Diễn của ÐTC trong buổi lễ
công bố Ấn Bản Mẫu Latinh của Sách Giáo Lý
(08/09/1997)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài Diễn Văn của ÐTC trong buổi Lễ Công Bố Ấn Bản Latinh của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, sáng thứ hai mùng 8 tháng 9 năm 1997.

Thưa quý vị Hồng Y, thưa chư huynh đáng kính trong hàng Giám Mục và Linh Mục, anh chị em thân mến,

1. Với nghi lễ long trọng nầy, tôi muốn trình bày một cách chính thức cho Giáo Hội và thế giới Ấn Bản Latinh của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, mà hôm ngày 15 tháng 8 vừa qua, dịp lễ Trọng Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời, tôi đã phê chuẩn và công bố với tông thư Laetamur Magnopere (Chúng ta vui mừng cả thể). Trước hết, tôi xin nói lên tâm tình biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa toàn năng; với sự trợ giúp soi sáng và thêm sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ngài đã hướng dẫn và nâng đỡ con đường soạn Sách Giáo Lý, đã được bắt đầu cách đây 10 năm, và giờ đây đi đến kết thúc hoàn hảo.

Tôi cám ơn hết lòng các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, thành viên của nhiều ủy ban đã làm việc cho công cuộc soạn thảo sách Giáo Lý nầy; ngày hôm nay, cùng với tôi, các ngài đón nhận kết quả của công việc thật nặng nề và có ích nầy (proficuo). Một lời cám ơn đặc biệt đến với ÐHY Joseph Ratzinger; ngài vừa mới nói lên tâm tình của tất cả những người hiện diện; và trong thời gian những năm qua, ngài đã chủ sự công việc, hướng dẫn và sắp xếp các công việc với sự khôn ngoan đáng khen ngợi cho đến lúc kết thúc tốt đẹp.

Giờ đây, tôi xin trao bản Văn Quyết Ðịnh và Quy Mẫu nầy cho toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là cho các vị Chủ Chăn các giáo phận khắp nơi trên thế giới; thật vậy, các ngài là những kẻ lãnh nhận chính (destinataire) của sách Giáo Lý nầy. Một cách nào đó, người ta có thể áp dụng được cho hoàn cảnh hôm nay những lời sau đây của thánh Phaolô Tông đồ: "Tôi đã lãnh nhận từ Chúa điều mà giờ đây tôi truyền lại cho anh em" (1 co 11,23). Nghi lễ hôm nay, thật vậy, là điểm kết thúc, nhưng đồng thời nó ghi dấu một điểm khởi hành mới, bởi vì Sách Giáo Lý, giờ đây trong Bản Văn Cuối Cùng của nó, được biết đến một cách tốt đẹp hơn và rộng rãi hơn, được đón nhận, phổ biến và nhất là trở thành phương tiện quý báu cho công việc hằng ngày trong lãnh vực mục vụ và rao giảng tin mừng.

2. Nguời ta có thể và cần phải xử dụng Bản Văn nầy trong nhiều lãnh vực và một cách bổ túc cho nhau, sao cho Băn Văn nầy là điểm quy chiếu cho trọn cả hành động tiên tri của Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay, trong đó người ta cảm thấy, một cách mạnh mẽ và khẩn thiết, sự cần thiết phải có một sự dấn thân hăng say truyền giáo mới, và một sự dấn thân giảng dạy giáo lý.

Thật vậy, sách Giáo Lý giúp "đào sâu sự hiểu biết về Ðức Tin; sách Giáo Lý được hướng đến việc làm cho Ðức tin được trưởng thành, làm cho đức tin được ăn rễ vào trong đời sống và được chiếu tỏa qua đời sống chứng tá" (CCC,23) của tất cả mọi thành phần Giáo Hội. Sách Giáo Lý là phương tiện có giá trị và an toàn giúp cho các linh mục trong việc huấn luyện thường xuyên và trong công tác giảng huấn; cho các giáo lý viên trong việc chuẩn bị xa và gần để phục vụ Lời Chúa; cho các gia đình trên con đường trưởng thành tiến đến sự phát triển những khả thể có tích chứa trong bí tích Hôn Phối mà họ lãnh nhận.

