Thông Diễn Học
Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương IV
Hiện Tượng Học tại Việt Nam
(Phenomenology
in Vietnam)
"Hiện Tượng Học tại Việt Nam" vốn là bài báo cáo khoa học viết bằng Anh ngữ hoàn tất vào tháng 8.2004 (Phenomenology in Vietnam - A Panaromic Review). Thực ra, vào năm 1983, dịp Hội Nghị Quốc Tế lần Thứ Nhất tại Viễn Ðông về Hiện Tượng Học (ÐH Ðông Hải, Ðài Trung, Ðài Loan, 8. 1883), tôi đã nhận lời mời của Tập san Nghiên cứu Phenomenological Information (Boston) viết một đoản luận về hiện tượng học tại Trung Hoa và Việt Nam, nhắm bổ túc vào tập The Phenomenological Movement của Giáo Sư Herbert Spiegelberg (ÐH Washington, St. Louis). Nhưng vì thiếu tài liệu, nên không thể hoàn tất. Năm 2003, tại Ðại Hội Triết Học Thế Giới lần thứ XXI tại Istanbul, Giáo sư Tiến sỹ Anna-Teresa Tymieniecka (Chủ tịch Viện Hiện Tượng Học Quốc Tế, Boston), và chủ biên kho tài liệu nghiên cứu Hiện tượng học Husserliana mời tôi như là một thành viên danh dự của Ban Tổ Chức (Honorary Organizer) Hội Nghị Quốc Tế về Hiện Tượng Học tại ÐH Oxford, tháng 7 năm 2004. Bà cũng đề nghị tôi trình bày Hiện tưọng học tại Viễn Ðông cho toàn thể hội nghị. Dịp này đòi buộc tôi phải đọc lại các tác phẩm của các Giáo sư Trần Ðức Thảo, Trần Thái Ðỉnh, Lương Kim Ðịnh, Cao Xuân Huy, Lê Tôn Nghiêm, Vũ Kim Chính và của vài vị mà gần đây tôi mới biết hay để ý đến như Tiến sỹ Ðặng Phùng Quân, Trần Công Tiến và cả Giáo sư Nguyễn Văn Trung. Ðặc biệt, Khoa Triết Học (Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Hà Nội) ủy thác chúng tôi hiệu đính lại bản dịch Hiện Tuợng Học và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng của Giáo sư Trần Ðức Thảo. Dịp này, người viết đã tìm hiểu thêm về triết gia họ Trần. Nơi đây tác giả chân thành cảm tạ Tiến sỹ Trịnh Trí Thức (Chủ Nhiệm, Khoa Triết Học, ÐHKHXHNV), Giáo sư Viện sỹ Dương Thụ Tử (Hàn Lâm Viện Khoa Trung Hoa, Hiệu Trưởng ÐH Hoa Trung) và Giáo sư Tiến sỹ Âu Dương Khang (Phó Hiệu Trưởng ÐH Hoa Trung) cũng như Giáo sư Tiến sỹ Tymieniecka đã có nhã ý tạo dịp giúp chúng tôi hoàn tất bài viết.
Lời Nói Ðầu
Chương này mạn đàm về hiện tượng học từng được giới triết học người Việt sử dụng. Sở dĩ phải viết về hiện tượng học tại Việt Nam, nhất là về quan điểm của Giáo sư Trần Ðức Thảo về hiện tượng học, là vì như chúng tôi nghĩ, những nhà thông diễn Việt dựa trên phương pháp hiện tượng học có những lý giải đáng chú ý hơn lối giải thích tầm chương trích cú của các nhà nho. [1] Nhất là, để thế hệ triết học trẻ nhận ra được thông diễn khoa học khác hẳn với cái lối "vẽ rồng thêu phượng" của giới văn chương, "vễ hươu vẽ vượn" của những nhà bình luận văn học, hay "phóng đại tô mầu" và "đoạn chương cử ý" của những nhà chính trị cực đoan, vốn bị cái tâm lý thường tình "Yêu nhau yêu cả đường đi; Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng" chi phối. Những kiểu giải thích "bách hoa khai phóng, trăm hoa đua nở" này nhan nhản trong rừng sách ở nhiều nơi cả trong lẫn ngoài nước.
