Tường thuật 1 về
chuyến thăm Cuba của ÐTC
(21-25/01/98)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Tường thuật về chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Cuba. Bài 1: Rời Roma - đến La Havana - Tiếp đón tại Phi Trường Thủ Ðô La Havana

Tường thuật về chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại Cuba. Bài 1: Rời Roma - đến La Havana - Tiếp đón tại Phi Trường Thủ Ðô La Havana.

Lúc 10:30 sáng thứ tư 21/01/98, theo giờ Roma, ÐTC lên đường đi thăm Cuba. Ðây là chuyến viếng thăm quốc tế lần thứ 81, nhưng là lần đầu tiên đến thăm Cuba. Dư luận báo chí quốc tế rất chú ý theo dõi chuyến viếng thăm nầy, giống như xưa kia đã theo dõi chuyến viếng thăm quê hương BaLan, lần đầu tiên vào năm 1979. Ðây là chuyến viếng thăm có nhiều thách đố, mặc dù chỉ kéo dài trong vòng bốn ngày, và mỗi ngày bình quân chỉ có một biến cố chính, là thánh lễ cho dân chúng. Ðức Thánh Cha luôn qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ Ðô La Havana. Ban ngày, Ngài rời thủ đô đi thăm các thành phồ chính: mỗi ngày một thành phồ mà thôi, và chỉ có một biến cố chính, là thánh lễ. Chương trình viếng thăm như thế được giảm thiểu tới mức tối đa, để phù hợp với tình trạng tuổi tác và sức khỏe của ngài. Ngoài thủ đô La Havana, thì ÐTC đi thăm ba thành phố chính sau đây: Thứ Năm đi thăm Santa Clara, phía đông của thủ đô La Havana, và cách 250 cây số. Thứ Sáu thì đi thăm thành phố Camaguey, nằm ở miền trung tây của Cuba, và thứ Bảy thì đi thăm thành phố Santiago, nằm ở cực Nam của Cuba. Bài tường thuật đầu tiên nầy sẽ chú ý đến biến cố ÐTC đến Phi Trường thủ đô La Havana, chiều thứ tư 21/01/98.

Vài giờ, trước khi ÐTC đến nơi, chính quyền Cuba lại hô hào dân chúng hãy ra đón chào ÐTC cho thật đông. Ðó là chưa kể trước đây vài ngày, chính chủ tịch Fidel Castro đã kêu gọi dân chúng tham dự các biến cố ÐTC cử hành trong những ngày viếng thăm CUBA. Chính Ông cũng đã tuyên bố là sẽ có mặt trong thánh lễ ÐTC sẽ cử hành vào sáng Chúa Nhật 25/01/98, tại Quảng Trường Cách Mạng ở thủ đô La Havana.

Nhưng trước khi đi vào chi tiết của biến cố đón tiếp ÐTC tại Phi Trường Thủ Ðô La Havana, vào chiều thứ Tư 21/01/98, chúng ta hãy theo dõi về bầu khí và những chờ đợi liền trước chuyến viếng thăm của ÐTC.