Những thần học gia có thể gặp được trong sách Giáo Lý một căn bản quy chiếu có thẩm quyền cho công việc nghiên cứu không mệt mỏi của họ. Các ngài được mời gọi khai triển một việc phục vụ quý giá, hoặc bằng cách đào sâu sự hiểu biết về những nội dung được trình bày trong sách Giáo Lý, một cách thiết yếu và tổng hợp, hoặc bằng cách làm sáng tỏ nhiều hơn những lý do ngầm hiểu trong những quả quyết giáo lý, hoặc bằng cách nêu ra cho thấy rõ ràng những liên hệ sâu xa nối kết các chân lý lại với nhau (nessus), sao cho làm nổi bật càng ngày càng hơn "sự hiệp nhất kỳ diệu của Mầu Nhiệm Thiên Chúa, trong ý định cứu rỗi của Ngài, cũng như làm nổi bật đặc tính trung tâm của Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Ðược Thiên Chúa Cha sai xuống, Làm Nguời trong cung lòng Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, nhờ bởi tác động của Chúa Thánh Thần, để trở thành Ðấng Cứu Rỗi chúng ta" (Hiến chế Fidei Depositum, số 3).

Ngoài ra, sách Giáo Lý là như sự trợ giúp quý báu để thực hiện công cuộc cập nhật hóa có hệ thống (aggiornamento systematico) của những ai làm việc trong nhiều lãnh vực khác nhau của sinh hoạt giáo hội. Một cách chung hơn, sách Giáo Lý sẽ hữu ích hơn bao giờ hết cho việc huấn luyện thường xuyên của mọi người Kitô; khi tham khảo sách Giáo Lý nầy hoặc một cách thường xuyên liên tục hoặc gián đoạn tùy lúc, người Kitô có thể khám phá ra nét sâu xa và vẽ đẹp của đức tin Kitô và sẽ được hướng dẫn đến việc cao rao lên với những lời của phụng vụ bí tích rửa tội như sau: "Ðây là Ðức Tin của chúng ta. Ðây là đức tin của Giáo Hội. Và Chúng ta hãnh diện tuyên xưng nó, trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Nghi thức cử hành bí tích Rửa Tội). Sau cùng, cũng không thiếu những tín hữu đã gặp thấy nơi Sách Giáo Lý nầy một phương thế quý giá giúp cho việc cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn, để cỗ võ và tăng giá trị cho những con đường tu đức khác nhau nhưng bổ túc cho nhau, để làm cho đời sống đức tin của họ có lại sức mạnh mới. Nguời ta cũng không bỏ quên giá trị đại kết của sách Giáo Lý. Như đã được biểu lộ trong nhiều chứng tá tích cực của các giáo hội hay cộng đoàn giáo hội, Sách Giáo Lý nầy có khả năng "nâng đỡ cho những cố gắng đại kết, những cố gắng được linh động bởi ước muốn hiệp nhất của tất cả mọi người Kitô, bằng việc chỉ cho thấy một cách chính xác nội dung giáo lý và sự hòa hợp chặt chẽ giữa các điều của đức tin công giáo" (x. Tông Huấn Fidei depositum, số 4). Và cả những ai đang thắc mắc và gặp khó khăn trong đức tin của họ, cũng như những ai không tin đúng hay không còn tin nữa, Sách Giáo Lý nầy có thể cung cấp cho họ một sự trợ giúp có giá trị, bằng việc làm sáng tỏ điều mà giáo hội Công Giáo tin và đang cố gắng sống, vừa cung cấp những khuyến khích chiếu sáng trong việc đi tìm sự thật.

3. Một cách đặc biệt, sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, phải kết thành bản văn quy chiếu an toàn và hướng dẫn có thẩm quyền cho việc soạn thảo những sách giáo lý khác tại địa phương (x. TH fidei depositum số 4). Trên bình diện nầy, thật là đáng khen ngợi sự dấn thân của các giám mục và của các Hội Ðồng Giám Mục trong việc soan ra (approntare) những sách giáo lý địa phương, vừa dùng như là điểm quy chiếu, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Cần phải tiếp tục trên con đường nầy, với sự chú ý đầy tinh thần canh phòng và với sự kiên trì không mệt mõi.

