Nếu vấn nạn hiện đại mà Việt Triết phải đối phó bao gồm vong thân, vật hóa, hư vô và cơ khí hóa, thì vấn nạn của Việt Triết trong tương lai sẽ là gì?
Chúng tôi mạn nghĩ, vấn nạn trong tương lai bao gồm ba phần chính: vấn nạn sinh tồn, vấn nạn hữu thể (văn hóa, tâm linh) và vấn nạn phương pháp. Những vấn nạn này hoặc đã từng hiện diện trong quá khứ đương tiếp tục trong hiện tại và sẽ bành trướng, biến đổi, hay giảm bớt trong tương lai. Cũng có thể có những vấn nạn hoàn toàn mới, xuất hiện trong hoàn cảnh đặc thù với những sinh hoạt cá biệt mà chúng ta không thể nhận ra trong giai đoạn này. Ðặc biệt vấn nạn phương pháp khoa học sẽ biến đổi cực nhanh và có những bước tiến cách mạng.
Trong phần này, chúng tôi chỉ bàn một cách sơ lược vấn nạn sinh tồn và hữu thể. Riêng về vấn nạn khoa học, chúng tôi xin phép được đi thêm vào chi tiết cũng như đưa ra những đề nghị mục đích để xin các triết gia Việt phê bình và thảo luận.
Chúng ta không phải nằm mơ tới một nước Việt hùng cường, phú quý hạnh phúc nếu trên thực tế, các điều kiện sinh tồn không được lưu ý tới. Nơi đây, chúng tôi hiểu sinh tồn theo ba khía cạnh: khía cạnh vật lý, khía cạnh ý thức và khía cạnh tâm linh. Trên phương diện vật lý, sinh tồn diễn đạt sự đủ ăn, đủ mặc, đủ những phương tiện để giúp con người sinh sống. Trên phương diện này nước nhà vẫn chưa hội đủ điều kiện căn bản. Triết gia nơi đây có nhiệm vụ đi tìm căn nguyên cội rễ của vấn nạn vật lý này.
Theo Mã-Sỹ (Marx), điều kiện vật lý bị điều hành bởi điều kiện kinh tế, thế nên nhiệm vụ của ông bao gồm:
- Phân tích nguyên nhân giải thích lý do tại sao kinh tế thiếu phát triển, hoặc phát triển không quân bình;
- Tìm hiểu nguyên nhân của bần phú bất quân. Những nguyên nhân này, như chúng tôi đã tạm bàn trong phần thứ hai, bao gồm vong thân (thiếu ý thức tự thân), bị thống trị, giai cấp từng được sự hỗ trợ của ý thức hệ như tôn giáo, chính trị...
- Ði tìm một giải đáp thích hợp, bao gồm cách mạng cực đoan vất bỏ những điều kiện vật lý kinh tế phi lý trên.
Như đã từng chứng minh phê bình cái quá đà của họ Mã (Marx) trong phần trên, chúng tôi chỉ bổ túc nơi đây một điểm liên quan tới điều cần được bàn đến trong phần thảo luận về vấn nạn phương pháp. Những điểm mà Mã tiên sinh (Marx) đưa ra không hoàn toàn sai, và kiểu giải quyết của ông cũng có đạo lý như thấy trong trường hợp của giải phẩu. Nếu một phần trong thân thể hoàn toàn bị hư hại và ảnh hưởng tới những bộ phận khác, y sĩ giải phẩu cắt đứt phần đó đi. Ðiểm mà chúng tôi muốn nói ở đây gồm:
- Giải phẩu có thể nguy hiểm, thừa thi nếu nguyên nhân của căn bệnh không được chẩn định chu đáo,
- Ngoài giải phẩu ra có thể còn có những phương pháp khác trị bệnh. Không phải bất cứ bộ phận nào của con người cũng như khúc ruột thừa. Ngược lại đa số các phần thân thể con người (nhất là của các sinh vật) đều có một năng lực đề kháng tự trị bệnh.
- Con người cũng nhờ môi trường tự nhiên hoặc xã hội lại trị bệnh.
- Ðiểm quan trọng nhất mà Mã-Sỹ (Marx) không thấy đó là tính chất cơ thể toàn diện của con người và của xã hội (organistic and structuralistic). Chúng ta có thể tự tồn không nếu những bộ phận cơ thể như tim, động mạch, gan phổi... bị cắt đứt?
Nói tóm lại, nguyên nhân đưa họ Mã (Marx) tới phương thế cực đoan không chỉ bị giản lược trong sự bất quân bình của trao đổi kinh tế giữa giá trị thực dụng và giá trị trao hoàn, mà rất có thể nằm trong sự hiểu biết một cách sai lầm về bản chất của con người cũng như của xã hội.
Tính cách toàn diện, cơ cấu và cơ thể của con người xã hội không chỉ bao gồm vật lý mà còn cả phần tâm linh và ý thức. Con người khác xa với các sinh vật khác không phải ở điều kiện sinh tồn vật lý, mà ở trên phơng diện tri thức (ý thức) và tâm linh. Do đó, hai phương diện này vẫn giữa vai trò có tính cách quyết định trong Việt Triết.
