Việt Triết đi về đâu?
(Việt Triết khả khứ khả tùng?)

Giáo Sư John B. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan


2. Việt Triết:
Bản Chất và Ðặc Tính

Cụ Lệ Thần ví Nho Học như một lâu đài cổ, tuy đẹp nhưng đổ nát vì không được tu bổ (Trần Trọng Kim, Tự, tr.1x). Nói cách khác, Nho Triết chỉ có nội dung song thiếu hình thức. Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn cũng như phong trào Tân Học (Ngũ tự vận động) của Trung Hoa nhận định ngược với cụ Lệ Thần, họ coi Nho Giáo như mớ rác, không những vô giá trị mà còn nhiễm độc. Nho Giáo là căn nguyên của sự thối nát, thoái bộ..., của Trung Hoa cũng như Việt Nam. Thế nên khi nhóm của Hồ Thích với khẩu hiệu "đả đảo Khổng Gia điếm" hạ nhục Nho Giáo: "Khổng khưu nghiết phẩn chi học", thì không thấy có Nho gia nào dám vác mặt ra bênh vực Khổng điếm.

Trần Ðộc Tú, một trong những sáng lập viên của đảng Cộng Sản Trung Hoa, nêu ra 9 lý do để hạ bệ Nho Giáo, đại khái như tính chất phản động, bảo thủ, ưa hình thức, lễ nghĩa, giả nhân, kỳ thị giai cấp, thụ động... Về sau chỉ có một Nho Gia, với một tiếng nói yếu ớt, biện hộ cho Khổng Học. Ông Lương Thu Minh (chết năm 1990 tại Bắc Kinh) trong tập Ðông Tây Văn Hóa Cập Kỳ Triết Học, đổ tội cho các nhà cầm quyền đã bóp nghẹt và biến hóa Nho Giáo. Thực ra tinh thần Nho mới đáng quan trọng. Cái tinh thần đó vẫn còn giá trị cho Trung Hoa.

Thực ra, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn cũng như nhóm Tân Học ở Tàu đã không hiểu bản chất Khổng Học cũng như của Văn Hóa Việt. Họ lấy những hiện tượng quan lại, lấy phương tiện của giai cấp thống trị và coi chúng như là bản chất của Nho Học và Việt Triết. Hoặc nếu họ có hiểu đôi chút, họ chỉ nhận ra những vấn nạn đương thời và đi tìm một giải đáp nông cạn.

Cái nhầm của họ là, triết lý không chỉ nhằm vào những vấn nạn hiện thời hay đi tìm những giải đáp tạm bợ. Triết lý đòi ta tìm ra nguồn gốc của vấn nạn, khả tính cũng như phát hiện tính của vấn nạn. Hơn thế nữa, Triết học phải đưa ra một định luật, một định hướng, một câu trả lời thỏa mãn cho nhân sinh, cho vấn nạn của con người.

Một số trí thức Tây Học khác định nghĩa Triết Học như là một hệ thống duy lý, chặt chẽ và đồ sộ, hoặc như môn lý thuyết luận lý phân tích. Cái nhìn của họ không có sai, nhưng chưa đủ. Một ngôi đài nguy nga, tráng lệ, nhưng không để cư ngụ, chỉ là một lâu đài để nhìn ngắm, vô ích cho con người cụ thể. Triết Học của các danh triết như Bồ-La-Thư (Platon) hoặc Ðệ-Các (Descartes) giống như lâu đài nguy nga và tráng lệ nhưng vô bổ. Các triết gia như Nghịch-Tài (Nietzsche) hay Hải-Ðức-Cách (Heidegger) đã vạch rõ tính chất vô bổ của những nền triết học trên mây dưới gió, xây trên bãi cát Ðịa Trung Hải... này.

