Thông Diễn Học
Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương IV
Hiện Tượng Học tại Việt Nam
(Phenomenology
in Vietnam)
1. Trần Ðức Thảo và Hiện Tượng Học
Giáo sư Trần Ðức Thảo của Ðại Học Hà Nội đã từng bàn về phương pháp hiện tượng học này, trong một tác phẩm đầu tay gây được một tiếng vang lớn, Phénoménoménologie et matérialisme dialectique (Hiện Tượng Học và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng), đặc biệt trong Phần Thứ Nhất mang tựa đề "Phương Pháp Hiện Tượng Học và Nội Dung Hiện Thực của Nó". [3] Nói cách chung, phần đầu của tập sách này đã trình bày hiện tượng học một cách rất sáng sủa và dễ hiểu, giúp giới triết học Pháp lúc đó hiểu rõ hơn về hiện tượng học. Chúng ta biết, trừ tác phẩm Phénoménologie de la perception của Merleau-Ponty, đa số những tác phẩm gọi là có tính chất hiện tượng học đều ở trong một tình trạng "hỗn mang chi sơ" và rất khó hiểu. Mỗi triết gia, thí dụ Jean-Paul Sartre (1905-1980), hay Gabriel Marcel (1889-1974), Emmanuel Lévinas (1906-1998), vân vân, đều có những lối nhìn khác biệt, và một lối trình bày khác nhau về hiện tượng học. Họ bị ảnh hưởng của Max Scheler (1874-1928) và Heidegger nhiều hơn là chính Husserl. [4] Chính vì vậy, lối diễn tả của họ không những khó hiểu, mà ngay phương pháp hiện tượng hay chủ trương hiện tượng học của họ cũng mỗi người một lối, nhưng chẳng có ai mười phen vẹn mười cả. Trong một bối cảnh như vậy, phần thứ nhất của tác phẩm Phénoménologie et matérialisme dialectique được giới chuyên gia hiện tượng học công nhận là nghiêm túc, và trung thực hơn khi bàn về Husserl và phương pháp hiện tượng học.
Trong phần thứ nhất này, ta thấy Giáo sư Thảo bàn về:
(1) Trực giác bản chất: Kỹ thuật để trực giác bản chất, sự phân biệt giữa bản tính của ý tính thuần túy (idéalités pures), và bản tính của ý tính kinh nghiệm (idéalités empiriques), ý nghĩa đích thực của khái niệm bản chất (notion d'essence), cũng như sự khó khăn trong công việc tìm ra tính chất khách quan của bản chất và sự đòi buộc trở lại chính chủ thể.
(2) Chương hai phân tích hai tác phẩm chính của Husserl, Nghiên Cứu Luận Lý (Logische Untersuchungen) và Ý Niệm (Ideen). Trong chương này, ta thấy Giáo sư Thảo dành 16 trang giấy để bàn về phương pháp réduction tức giản hoá (giảm trừ, truy nguyên), (ctr. 51-66). Ðặc biệt, ông diễn tả ý niệm "cấu tạo" (constitution, tức sự cấu thành ý niệm, quan niệm trong quá trình nhận thức) cũng như ý nghĩa của chủ thuyết duy ý tiên nghiệm (l'idéalisme transcendental) một cách rất súc tích.
(3) Chương thứ ba bàn về những khó khăn của lý tính trong việc nhận thức chân lý. Qua việc phê bình chủ trương đòi hỏi thực chứng (evidence) trong nền triết học duy lý của Descartes, tác giả đã nói lên được tầm quan trọng của phương pháp diễn tả hiện tượng học (description phénoménologique), và từ đây ông nhận ra được chủ trương của hiện tượng học, đó là trí phán đoán (lý trí) không có bẩm sinh (innée) nhưng phát sinh (génétique) theo cái thế giới sống (Lebenswelt).
