Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương IV

Hiện Tượng Học tại Việt Nam

(Phenomenology in Vietnam)

 

3. Hiện Tượng Học tại Miền Nam trước 1975

Ngoài Giáo sư Trần Ðức Thảo, Giáo sư Trần Thái Ðỉnh của Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn và Ðại Học Công Giáo Ðà Lạt (trước năm 1975) [45] cũng đã từng viết một tập về hiện tượng học mà chúng tôi đã nhắc trong phần chú thích trên. Tập sách này mang tính cách giới thiệu với những lối giải thích sáng sủa mạch lạc, và nhất là trung thực và súc tích. [46] Tuy nhiên, như chính tác giả thành khẩn công nhận, nội dung của tập sách này thực ra chỉ là những diễn giải 16 trang sách phần dẫn nhập của tác phẩm Phénoménologie de la perception của Maurice Merleau-Ponty, chính vì vậy nền hiện tượng học nơi đây là của Merleau-Ponty chứ không phải của Trần Thái Ðỉnh.

Như vậy, chúng tôi bắt buộc phải thêm vài hàng về nền hiện tượng học của Merleau-Ponty, người được coi như là nhà hiện tượng học nổi bật nhất của Pháp. Theo lối trình bày của Spiegelberg, [47] Merleau-Ponty lý giải hiện tượng học qua 5 đặc điểm:

(1) Kết cấu của hành vi con người có thể được nhận ra nhờ vào sự khám phá ra hình thái của hiện tượng (hành vi). Trong tác phẩm đầu tay La Structure du comportement, [48] Merleau-Ponty đã khá thành công trong công việc dùng nền hiện tượng hình thái để tái kiến cấu nền tâm lý hành vi (behaviorism) với nền tâm lý học hình thái (Gestalt psychology). Ðối với Merleau-Ponty, nền tâm lý hành vi không có sai, nhưng thiếu sót khi bỏ qua vai trò của phản tư hay phản tỉnh (réflexion, reflection). Ðể hiểu được hành vi con người, ta cần biết nhiều hơn là những tác động (dữ kiện) bên ngoài (mouvements externes). Thế nên, một lối nghiên cứu hiện tượng và hiện sinh có thể bổ túc chủ thuyết hành vi. Nói cách chung, hành vi "không phải là một thực thể vật chất, cũng không phải là một thực thể tâm lý, nhưng là một kết cấu (structure), không hoàn toàn tùy thuộc vào ngoại thế (monde externe) hay nội sinh (vie interne)." [49] Nói một cách khác hành vi mang tính chất kết cấu. Nhưng kết cấu này không hẳn theo nghĩa hình thái (Gestalt) mà Wolfgang Koehler chủ trương, bởi lẽ nó được nhận ra một cách trực tiếp trong chính kinh nghiệm sống. Vậy nên, theo ông, hành vi mang ba loại hình thái không hoàn toàn đồng nhất: (1) hình thái hỗn hợp (formes synchrétiques), tức hành vi mà kích thích và phản ứng cùng xẩy ra một lúc. Hình thái này từng được Pavlov và Skinner phát triển; (2) hình thái tái biến (formes amovables) tức là loại phản ứng không theo kích thích mà theo kết cấu, tức theo trạng huống. Hành vi này chỉ thấy nơi động vật có trí thông minh, và nhất là nơi con người. Thí dụ phản ứng đỏ mặt, hay bẽn lẽn khi được ca ngợi trước người khác, hay trước đám đông; và (3) hình thái biểu tượng (formes symboliques) tức loại hành vi mà kích thích và phản ứng luôn liên quan tới nguyên lý (xã hội, đạo đức) từng được chúng ta chấp nhận. Thí dụ, khi nói dối, ngay cả khi không ai biết, ta cũng cảm thấy áy náy. [50]