Nơi đây, chúng tôi không còn lập lại những phê phạm của giới triết hiện đại tại Âu Mỹ. Một điểm mà chúng ta, những người tin vào luận lý hình thức phải cảnh giác, đó là sự phản tỉnh ra tính chất ngây thơ của luận lý bởi chính những tín đồ của nền luận lý. Triết gia người Tàu, Vương Hạo tiên sinh, một đồ đệ của Khai-Nộ (O.V. Quine), một tín đồ của lý thuyết Tân Thực Nghiệm cảm khái trong tập "Vượt Khỏi Triết Lý Phân Tích" như sau:

Ðiểm đáng nói là Vương hạo từng là tín đồ của Vỹ-Cân-Ðan (L. Wittgenstein), và là giáo thụ tại đại học đường Ngưu Kinh (Oxford), Hạ Phổ (Harvard), hiện là giám đốc viện nghiên cứu về luận lý và toán học tại đại học Thạch Ðảo (Rockeffeller) ở Tân Cảng (New York).

Trong cuộc đối thoại với Vương tiên sinh, chúng tôi đi tới một kết luận là, triết học không phải là một "bàn cờ trí thức" (intellectual game), nhưng là triết lý hành động. Tuy không tin vào lý thiết Mã-Sỹ (Marx), chúng tôi chấp nhận lời phê bình triết gia duy lý, duy tâm của ông. Họ Mã nhận định: "Từ xưa tới nay, các triết gia chỉ có giải thích thế giới một cách lung tung. Ðiểm đang nói là chúng ta phải tìm cách biến đổi thế giới" (Die Philosophen haben die Welt nur vershieden interpretiert; es koummt darauf an, sie zu veroandern).

Thực ra tôi không hoàn toàn đồng ý với Vương tiên sinh khi ông hạn hẹp triết học "biến đổi" trong lãnh vực khoa học.

Lý do dễ hiểu là vì con người biến đổi không giống như một sinh vật, hay động vật. Sự biến đổi của chúng có tính cách máy móc tự động. Hơn thế nữa, chúng biến đổi nơi lượng tính. Từ tương quan lượng tính chúng ta định phẩm tính. Con người có biến đổi, một phần giống như các sinh vật khác. Song một phần lớn, sự biến đổi của con người được quyết định bởi chính con người qua các yếu tính nhân sinh như tự do, tự ý thức, ý thức tới mục đích tối hậu... Ngay cái mà chúng ta gọi là phẩm tính hay giá trị cũng được cấu kết theo mức độ ý thức, tự do chứ không có tính chất tự động máy móc nơi một số tâm lý học gia như Pháp-Lỗ (Parlow) hay Sỹ-Phân-Xa (Spence). Nói như thế, chúng tôi không những không đồng ý với Mã-Sỹ (Marx) hay giới khoa học như Vương Hạo, chúng tôi muốn đưa ra một câu hỏi mà Mã-Sỹ (Marx) cũng như Vương Hạo cả hai đã quên sót: Tại sao con người cần phải biến đổi thế giới? Câu hỏi này quan trọng hơn câu hỏi cơ khí: làm thế nào để biến đổi thế giới. Nếu thiếu ý thức vê nguyên nhân hữu thể của câu hỏi tại sao, tất cả mọi biến thể có thể sai lầm và hủy diệt nhân loại.

Sau khi tạm duyệt qua 3 lối nhìn khác biệt về tính chất của triết lý: lối nhìn của Nho Gia, lối nhìn của nhóm Duy Lý cũng như lối nhìn của Mã-Sỹ (Marx), chúng tôi mạo muội đi đến kết luận như sau:

Ða số các triết gia Ðông lẫn Tây đã nhầm lẫn bản tính với tính chất của triết học. Nếu bản tính Triết lý tiềm ẩn trong hữu thể diễn đạt nguyên lý tối hậu của con người thì tính chất bất cứ một nền triết lý nào thường chỉ hạn hẹp trong hiện thực tính, cũng như trong khoa kỹ tính (technological character) mà thôi. Ðể giải thích sự khác biệt gữa hữu thể và hiện thực tính, chúng ta có thể nhìn trong sự khác biệt của hai câu hỏi: Triết lý nhằm tới mục đích gì? Và làm thế nào để đạt tới mục đích đó?