Trước hết: Việt Triết có đủ năng lực tìm ra nguyên nhân của sự phân ly, chia rẽ và thù hận ngay trong lòng Việt Dân;
Thứ đến: Việt Triết có thể cống hiến cho Việt Dân một khả thể, một năng lực, phương pháp cung như chỉ đạo để nhận ra chính mình trong lòng dân tộc, và
Sau cùng: Có thể thống nhất các sắc tộc trong tinh thần "chí trung hòa" của Việt linh không?
Những câu hỏi này cũng là mục đích ý thức mà chúng ta đeo đuổi.
Trước hết, những cuộc chiến liên miên, gần đây nhất giữa nam và bắc, giữa người theo cộng sản và phái quốc gia. Người Việt tàn sát người Việt, bạo tàn, thảm khốc hơn cả ngoại lai. Những dữ kiện trên chứng minh Việt dân bị trói buộc trong thảm cảnh phân ly, thù hận. Lý do giải thích thảm trạng này tuy tương đối phức tạp, song đều liên quan tới lý do chính yếu tức là thiếu sót ý thức Việt Linh. Nguyên nhân của cuộc chiến thường được quy về sự tham vọng về quyền lực của giới lãnh đạo; sự bảo vệ quyền lợi của giới tư bản hay do sự khác biệt về ý thức hệ; hoặc bị giới tài phiệt ngoại lai, chính trị ngoại bang lũng đoạn... Những lý do này quá hiển nhiên đến nỗi chúng ta quên đi lý do chính yếu: lý do thiếu chủ đạo của nhân chủ, siêu việt, và của "chí trung hòa".
Ðem quyền lợi cá nhân lên trên trên quyền lợi dân tộc, đưa một ý thức hệ hoàn toàn ngoại lai lên hàng chủ đạo, chỉ vì tiền mà lấy người ngoại quốc, lấy nước người làm mẫu mực và mẫu quốc, nói lên tình trạng vong bản, vong nhân và vong tộc. Tương tự, khi người dân mù quáng chạy theo những lãnh tụ trên, hay hoàn toàn mê hoặc bởi những ý thức hệ ngoại lai, Việt dân đương ngơ ngẩn trong tình trạng vong thân. Nói cách chung, cả giới lãnh đạo và giới bình dân, hoặc thiếu ý thức, hoặc đã đánh mất ý thức Việt linh.
Làm thế nào để giúp Việt dân khôi phục tự tín, làm thế nào để giúp họ khỏi vong thân, cũng như làm thế nào để cho những người lãnh đạo ý thức Việt linh, để thực hiện nhân chủ, nhân bản và tâm linh... Ðây là những mục quan trọng mà những bực thức giả không thể bỏ qua.
Triết gia Kim Ðịnh trong bộ Triết Lý An Vi, muốn xây dựng một Chủ Ðạo Việt với mục đích chính là đưa ra một chủ đạo chung, hay Việt linh, làm nền tảng giáo dục giúp Việt dân tái phát hiện ý thức tự thân và ý thức dân tộc.
Chúng tôi tuy kính phục tiên sinh, cũng như đồng ý là công việc cấp bách mà triết gia Việt phải làm là tìm ra chủ đạo hay Việt linh. Tuy nhiên, Chủ Ðạo Việt mà ông đưa ra đã là chủ đạo hay một Việt linh chân thực hay không? Chúng ta cần phải có một thời gian dài để học hỏi. Ðiểm quan trọng hơn nữa, là Chủ Ðạo Việt có thể giải quyết những vấn nạn hiện đại và tương lai không, hay chúng chỉ phát sinh một hiệu lực thứ yếu giúp Việt dân tìm ra ý thức dân tộc mà thôi.
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể chối đuọc sự kiện là, nếu thiếu ý thức dân tộc, chúng ta không thể giải quyết các vấn nạn nhân sinh. Song chúng ta cũng không thể phán quyết được mọi vấn đề. Lý do này chứng minh cái đáng yêu trong duy linh của Kim Ðịnh. Ðiểm mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là, ý thức tự thân cũng như ý thức dân tộc là những điều kiện tiên quyết để phát hiện vấn nạn cũng như để đi tìm giải đáp cho những vấn nạn ấy.