(2) Ðặc điểm thứ hai của Merleau-Ponty đó là việc ông đưa tác động "nhận thức" (perception) [51] lên hàng đầu của ý thức và tri thức. Nhận thức là một hành vi nhận biết qua ý thức về chính kinh nghiệm sống. [52] Thế nên nhận thức nhắm tới phát hiện cái điểm căn bản trong kinh nghiệm sống, chưa từng bị những lối giải thích khoa học làm biến đổi. Có thể nói, công năng chính yếu của nhận thức chính là việc nhìn ra và diễn tả thế giới (hay sự vật) đương tự hiện ra (trình bày) cho chúng ta một cách cụ thể và trong khả thể của nó, mà không có bỏ đi cái ý nghĩa hay ngay cả sự thiếu nghĩa, tính chất minh bạch hay ngay cả tính chất hỗn nghĩa (ambiguité) của nó.

(3) Ðiểm thứ ba, Merleau-Ponty tái dựng vai trò của cái "tôi suy tư" (cogito) của Descartes, coi nó như là Hữu-sinh-tại-thế (être-au-monde, một quan niệm của Heidegger, In-der-Welt-sein). [53] Khi phê bình cái "tôi suy tư" của Descartes, Merleau-Ponty nghi ngờ tính chất bất khả nghi hoặc của cái "tôi suy tư", bởi lẽ hành vi suy tư không thể tách rời khỏi đối tượng được suy tư (objet pensé). Hành vi nhận thức và sự vật đương được nhận thức không thể tách biệt ra được. Ý thức do đó, gần giống Kant, là một sự siêu nghiệm, và không thể khác hơn nữa. Như vậy, một cái "tôi suy tư thật sự" (le cogito véritable) chỉ có thể biểu tả được qua chính hiện tượng (PP, tr. 342), và qua chính cái thế giới tôi đương sống (PP, tr. 432). Ðặc biệt tự sống một cách tin tưởng (theo ngôn ngữ của Merleau-Ponty, "nhắm mắt lại ném mình vào trong hoạt động", PP, tr. 438).

(4) Ðiểm thứ bốn, nền hiện tượng học của Merleau-Ponty đặc biệt đặt lại vai trò và công năng của chủ thể tính (subjectivité) và thời gian tính (temporalité). Nơi đây ta thấy ảnh hưởng của Heidegger đè nặng trên vai Merleau-Ponty. Ông muốn làm một cuộc tổng hợp giữa Husserl và Heidegger, chứng minh là thời gian tính gắn liền với hữu sinh (Being). Thời gian không phải là một bộ phận của thế giới ngoại tại. Quá khứ, tương lai, và sự "tự rút mình ra" (se retirer) khỏi hiện hữu thực ra chỉ là những chiều kích (dimensions) của chính chủ thể tính mà thôi. Theo ông, "chính thời gian phải được coi như là chủ thể, và chủ thể như là thời gian" (PP, tr. 483). Câu này muốn nói lên một sự kiện, đó là chủ thể không chỉ đơn giản ở trong thời gian, bởi lẽ nó đòi buộc và sống thời gian, và dấn thân vào trong thời gian. Nó hoà hợp với thời gian.

(5) Ðiểm thứ năm đó là chủ trương không có một nền tự do tuyệt đối, mà chỉ có một tự do mang điều kiện (liberté conditionnée), hay một tự do hữu hạn mà thôi. Ngược lại với đòi hỏi của Sartre, Merleau-Ponty nhận định là vì là một hữu-sinh-tại-thế, con người hiện diện trong một thế giới sống, và như thế hiện sinh của ta không thể tách biệt khỏi bản chất của thế giới sống: "Không phải chỉ chúng ta mới lựa chọn thế giới, mà chính thế giới đã lựa chọn chúng ta." (PP, tr. 518). Hiểu theo nghĩa như vậy, tự do luôn là một tự do hữu hạn, bị hạn chế. (1) Nó bắt đầu với "một hoàn cảnh nơi ta hiện hữu" mà ta không thể kiểm soát được. [54] (2) Sự lựa chọn (thế giới) của chúng ta không hoàn toàn đầy ý thức, nhưng là một sự lựa chọn tiền thức (preconscious), tức một lựa chọn hiện sinh (PP, tr. 516).