Mục đích của triết lý không phải là chính danh, tu thân hoặc trí tri cách vật, cũng không phải là làm sáng tỏ vấn đề (idea clara et distincta, Descartes). Ngôn ngữ triết gia như An-Ái (A. Ayer), hay nhóm Tân Nghiệm như Vỹ-Cân-Ðan (Wittgenstein) đã nhầm lẫn chính danh với mục đích của triết lý. Sự sai lầm của Lữ-Kha (Locke) cho rằng triết học chỉ làm công việc cu-li (under labour) dọn dẹp sạch sẽ những đồ dơ vất lại, hoặc rõ ràng hơn, triết học nhằm tới loại bỏ ngôn ngữ tối tăm hồ đồ (Philosophy is concerned with eliminating linguistic confusions), được những đồ đệ của ông lặp lại một cách thiên trân như sau:

Nếu mục đích của triết lý không phải là phương pháp vậy thì mục đích triết lý là gì?

Các triết gia Hy-Lạp cho là "đi tìm kiếm, hay yêu sự khôn ngoan" (phio-sophia), trong khi các triết gia hiện đại coi việc tiếm đoạt sự khôn ngoan như là mục đích của triết lý. Cái nhìn của họ không có sai, song mờ tối, bởi vì khôn ngoan hay trí tuệ chỉ có giá trị khi giúp con người đạt tới một mục đích nào đó. Nói cách khác, không phải sự khôn ngoan tự thân, cũng không phải là Thượng Ðế, càng không phải là một phương pháp nào đó chính con người là mục đích, cứu cánh tối hậu của triết học.

Khi nhận ra con người là mục đích của triết lý, chúng ta phải bước thêm một bước nữa đặt ra những câu hỏi như triết gia Khang-Ðức (Kant) từng viết: "Tôi biết chi về con người?" "Làm thế nào để biết con người?""Tôi phải hành động thế nào?"

Nói cách khác, triết lý nhằm học hỏi và giải quyết những vấn nạn tương quan với ba câu hỏi định mệnh trên. Triết Ðông cách chung, và Triết Việt cũng như Triết Nho cách riêng đặc biệt chú trọng đến vấn nạn con người. Bản chất, tính chất cũng như cách thế của con người là đầu đề của nền triết học của chúng ta. Trong Nho gia, tranh luận về Nhân Tính từng là một đề tài nóng bỏng. Họ tranh luận, phán quyết cho là nhân tính "bản thiện" (Mạnh Tử), hay "bản ác" (Tuân Tử). Họ tìm ra những kim châu ngọc thước (Khổng Tử) để giải quyết tranh chấp. Họ đi vào những con đường thoát ly để giải đáp sự sống còn của nhân loại (Lão Giáo, chống Nho Giáo).

Tương tự và theo cùng một đường hướng trên ta nhận thấy nền triết lý nhân bản này tiềm tàng trong Việt Triết: Triết Lý Nhân Bản của Nguyễn Du, Triết Lý Chấp Sinh của Nguyễn Công Trứ, Triết Lý Vô Vi trong Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương với thái độ "tiếu ngạo giang hồ"... xác nhận một điều là các Nho Gia Việt đặt Con Người, chứ không phải Thiên Nhiên hay Thượng Ðế, làm đề tài cho suy tư.

Chúng tôi dấn thêm một bước, xác định là Việt Triết luôn lấy con người làm trung tâm. Do đó, Việt Triết phát triển cũng như xây dựng trên những vấn nạn nhân sinh, để hết tâm huyết đi giải đáp những vấn nạn trên. Nói cách khác, tính chất của Việt Triết tiềm tàng trong những cách nhận định một cách cá biệt của Việt Dân về những vấn nạn trên, cũng như trong phương pháp giải đáp chung. Thế nên những vấn nạn về vũ trụ (vũ trụ học) về trí thức (tri thức luận), về phương pháp... không phải là trung tâm của Việt Triết. Xây dựng trên con người, bản tính của Việt Triết do đó mang tính chất trọng nhân (anthropological) (không hoàn toàn duy nhân, anthropocentral), thực tiễn và thiết thực (practical and pragmatical) cũng như siêu việt (transcendental).

