Thông Diễn Học
Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn
Gs. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Chương IV
Hiện Tượng Học tại Việt Nam
(Phenomenology
in Vietnam)
4. Hiện Tượng Học nơi Cộng Ðồng Việt Kiều
Tại hải ngoại, có không ít học giả Việt nghiên cứu hiện tượng học. Vì sự hiểu biết hạn hẹp của người viết, chúng tôi chỉ liệt kê ra một vài khuynh hướng.
Khuynh hướng thứ nhất, trở lại chính phương pháp của Husserl, và tìm hiểu ảnh hưởng của phương pháp này vào trong các lãnh vực khoa học xã hội, tôn giáo và triết học. Giáo sư Vũ Kim Chính (mà chúng tôi đã nhắc qua trong chương thứ nhất về Thông Diễn Học) chủ trương lối nhìn này. Ngay từ luận án tiến sỹ về Husserl (Innsbruck, 1979), Vũ Kim Chính đã đặt lại vai trò của phương pháp hiện tượng học trong nền khoa học xã hội; sự phát triển của một nền khoa học xã hội hiện tượng nơi Alfred Schuetz; và ảnh hưởng của nó trên những nhà xã hội học như Peter Berger, Thomas Lukmann. [59] Thực ra, ông đã từng áp dụng phương pháp hiện tượng để phân tích hiện tượng xã hội và hiện tượng tôn giáo ngay trong luận án Thạc Sỹ, [60] nhưng chỉ trong tác phẩm thứ ba viết bằng Hoa ngữ, ông mới áp dụng phương pháp hiện tượng một cách linh động, đặc biệt để phân tích qúa trình phát sinh hiện tượng. Từ đây, ông giải thích sự xuất hiện của nền thần học giải phóng tại Nam Mỹ. [61] Và với những tác phẩm gần đây, ông tìm hiểu sự tương quan gữa hiện tượng học và nền thần học của Rahner, [62] cũng như dùng lối thông diễn hiện tượng học này để tìm hiểu tín ngưỡng người Việt. [63] Là một người rất thận trọng trong lối diễn tả, và trung thực với phương pháp của Husserl, ông chủ trương lối hiểu hiện tượng qua qúa trình xuất hiện của chúng. Và như vậy, khi tìm hiểu tín ngưỡng, hay lối tổ chức xã hội, ông không đứng khựng lại nơi hình thức, hay dẫm chân tại chính sự biểu hiện (phenomenon, appearance), mà đi sâu vào chính qúa trình, cách thế xuất hiện của chúng. Chỉ như thế, ông cho rằng, ta mới có thể có một lối nhìn, hay một sự thông hiểu về sự kiện đương xẩy ra. Áp dụng vào tôn giáo hay tín ngưỡng, hiện tượng thăng tiến hay sa đọa của một tổ chức tôn giáo không phản ảnh được chính bản chất tất yếu của tôn giáo, nhưng chỉ nói lên cái qúa trình biến động, hiểu biết và áp dụng tôn giáo vào cuộc sống thực tế; một cuộc sống bị ảnh hưởng bởi rất nhiều tương quan phức tạp xã hội. Thế nên, ngay cả khi một tôn giáo vốn xây dựng trên những đạo lý cao cả, cũng rất có thể vì qúa trình áp dụng, hiểu biết bị xã hội chi phối, mà biến thể (tức tha hóa, hay vật hóa). Chỉ trong một mạch nguồn sống như vậy, ta mới thấy được cái mạnh cái yếu của Marx khi phê bình tôn giáo, cũng như hiểu được sự hình thành của nền thần học giải phóng tại Nam Mỹ.
Người thứ hai mà chúng tôi từng được đọc các tác phẩm của ông trong những năm gần đây, đó là Tiến sỹ Trần Công Tiến. Ông chủ trương dùng phương pháp hiện tượng học để giải thích nền triết học Ðông phương, cũng như tôn giáo học. Với luận án tiến sỹ về Heidegger và Chủ Nghĩa Hư Vô (Heidegger et le nihilisme, Canada, 1992), hiện tượng học được hiểu như là môn "giải thích hữu thể học" của Heidegger. Từ một lối nhìn như vậy, Trần Công Tiến giải thích nền triết học và đạo học Ðông phương. [64] Ðây là một khuynh hướng rất đáng khuyến khích. Chúng ta biết, giới triết học Nhật đã gây được tiếng vang khiến thế giới chú ý với chủ trương áp dụng hiện tượng học để tái khám và thông diễn triết học cũng như lối suy tư (logic) của họ. Trường phái Kinh Ðô (Kyoto) với những triết gia như Nishida Kitaro (1870-1945), Tanabe Hajime (1885-2962), Nishitani Keiji (1900-1991), vân vân, là điển hình cho khuynh hướng này. [65] Tại Việt Nam trước năm 1975, đã có một số người tự xưng áp dụng phương pháp hiện tượng học vào triết học, nhưng như chúng tôi đã nhận định trong phần trên, không gây được một sự nghiên cứu nghiêm túc, mà chỉ đưa đến một thảm họa của lối triết học tùy tiện.