Tương tự như phương diện ý thức, là phương diện tâm linh. Ý thức tự thân tức là ý thức tâm linh, ý thức Việt tộc tức là nhận ra được Việt linh. Như vừa nhắc qua công việc của Kim Ðịnh tiên sinh, chúng tôi xin mạn phép nghĩ rằng; chúng ta không phải không có Việt linh mà là đánh mất nó. Tất cả một lộ trình tự vong ý, đánh mất ý thức dân tộc được kể trong huyền thoại Hừng Vương hay trong truyện nàng Mỵ-Châu. Cô nàng đã tặng cái cung thần cho người ngoại bang, cũng như hiến thân cho chàng này (giải thích của Kim Ðịnh). Thực tế cho ta hay, chúng ta đã nhận Hán Nho cho đó là khuôn vàng thước ngọc (cụ Trần Trọng Kim cho là Nho giáo tức là Hán nho). Chúng ta chạy theo những triết lý của Pháp và cho đó là điểm tuyệt đỉnh của trí tuệ loài người (xin xem chương trình Triết tại Việt Nam trước 1975). Chúng ta coi thuyết của Mã-Sỹ (Marx) như là linh hồn của Việt mới (Cộng sản Việt Nam). (Và có lẽ trong tương lai gần đây, chúng ta rất có thể coi nhiệt khuyển [hot dog], cola... như là linh hồn của giới trẻ nước nhà. Buồn thay!!!).
Thế nên, công việc tìm kiếm Việt linh thật cấp bách và khẩn trương. Cái cung vàng mà thần Kim Quy tặng An Dương Vương vẫn còn nằm nơi phương Bắc, người con gái Việt vẫn còn đang sa đọa trong những quán ba, và người mẹ Việt vẫn còn trong giai đoạn mất trí. Trí thức Việt chúng ta phải lặn lội kiếm thuốc chữa mẹ, chuộc em cũng như đòi cho được cán cung vàng trở lại. Song nói thì dễ mà làm thì khó.
Công việc đào bới vướng gặp những vấn nạn kỹ thuật và phương pháp mà chúng ta không dễ vượt qua. Sau hơn một ngàn năm bị ngoại bang thống trị; sau bao thế kỷ chỉ học mót người mà quên lửng chính mình; sau bao thế hệ mà ngay những tài liệu quan trọng về lịch sử hay văn hóa đều do người ngoại quốc viết, hoặc bị ảnh hưởng của họ, hoặc trước tác theo họ (chỉ có một phần nhỏ có tính chất trung thực, thuần túy Việt); sau cả một thời gian lâu dài làm người "có học" Việt biến thành "nửa người nửa ngợm nửa đười ươi", chỉ biết "xài" tiếng Tây (hay Mỹ), cũng như cho rằng tiếng ngoại quốc đẹp, giàu hơn tiếng mẹ đẻ v.v... thì chúng ta cảm thấy rằng sự đào bới gốc rễ của Việt Triết quả là việc "đội đá vá trời". Chúng ta phải dùng phương pháp nào, hay dùng một kỹ thuật nào... để tìm ra nhân linh của Việt tộc?
Trước khi bước qua đề mục phương pháp, một đề mục quan trọng trong phần này, chúng tôi muốn bàn thêm vài ý niệm về Việt linh rất cần thiết cho sự tư khảo:
Thứ nhất: Việt linh, hay linh hồn của dân Việt và nước Việt, là một thực thể. Song thực thể này khác biệt với các dữ kiện ngoại tại. Việt linh là một thực thể Tâm Linh.
Thứ hai: Cũng như những thực thể khác, Việt linh tự biểu hiện qua các dữ kiện có tính cách cộng tính như văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật, đạo đức, quy luật, chế độ...
Thứ ba: Việt linh không có tính chất bất động, tiên thiên song biến động hay biện chứng. Sự biến thái của xã hội Việt, sự thay đổi cơ cấu của Việt dân, sự thu nhập những kiến thức mới cũng như sự va chạm với những "tâm linh" khác (văn hóa, khoa học...) giúp Việt linh phong phú và toàn mỹ.
Nói theo nhà ngữ học Trung-Ký (Noahm Chomsky) và nhà xã hội học Bách-Sơn (Talcott Parsons), Việt linh bao gồm hai phần: phần tiên thiên không biến đổi và phần hậu thiên đương biến đổi. Trung-Ký (Noahm Chomsky), trong tác phẩm kinh điển về ngữ học "Ngữ Cấu", nhận định ngữ cấu bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn nhất có tính chất tiên thiên (a priori) hay tiên thiên (innate), thế nên bất biến. Trong giai đoạn hai, cơ cấu biến đổi làm cho ngôn ngữ giàu có thêm. Ông nhận định:
"Một vấn đề quan trọng trong cuộc nghiên cứu về ngôn ngữ mà chúng ta gọi là tính chất sáng tạo của ngữ dụng mang tính chất vô hạn và không bị ảnh hưởng của phản ứng. Theo nghĩa này, khi người nói và người nghe đương dùng ngôn ngữ một cách "sáng tạo" bắt buộc phải nội tại hóa hệ thống của quy luật, một hệ thống xác định sự chuyển thích có tính cách ngữ ý về một tập hợp của những ngữ câu (set of sentences) vô định. Như thế ông phải vũng vàng nắm chắc quy luật mà chúng ta gọi là văn phạm phát sinh (generative grammar) của ngôn ngữ của ông".
Nói cách khác, theo lý thuyết của Trung-Ký (Noahm Chomsky), luật biến hóa của ngôn ngữ từng quyết định hình thức của ngữ câu phát xuất cũng như phù hợp với những ngữ câu căn bản, bất biến của hình thái của Chủ từ và Ðối từ (subject-predicate form).
