Thông Diễn Học
Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương V
Những Trường Phái Thông Diễn Học
Thông Diễn Học Hữu Sinh Tính
của Martin Heidegger
(Ontological Hermeneutics)
1. Martin Heidegger - Thông Diễn Học Hữu Sinh Tính
(Ontological Hermeneutics) [3]
Thực sự mà nói, Heidegger không phải là cha đẻ trực tiếp của Thông Diễn Học (TDH) hiện đại. Nhưng nếu không có Heidegger, có lẽ TDH khó có thể phát triển được như ngày nay. Chính nền triết học hữu sinh tính (ontological philosophy) của ông đã ảnh hưởng sâu rộng quyết định hướng phát triển của TDH hiện đại, và chính nó đã đặt nền tảng cho một nền TDH mới, mà ông được công nhận như là linh hồn của trường phái thông diễn triết học. Không chỉ Gadamer, người đã phát triển thông diễn triết học thành một môn học căn bản cho nền khoa học xã hội nhân văn, mà còn có những đồ đệ của triết gia như Rahner, những đồng nghiệp của ông như Rudolph Bultmann, Karl Jaspers (1883-1969), và những thế hệ sau, đặc biệt tại Pháp, Ðức, Ý, Tây Ban Nha, và trên khắp năm châu, đều bị ảnh hưởng của nền triết học này. [4] Chính vì lý do này, phần này bàn về nền thông diễn triết học (philosophical hermeneutics) mà ta tạm gọi là nền thông diễn hiện-hữu sinh tính (existential-ontological hermeneutics).
Nền triết học của Heidegger, giống như triết học Kant, là một nền triết học về con người. Trong tác phẩm Hữu Sinh và Thời Gian (1926, xuất bản năm 1927), [5] Heidegger đã nhận ra khiếm khuyết của các nền triết học đi trước, đó là các triết gia đã không nhận ra được cái nguyên lý "sinh sinh bất tịch" (Dịch Kinh) của tư tưởng phương Ðông. Ông viết: "Ta thấy có một sự thiếu sót quan trọīng... của bất cứ nền "triết học về sự sống" (Lebensphilosophie) nào mang tính chất nghiêm chỉnh và khoa học... đó là việc người ta không nhìn thấy được vấn nạn hữu tính về "sự sống" nơi đây, mà sự sống tự nó đã là một loại Hữu sinh (Sein)." [6] Nếu triết học là một sự truy nguyên về chính Hữu sinh (to ti on, như Aristotle từng qủa quyết trong tập Siêu Hình Học, vậy thì chúng ta biết gì về Hữu sinh? Thế nên, Heidegger tiếp tục công việc của Kant, và đặt lại câu hỏi căn bản nhất cho triết học: Con người là gì? (Was ist der Mensch?). Câu hỏi này nếu không được trả lời một cách thỏa mãn, thì ba câu hỏi - "Tôi có thể biết gì?, Tôi phải làm gì? và Tôi được phép hy vọng gì?" - mà Kant từng đặt ra trong tác phẩm bất hủ Phê Phán Lý Tính Thuần Túy (Kritik der reinen Vernunf, 1781) [7] sẽ thiếu nền tảng. [8] Vậy nên, để hiểu con người, như Kant, Heidegger cho rằng chúng ta phải bắt đầu với hiện sinh, hay cái gì đương hiện hữu (tức hiện tượng nơi Kant) mà ông gọi là hiện thể (Dasein). Nhưng chính vì hiện thể bị xác định bởi những điều kiện không gian và thời gian cố định, bởi chính sự hiện hữu cố định, tức trong một thời gian và không gian đương xẩy ra (hic et nunc), nên khác với Kant, ông chủ trương hiện thể chỉ là những phương cách biểu hiện của Hữu sinh. Chính Hữu sinh, tức sự sống, xuất hiện liên tục và khác biệt. Hữu sinh chỉ được nhận ra qua chính sự khác biệt của các hiện thể, mà những hiện thể này biểu hiện những cách sống, thế giới sống khác nhau.
