hay theo bản tính như chủ thuyết duy nhân (anthropocentrism). Ta cũng có thể xác định vật thể theo nguyên lý của hai trường phái duy lý (rationalism) và duy linh (spiritualism). Nhưng từ bất cứ lối nhìn nào, thì lối nhìn về vật thể như vậy đều có một điểm chung: Ðó là vật thể luôn bất động. Nó như là một cái gì nằm bên ngoài chúng ta, không có liên quan tới chúng ta - chúng ta gọi nó là ngoại thể, hay đối tượng (object). [17] Sự tương quan chỉ có, nhưng một chiều, đó là khi ta lấy nó làm công cụ để phục vụ chúng ta mà thôi. Nói cách chung, vật thể được nhận biết nhờ vào những phạm trù thời gian và không gian cố định, nên ta đồng nghĩa hiện thể với hữu thể, tức cái thể bất biến và tất yếu (theo truyền thống của Plato và siêu hình học từ Aristotle). Ðặc tính của chúng là tính chất hữu dụng, tức tính chất công cụ vốn được chúng ta coi như là tất nhiên. [18]

Thực ra, hiện thể xuất hiện cho chúng ta không có thụ động tí nào. [19] Nó không hoàn toàn bị các phạm trù của thời gian và không gian chi phối. Hiện thể chỉ là cách thế xuất hiện của vật thể trong cái khoảnh khắc, trong một không gian nhất định của Hữu sinh mà thôi. Mỗi hiện thể, khi mang hình thức cố định của chủng, loại, tức được quy định bởi những phạm trù bất biến, được chúng ta gọi là hữu thể. Hữu thể, do vậy, là một (hình) thể của Hữu sinh từng được nhận biết, phân loại theo đặc tính của chính Hữu sinh. Tất cả những sự vật nào mà có cùng có những hình thức, đặc tính, vân vân, như nhau, ta quy chúng về một thể, gọi nó là chủng (genus), hay là loại (species). Thí dụ là con người, tất cả đều mang cái thể (morphe) của con người (anthropon). Là người Việt, họ mang thể của con người, và đặc tính riêng của Việt, ta gọi là giống Việt. Tất cả vật thể mang tính chất công cụ (búa, liềm, cầy, bừa...) đều có cái thể, đều mang cái tính công cụ. Ðây là lý do tại sao Aristotle hiểu Hữu sinh chỉ có thể nhận biết được qua chính cái thể (tức hữu thể), tức to ti on. Ðây cũng chính là lý do mà triết học Kinh viện (scholastic philosophy) cho rằng hữu thể chỉ có thể nhận ra được qua chính cái thể của nó (esse qua esse, ens qua ens).

Ðể bạn đọc hiểu ra sự tương quan giữa Hữu sinh, hữu thể và hiện thể, ta lấy một ví dụ vật thể, thí dụ con dao: Một vật thể (Ding, thing), qua hình thức của một con dao (Seinendes, hữu thể), nó có thể là một vũ khí trong cuộc chiến (Dasein, hiện thể), là một dụng cụ bếp núc (hiện thể trong bếp), hay một đồ chơi (hiện thể trong lúc giải trí). Con dao này, dùng vào trong trận chiến, tùy theo hình thức và công năng, nó có thể là đao (Dasein, đoản đao, trường đao), kiếm, dao găm, lưỡi lê, vân vân. Nếu dùng vào việc bếp núc, nó có thể là dao băm, dao chặt, dao cắt, dao gọt trái cây, vân vân. Tính chất của nó được xác định bởi sự hiện hữu của nó trong một thế giới (In-der-Welt-sein, Hữu-sinh-tại-thế), cùng với những hiện hữu khác (Mitsein, Dữ Thể). Hiểu như vậy, hiện thể, do đó chỉ nói lên được tính nhất thời, công năng nào đó của sự vật, trong khi hữu thể biểu tả được đặc tính chung, bất động của vật thể, nó phải như thế (Sosein, Như Thể). Phải chính là Hữu sinh qua sự biến hóa, tức qua sự xuất hiện của nó, và phải là chính cả cái thế giới trong đó nó xuất hiện, biến đổi mới là nền tảng căn bản của thông hiểu. Không nắm vững được sự tương quan bản chất giữa Hữu sinh, hữu thể và vật thể, ta khó có thể thông hiểu được bất cứ một vật thể nào.