Tương tự như lý thuyết Trung-Ký (Noahm Chomsky), Bách-Sơn (Talcott Parsons) đưa ra lý thuyết công năng và cơ cấu trong xã hội. Bách-Sơn (Talcott Parsons) định nghĩa cơ cấu là một địa thế vững chắc trong một hệ thống của xã hội từng bị ảnh hưởng của những biến thiên ngoại tại. Do đó, ông đưa ra một lý thuyết quân bình xã hội (social equilibrium) giữa cơ cấu bất biến và cơ cấu đương biến. Tương tự, ông giải thích công năng như là một động lực đi vào mỗi cơ cấu khiến cơ cấu thích hợp với những sinh hoạt mới, và có thể giải thích những hình thái mới của xã hội.
Từ hai lý thuyết của Trung-Ký (Noahm Chomsky) và Bách-Sơn (Talcott Parsons), chúng tôi nghĩ rằng: Việt linh diễn tiến và phát triển, song phần căn bản bất biến. Chính phần căn bản này giải thích sự kiện cũng như tính chất anh hùng và bi thảm của Việt dân: chúng ta không mất gốc sau cả bao thế hệ bị đô hộ, bị tẩy nho, bị đàn áp một cách bạo tàn.
Nếu Việt Triết phải hướng về tương lai cũng như tiên đoán những vấn nạn tương lai, thì Việt Triết bắt buộc phải có một phương pháp khoa học để có thể nhìn ra những vấn nạn đó.
Trong phần này chúng tôi xin mạn đàm về phương pháp từ hai khía cạnh:
- Ði tìm vấn nạn,
và
- Giải quyết vấn nạn này.
Trước khi đi vào chi tiết, chúng tôi xin mạn phép giải thích ý nghĩa của "khoa học", nhất là khoa học xã hội và khoa học nhân văn.
Khoa học (scientia, episteme) từ nguồn gốc Hy-Lạp và Latinh có nghĩa là một loại tri thức có tính cách chắc chắn và phổ biến. Thế nên trong triết lý của Bồ-La-Thư (Platon) cũng như A-Lý-Tư-Ðức (Aristotle) khoa học diễn đạt hai loại tri thức: tri thức lý luận (như toán học...) và tri thức thực hành (như đạo đức học). Với sự chiến thắng của triết học tự nhiên và khoa học thực nghiệm, khoa học bị hạn hẹp trong hai định đề: đó là một nền tri thức phổ biến có tính chất tuyệt đối (absolute universal) và có tính chất tất nhiên (necessity). Tính chất phổ biến rõ rệt nhất trong toán học trong khi tính chất tất nhiên là đặc tính quan trọng nhất của vật lý và luận lý. Nói cách khác, chỉ những nền tri thức như toán học, vật lý học và luận lý học mới được gọi là khoa học. Trong vật lý, nhất là vật lý học như Như-Tuân (Newton), định luật tất nhiên được xây dựng trên luật nhân quả, và trên hiện tượng cơ khí của các hiện tượng. Thế nhưng, nếu khoa học bị hạn hẹp trong tri thức của nhân quả và của trực giác, thì những nền tri thức như đạo đức học, nghệ thuật, hay ngay tâm lý học và lịch sử học cũng không phải là khoa học.
Nhận ra tính chất độc tôn của khoa học tự nhiên về tri thức, nhiều triết gia, đặc biệt từ Ðịch-Thái (W. Dilthey) cho tới những triết gia hiện đại thuộc trường phái Hậu Hiện Ðại (Post-modernism) đòi hỏi ta phải trở lại truyền thống Hy lạp, coi khoa học như là một nền tri thức về một môn học cá biệt nào đó. Trước họ, Huyền-Cách (Hegel) định nghĩa khoa học như tinh thần trong khi Khang-Ðức (Kant) coi khoa học như bất cứ tri thức nào mang hai đặc tính phổ biến và tất nhiên. Hai quan niệm của hai đại sư được Ðịch-Thái (W. Dilthey) áp dụng vào trong lịch sử học và triết học mà ông coi như là khoa học tinh thần (Geisteswissenschaft).
Chúng tôi theo lối nhìn của Ðịch-Thái (W. Dilthey) và một phần lớn, lối nhìn của thành viên của phái Hậu Hiện Ðại, áp dụng vào trong công cuộc nghiên cứu Việt Triết. Câu trả lời, hay lý luận của chúng tôi tuy giản dị song vững chắc: nếu Việt dân không có một nền tri thức hay khoa học, thì chúng ta làm sao có thể khắc phục thiên nhiên, chống đối địch thủ, xây dựng và hoàn bị xã hội? Thế nên trọng tâm của công việc người học triết phải làm, là tìm ra nền tri thức hay khoa học thực dụng này.
Trở lại vấn nạn của phương pháp khoa học, chúng tôi nhấn mạnh đến công việc tìm ra vấn nạn của Hiện Ðại cũng như diễn luận ra những vấn nạn của tương lai Việt dân. Ðể tìm ra vấn nạn chúng ta phải hội đủ những điều kiện sau đây:
- Hiểu thấu triệt những
hiện tượng cũng như những
dữ kiện đã đang xảy ra.
