Tin Tức và Thời Sự
ngày 30 tháng 05/2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Giới trẻ công giáo Áo mở cuộc thảo luận trên mạng Internet về Liên Hiệp Âu Châu

Giới trẻ công giáo Áo mở cuộc thảo luận trên mạng Internet về Liên Hiệp Âu Châu.

 Áo (Vienna) - (Zenit 30/5/2000) - Một nhóm người trẻ công giáo Áo đang tổ chức mở một cuộc thảo luận về những hệ lụy chính trị, luân lý và kinh tế trong Liên Hiệp Âu Châu. Cuộc thảo luận này sẽ kéo dài từ ngày 2 đến ngày 16 tháng 6/2000, với sự tham dự của nhiều tổ chức và phong trào giới trẻ Âu Châu.

 Mục tiêu của cuộc thảo luận trên mạng Internet này là để giới trẻ Âu Châu có dịp trao đổi những quan điểm và gặp gỡ nhau. Ban tổ chức dự tính sẽ thu thập những lời phát biểu quan trọng trong cuộc thảo luận và sẽ được công bố trên báo chí cũng như trên các tài liệu ấn loát. Âu Châu là một đại lục có nhiều nền văn hóa khác nhau. Liên Hiệp Âu Châu là tổ chức qui tụ nhiều quốc gia trong đại lục này và không bao lâu nữa Liên Hiệp này sẽ được mở rộng để bao gồm các quốc gia trong vùng Ðông Âu. Ðứng trước viễn ảnh này, giới trẻ công giáo Áo đặt câu hỏi: làm thế nào để duy trì và giữ vững liên hiệp nay. Xét về hoàn cảnh chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay dựa trên nhận xét của nhiều nước thành viên của liên hiệp, Âu Châu cũng có một gia sản và nhiều giá trị chung. Nhưng làm thế nào để nhận ra được rõ ràng các giá trị này, làm thế nào để cổ võ các giá trị đó và Liên Hiệp Âu Châu sẽ có biện pháp này một khi các giá trị này bị vi phạm.

 Ðể tạo điều kiện cho giới trẻ Âu Châu tham dự càng đông có thể, các tham dự viên có thể xử dụng ba thứ tiếng Anh, Pháp, và Ðức để chia sẻ quan điểm với các bạn mình.
 
 


Các giáo hội Kitô bên Ðức chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Pentecost)

Các giáo hội Kitô bên Ðức chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Pentecost).

 Ðức (Berlin) - (Zenit 30/5/2000) - Hơn 120 cộng đoàn theo các cộng đoàm (denomination) Kitô khác nhau tại Ðức sẽ mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống bằng cách mở cửa các nhà thờ suốt đêm với nhiều sinh hoạt và thời gian để các tín hữu đến viếng nhà thờ có thể cầu nguyện trong yên tịnh.

 Theo ban tổ chức, từ Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cho tới ngày thứ Hai sau đó, tất cả các nhà thờ tại Berlin và Brandenburg sẽ mở cửa cho các tín hữu. Sở dĩ dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được chọn là ngày để cử hành biến cố này bởi vì đây là ngày lễ của Chúa Thánh Thần, Ðấng từ lúc biến cố hiện xuống đầu tiên đã trở thành nguồn khích lệ cho sự cởi mở tâm hồn và xóa tan niềm lo sợ. Ðây cũng là một cơ hội đặc biệt để thăng tiến tình đại kết, qua sự tham gia của nhiều giáo hội Kitô khác nhau. Tổng cộng có 26 thành viên của hội đồng đại kết Berlin-Brandenburg đã được chọn tham gia sáng kiến này.

 Nhiều nhà thờ sẽ tổ chức những sinh hoạt đặc biệt trong đêm này, chủ yếu là tạo điều kiện cho các tín hữu đến viếng nhà thờ và cầu nguyện trong yên tịnh. Chẳng hạn, tại các nhà thờ công giáo, sẽ có thánh lễ vào buổi tối, được coi là thánh lễ khai mạc; và thánh lễ bế mạc vào sáng ngày hôm sau (tức thứ hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống). Tại các nhà thờ kitô khác, cộng đoàn tín hữu sẽ tựu họp để đọc kinh thánh và nghe đàn các bài thánh ca. Ước mong của ban tổ chức là, cho dù chỉ một đêm thôi, tất cả các tín hữu sẽ có dịp để sống gần gũi với giáo hội của mình.
 
 


Không nên dùng người nghèo như một chiêu bài chính trị

Không nên dùng người nghèo như một chiêu bài chính trị.