Một tác giả khác, Tiến sỹ Ðặng Phùng Quân mà chúng tôi khi hoàn tất chương về hiện tượng học mới có dịp đọc một số bài viết trên mạng lộ Talawas (Ðức) www.talawas.org. Ðặng Phùng Quân, nguyên là Giảng viên tại ÐH Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975, hiện sống tại Gia Nã Ðại, bị ảnh hưởng sâu đậm của phương pháp hiện tượng học của triết gia Gabriel Marcel, [66] đặc biệt trong cách áp dụng lối diễn tả hiện sinh vào trong văn chương, vào lối thuật truyện, tự thuật. Như chúng ta biết, như Sartre, và ngược hẳn lại với Sartre, Marcel diễn đạt nền triết học hữu sinh (chứ không phải hiện sinh) [67] với những phân tích hiện tượng sâu sắc, [68] và bằng nhiều kiểu hành văn khác nhau như luận văn, nhật ký, kịch, truyện, và cả âm nhạc. [69]
Kết Luận
Bởi vì mục đích chính của tập sách này là tập trung vào việc tìm hiểu phương pháp thông diễn, đặc biệt áp dụng nó vào trong việc đi tìm và xây dựng nền tư tưởng (khoa học xã hội và nhân văn) Việt Nam, nên chúng tôi có nhắc nhiều tới những triết gia Việt từng áp dụng phương pháp hiện tượng học. Tuy nhiên, tác giả tránh không bàn một cách kỹ càng về tư tưởng của họ (trừ một đoạn khá dài về Trần Ðức Thảo), vì làm như vậy là "lạc đề", vượt khỏi phạm vi và mục đích chương sách này. Cũng trong một nguồn mạch như vậy, chúng tôi không đi xa hơn vào mỗi chi tiết (bao gồm lịch sử, tính chất) của chính hiện tượng học, mà chỉ tập trung vào phương pháp hiện tượng học mà thôi.
Nói một cách chung, hiện tượng học, nhất là phương pháp hiện tượng học như là một phương pháp giúp tìm ra chân tính, đã từng được giới trí thức Việt chú ý. Nhưng vì chưa nắm trọn vẹn bản tính của hiện tượng học, và ngay cả về tính chất khoa học của phương pháp hiện tượng học; hoặc coi nó như là một lối tư duy của giai cấp tư sản mà giới triết học miền Bắc trước năm 1975 đã không chú ý. Ngược lại, sự qúa tôn vinh hiện tượng học nhưng lại không thấu suốt phương pháp cũng như chủ trương của nó mà rất nhiều trí thức miền Nam đã đồng hóa nó với lối triết học hiện sinh hời hợt của Sartre, và nhất là với cuộc sống buông thả của giới trẻ thuộc giai cấp tư sản mà ta gọi là chủ nghĩa hiện sinh.
Chú Thích:
[59] Vũ Kim Chính, Von transzendentaler Geltung zu Intersubjektivitaet. Transformation phaenomenologischer Grundbegriffe von E. Husserl ueber A. Schuetz zu P. L. Berger / Lukmann (Innsbruck Universitaet, 1979). (Ðức ngữ)
[60] Vũ Kim Chính, Religionskritik bei Karl Marx und ihre geschichtlichen Wirkungen (Innsbruck Universitaet, 1976). (Ðức ngữ)
[61] Vũ Kim Chính, Thần Học Mạch Lạc trung đích Thuyên Thích (Ðài Bắc: Quang Khải Xuất bản xã, 1991). (Hoa ngữ)
[62] Vũ Kim Chính, Nhân Thần Hội Thông (Ðài Bắc: Quang Khải Xbx, 2000). (Hoa ngữ)
[63] Một số luận văn viết bằng Việt ngữ đăng trên các Tập san Triết Ðạo (2003), Ðịnh Hướng (1996), Thời Ðiểm (1997), vân vân.