ÐTC Gioan Phaolô II và Chủ tịch Fidel Castro "diện đối diện" trong những ngày này tại Cuba, từ thứ Tư 21/01/98 cho đến Chúa nhật 25/01/98. Một chuyến viếng thăm, một cuộc gặp gỡ lịch sử. Các phương tiện truyền thông xã hội quốc tế, cách riêng của Hoa Kỳ, được huy động tối đa. Hơn ba ngàn phóng viên báo chí, truyền thanh và truyền hình (trong số này Hoa Kỳ chiếm 1,500 người) tuốn đến thủ đô La Havana. Các đài truyền hình của Hoa Kỳ đã dành chỗ tại một khách sạn lớn ở La Havana từ tháng 9 năm ngoái (1997). Có lẽ chưa có chuyến viếng thăm quốc tế nào trong 80 chuyến viếng thăm trước đây được các phương tiện truyền thông xã hội lưu ý đặc biệt như vậy. Thực là một biến cố lịch sử. Hầu hết các phương tiện truyền thông xã hội đề cao khía cạnh chính trị của chuyến viếng thăm. Nhưng mục đích của chuyến viếng thăm này, cũng như tất cả các chuyến viếng thăm khác trên thế giới, hoàn toàn có tính cách tôn giáo, mục vụ và truyền giáo. Như chính ÐTC đã nhắc lại với Ngoại Giao Ðoàn cạnh Tòa Thánh trong buổi tiếp kiến Ðầu Năm Dương Lịch mồng 10 tháng Giêng vừa qua. Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục Giáo phận La Havana, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Cuba, cũng đã nhấn mạnh đến điểm này: "Từ một năm nay chúng tôi lặp đi lặp lại và sẽ còn làm mãi cho tới khi ÐTC từ giã Cuba trở về Roma: Chúng tôi coi ÐTC là Vị Ðại Diện của Chúa Kitô, không coi Ngài như một Vị Quốc trưởng của một quốc gia". ÐTC là vị lữ hành tại các Cộng Ðồng Dân Chúa; ngài đến để củng cố Ðức Tin, nhất là tại Cuba, một Ðức Tin, như chính ngài nói, đã bị thử thách lâu dài.

Các cơ quan truyền thông xã hội đề cao khía cạnh chính trị. Họ viết, họ nói: ÐTC Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng tiên khởi gốc Slavô, là con người đã có nhiều kinh nghiệm cộng sản, đã làm sụp đổ bức màn sắt và đã chiến thắng chế độ cộng sản, mà không đổ máu.

Tờ Tương Lai (Avvenire) số ra ngày 21.01.98, trong bài xã thuyết viết: "ÐTC đi đến đâu là có sự thay đổi tại đó". Chính Ðức Hồng Y Jaime Ortega quả quyết: "Một cái gì đó sẽ thay đổi. ÐTC có tài nói vào tận tâm hồn con người và đây là điều đem lại những thành quả không thể lường trước được". Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, tháp tùng ÐTC trong các chuyến viếng thăm quốc tế, tuyên bố với nhật báo Tương Lai (Avvenire) (21.01.98) rằng: "Trong các chuyến viếng thăm mục vụ, ÐTC không đến để ủng hộ hoặc lật đổ các chế độ hay chính phủ. Khi lên tiếng, ngài nhắc đến các nguyên tắc chung cho cả thế giới và tất cả mọi người, Công Giáo hay ngoài Công Giáo, cách riêng các vị có trách nhiệm Quốc Gia hay Quốc Tế, đều được mời gọi tự vấn lương tâm".

Fidel Castro, đại lãnh tụ Cộng sản, từ năm 1959 tới nay, đã vô thần hóa người dân Cuba và gây rất nhiều khó khăn cho Giáo Hội Công Giáo. Chỉ cách đây ba năm mà thôi, Ông mới loại bỏ khỏi Hiến Pháp điều khoản thiết lập chế độ vô thần. Cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Ðại Lãnh Tụ có thể là một thách đố, nếu chúng ta so sánh sự khác biệt hoàn toàn giữa hai vị. ÐTC Gioan Phaolô II - như tờ Thời Báo (Il Tempo) viết - là Sứ Giả rao giảng chân lý, hòa bình, hòa giải, hy vọng và liên đới trên khắp thế giới. Chủ Tịch Fidel Castro là một nhà cách mạng muốn thay đổi thế giới bằng những cuộc tranh đấu giai cấp, kể cả việc xử dụng vũ lực. Cuộc gặp gỡ, đối thoại, nói theo loài người, thật khó khăn. Ðức Hồng Y Jaime Ortega, người đã trải qua nhiều năm trong tù cộng sản Cuba , đã chuẩn bị chuyến viếng thăm với "trực giác sâu sắc". Ngài nói: "Sau chuyến viếng thăm của ÐTC, Cuba sẽ không như trước". Chủ tịch Fidel Castro, người đã chuẩn bị bước quặt lịch sử bằng cuộc gặp gỡ ÐTC Gioan Phaolô II ngày 19 tháng 11 năm 1996, biết chắc chắn rằng Ðức Karol Wojtyla sẽ nói vào tận tâm hồn của 11 triệu người dân Cuba. Ngài đến để củng cố người dân Công Giáo Cuba trong đức tin, một đức tin bị thử thách lâu năm. Cuộc thử thách này không thể che đậy được, không thể yên lặng được.