 Mêhicô (Thủ đô Mêhicô) - (Zenit 30/5/2000) - Ðể chuẩn bị tinh thần cho các tín hữu công giáo Mêhicô trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 2 tháng 7/2000, Ðức Cha Felipe Arizmendi Esquivel, Giám Mục San Cristobal de las Casas, cho rằng, cuộc bầu cử này phải được tổ chức trong tinh thần tôn trọng sự thật, hòa bình và ổn định, cũng như đáp ứng ý nguyện của người dân.

 Trong bài giảng thánh lễ cho một nhóm tín hữu từ bang Chiapas hành hương đến Ðền Thờ Ðức Bà Guadalupe, Ðức Cha Esquivel bày tỏ hy vọng rằng sẽ không có thêm rạn nứt, đối đầu tại Mêhicô vì những điều này chỉ mang lại nghèo đói và đau khổ cho người dân mà thôi. Ngài cũng cầu xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Guadalupe thanh tẩy những kẻ đang lạm dụng người nghèo cho mục tiêu chính trị hay như một chiêu bài ý thức hệ; riêng cho những người bị dời cư, hay nạn nhân của bạo động, ÐC Esquivel cầu xin Thiên Chúa bảo vệ họ và cho họ có điều kiện trở lại sinh quán và được an cư.

 Ngoài ra vị Giám Mục bang Chiapas cũng kêu gọi người dân tại bang này hãy tránh những chia rẽ nội bộ, người thổ dân không còn chống người thổ dân, người công giáo không chống đối người công giáo. Bởi vì theo ngài, những ai khinh khi, kỳ thị, lạm dụng, đe dọa hay sát hại người láng giềng của mình đều chứng tỏ rằng họ không có tình yêu Thiên Chúa trong lòng.
 
 


Tòa Thánh quan tâm trước tình hình tại miền Nam Libăng

Tòa Thánh quan tâm trước tình hình tại miền Nam Libăng.

 Vatican - (Zenit 30/5/2000) - Trong tuần vừa qua, cả thế giới đã chú ý theo dõi những biến chuyển tại miền Nam Libăng giữa lúc quân đội Israel rút ra khỏi vùng lãnh thổ này theo như lời cam kết của thủ tướng Ehud Barak của Israel. Ðặc biệt, các nhà quan sát rất lo ngại trước tình hình bất an cho các cộng đoàn Kitô trong vùng lãnh thổ mà nay thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Libăng, nhưng trên thực tế thì lực lượng Hồi Giáo Hizbollah, được quân đội Syria hậu thuẫn, có một ảnh hưởng rất lớn.

 Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên đài Vatican, ÐTGM Jean Louis-Tauran, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã bày tỏ sự thông cảm của ngài trước mối quan ngại về tình hình tại miền Nam Libăng hiện giờ. ÐTGM Tauran nói như sau: "Ðiều hiển nhiên là Tòa Thánh hài lòng khi thấy sau nhiều năm được ban hành, nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An LHQ giờ đây được tuân thủ. Nghị quyết đúng lý ra phải được thi hành từ lâu, nhưng dù lúc này cũng đã là trễ, mà vẫn tốt hơn là không bao giờ được Israel tuân thủ". Dù là thế, Tòa Thánh vẫn lo ngại cho sự an toàn của các cộng đoàn Kitô đồng thời bày tỏ hy vọng rằng sau việc rút các binh sĩ Israel ra khỏi miền Nam Libăng, sẽ không có những vụ trả thù đẫm máu nhắm vào người Kitô.

 Ðể kiểm soát các lực lượng hồi giáo, từ 22 năm qua, quân đội Israel đã chiếm giữ vùng biên giới giữa Israel và Libăng như một tấm chắn an ninh. Chiếu theo nghị quyết 425 của Hội Ðồng Bảo An LHQ, Israel phải triệt thoái quân đội của mình ra khỏi vùng này và hoàn trả chủ quyền lãnh thổ cho chính phủ Libăng. Việc đảm bảo an ninh trong vùng biên giới này hiện nay là một vấn nạn lớn cho LHQ. Cho tới nay, Syria chưa ngỏ ý là là liệu Syria có gửi binh sĩ tham gia vào chương trình của LHQ nhắm bảo vệ an ninh tại vùng biên giới này hay không. ÐTGM Jean Louis Tauran bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Libăng sẽ không hoàn toàn gánh vác trách nhiệm này, bởi lẽ cho đến bây giờ chính phủ Libăng vẫn chưa có chủ quyền hoàn toàn trên đất nước của mình. Hiện tại, vẫn còn khoảng 35 ngàn binh sĩ của Syria đang trú đóng trên lãnh thổ Libăng.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page