- Tìm ra nguyên nhân hay quy luật giải
thích, tiên đoán cũng như xác
định bản chất và hậu quả
của hiện tượng.
- Thí nghiệm tri thức bằng cách
áp dụng vào trong thực tại.
Ðể hiểu hiện tượng một cách thấu triệt, chúng ta không những phải biết cách quan sát, mà còn phải phân biệt giữa những hiện tượng cũng như dữ kiện, và tìm ra những điểm đại đồng (hay những đặc tính chung) cũng như cá biệt của chúng. Ngay trong giai đoạn này, chúng ta đã phải áp dụng bốn phương pháp khác nhau: quan sát, phân tích, tổng hợp và hiện tượng học.
Làm thế nào để được gọi là biết quan sát? Ðó là một câu hỏi không đơn giản như chúng ta nghĩ. Một khoa học gia quan sát sự vật thường nhìn ra những điểm mà người thường không nhìn ra. Tương tự, triết gia khi nhìn dữ kiện hay hiện tượng, ông phát hiện ra những điểm thâm sâu ẩn tàng sau hiện tượng.
Bốn phương pháp này tuy không xa lạ với Việt Triết, song chưa được áp dụng một cách thấu đáo. Trong Triết Việt, phương pháp quan sát, phân tích, tổng hợp cũng như truy luận (suy luận và truy luận) đã từng được áp dụng song thiếu thấu đáo, do đó đã không đưa ra được một quy luật tất nhiên nào có thể giải thích mọi hiện tượng một cách khoa học. Thí dụ câu thơ diễn đạt những người bất nhân:
Những người
ti hí mắt lươn,
Trai thì trộm cướp, gái buôn
chồng người.
Hay cụ Nguyễn Du quan sát mụ Tú Bà:
Lầu xanh có mụ Tú
Bà,
làng chơi đã trở về già
hết duyên.
Những quan sát trên không có sai song không hoàn toàn đúng. Lý do là lối quan sát này dựa trên kinh nghiệm cá nhân chứ không trên kinh nghiệm chung. Do đó, chúng ta có thể nói, quan sát cũng như kinh nghiệm tự nó chưa đủ để giúp chúng ta thiết lập một quy luật thiết yếu.
Lấy thí dụ của khoa học thiên nhiên: khi chúng ta quan sát hay kinh nghiệm sức nóng của một viên đá dưới ánh nắng, chúng ta nhận thấy viên đá bị soi nóng. Không có luật trừ nào trong hiện tượng này. Do đó chúng ta đi đến kết luận: "Mặt trời soi, viên đá nóng". Câu kết luận trên hoàn toàn đúng, đến độ khi nói đến viên đá nóng, chúng ta không thể không nghĩ đến mặt trời. Thí dụ này chứng minh, Việt Triết tuy đã từng áp dụng phương pháp quan sát, phân tích, tổng hợp... song vẫn chưa đạt tới mức nghiêm nhặt của khoa học.
Vào thập nên 1960 và 1970, một số học giả như các giáo sư Cao Văn Luận, Trần Thái Ðỉnh, Trần Văn Toàn... đã bổ túc thiếu sót này với một loạt sách về triết học Tây Phương, đặc biệt triết học Pháp. Vị giáo sư lão thành họ Cao đã dịch và giới thiệu những tác phẩm của Bác-Son (Bergson), trong khi giáo sư Toàn giới thiệu thuyết Mã-Sỹ (Marx) cho giới trí thức nước nhà. Người có công hơn cả có lẽ là tiến sỹ Trần Thái Ðỉnh. Ông từng cho xuất bản giới thiệu triết học Khang Ðức (Kant), Hiện Tượng học, Triết Học Hiện Sinh, Cơ Cấu học... Chúng tôi thiết nghĩ, những công việc trên, tuy không gây được tiếng vang như những tác phẩm của Kim Ðịnh, song có thể giữ vai trò quyết định giúp Việt Triết phát triển.
Tương tự, chúng ta đã từng áp dụng trực giác để xây dựng tri thức, song cách dùng của chúng ta có tính ngẫu nhiên nhiều hơn. Lối trực giác mà chúng ta thấy trong toán học khác với trực giác trong cuộc sống. Làm thế nào để có thể phát triển trực giác để chứng minh ra tính chất khoa học của những kiến thức mà cha ông chúng ta đã phát hiện?
Những phương pháp trên giúp chúng ta nhận định rõ ràng hiện tượng tự thân, song chưa thể đưa chúng ta tới sự hiểu biết trọn vẹn về hiện tượng hay dữ kiện. Lý do chính yếu, là ngộ tính phát xuất từ chủ thể không phải từ đối tượng. Do đó, để hiểu chủ thể không những phải nắm gọn đối tượng. Do đó, để hiểu chủ thể không những phải nắm gọn đối tượng, song còn phải hiểu tương quan giữa chủ thể và đối thể, giữa chủ thể và môi trường, lịch sử cũng như ý hướng, lợi ích, và ham thích của chủ thể. Nói cách khác, trong phương pháp chuyển thích (hermeneutics), chúng ta phải để ý đến con người toàn diện với lịch sử tính, với dự phóng cũng như với những tương quan khác.