Về phía Chủ tịch Fidel Castro, chuyến viếng thăm của ÐTC không gây hại gì, mà còn có lợi về nhiều khía cạnh, cách riêng, đây là lối thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, từ gần 40 năm nay gây nên do lệnh cấm vận của Hoa Kỳ. Trước ngày ÐTC đặt chân lên đât Cuba, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Bill Clinton, tuyên bố với giới báo chí: "Chúng tôi ước mong rằng Cuba tiến đi trong chiều hướng cởi mở về tự do, và nếu Cuba làm như vậy, chúng tôi sẽ đáp lại. Ðây vẫn là đường lối chính trị của chúng tôi". Ðây là một dấu hiệu hy vọng. Một tờ báo ở Roma viết: Chuyến viếng thăm được suy tính từ lâu về mọi khía cạnh, sẽ có thể là một khởi điểm để Cuba chuyển hướng một cách êm thấm, không đổ máu, mà vẫn giữ được tính cách lịch sử của cuộc cách mạng 1959.

Nên nhớ lại: Ðây không phải là lần thứ nhất Tòa Thánh dấn thân về chính trị tại Cuba. Tháng 10 năm 1962, nhờ ÐTC Gioan 23 can thiệp với Tổng Thống Kennedy và Chủ tịch Kruscev, Cuba (căn cứ của các hỏa tiễn Liên xô) đã tránh được chiến tranh tàn phá. Trong những ngày viếng thăm này, có thể ÐTC sẽ lên tiếng chống lại lệnh cấm vận, như ngài đã lên tiếng nhiều lần. Chuyến viếng thăm có lợi cho Chủ tịch Fidel Castro, nhưng ông không thể lèo lái chuyến viếng thăm cho những mục tiêu khác, như nhiều người lo lắng, vì họ nghĩ rằng chuyến viếng thăm của ÐTC tại CUBA sẽ gia tăng uy tín và gián tiếp công nhận chế độ của Fidel Castro.

Ðức GP II là người đã sống dưới chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu. Ngài hiểu chế độ hơn ai hết. Ngài đã và đang đem lại tiếng nói và hy vọng cho các dân tọc và các thế hệ tương lai. Ngài lên án Thuyết Duy Vật và những ý thức hệ trá hình với danh hiệu "thần học giải phóng"; nhưng đồng thời ngài sẵn sàng giúp đỡ mọi người, kể các các người ngoài Giáo Hội hay thậm chí các người chống đối và bách hại Giáo Hội, tìm ra một con đường mới.

Ðó là vài nhận định trước khi ÐTC đến Cuba. Quảng đường bay từ Roma đến thủ đô Cuba dài 7,768 cây số, và Máy bay chở ÐTC phải mất khoảng 12 tiếng đồng hồ. Trên máy bay, ÐTC đã có cuộc họp báo ngắn. Khi các ký giả hỏi ÐTC ngài muốn nhắn gởi sứ điệp gì cho dân chúng Hoa Kỳ, liên quan đến vấn đề cấm vận, thì ÐTC đã trả lời như sau: "Tôi sẽ nói: hãy thay đổi, thay đổi". Mọi người đều hiểu là ÐTC muốn kêu gọi thay đổi lệnh cấm vận đối với CUBA. ÐTC nói tiếp như sau: Theo tôi, thì xem ra tại Hoa Kỳ, nguời ta rất chú ý theo dõi chuyến viếng thăm nầy. Có lẽ, cả Cuba và Hoa Kỳ đều đang hướng về một tương lai tốt đẹp hơn." Sau đó trả lời cho câu hỏi, ÐTC mong đợi được nghe điều gì từ chủ tịch Fidel castro, thì ÐTC đã trả lời như sau: Trên hết mọi sự, tôi muốn nghe sự thật. Tôi muốn Ông nói với tôi sự thật, sự thật về Ông, trong tư cách là một vị chủ tịch, một nhà lãnh đạo cuộc cách mạng. ÐTC cũng cho biết là trong năm ngày viếng thăm, ngài sẽ lên tiếng về nhân quyền. "Quý vị biết rõ là tôi đang nghĩ tới nhân quyền, và tôi có thể nói những gì để bảo đảm cho nhân quyền. Cuộc họp báo kéo dài 20 phút, và ÐTC đã khôi hài về sức khỏe của ngài như sau: Hẵn là sức khỏe của tôi bây giờ không giống như hồi năm 1979. Nếu tôi muốn biết điều gì thì tôi phải đọc báo, nhất là khi tôi muốn biết về các chứng bệnh của tôi.