Ðể tránh vào lỗi dùng ngôn ngữ để diễn đạt hư không, chúng tôi xin phép giải thích 3 đặc tính: nhân chủ, thực tiễn và siêu việt. Trọng nhân hay chủ nhân (nhân chủ) diễn đạt ba điểm sau:

Ðể tránh đi quá xa luận đề của Việt Triết, chúng tôi tạm "tồn nhi bất luận" (epoche) về nhân chủ tính, và xin phép mạn đàm tính chất thứ hai của Việt Triết: thực tiễn tính.

Trong bộ Trung Quốc Triết Học Sử, Tiến Sỹ Hồ Thích đổ tội cho sự mê tín, thiếu thực tiễn... cho đó là nguyên nhân chính tận diệt triết học cổ đại Tàu: "theo tôi nguyên nhân chính thứ tư bóp chết nền triết cổ đại Trung Quốc, không ở tại lỗi đốt sách, chôn sĩ phu, mà chính là do ở sự mê tín của bọn phương sĩ vậy". Lời đổ tội của Hồ tiên sinh có phần nào đúng, song thực ra thực tiễn kiểu các triết gia Mỹ như Ðổ-Vi (Dewey J.) mà họ Hồ bắt chước cũng không cứu nổi Triết Tàu.

Triết Việt hoàn toàn dựa trên thực tiễn nhưng thiếu phát triển. Thế nên chúng ta cần phải bàn về thực tiễn tính nơi đây.

Họ Hồ hiểu thực tiễn theo tiêu chuẩn "thực dụng (pragmatic). Theo tiêu chuẩn này, bất cứ một nền triết học chân thật nào cũng đều đưa ra một giải đáp thực dụng cho con người. Theo lối lý luận trên, triết học chân thật nhất phải thực dụng nhất. Kết luận, triết học phải là khoa học. Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với tiên sinh. Thứ nhất, họ Hồ hạn hẹp công dụng vào tính chất cũng như ước muốn của con người trong lãnh vực thực tiễn, vật chất, một lãnh vực thuộc về khoa học tự nhiên. Thứ ba, cũng là điểm sai lầm của các triết gia thực dụng như Ðỗ-Vi (Dewey J.) hay Phụ-Sĩ (S. Peirce), họ Hồ chưa đưa ra một tiêu chuẩn xác định giá trị (tính chất hữu dụng), và do đó rơi vào hố của tương đối luận.

Chúng tôi hiểu thực tiễn tính theo lối nhìn rộng hơn: bất cứ một hành động nào của con người cũng bị hướng dẫn, hay kích thích hay tác động bởi một mục đích nào đó. Mục đích đó có thể rõ ràng hay mơ hồ, ý thức hay vô thức. Thế nên triết lý phải giúp con người:

Nói theo triết gia Ðức, ông Hà-Bác-Mã (Habermas J.), tính chất thực tiễn của Triết Việt rõ rệt trong đời sống, ngôn ngữ, tập tục... của Việt Dân. Ðiểm rõ ràng nhất nằm trong ngôn ngữ thường nhật, một ngôn ngữ không chỉ diễn đạt những ý nghĩa câu thông (Kommunikation), mà còn đưa ra một luân thường đạo lý trong cú cấu văn phạm và kết cấu. Ngôn ngữ bình dân đó chỉ rõ cái mục đích tiềm tàng trong cách biểu tả.