Trong chương này, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các học giả Việt, đặc biệt Giáo sư Trần Ðức Thảo, nguyên Phó Giám Ðốc Ðại Học Sư Phạm Văn Khoa Hà Nội. Chúng tôi cũng bàn một chút vềø Giáo sư Trần Thái Ðỉnh, nguyên Khoa Trưởng Khoa Triết Học, Ðại Học Công Giáo Ðà Lạt, mà tác phẩm Hiện Tượng Học là gì? của ông đã từng đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển hiện tượng học ở Việt Nam.
Bàn về Giáo sư Trần Ðức Thảo, [2] và một phần ngắn gọn về một số học giả Việt đã từng áp dụng hay bàn về hiện tượng học tại Việt Nam, mục đích không gì khác hơn là công việc lịch sử, giúp độc giả có một cái nhìn khách quan về họ, và nhất là thẩm định lại vai trò của họ trong sự hình thành của triết học Việt Nam. Chính vì vậy, phần này không mang tính cách phê bình, cũng không phải là ý kiến (hay quan điểm) riêng tư của tác giả. Phần này càng không liên quan trực tiếp tới phương pháp hiện tượng mà chúng tôi đã nêu ra trong chương hai. Nói theo hiện tượng học, phần này chỉ là một sự diễn tả thuần túy, để sự kiện tự nó nói lên chính mình.
1. Trần Ðức Thảo và Hiện Tượng Học
2. Hiện Tượng Học và Chủ Thuyết Mác-Xít
3. Hiện Tượng Học tại Miền Nam trước 1975
4. Hiện Tượng Học nơi Cộng Ðồng Việt Kiều
Chú Thích:
[1] Thí dụ lối lý giải đạo học của cụ Cao Xuân Huy (Tư Tưởng Ðông Phương Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu, 1995) có nhiều điểm đáng suy nghĩ hơn là lối giải thích tầm chương trích cú của cụ Trần Trọng Kim (Nho Giáo, 1933, 1971, tái bản lần thứ 3). Lối lý giải của Giáo sư Kim Ðịnh (Cửa Khổng, 1961, Việt Lý Tố Nguyên, 1970) táo bạo và sâu sắc hơn những lối giải nghĩa câu văn, và giai tích lịch sử của hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê (Ðại Cương Triết Học Trung Quốc (1963), và nhất là lối tán rộng của cụ Nguyễn Ðăng Thục (Lịch Sử Tư Tưởng Ðông Phương, 1971; Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (1992, tái bản), vân vân.
[2] Trần Ðức Thảo sinh năm 1917 tại Bắc Ninh (xã Song Tháp, huyện Từ Sơn). Qua đời năm 1993 tại Paris. Sau năm thứ nhất ở Trường Luật tại Hà Nội, Trần Ðức Thảo qua Pháp theo học hai trường Louis-le-Grand và Henri IV ở Paris để luyện thi vào các Ðại Học Viện (les Grandes Écoles). Sau đó nhập học Ðại Học Viện Sư Phạm Cao Ðẳng Ba Lê (L'Eùcole normale supérieure de Paris), nơi đào tạo giớí trí thức lãnh đạo của Pháp. Ông đậu Thạc sỹ (agrégation, tứùc chứng chỉ có đủ tư cách dậy Trung học) năm 1943. Sau đó được tiếp tục học bổng của chính phủ Thuộc Ðịa để dọn luận án Tiến sỹ Quốc gia tại ÐH Sorbonne. Vì tình hình đất nước, ông bỏ dở dự án Tiến sỹ và về Việt Nam năm 1952 tham gia kháng chiến chống Pháp tại Việt Bắc. Từng là Phó Giám Ðốc Ðại Học Sư Phạm Văn Khoa, Chủ Nhiệm Khoa Lịch Sử, và bộ môn Lịch Sử Triết Học. Sau vụ "án" Nhân Văn Giai Phẩm, ông được giao phó một số công tác khác. Các tác phẩm đã xuất bản: Phénoménologie et matérialisme dialectique (1951), (bản Việt ngữ, năm 2004), Recherches sur l'origine du langage et de la conscience (1973; bản Việt ngữ, 1996), Lịch sử tư tưởng trước Mác (1995), Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người (1988).
Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Oxford, Anh Quốc
Dịp Hội Nghị Quốc Tế về Hiện Tượng Học 07.2004