(4) Chương thứ tư, tức chương cuối cùng bàn về hiện tượng học của Husserl là một chương phê bình cái hay cái dở của hiện tượng học. Chúng tôi xin trích một đoạn, để nói lên sự hiểu biết cũng như tính chất sáng tạo của tác giả. Giáo sư Trần Ðức Thảo viết:
"Ta thấy cái giá trị của hiện tượng học là do việc nó đem lại cho lối diễn tả (có) phương pháp một sự chính xác đặc biệt, và khiến ta có thể nhận ra cảm giác mới là nền tảng của tất cả mọi ý nghĩa của chân lý. Nhưng việc chỉ theo quan điểm của mình để trừu tượng hóa đã không cho phép hiện tượng học thấy được cái nội dung thực chất (vật chất) của cuộc sống cảm tính. Và như thế chỉ còn lại cái "dữ kiện (mang tinh chất) cảm tính" (donnée sensible) thuần túy, tách biệt khỏi mọi quy luật của chân lý. Từ đây, tất cả công lao (bàn) về việc thế giới đương cấu tạo (Weltkonstitution) tự sụp đổ nếu (phải) chấp nhận cái ngẫu tính cực đoan (contingence radicale). Công việc mà hiện tượng học đeo đuổi muốn tìm ra một sự chứng thực đầy đủ, tức một công việc giúp triết học sau cùng (cũng) phải đi vào "con đường chắc chắn của khoa học", mâu thuẫn thay, lại đưa nó vào một chủ thuyết tương đối (của) cảm giác. (Như vậy) Nhờ vào (với) hiện tượng học, cái truyền thống vĩ đại của chủ thuyết duy ý lý trí (idealisme rationaliste) đã tự hoàn tất qua phương cách tự tạo mình bằng cách vất bỏ mình." [5]
Tuy công nhận giá trị của tập sách này, chúng tôi cũng cần phải nói, đó là, nó vẫn chưa được đầy đủ, nhất là trong phần trình bày về phương pháp hiện tượng học. Ngoại trừ phương thế giản hóa hay giảm trừ (réduction) (ctr. 51-66, và 160-163), các phương thế khác gần như không được ông bàn tới. [6] Chính vì thế, nó không giúp được chi mấy trong công việc nhận diện cái toàn thể của phương pháp hiện tượng học, và nhất là không giúp ta hiểu thêm về thông diễn học. Chú ý là mục đích của chúng tôi trong tập sách này nhắm giới thiệu phương pháp thông diễn học (TDH). Hiện tượng học chỉ là một trong rất nhiều phương pháp được áp dụng vào thông diễn.
Lý do quan trọng khiến nhiều người tuy tham khảo, nhưng không sử dụng lối nhìn của tiên sinh về hiện tượng học, đó là việc Giáo sư họ Trần chưa đi tới cội nguồn của nó. Chính vì chỉ nhìn ra công năng diễn tả (descriptive) [7] của phương pháp hiện tượng mà có lẽ ông đồng hóa nó với lối vẽ vời (interpretive) mà Marx từng phê bình (Luận đề thứ 11 của Luận Ðề về Feuerbach), nên ông đã cho rằng nền triết học này không thể giúp ta nhận ra một thế giới thực tiễn. Nó càng không thể có đủ năng lực giải quyết được những vấn nạn hiện thực bởi vì nó thiếu tính chất thực hành (praxis). [8] Hơn nữa, để phù hợp với chủ trương duy vật, Trần tiên sinh coi hiện tượng học chỉ là một lối suy tư của thế giới tư sản, hay giai cấp tư sản (monde bourgeois), mang tính chất diễn tả lịch sử mà thôi. Theo Merleau-Ponty [9] khi giản lược tất cả phong trào hiện tượng học vào một hình thái tư duy tư sản, Giáo sư Thảo đã nhầm lẫn giữa tư tưởng và thế giới của những người chủ trương tư tưởng. Theo một lý luận bị giản đơn hóa (simplified logic) như vậy, hiện tượng học đồng nghĩa với nền tư tưởng tư sản, và nền tư tưởng này lại đồng nghĩa với thế giới tư bản, mà thế giới tư bản được hiểu như là đế quốc, thực dân.
Chú Thích:
[3] Trần Ðức Thảo, Phénoménologie et matérialisme dialectique (Paris: Minh Tân, 1951). Nhà xuất bản Minh Tân do một nhóm Việt kiều tại Pháp xuất bản các sách của Hoàng Xuân Hãn, Ðào Duy Anh, Trần Ðức Thảo, vân vân. Tái bản (Paris - Londres - New York: Gordon & Breach, 1971). Phần "La méthode phénoménologique et son contenu effectivement réel). Bản dịch Việt ngữ: Hiện Tượng Học và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng. Dịch giả không rõ (Hà Nội: Nxb Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, 2004). Tập sách này vốn gồm hai phần chính. Phần thứ nhất về hiện tượng học, vốn là luận án Tốt nghiệp Sư phạm (agrégation) được tác giả viết quãng năm 1941-43, đệ trình năm 1943 tại Học Viện Sư Phạm Cao Ðẳng Ba Lê, và được giới học giả chú ý một cách đậc biệt. Phần thứ hai về Biện chứng Duy vật được viết vào quãng năm 1948-9, sau 5 cuộc "gặp gỡ" (chứ không phải tranh luận, débates) với Jean-Paul Sartre. Gs Thảo tự thuật trong Niên Biểu: "Sartre đã mời tôi đến những cuộc gặp gỡ này...", "Trong năm cuộc gặp gỡ tôi đã chỉ cho ông rằng chính xác là phải coi trọng chủ nghĩa Marx cả về triết học." (Bản dịch của Cao Việt Dũng, trong Talawas www.talawas.org).