Nơi đây chúng ta cần phải có nhiều triết gia đào bới lịch sử, ngôn ngữ cũng như tâm lý dân Việt. Trong thời gian gần đây, đa số những tác phẩm của Kim Ðịnh áp dụng phương pháp lịch sử có tính cách chuyển thích. Tiên sinh đào bới những tài liệu khảo cổ, tượng trưng (symbol) cũng như kinh điển để giải thích Việt lý. Ðúng hay sai, chúng ta chưa cần bàn tới nơi đây. Chúng ta chỉ nhấn mạnh một điểm là, tuy Kim Ðịnh đã cố gắng đưa ra một lối giải thích táo bạo và thích thú, phương pháp mà tiên sinh đương áp dụng vướng vào nhiều khó khăn:
Tiên sinh quá chú trọng vào quá khứ nên thường quên thực tại và nhất là tương lai. Lịch sử tính hay thời gian tính của con người. theo Nghịch-Tài (Nietzsche) và Hải-Ðức-Cách (Heidegger), không bị hạn hẹp trong quá khứ. Lịch sử tính bao hàm: cội tính, hiện tính cũng như lai tính của con người hữu thể.
Tiên sinh không chú trọng đến con người tại thế với những tham vọng, ham muốn và tương quan phức tạp. Thế nên tiên sinh thường lý tưởng hóa những dữ kiện trong quá khứ, cho đó như mẫu mực của hiện tại. Những cách cư sử có vẻ nhân tính của Nho giáo được tiên sinh diễn đạt như cao siêu, vượt xa những luật lệ của xã hội văn minh hiện đại. Lối chuyển thích một chiều này đưa đến một kết luận rất ư "hoài cổ": chúng ta phải trở về nguồn gốc, với điểm tiên khởi, cái "arche" trong triết lý Hy-Lạp.
Hậu quả làm cho triết thuyết của Kim Ðịnh tiên sinh xa thực tế hay thiếu thực dụng. Lý do giải thích tính cách xa thực tế và thiếu thực dụng của Triết Lý An Vi có thể thấy trong sự xa cách với các vấn nạn của con người hiện đại.
Thực ra, chúng ta không thể chối tác dụng tâm lý rất mạnh mẽ từ Triết Lý An Vi của ông. Song bất cứ tôn giáo hay ý thức hệ nào cũng có những đặc trưng đó. Trong tôn giáo và ý thức hệ, con người tạm tìm ra một cách thể "giải quyết" những vấn nạn thực tế. Phật giáo coi mọi vấn nạn đều do thâm sân si. Do đó cách giải quyết hay nhất là chặt hết mọi điều kiện làm cho con người có ước vọng. Tương tự, Kitô giáo, tuy thực tế hơn, nhận định căn nguyên của mọi vấn đề từ tội nguyên tổ; thế nên chỉ khi nào chúng ta được rửa sạch khỏi tội này, con người mới được cứu rỗi. Chúng ta không chối giá trị của tôn giáo, song chúng tôi thiển nghĩ, triết học khác biệt với tôn giáo, không phải trên quan niệm siêu hình song rõ rệt nhất, trong lối giải quyết vấn nạn của nhân sinh.
Dù sao đi nữa chúng ta cũng phải công nhận việc Kim Ðịnh đương làm. Ðúng hay sai, tiên sinh có lẽ là người có công nhất trong việc xây dựng Việt Triết trong giai đoạn hiện thời.
Ði song đôi với phương pháp chuyển thích, đó là phương pháp giải thích (exegesis), một phương pháp từng được các nhà thần học gia áp dụng giải thích Thánh Kinh. Phương pháp này chú trọng tới ý nghĩa trung thực của ngữ câu, song không có lấy hữu thể tính để chuyển nghĩa như thấy trong chuyển ngữ pháp. Thế nên, những người theo phương pháp này chú trọng tới ngữ học, khảo cổ học... với mục đích chứng minh tính chất chân thật của các tác phẩm xưa. Cụ Hán Chương đi theo lối này. Ông tin rằng, để xây dựng Việt Triết, công việc khảo cổ giữ vai trò quyết định. Những cố gắng của ông nhằm khai quật những tư tưởng ẩn hiện trong tác phẩm của các văn hào Việt. Công việc "nhận diện các triết gia và triết thuyết" Việt Nam được ông (gần như "đơn thương độc mã") đeo đuổi với những tác phẩm về Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Du (như chúng tôi đã nhắc tới trong phần đầu). Rõ rệt hơn cả là trong các luận án mà ông đề nghị. Cũng vì vậy, các luận án này đều có tính cách lịch sử và thiếu hiện đại. Thế nên, cái nhìn của tiên sinh xem ra có vẻ xa với thực tế hiện đại. Tuy nhiên, chúng tôi rất hoan nghênh và thán phục công việc "lót đá, vá đường" của ông. Giống như Trần Thái Ðỉnh trong công việc giới thiệu các Triết Âu, đáng được khuyến khích và tiếp tục.