Từ một nhãn kiến như thế, Heidegger chủ trương, để hiểu được hiện thể (tức hiện tượng), ta phải nhận ra được mối tương quan giữa hiện tượng (hiện thể) và hữu thể, giữa hữu thể và Hữu sinh. Mà để nhận ra mối tương quan này, ta phải nắm được tất cả qúa trình phát sinh, biết được bản chất của Hữu sinh, [20] cũng như hỗ động (tác động tương hỗ) biện chứng của chúng (dialectical interaction). Nói cách khác, ta phải nắm được chính cái lịch sử tính của Hữu sinh. [21] Lịch sử tính như là một cái luật sống (hay logic sống động) [22] nói lên được bản chất cũng như quá trình phát sinh và biến đổi của Hữu sinh, nhận ra được cái lý do tại sao Hữu sinh mang một hình thức nào đó (hữu thể) và tại sao trong một thời gian và không gian nhất định, nó xuất hiện như vậy (hiện thể). [23]

 

Chú Thích:

[17] Object từ La ngữ objectum (danh từ/phân từ). Objectum là phân từ của động từ objecere, có nghĩa ra bị vất đi, được đặt trước, bị bỏ rơi, vân vân. Trong triết học, object được hiểu như đối tượng (cho chủ thể đương quan sát nó), như là đối thể (trong vị trí đứng trước chủ thể), như đối vật (dụng cụ), vân vân. Trong triết học khoa học, object được coi như là đối tượng mang tính chất khách quan (objective, tĩnh từ, có nghĩa khách quan), tức những vật thể mà ta có thể quan sát, thí nghiệm, hay tác tạo, hay lập lại, và luôn cho chúng ta một kiến thức như nhau. Thí dụ 1+1=2 là một kiến thức khoa học, y hệt như cái bàn luôn là cái bàn cho bất cứ ai quan sát, cũng là một kiến thức khoa học. Ðối với Hegel và Marx, object mang nghĩa đối thể, và objectification mang nghĩa ngoại hóa, tức biến thành một ngoại vật, tách biệt khỏi chủ thể.

[18] Heidegger dùng hai thuật ngữ Vorhandensein (ready-to-hand, tạm dịch là hữu tiện) và Zuhandensein (be-at-hand, thuận tiện) để diễn tả cái đặc tính công cụ tất nhiên của đối tượng. Thí dụ, ông viết: "The hammer possessed in fore-having is ready-to-hand as a tool..." (Cái búa tự nó vốn mang tính chất hữu tiện như là một công cụ), Sein und Zeit, tr. 157. Chú ý, hữu tiện có nghĩa mang tính chất tiện lợi, trong khi thuận tiện có nghĩa luôn sẵn sàng tiện lợi cho người sử dụng.

[19] Khi phân tích hiện thể, Heidegger nhận ra - đoạn 12 trong Hữu Sinh và Thời Gian - rằng "Bản chất của hiện thể nằm ngay trong chính sự hiện hữu của nó" (Das Wesen des Daseins liegt in seiner Existenz). Và ông diễn tả - trong đoạn 33 -: "Hiện thể hiện hữu bằng chính sự xuất hiện như là một dữ kiện" (Dasein existiert faktisch). Faktisch ở đây có nghĩa mang tính chất dữ kiện, hay kiện tính. Từ đây, ông nhận ra tính đa diện của hiện thể. Mỗi thời gian, không gian khác nhau, mỗi lần tâm lý thay đổi, mỗi khả thể, mỗi sự tương quan... đều chỉ ra những hiện thể khác nhau của Hữu sinh. Do đó, trong Hữu Sinh và Thời Gian, hiện thể có khi là Hữu-sinh-tại-thế (đoạn 12), có khi là Dữ Thể (Mitsein) (đoạn 25-27), có khi là sự lo âu (Sorge) (đoạn 41, 45, 61, 64, 65), lại có khi là ánh sáng chiếu soi (Lichtung) (đoạn 28, 31, 69), vân vân.