[4] Spiegelberg, ctr. 431-32.
[5] Do chúng tôi dịch. Riêng bản dịch Việt ngữ Hiện Tượng Học và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng, sđd. (hiện đương xuất bản tại Hà Nội do Nxb Ðại Học Quốc Gia), như sau (tr. 179, bản thảo): "Công lao của hiện tượng học là đã đem nó phục tùng việc mô tả có phương pháp với độ chính xác hiếm thấy, và dẫn tới coi cái cảm tính là cơ sở dựa vào cho mọi ý nghĩa chân lý. Nhưng việc trừu tượng hóa quan điểm của nó đã không cho phép nó nhìn thấy nội dung vật chất của đời sống cảm tính này. Chỉ còn lại vì thế có "cái đã cho cảm tính" thuần túy xem như độc quyền của mọi chuẩn mực chân lý. Cho nên toàn bộ toà lâu đài của tạo lập thế giới (Weltkonstitution) sụp đổ trong sự nhận thấy một sự ngẫu nhiên triệt để. Công việc chứng minh trọn vẹn của hiện tượng học là phải cuối cùng đưa triết học "con đường chắc chắn của khoa học" dẫn đến chủ nghĩa tương đối cảm giác một cách nghịch lý. Cùng với nó đã kết thúc truyền thống vĩ đại của chủ nghĩa duy tâm duy lý nó tự xoá bỏ trong khi thực hiện." Bản dịch tương đối tối tăm, và khó hiểu, tuy theo đúng kết cấu của câu cú Pháp."
[6] Về phương pháp, ta thấy trong Chương 1, phần 1 về "Kỹ thuật biến hóa" (La technique de la variation), ctr. 23-27. Và rất miễn cưỡng, ctr. 34-38 vể "Trở lại Chủ Thể" (Le retour du sujet). Về sự khám phá phương thế giản hóa, giản lược, truy nguyên (réduction), ctr. 51-66; và về diễn tả hiện tượng (la description phénoménologique), ctr. 160-163.
[7] Ðây có lẽ là một loại "hiện tượng học" của Pháp, đặc biệt của Jean-Paul Sartre thời đó. Giáo sư Thảo khi phê bình hiện tượng học, ông nhầm lẫn với chủ nghĩa hiện sinh (existentialisme) của Sartre. Chủ nghĩa hiện sinh của Sartre đã dùng lối miêu tả, diễn tả (descriptive) để phân tích những dữ kiện (données) của hiện thể (existence), và đứng khựng lại ở giai đoạn này.
[8] Trần Ðức Thảo, tr. 6: "L'examen des inédits démontrait en effet que les analyses concrètes prenaient en fait une direction incompatible avec les principles théoriques à l'intérieur desquels elles s'êtaient élaborées." (Việc duyệt xét kỹ lưỡng bản thảo (những tác phẩm chưa biên ấn) chứng tỏ một cách rõ rệt rằng những phân tích cụ thể thật ra đã đi theo một đường hướng không hợp với những nguyên lý thuần lý thuyết, mà chính ở trong lòng của những lý thuyết này những phân tích cụ thể từng được phát triển ra). (Bản dịch của chúng tôi). Về điểm này, ta thấy Giáo sư Thảo theo Karl Marx (Luận đề về Feuerbach. Luận đề 11) khi chỉ trích giới triết học tư sản "chỉ dùng các phương thế khác nhau để mô tả thế giới." Họ quên cái điểm chính yếu, đó là triết học phải cụ thể và thực tiễn nhắm "thay đổi thế giới."
[9] Maurice Merleau-Ponty, người được coi như là một triết gia hiện tượng học sáng giá nhất của Pháp. Cùng với Trần Ðức Thảo, Merleau-Ponty từng nghiên cứu tại Thư Khố Husserl tại ÐH Louvain (Bỉ), và được Giáo sư Léo Van Breda (một linh mục dòng Phan Sinh), giám đốc Thư Khố, ủy thác thành lập Thư Khố Husserl ở Pháp. Merlaeu-Ponty đã cổ động giới trí thức Pháp ký bản kiến nghị yêu cầu chính phủ Pháp phóng thích Giáo sư Thảo khỏi nhà ngục vào tháng chạp năm 1945). Giáo sư Thảo bị chính quyền Pháp bắt giam quãng 3 tháng vì "tội" đấu tranh dành độc lập cho Việt Nam và chống thực dân Pháp.
Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Oxford, Anh Quốc
Dịp Hội Nghị Quốc Tế về Hiện Tượng Học 07.2004