Trong khi bàn tới vấn nạn của phương pháp, chúng tôi đã mạn đàm phần thứ nhất của công việc đi tìm vấn nạn, hay nhận ra vấn nạn. Trong phần này, chúng ta tiếp tục bàn tới câu hỏi tri thức luận: Thế nào là vấn nạn và làm thế nào để nhận ra vấn nạn. Công việc này chúng tôi đã tạm bàn trong phần thứ ba:Việt Triết và Vấn Nạn Hiện Ðại.
Thú thực, Việt Triết hiện đại hình như cố xa lánh thực tế, và do đó có vẻ tiêu cực trong việc đi tìm giải đáp cho tình trạng khốn cực của Việt dân. Với một ngoại lệ của Kim Ðịnh (mặc dù tính cách hoài cổ của tiên sinh) đã từng đưa ra những hiến chương để giải quyết những vấn nạn nội tâm và chính trị. Trong khi đa số những vị khác đi vào con đường xa, hay thoát ly thực tế. Những tư tưởng cóp nhặt từ hiện sinh thuyết có tính cách bi quan, tiêu cực, hay bị ảnh hưởng của Thiền muốn thoát ly thực tại để đi vào nội tâm, chỉ có tác dụng tâm lý làm cho chúng ta tạm quên thực tế bi đát mà thôi. Những vấn nạn con người Việt đương chịu đau khổ như vấn nạn sinh tồn, vong thân, hư vô, máy móc... hoặc bị hành hạ, thống trị vẫn chưa được giải quyết. Một số giáo sư triết tại đại học Sài Gòn như giáo sư Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung hay Nguyễn Ngọc Lan đã ý thức được phần nào điểm này khi họ theo lối nhìn của chủ thuyết xã hội giải đáp tình trạng khẩn trương của đất nước. Lý Chánh Trung từng theo lý thuyết nhân vị của Mộ-Ni (E. Mounier), trong khi Nguyễn Chánh Trung theo gót nhóm trí thức tả phái của Công Giáo; Nguyễn Ngọc Lan cùng với các bạn đồng dòng của ông đi vào con đường cụ thể hơn như kinh tế và chính trị, phản tỉnh những bất công xã hội... Nói cách chung, các vị giáo sư triết trên dấn thân theo lối triết học vào đời hay dấn thân (philosophie d' engagement) kiểu của Mộ-Ni (E. Mounier) hay Cam-Ðịa (Gandhi).
Ðiểm mà chúng ta đáng để ý là những phương thế họ đưa ra thường bị lơ là và không được thực hành. Chúng tôi không bàn luận tới nội dung của các đề nghị của chư vị mà chỉ chú trọng đến một vấn nạn: tại sao tư tưởng hay đề nghị của chư vị không được chú trọng? Chúng tôi nghĩ, nguyên nhân chính bao gồm:
Thứ nhất: những
phương thế trên không thể được
áp dụng, hoặc:
Thứ hai: Những phương thế
trên vì đi ngược lại với
quyền lợi của giới cầm
quyền (bao qua giáo hội nên bị gạt
bỏ).
Nơi đây chúng tôi xin được mạn đàm về lý do thứ nhất của sự bất khả dụng của những phương thế của quý tiên sinh.
Khi chúng ta nói về tính cách bất dụng, chúng ta chú trọng tới hai phương diện: phương diện chân thật của lý thuyết và tính chất cụ thể, phát huy công năng của nó. Một phương thế cũng có thể được chấp nhận tuy nó không hoàn toàn đúng. Thế nên, chúng ta bàn về:
- Ðiểm đúng hay
sai của phương thế, và
- Hiệu năng của nó.
Một phương thế có thể đúng hay sai tùy thuộc vào nhiều điều kiện và tiêu chuẩn. Nếu quan sát sai, nếu bị kinh nghiệm lừa đảo, nếu tri thức phán đoán chưa đủ, chúng ta sẽ nhận ra vấn nạn một cách sai lầm. Từ khía cạnh khác, nếu những điều kiện trên tạm đủ, song một khi bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ, chúng ta sẽ giải thích vấn nạn một cách lệch lạc. Về điểm này, khuyết điểm của quý vị, rõ ràng trong việc họ bị ảnh hưởng của xã hội Tây Phương, hay của một lý thuyết xã hội nào, hoặc họ thiếu những kiến thức căn bản về xã hội, lịch sử của Việt Nam. Ðiểm quan trọng hơn đó là thiếu để ý tới tâm thức của Việt dân trong mạch huyết của Ðông Nam Á và do đó hoàn toàn xa vời những vấn nạn căn bản như sinh tồn, kinh tế. Họ quên rằng, làm thế nào để giải quyết vấn nạn sinh tồn là điểm quan trọng, là bước thứ nhất để giải quyết những vấn nạn vong thân, hư vô, v.v... Ðàng khác, khi họ đưa ra những giải đáp, thí dụ như những giải đáp của giáo sư Nguyễn Văn Trung trong tập Nhận Ðịnh, thì đa số những giải đáp này có tính chất trên mây dưới gió nhiều hơn là thực tế, những giải đáp, có lẽ hay hơn cho xã hội Tây Phương.