Ta biết, Kant từng cho rằng hiện tượng (vật tự thân - Ding-an-sich) tự nó không thể biết được, và chỉ có chính chủ thể, dựa vào năng lực lý tính, và vào những điều kiện tiên nghiệm (phạm trù), mới có thể nhận ra ý nghĩa của hiện tượng. Lối nhìn "cách mạng Copernig" này có thể nói là một lối nhìn tiêu biểu cho nền triết học tân đại (modern philosophy). Các triết gia theo Kant đã gán cho lý tính, và chủ thể một khả năng vô biên, có thể phán đoán và xếp đặt thế giới ngoại tại theo cái quy luật được chủ thể nhận biết. Thế nhưng, lý tính là gì? Nó có thể xác định và quyết định được cuộc sống con người hay không? Và chủ thể tính là gì? Nó có phải là một cái tự ngã tuyệt đối (solipsism) quyết định được ngoại giới hay không? Lẽ dĩ nhiên là không. Husserl đã nhận ra cái nguy cơ của lối suy tư duy ngã độc tôn này, và tìm cách gạt nó ra khỏi hiện tượng học. Ðối với Husserl, chỉ đứng khựng lại nơi chủ thể, mà không đặt ra câu hỏi về chính chủ thể, về sự cấu tạo của chủ thể và ý thức, là một thái độ ngây thơ, chưa tới nơi tới chốn. Như Husserl, và còn đi xa hơn, Heidegger chủ trương, lý tính không phải là một năng lực tách biệt khỏi chính con người. Lý tính chỉ có thể được nhận ra trong cuộc sống. Nói cách khác, lý tính là một bản chất của Hữu sinh, chứ không phải là nền tảng của nó. Tương tự, nếu lý tính chỉ biết được nhờ vào việc tính toán sự cân bằng giữa thực tại và quan niệm, giữa cứu cánh và phương tiện, thì điểm căn bản hơn nữa, đó chính là việc cứu cánh có thể tách rời khỏi cuộc sống của con người hay không? Ðó chính là về sự kiện quan niệm và thực tại có thể đứng bên lề của chính cuộc sống con người hay không? Hay chúng chỉ là những lối biểu hiện, những lối hiểu biết của chính con người về cuộc sống của họ?
Nơi đây, ta nhận ra được tính chất cách mạng của Heidegger: không phải là những điều kiện tiên nghiệm vượt thời gian và không gian, cũng không phải là những điều kiện ngoại tại của thời gian, hay không gian có thể quyết định sự sống, mà phải chính là sự sống, tức Hữu sinh (Being) đượng tự phát hiện, biểu hiện chính mình trong không gian và thời gian. Nói cách khác, qua sự nghiên cứu về những phương thế, hình thái, trật tự xuất hiện của Hữu sinh, tức là qua việc nghiên cứu hiện thể (analysis of Dasein), và việc chính chúng ta đương xuất hiện mà ta hiểu được sự sống con người. Heidegger viết: "Sự sống chỉ được nhận ra trong chính hiện thể." [9] Nếu như vậy, thì nền triết học về Hữu sinh tự nó đã là một nền triết học thông diễn: "Cái định luật hữu sinh tính (ontological) của hiện thể đưa chúng ta vào trong một nền khoa học của thông diễn, thông diễn về chính cái bản tính tự thông diễn của hiện thể." [10]
Từ một nền căn bản hữu sinh tính như thế, Heidegger đặt lại nền tảng cho TDH. Ðể độc giả có thể theo dõi một cách dễ dàng tư tưởng của Heidegger, chúng tôi xin tóm tắt nền tảng TDH của Heidegger vào những điểm căn bản như sau: (1) Sự hiểu biết không chỉ dựa theo mô hình lịch sử hay mô thức khoa học (như thấy trong nền TDH của Dilthey) mà còn phải vượt khỏi những giới hạn do không gian và thời gian xác định. (2) Sự hiểu biết chính là một cách thế hiện hữu căn bản của Hữu sinh (the foundational mode of existing of Being), và như vậy, bất cứ một sự hiểu biết nào cũng mang tính chất thời gian, ý hướng và lịch sử. (3) Nói một cách chung, sự hiểu biết chính phải bao gồm tất cả qúa trình hữu sinh học (ontological process) chứ không chỉ là một sự tri thức thuần nhất về một sự vật trong một gia đoạn, một không gian nhất định; và sự hiểu biết chính là sự tự khai mở của sự vật, của con người cho chính con người chứ không phải chỉ là một sự truy tầm ý thức hay vô thức. Sau đây, chúng tôi xin giải thích thêm về những quan điểm căn bản trên của nền TDH theo Heidegger, qua những đề mục như sau:
- Nhận Biết và Thông Hiểu (Knowing and Understanding)
- Thông Hiểu, Cách Thế Hiện Hữu và Lịch Sử Tính (Geschichtlichkeit)
- Hữu Sinh Học (Ontology), Hiện Tượng Học và Thông Diễn Học
- Những Quan Niệm Nền tảng của Thông Diễn Học
Chú Thích:
[3] Như độc giả nhận ra, những thuật ngữ của Heidegger rất khó dịch. Trong qúa khứ, từ "existential" từng được dịch là "hiện sinh" (Trần Thái Ðỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Sài Gòn, 1967), hay "hiện thể" (Lê Tôn Nghiêm), trong khi "ontological" là "hữu thể" (Trần Thái Ðỉnh, Lê Tôn Nghiêm). Giới triết học hiện nay (Nguyễn Hào Hải, Một Số Học Thuyết Triết Học Phương Tây Hiện Ðại, Hà Nội: Nxb Văn Hoá Thông Tin, 2001, ctr. 89., cũng như Nguyễn Hữu Vui, Lịch Sử Triết Học, Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 2002, ctr. 523), dùng từ "hiện sinh" để dịch từ "existential", và "bản thể" để dịch từ "ontology". Thực ra, các thuật ngữ trong triết học Heidegger rất phức tạp. Những kiểu dịch trên không hẳn sai, nhưng chưa lột ra hết được ý nghĩa của ngôn ngữ Heidegger. Thế nên, chúng tôi xin đề nghị tạm dịch như sau:
existential = hữu hiện tính,
existentiel = hiện tính,
ontology = hữu sinh luận,
ontological = hữu sinh tính,
ontical = hiện thể tính.