[20] Mối tương quan mật thiết giữa Hữu sinh, hữu thể, hiện thể theo một quy luật (logic) hoàn toàn khác biệt với luận lý hình thức (formal logic). Ðó là một lối sinh hoạt mà ta có thể gọi là cái vòng thông diễn (hermeneutical circle), từng được Humbolt, Schleiermacher, Ast, Dilthey, và Betti phát triển. Theo Schleiermacher, luận lý thông diễn theo con đường vòng, bao gồm Các đặc tính: (1) cái toàn thể xác định mỗi bộ phận, nhưng mỗi bộ phận lại cấu tạo thành cái toàn thể; (2) Do đó, tuy là một đơn vị, nhưng các bộ phận bổ túc cho nhau (reciprocity, mutuality), và vai trò của chúng quan trọng như nhau; (3) Sinh hoạt tương quan, bổ túc của chúng theo một qúa trình biện chứng giữa cái toàn thể và các bộ phận; mỗi bộ phận, và cái toàn thể đem lại ý nghĩa cho nhau. Xin tkh. chương 6, phần về Schleiermacher. Cũng xin tkh. Palmer, sđd., ctr. 87-88. Vòng thông diễn cũng đã được Humbolt nhận ra, khi ông hiểu Thông hiểu (Verstehen) như là sự nhìn ra cái toàn thể, tức là những cái trước (truyền thống, giá trị, lịch sử), cái sau (tương lai, dự phóng), cái xung quanh (môi trường, xã hội). Xin tkh. Erwin Hufnagel, Einfuehrung in die Hermeneutik (Stuttgart, Berlin, Koeln, Mainz: Kohlhammer, 1976), tr. 10.

[21] Sein und Zeit, các đoạn 72-77. Ngoài ra, cũng thấy trong Einfuehrung in die Metaphysik (Siêu Hình Học Nhập Môn), ctr. 32-34, 69-70, và 130. Trong Holzwege (Lâm Ðạo), ctr. 62-65, 196-197.

[22] Chú ý là Trần Ðức Thảo vào năm cuối đời đã cố gắng viết một tác phẩm bàn về cái "Luận lý của hiện tại sống động" (La logique du présent vivant) này. Và trước khi chết, ông đã gửi 3 chương đầu của tập sách cho người bạn, ông Vincent von Wroblewsky, để biên soạn cho xuất bản. Xin tham khảo chương 4 "Hiện Tượng Học tại Việt Nam", phần về Trần Ðức Thảo trong tập sách này. Cũng xin tham khảo bài của Michel Kail, "Tưởng Niệm Trần Ðức Thảo," trong Tập san Les Temps modernes, số 568 (11.1993). Bản dịch của Cao Việt Dũng trong Mạng lộ Talawas: www.talawas.org.

[23] Heidegger phân biệt giữa lịch sử như là một qúa trình xuất hiện của Hữu sinh (Geschichte) và lịch sử như là một sự thuật lại, ghi lại những dữ kiện (historia). Geschichte theo Heidegger mang bản chất của định mệnh (Geschick), và do đó Geschichtlichkeit (lịch sử tính) nói lên tất cả quá trình cũng như luật xuất hiện của Hữu sinh. Dựa theo lối giải thích của Hegel, mỗi hữu thể nói lên một giai đoạn của Hữu sinh, tức một giai đoạn lịch sử.

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page