Chúng tôi thiết nghĩ, tính chất thực dụng cũng như khả thể nhận ra tình trạng hiện đại của vấn đề là những yếu tố then chốt để phát huy và phát triển Việt Triết. Ðể có thể đưa ra nhận định trung thực, chúng ta phải có một phương pháp khoa học (quan sát, suy diễn, phân tích), cũng như có thể đưa ra một định luật thiết yếu tất nhiên. Chỉ khi nhận ra mặt chân của vấn nạn, chúng ta mới có thể đi tìm một phương thuốc điều trị. Song ta không thể nhập cảng chúng từ ngoại bang, mà phải tìm ra ngay ở trong lòng dân tộc và đất nước, bởi vì những vấn nạn trên có tính cách đặc thù của Việt dân.
Tựa đề của bài này nguyên ngữ tuy rất Tàu: "Việt Triết Khả Khứ Khả Tùng?" (Việt Triết đi về đâu?") song linh hồn của nó lại rất Việt. Như chúng tôi xác quyết khi giải thích siêu việt biện chứng: Việt Triết có khả thể và năng lực tổng hợp những nền tư tưởng khác, biến chúng thành Việt. Cái khả năng tổng hợp và siêu việt này vẫn tiềm ẩn trong sinh hoạt của người Việt chúng ta. Chính vì thế, nhiệm vụ của chúng ta phải làm cho khả năng tổng hợp này được xuất hiện. Chỉ khi đó, Việt Triết mới xuất hiện được.
Chúng ta phải thành thực mà nói, tuy Việt Triết tiềm tàng trong lòng dân tộc, song nó chưa hề được khai quật và trình bày một cách rõ ràng, khoa học. Việt Triết cũng chưa được phát hiện trong giai đoạn hiện đại. Một phần vì chúng ta thiếu phương pháp khoa học, một phần vì thiếu nhân tài, cũng như phần lớn bị ngoại bang đàn áp. Chương trình triết tại trung và đại học rặt theo chương trình Pháp, "xài" tiếng Pháp. Trường Văn Khoa (hay chuồng ngựa), không có dạy Triết Ðông (cho tới 1958), đừng nói đến Việt Triết... Thế nên, Việt Triết vẫn còn ở trong thời gian thiếu phát triển. Bổn phận của chúng ta không chỉ đòi hỏi chính quyền ý thức được tầm quan trọng của Việt Triết, mà chính chúng ta phải khai quật nó.
Ðể khai quật, chúng ta, như chúng tôi đã đề nghị, phải tìm ra những vấn nạn của Việt Dân và sau đó đi tìm giải đáp cụ thể và hữu dụng. Ðây là những chương mục then chốt để phát hiện và hoàn thành Việt Triết. Ðể tìm ra vấn nạn, các triết gia bắt buộc phải cộng tác với các chuyên gia trong những lãnh vực khác như xã hội học, tâm lý học, lịch sử, khảo cổ, ngữ học và nhất là khoa học. Do đó, Việt học, song song với Việt Triết phải được vun trồng.
Ðể giải quyết vấn nạn, ngoại trừ phải tìm ra những phương thế thuần túy Việt, chúng ta cũng phải học hỏi thêm những phương pháp khoa học khác. Công việc dịch thuật, giới thiệu những phương pháp, tư tưởng mới của các dân tộc khác có thể giúp chúng ta sửa đổi, phát triển phương pháp của chúng ta giúp giải quyết vấn nạn một cách hiệu quả hơn.
Chúng ta cần phải "học mình học người" bằng cách "biết mình biết người". Thế nên, đồng lúc với sự học hỏi tư tưởng cũng như phương pháp của người khác, chúng ta phải cố gắng đưa tư tưởng của mình ra giới thiệu cho họ, một phần cống hiến cho hoàn vũ những tinh hoa của Việt Triết, một phần chấp nhận phê bình để có thể sửa đổi và phát triển tư tưởng dân tộc.
Chúng tôi lạc quan tin tưởng rằng, nếu đoàn kết, cùng góp trí tiến hành những công việc trên, chúng ta có đủ lý do tin rằng Việt Triết có thể đưa ra được những chỉ đạo cũng như giải đáp cho những vấn nạn của Việt dân và của loài người.
Hàn Lâm Viện Khoa
Học Xã Hội Bắc Kinh
Tháng 7 năm 1996
John B. Trần Văn Ðoàn
1. Việt Triết
đi về đâu
2. Việt Triết: bản chất
và đặc tính
3. Việt Triết và vấn
nạn Hiện Ðại
4. Việt Triết và tương lai của
Việt Dân.