[64] Trừ luận án tiến sỹ viết bằng Pháp ngữ tại Canada, tất cả các tác phẩm của Trần Công Tiến bằng Việt ngữ. Những tác phẩm này xuất bản tại Orange County, Nhà Xuất Bản Văn Gia. Các tác phẩm của Trần Công Tiến gồm: Heidegger et le nihilisme (Luận án Tiến sỹ); Triết Học Ði Về Ðâu?; Giải Thích Hiện Tượng Học về Kinh Dịch; Giải Thích Hiện Tượng Học về Ðạo Ðức Kinh Cuả Lão Tử (2000); Giải Thích Hiện Tượng Học Bài Giảng Trên Núi; Giải Thích Hiện Tượng Học về Kinh Trí Huệ Bỉ Ngạn và Kinh Kim Cang; Giải Thích Hiện Tượng Học về Ðại Học của Khổng Tử (2000); Khỗng Tử, Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, vân vân. Thực ra, khi đọc các tác phẩm của ông, chúng tôi không nhận ra được một cách rõ ràng cái phương pháp mà ông gọi là "giải thích hiện tượng học". Ngược lại, nhiều khi chúng tôi cảm thấy bối rối với những giải thích về ngữ học là lạ (nhất là về tiếng Hán (Tầu), mà chúng tôi quen thuộc), và nhất là về nguồn gốc lịch sử của những khái niệm triết học đông phương (mà chúng tôi nghĩ tác giả chưa có giờ và phương tiện đi sâu vào). Trong những tác phẩm sau này, ta không thấy có gì mới lạ, hay có gì sáng sủa hơn những tác phẩm của các nho gia tiền bối như Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Nghiêm Toản, vân vân. Ngược lại, riêng về công phu, sự uyên thâm về ngôn ngữ Hán, cũng như phần lịch sử, Trần Công Tiến cho người đọc cảm giác là ông vẫn còn kém rất xa những nho gia kể trên. Nói cách chung, phân tích hiện tượng của ông chưa đủ nghiêm túc, một đặc tính mà hiện tượng học đòi buộc. Thí dụ, cùng viết về Ðạo Ðức Kinh (Garden Grove: Văn Gia, 2000), theo thiển kiến của chúng tôi, Tập Lão Tử Ðạo Ðức Kinh của Nghiêm Toản (Sài Gòn, 1958) vượt xa tác phẩm của Trần Công Tiến, mặc dù tập sách của Tiến sỹ Tiến xuất bản sau tác phẩm của cụ Nghiêm Toản đúng 42 năm. Như chúng tôi biết (có thể là sai), thì cho đến nay vẫn chưa có tác giả nào giải thích và chú thích Ðạo Ðức Kinh một cách nghiêm túc và công phu hơn là cụ Nghiêm Toản.
[65] Nakamura Hajime, A History of the Development of Japanese Thought (Tokyo: Kosukai Bunka Shinkokai, 1969), 2 vols. Bản thứ hai.
[66] Luận án đầu tiên của Ðặng Phùng Quân vốn viềt bằng Pháp ngữ về Gabriel Marcel: L'Existence d'autrui et la Fidélité dans l'oeuvre de Gabriel Mercel (1967). Ngoài tập sách chuyên khảo này, họ Ðặng còn xuất bản một số luận văn bằng Việt ngữ về Marcel, Aristotle và Marx như Hiện Hữu Tha Nhân với Gabriel Marcel (phần của luận án bằng Việt ngữ, 1969); Ca Ngợi Triết Học (1971); Triết Học và Khoa Học (1972); Triết Học Aristote (1972), vân vân. Ngoài ra, các tác phẩm khác của ông dưới dạng tự truyện, vân vân. Ta biết, giới triết học hiện sinh Pháp như Sartre, Marcel, Camus thích dùng dạng kịch, tiểu thuyết, tự thuật... và cả âm nhạc để diễn tả tư tưởng triết học của họ.
[67] Marcel từng viết trong Du refus à l'Invocation (1940), tr. 192 như sau: "Tôi bắt buộc phải nói rằng, sự phát triển triết học của tôi bị hai sự quan tâm, thoạt xem có vẻ mâu thuẫn, chi phối... sự quan tâm thứ nhất tôi gọi là sự đòi buộc của hữu sinh (l'exigence de l'être), sự quan tâm khác là sự ám ảnh mãnh liệt (hantise) về việc hữu sinh bị trói buộc bởi tính chất đơn độc của nó, nhưng (và) đồng lúc lại giao hợp với những tương quan nhiệm mầu (huyền bí, mystérieuses) trói buộc chúng với nhau."
[68] Gabriel Marcel phát triển phương pháp hiện tượng học gần như hoàn toàn độc lập với Husserl hay Heidegger. Theo Jean Hering (trong luận văn "La Phénoménonologie il ya trente ans," trong Revue internationale de philosophie I (1939), tr. 368, Marcel khám phá bản chất ngay chính trong ý thức, chứ không có tách biệt ra như Husserl đã làm.
[69] Những tác phẩm chính của Gabriel Marcel bao gồm: Journal métaphysique (1927); La Métaphysique de Royce (1943); Etre et Avoir (1935); Homo viator (1951); Le Mystère de l'être (1951); Les Hommes contre l'humain (1951); L'Homme problématique (1955), Présence et immortalité (1959); La Dignité humaine (1964); Pour une sagesse tragique et son au-delà (1968), vân vân.
Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Oxford, Anh Quốc
Dịp Hội Nghị Quốc Tế về Hiện Tượng Học 07.2004