Trở lại tập sách của Giáo sư Ðỉnh, ta thấy, tuy không trình bầy một cách hệ thống những điểm trên như chúng tôi đã làm, nhưng ông cũng đã đưa ra nhiều điểm tương tự, rất hữu ích cho việc tìm hiểu hiện tượng học. Ðáng tiếc là, tập sách này không phản ánh được lập trường riêng của tác giả. Chính vì Giáo sư Ðỉnh theo đúng phương châm "thuật nhi bất tác" của Khổng Tử, dựa theo nền hiện tượng học của Merleau-Ponty, [55] chứù không hẳn dựa trên Husserl hay Heidegger, nên chúng tôi tuy tham khảo, nhưng không bàn tới nhiều như trường hợp Giáo sư Trần Ðức Thảo. Ðiều cần phải nói là, mặc dù Giáo sư họ Trần nghiên cứu hiện tượng học, ông không bị ảnh hưởng nhiều của phương pháp này. Tuy là môn đồ của Merleau-Ponty, Trần Thái Ðỉnh có lẽ bị ảnh hưởng của Descartes và Kant nhiều hơn. Chính vì vậy, ông chưa phải là một nhà hiện tượng học theo đúng nghĩa như Giáo sư Trần Ðức Thảo. Trong các tác phẩm về triết học, ông cố gắng trình bày một cách trung thực, và khách quan. Ông ít khi đem những ý kiến riêng của mình vào để ảnh hưởng người đọc, như trường hợp Giáo sư Trần Ðức Thảo nơi các tác phẩm Việt ngữ. Trần Thái Ðỉnh cũng không bị cái "bóng" của Merleau-Ponty hay Husserl ám ảnh; càng không bị cái "hồn ma" Heidegger thâm nhập (trường hợp Giáo sư Lê Tôn Nghiêm với những các tác phẩm của ông), [56] và hoàn toàn không bị cái "bóng đen" của Sartre bao phủ (như trường hợïp Giáo sư Nguyễn Văn Trung).

Như bạn đọc đã thấy, trong phần bàn về phương pháp hiện tượng học của Merleau-Ponty, chúng tôi trực tiếp tham khảo tác phẩm Phénomenologie de la perception của ông. Tuy vậy, phần nào đó chúng tôi cũng dựa theo lối trình bày của Giáo sư Trần Thái Ðỉnh, và của Giáo sư Spiegelberg chúng tôi đã ghi chú ở trên. Một số đoạn văn dịch từ sách của Merleau-Ponty, chúng tôi dựa theo bản dịch của Giáo sư Ðỉnh. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi đổ khoán cho hai Giáo sư Spiegelberg và Trần Thái Ðỉnh, mà chỉ muốn thành khẩn nói lên công lao của họ. Nơi đây, tác giả chương sách này cần phải minh xác là, nếu có gì sai lầm, thiếu sót, thì đó là do sự hiểu biết chưa tới tận cùng của chúng tôi chứ không phải do các Giáo sư Spiegelberg và Trần Thái Ðỉnh.