Máy bay của ÐTC đến phi trường thủ đô La Havana, lúc 4:30 chiều cùng ngày thứ Tư 21/1, theo giờ địa phương Cuba, tức là lúc 4:30 sáng thứ Năm, giờ Việt Nam. Lên đón ÐTC ngay trên máy bay có Ðức Tổng Giám Mục Benjamino Stella, sứ thần tòa thánh tại Cuba, Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Havana, và viên chức chính phủ, trưởng ban nghi lễ của chính phủ. Chủ Tịch Fidel Castro thì ra đứng ngay chân thang máy bay để đón ÐTC. Hai em thiếu nhi dâng lên cho ÐTC một đĩa đựng đất của CUBA để cho ngài hôn. Nghi thức nầy được áp dụng, nghĩa là ÐTC không cúi mình xuống hôn đất nữa, mà chỉ hôn đất được đựng trong đĩa đưa lên cho ngài hôn.


Bài diễn văn của chủ tịch Fidel Castro và Bài diễn văn đáp từ của ÐTC

Bài diễn văn của chủ tịch Fidel Castro và Bài diễn văn đáp từ của ÐTC.

Không mặc bộ quân phục như thường ngày, chủ tịch Fidel Castro đã ra đón ÐTC với bộ âu phục chỉnh tề. Sau khi bắt tay ÐTC, Ông đã hướng dẫn giới thiệu với ÐTC vài nhân vật cao cấp trong phái đoàn chính phủ ra đón tiếp Ngài. Trong bài diễn văn sau đó, Chủ Tịch Fidel Castro đã có những lời chỉ trích Hoa Kỳ về lệnh cấm vận kinh tế trong vòng 36 năm qua, vừa đồng thời ông cũng ghi nhận lại rằng ÐTC Gioan Phaolô II không ủng hộ cuộc cách mạng do Ông lãnh đạo tại Cuba từ 40 năm qua. Dù sao, Chủ Tịch Castro ghi nhận là dân chúng Cuba hết lòng khâm phục ÐTC về lời kết án mạnh mẽ của ngài đối với lệnh cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ.

Ðể đáp từ, trước hết ÐTC cám ơn chủ tịch Fidel Castro và mọi nguời đã đón tiếp ngài nồng nhiệt. Sau đó, ÐTC nhắc đến mục đích của chuyến viếng thăm của ngài tại Cuba và mời gọi Cuba hãy có thái độ cởi mở đón nhận thế giới và mong thế giới cũng làm như vậy, có thái độ cởi mở với Cuba. ÐTC đã nói như sau: (xin xem bài diễn văn thứ nhất).

Bài diễn Văn thứ nhất của ÐTC tại Phi Trường La Havana, Cuba

Sau nghi lễ đón tiếp tại Phi Trường, ÐTC lên đến thẳng Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô, cách Phi Trường 20 cây số, để nghỉ ngơi, và qua đêm tại đây. Dân chúng đứng đông nghẹt hai bên đường chào mừng ÐTC. Hàng cây thông hai bên đường có đầy những khẩu hiệu đón mừng ÐTC, vị sứ giả của Hòa Bình và Hy Vọng. Kết thúc biến cố đầu tiên tại Cuba, chiều thứ Tư 21/01/98.


Back to Radio Veritas Asia Home Page