Ngoài ra: Sein, Being = Hữu, Hữu sinh;
Seiendes, being, hay beings = Hiện hữu, hay hữu thể;
Dasein, being-there = hiện thể;
In der-Welt-sein, Being-in-the-world = Hữu-sinh-tại-thế;
Mitsein = Cộng sinh, cộng thể;
Sosein = Như thể, hữu thể như thế.
[4] Nền triết học hiện đại của Nhật có thể nói là chịu ảnh hưởng Heidegger rất sâu đậm. Những triết gia nổi tiếng như Nishida Kytaro (1870-1945), Tanabe Hajime (1885-1962), Nishitani Keiji (1900-1991) đều bị ảnh hường của Heidegger. Tại Trung Hoa, chúng ta thấy nền triết học hiện nay không ít thì nhiều đều chịu ảnh hưởng của Heidegger. Tại Ấn Ðộ ta cũng thấy tương tự với những triết gia-thần học gia như Raimondo Panikka, vân vân. Tại Việt Nam, người theo Heidegger nổi bật nhất có lẽ là Lê Tôn Nghiêm, cựu giáo sư tại các ÐH Văn Khoa Huế, Sài Gòn và Vạn Hạnh, đặc biệt với tác phẩm Heidegger Trước Sự Phá Sản của Tư Tưởng Tây Phương (Sài Gòn: Lá Bối, 1970). Ngay bộ Lịch Sử Triết Học Tây Phương của ông cũng đầy dấu vết của Heidegger.
[5] Chúng tôi dựa theo bản năm 1949, xuất bản lần thứ 6: Martin Heidegger, Sein und Zeit (Tubingen: Neomarius, 1949). Bản Anh ngữ do Robinson và Macquarry dịch (New York: Harper & Row, 1962). Lối dịch quen thuộc tại Việt Nam như thấy nơi Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Ðỉnh, Trần Công Tiến, và nhiều người khác là Hữu Thể và Thời Gian.
[6] Sein und Zeit, tr. 46.
[7] Immanuel Kant, Kritik der reinen Vernunft (1781). Trong tập sách kinh điển làm nền tảng cho tri thức luận và khơi nguồn cho một nền siêu hình học mới, Kant viết: "Tất cả những điều mà lý trí tôi quan tâm đến (cả lý thuyết lẫn thực hành) hợp lại trong ba câu hỏi: (1) Tôi có thể biết gì? (2) Tôi phải làm gì?, và (3) Tôi được phép hy vọng gì?". A 805 f., B. 833 f. (Alles Interesse meiner Vernunft (das spekulative sowohl, als das praktische) vereinigt in folgenden drei Fragen: (1) Was kann ich wissen? (2) Was soll ich tun?, (3) Was darf ich hoffen?). Bản dịch của chúng tôi. Ðộc giả cũng có thể tham khảo bản Việt ngữ (rất công phu) của Bùi Văn Nam Sơn: Phê Phán Lý Tính Thuần Túy (Hà Nội: Nxb Văn Học, 2004), tr. 1145.
[8] Martin Heidegger, Kant und das Problem der Metaphysik (1929), ctr. 187-188. Khi suy tư 3 câu hỏi về con người của Kant, ông cho rằng, theo Kant, câu hỏi căn bản nhất vẫn là "Con người là gì?". Heidegger viết: "Daher sagt Kant in der Einleitung zu seiner Logikvorlesung, wo er den Begriff der Philosophie ueberhaupt entwickelt: "Das Feld der Philosophie in dieser weltbuergelichen bedeutig laesst sich auf folgende Fragen bringen: (1) Was kann ich wissen?, (2) Was soll ich tun?, (3) Was darf ich hoffen?, (4) Was ist der Mensch? (WW (Cassirer), VII, tr. 343)... Allein Kant hat diese vierte Frage den ersten dreien nicht einfach angestueckt, sondern er sagt: "Im Grunde koennte man aber alles dieses zur Anthropologie rechnen, weil sich die drei ersten Frage auf die letzte beziehen." (sđd., tr., 344). Tạm dịch đoạn cuối cùng: "Riêng Kant đã không có gắn câu hỏi thứ tư vào ba câu hỏi đầu một cách qúa đơn giản, nhưng (ngược lại) như ông nói: "Tự căn bản ta có thể coi tất cả những câu hỏi này đều thuộc về nền nhân học, bởi lẽ tất cả ba câu hỏi đầu đều quy về câu hỏi cuối cùng." Cũng xin tham khảo: Trần Thái Ðỉnh, Triết Học Kant (Sài Gòn: Phạm Quang Khai, 1969), ctr. 12-13.
[9] Sein und Zeit, tr. 50.
[10] Như trên.
Trần Văn Ðoàn
Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004