Nói cách chung, tại miền Nam trước 1975, hiện tượng học thực ra không được chú trọng lắm. Trừ một vài vị như Giáo sư Trần Thái Ðỉnh, Giáo sư Lê Tôn Nghiêm, vân vân, (mà chúng tôi đã nhắc tới), tuyệt đại đa số giới trí thức chỉ chú ý một cách đặc biệt tới triết học hiện sinh. Nếu có để ý tới hiện tượng học, thì chỉ vì nó là một trường phái triết học làm phát sinh triết học hiện sinh mà thôi. Một lý do khác, vì vốn bị ảnh hưởng của Tây, và bởi vì đó là một phong trào triết học chính yếu tại Âu châu vào những thập niên 1960s và 1970s, [57] họ bắt buộc phải để ý tới nó. Như chúng tôi biết (có thể không hẳn đúng), trong giới văn sĩ, có rất nhiều người bị ám ảnh bởi Heidegger (qua các bản dịch hay chước tác bằng Pháp ngữ), mặc dù họ không nắm vững được tư tưởng của đại triết gia người Ðức này. Cái "bóng ma" của Nietzsche, Heidegger, và của những văn sĩ như Franz Kafka, cộng thêm "cái mốt đi làm một tổng hợp" tư tưởng Ðông phương (thí dụ của Rabin Tagore, Daetzu Suzuki) với triết học Tây phương đã biến giới văn sĩ Sài Gòn thành những nhà phân tâm, hiện tượng nửa vời. Như vậy, hiện tượng học đã bị họ biến hóa thành cái "mốt" hợp thời, giống như thời trang Paris. Ðặc biệt "hiện tượng học" theo lối phân tích (vẽ vời) của Sartre, và phần nào của nhà văn hiện sinh Francois Sagan của Pháp và Henry Miller của Mỹ. [58] Thực ra, hiện tượng học chẳng được mấy người hiểu, đừng nói đến áp dụng phương pháp hiện tượng vào trong công việc phân tích hay diễn tả cái thế giới sống của họ. Làm sao mà họ áp dụng được khi ngay cả cái tinh thần của hiện tượng học muốn xây dựng một nền khoa học nghiêm túc đã bị họ bóp méo thành một lối sống buông thả? Làm sao có thể nghiêm túc được khi họ không thể đọc nổi những tác phẩm khô khan như Logische Untersuchungen (Những Truy Cứu Luận Lý) (1900 Tập 1, 1901 Tập 2), Ideen zu einer reinen Phaenomenologie und phaenomenologischen Philosophie (1913 Tập 1, 1952 tập 2 và 3) (Những Ý Niệm về một nền Hiện Tượng Học Thuẩn Túy và Triết Học Hiện Tượng) và Die Krisis der eupropaeischen Wissenschaften und die transzendentale Phaenomenologie (1936) (Sự Khủng Hoảng của Nền Khoa Học Âu Châu và Hiện Tượng Học Tiên Nghiệm) của Husserl, Sein und Zeit (1927) (Hữu Sinh và Thời Gian) của Heidegger, Phénoménologie de la perception (Hiện Tượng Học về Tri Giác (1947) của Merleau-Ponty và L'être et le néant (Hữu Thể và Hư Vô) (1943) của Sartre? Thay vào đó họ tôn vinh La nausée (Nôn Mửa), Le diable et le bon dieu (Thằng Qủy và Thượng Ðế Nhân Lành), Le trou (Cái Lỗ) của Sartre, L'étranger (Người Dị Hương), Le myth de Sysyphe (Thần Thoại Sysyphe) của Albert Camus, vân vân, như những thánh kinh đương thời?

 

Chú Thích:

[45] Giáo sư Trần Thái Ðỉnh sinh năm 1922 tại Hưng Yên. Từng tòng học tại Institut catholique de Paris, và theo những khóa học tại Collège de France. Trần Thái Ðỉnh đậu Tiến sỹ Triết học tại Paris (1958). Từ năm 1958, ông bắt đầu giảng dậy Triết học tại Ðại Chủng Viện Xuân Bích, Ðại Học Huế, và sau đó tại Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn, Ðại Học Ðà Lạt, vân vân. Ông là tác giả của nhiều tập sách về triết học Tây phương hiện đại như Triết Học Hiện Sinh (1967), Triết Học Nhập Môn (1961), Triết Học Kant (1972), Cơ Cấu Luận, Hiện Tượng Học Là Gì? (1969), Giáo sư Ðỉnh cũng là một dịch giả và chú giải nổi tiếng hai tác phẩm của Descartes: Những Suy Niệm Siêu Hình Học (1962), và Phương Pháp Luận (1973). Tuy là người Công giáo, ông cũng là một nhà nghiên cứu triết học Phật giáo rất nghiêm túc. Hiện ông đương cho xuất bản tập luận án về Phật giáo của ông.