Nói cách khác, ngôn ngữ bình dân Việt như ca dao, vè... hội đủ 3 yếu tính của ngôn ngữ khoa học: ngữ ý (semantics), ngữ cấu (synthactics hay grammatics) và ngữ dụng (pragmatics). Chúng ta lấy câu hài hước của cô gái nghèo như một thí dụ chứng minh tính chất thực tiễn của ngôn ngữ Việt:

Câu nói đơn sơ, nhưng rõ rệt không thể gây ra lầm lẫn, nhưng lại biểu tả một đao lý thực dụng, hiện thực phản tỉnh nền luân lý Việt: đơn sơ, sáng tỏ, thực tiễn và hiệu quả.

Siêu việt tính là một đặc tính ít thấy nơi các sắc dân khác. Việt tộc chưa hề mất gốc song thường biến đổi. Lịch sử Việt ghi nhận một thực tế kiêu hãnh mà ngay dân tộc Do Thái và Á-Lập-An (Arianne) cũng không sánh kịp: Việt tộc luôn giữ được bản gốc sau hơn một ngàn năm đô hộ của hán tộc, gần 100 năm dưới thời Pháp, và ngày gần đây, khi mà chúng ta phải tỵ nạn nơi quê người, Việt dân vẫn giữ được tính chất của Việt tộc. Hai tính chất quan trọng cấu tạo siêu việt tính bao gồm: bảo tồn và biến dạng song không biến tính. Hai tính chất này (mang bản tính biện chứng của Huyền-Cách (Hegel) làm căn bản cho thuyết lý Tam tài và cặp Song Trùng trong Việt Triết.

Nơi đây chúng tôi cần giải thích thêm siêu việt tính: trong tất cả mọi tài liệu nghiên cứu về văn hóa Việt, đa số các học giả đều chấp nhận những dữ kiện sau:

Người Việt tâm tư một cách tổng hợp, không theo lối luận lý hình thức, cũng không theo luận lý "gạt bỏ tính chất thứ ba" thường thấy trong toán học và luận lý Tây Phương. Họ cũng không hoàn toàn chấp nhận cái nhìn nhất nguyên hay nhị nguyên. Tất cả những nét căn bản cấu tạo tư tưởng Việt mang cặp song trùng: âm dương, thiên địa, tiên rồng v.v... Song lối suy tư song trùng này không thụ động như lối kết cấu của Lê-Vi-Châu (Lévi Strauss), nó kiến cấu tính chất mới một cách tích cực như thấy trong thuyết Tam Tài: Con người không chỉ là trung tâm, mà là sự phát xuất từ chính động tác phối hợp của trời và đất, của tiên và rồng. Siêu việt tính cũng là một động lực biến đổi Việt tộc thành một dân tộc có tính hoàn vũ. Tuy thay đổi nhưng vẫn không đánh mất bản chất của mình. Ðặc tính này rất rõ rệt trong ngôn ngữ Việt. Tiếng Việt không gạt bỏ ngoại ngữ, nhưng biến hóa chúng thành "rất Việt". Doãn Quốc Sỹ nhận xét, chúng ta Việt hóa ngoại ngữ như Hán, Pháp, Anh... tài tình đến độ mà chính chúng ta không nhận ra được đó là ngoại ngữ. Thí dụ như câu thơ:

Trong những câu thơ trên, những tiếng như Tầm Dương, Ngân Hà, Tinh Ðẩu, Tào Khê tất cả đều là chữ Hán.

Tương tự, chúng ta thấy những ngôn ngữ mới thí dụ như trong thơ của Tế Hanh:

Tiếng ga từ tiếng pháp gare mà ra.

Nói tóm lại, siêu việt tính nằm gọn trong chữ Việt, "với ý nghĩa siêu việt, là nhảy từ hai thái cực vào một: từ trời cao đất thấp nhảy vào người...", tức là kết quả của cái nhìn riêng biệt không xem hai đối cực như hai thực thể chống đối nhau, tiêu diệt nhau, mà như là hai chiều bổ túc hổ tương của một thực thể".

Chúng tôi cũng tạm gọi tính chất này là siêu việt biện chứng.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page