[46] Trần Thái Ðỉnh, Hiện Tượng Học Là Gì? Sđd. Tập sách gồm 6 chương: (1) Giới thiệu và định nghĩa Hiện tượng học, (2) Lập trường Hiện tượng học, (3) Phương pháp giảm trừ Hiện tượng học, (4) Những bản chất Hiện tượng học, (5) Ý hướng, bản chất của ý thức, và (6) Vấn đề chân lý.

[47] Spiegelberg, ctr. 556-574.

[48] Maurice Merleau-Ponty, La Structure du comportement (Paris, 1942). Bản dịch Anh ngữ của Alden Fisher: The Structure of Behavior (1963).

[49] Maurice Merleau-Ponty, La Structure du comportement, tr. 197.

[50] Chú ý là trong tác phẩm tiếng Pháp thứ hai Tìm Cội Nguồn của Ngôn Ngữ và Ý Thức (Recherches sur l'origine du langage et de la conscience, 1973), Trần Ðức Thảo đã phần nào áp dụng lối nhìn này của Merleau-Ponty.

[51] Trong tác phẩm Phenoménologie de la perception, thuật ngữ perception mang nhiều nghĩa, bao gồm "trực giác", "nhận ra", "tri giác". Nơi đây chúng tôi tạm dùng thuật ngữ "nhận thức" vì nó bao gồm ba nghĩa: nhận ra, ý thức và nhận biết. Ðó không phải là một tri thức thuần túy (knowledge) kiểu Plato, mà là một nhận thức qua chính kinh nghiệm trong thế giới sinh sống, hay thế sinh (life-world). Giới triết học Pháp dùng thuật ngữ "connaissance" trong trường hợp này.

[52] Theo Merleau-Ponty, vai trò của nhận thức có thể bao gồm: (1) nhận thức là nhận ra một ý nghĩa tiềm tàng đương "sáng tỏ" (jaillir) ra từ cụm toà các dữ kiện (constellation des data) (Phenoménologie de la perception (PP), tr. 30); (2) nhận thức là "một tác động của con người có thể thấu suốt được (traverser) sự thật toàn vẹn mà không còn nghi ngờ chi nữa" (PP. tr. 50); (3) Nhận thức là "một sự dấn thân (engager) ngay lập tức vào (thế giới) tương lai của kinh nghiệm ngay trong hiện tại, một hiện tại không có đảm bảo được tương lai: đó chính là tác động tin tưởng vào chính cái thế giới đương sống" (PP, tr. 344); (4) chính vì vậy mà nhận thức luôn là một cuộc mạo hiểm. Nó không phải là một phương thế chứng minh gạt bỏ ảo tưởng. Ðây là lý do tại sao, giống nhà triết học Mỹ, John Dewey, Merleau-Ponty chối bỏ lối đòi hỏi qúa trớn về một sự chân thực tuyệt đối.

[53] Giới triết học miền Nam như các Gs Trần Thái Ðỉnh, Lê Tôn Nghiêm trước năm 1975 dịch là "hữu-thể-tại-thế."

[54] Merleau-Ponty từng viết trong Phénoménologie de la perception, tr. 516: "Chúng ta luôn hiện hữu trong một hiện thể toàn nhất; giống như bộ mặt (của ta), ngay cả khi ngủ, và ngay cả trong cái chết, nó luôn bị "kết án" đương diễn tả một cái chi đó."

[55] Cũng xin thk. Jean-Francois Lyotard, La phénoménologie, sđd.; và đặc biệt, Maurice Merlaeau-Ponty, La phénoménologie de la perception, sđd.. Chú ý là phương pháp hiện tượng học mà Giáo sư Trần Thái Ðỉnh trình bày đúng ra là phương pháp hiện tượng học được triết gia Merleau-Ponty từng phát triển trong tác phẩm Phénoménologie de la perception, như tác giả rất trân trọng nói với độc gỉa (Trần Thái Ðỉnh, ctr. 7-8, 13).

[56] Ðặc biệt trong tác phẩm Heidegger Trước Sự Phá sản của Tư Tưởng Tây Phương, sđd. Với tác phẩm này, Lê Tôn Nghiêm lập lại nguyên vẹn tư tưởng của Heidegger, và giải thích tất cả nền tư tưởng Tây phương theo một quan điểm như vậy.

[57] Những tríết gia và thần học gia áp dụng phương pháp hiện tượng học (thông diễn học) nhiều nhất bao gồmï các Gs Lê Tôn Nghiêm, Gs Thân Văn Tường, Gs Bùi Văn Ðọc, và cả Gs Kim Ðịnh. Riêng Gs Lê Tôn Nghiêm có thể được coi như là một đồ đệ trung thành của trường phái Heidegger. Trừ những học giả trên, còn có khá nhiều "trí thức" tự xưng (hay tự tôn) mình là những "triết gia" thông hiểu hiện tượng học. Tôi còn nhớ tới một vị trẻ tuổi (nhưng "tài cóp nhặt" rất cao), từng dậy triết học tại một Ðại Học Phật Giáo (mà tôi không muốn nhắc tới qúy danh). Ông này không những chỉ bị ảnh hưởng, mà có thể nói, bị ám ảnh bởi Heidegger và Nietzsche trong những tác phẩm với những đầu đề rất kêu, với những thuật ngữ tự nó đã rất tối tăm như "Hố Thẳm...", "Im Lặng...", vân vân. Ông sao chép mà chẳng thèm nêu ra nguồn gốc của đoạn văn. Ðây là một lối đạo văn (tức ăn cắp văn hay tư tưởng của người khác), đáng tiếc, và đáng buồn, rất thông thường tại miền Nam trước năm 1975. Lối sao chép này làm độc giả tin là chính ông mới là tác gỉa của những đoạn văn. Rất tiếc là dấu đầu hở đuôi, vì ngay cả sao chép, cũng sai be bét. Với cái vốn liếng tiếng Ðức, La tinh, Hy lạp, Hán ngữ rất đáng nghi ngờ, ông không thể phân biệt được những từ ngữ thông thường. Cùng một từ Hy lạp, ông chép lại nhiều lần, nhưng gần như mỗi lần đều chép khác nhau. Về những đoạn văn tiếng Ðức, mỗi hàng chữ ít nhất hai ba chữ sai. Rồi những câu bằng tiếng Ý, Tây ban nha, chép rất nực cười. Những câu bình luận cũng rất tự tiện, chẳng liên quan đến những tư tưởng gia này. Lối "triết học cóp nhặt" này hoàn toàn phản bội phương pháp hiện tượng học, tức một phương pháp đòi hỏi tính chất nghiêm nhặt, và chặt chẽ (rigorisity) của một nền khoa học. Ðáng buồn thay, giới "trí thức" Sài Gòn trước 1975 lại thích loại "triết học" như vậy, mà họ gán cho một cái tên thật kêu nhưng trống rỗng "minh triết".

[58] Những tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Văn Trung (như Nhận Ðịnh, Ca Tụng Thân Xác, vân vân) là một thí dụ điển hình của lối "vẽ vời hiện tượng" theo Jean-Paul Sartre. Trong một số bài viết khác của các tác giả như thi sĩ Bùi Giáng... ta thấy "hiện tượng học" thì ít, nhưng "vẽ hươu vẽ vượn", "tán rộng ra" thì nhiều.

 

Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Oxford, Anh Quốc

Dịp Hội Nghị Quốc Tế về Hiện Tượng Học 07.2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page