Như tôi đã có dịp nói trong những dịp khác, tôi xin lặp lại nơi đây lời khuyến khích sốt sắng gởi đến các Hội Ðồng Giám Mục, ngỏ hầu họ bắt đầu công việc nặng nề nầy,với sự kiên trì đầy khôn ngoan và với sự nhất quyết đầy can đảm; đây là một công việc cần được hoàn tất trong sự đồng hiệp với Tông Tòa. Ðây là việc soạn ra những sách giáo lý trung thành với nội dung thiết yếu của mạc khải và được cập nhật hóa xét trên bình diện phương pháp, những sách giáo lý có khả năng giáo dục những thế hệ Kitô của thời đại mới có được một đức tin vững chắc.

Trong vài trường hợp đặc biệt, nếu Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo có thể được dùng như là bản văn để dạy giáo lý tại một quốc gia địa phương, thì vẫn còn cần thiết, ở nơi nào chưa bắt đầu công việc, thì vẫn còn cần thiết tiến hành việc soạn thảo những sách giáo lý mới; và những sách giáo lý mới tại địa phương nầy, khi trình bày trung thành và trọn vẹn nội dung gíao lý của sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, thì hãy lưu ý đến những phương thế giáo dục khác biệt và có hệ thống, tùy theo những mong ước của những nguời hưởng dùng Sách Giáo Lý. Nhờ những chỉ dẫn quý báu của tập "Quy Ðịnh Mới" (new directory) chung cho việc giảng dạy giáo lý, sắp được công bố, những Sách Giáo Lý địa phương được mời gọi thực hiện "những thích nghi trong việc trình bày và trong những phương pháp dạy giáo lý, do theo yêu cầu của những khác biệt về văn hóa, tuổi tác, đời sống thiêng liêng, hoàn cảnh xã hội và giáo hội của những ai mà việc giảng dạy giáo lý nhằm đến" (CCC, số 23). Như thế, một cách nào đó, người ta lập lại kinh nghiệm đáng phục của thời các tông đồ, khi mỗi tín hữu nghe rao giảng trong chính ngôn ngữ riêng của họ những kỳ công của Thiên Chúa (x. TÐCV 2,11), và đồng thời, người ta làm cho dễ dàng nhìn thấy được đặc tính Công Giáo của Giáo Hội, qua việc rao giảng Lời Chúa trong nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, vừa kết thành "như một ca đoàn hòa hợp với nhau, được nâng đỡ bởi những tiếng nói của đoàn người vô tận, với những âm điệu vô cùng, những thanh vang và giao nhịp để chúc tụng Thiên Chúa, vang lên từ khắp nơi trên mặt đất, trong mọi giây phút của lịch sử" (Thông Ðiệp Slavorum Apostoli, số 17). Như thế, thay vì làm thoái lui hay thay thế cho những sách giáo lý địa phương, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đòi hỏi, cổ võ và hướng dẫn việc soạn thảo những sách gíao lý địa phương nầy.

4. Tôi mời gọi hàng giáo sĩ và các tín hữu hãy gặp gỡ thường xuyên và sâu xa với sách Giáo Lý nầy, mà tôi trao phó đặc biệt cho Mẹ Maria rất thánh, mà chúng ta mừng lễ Sinh Nhật Mẹ hôm nay. Cũng như biến cố Mẹ Sinh Ra kết thành vào đầu thời kỳ mới một giây phút căn bản cho chương trình được Thiên Chúa Cha an bày cho việc nhập thể của Con Một Ngài, thì cũng vậy, tôi cầu nguyện sao cho Sách Giáo Lý nầy, được soạn ra nơi ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, được trở thành dụng cụ hữu ích, để đưa Giáo Hội và mỗi tín hữu vào trong việc chiêm ngắm càng ngày càng sâu xa hơn Mầu Nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa làm nguời.

Với những tâm tình trên, với lời cám ơn tất cả những ai đã tham dự vào việc soạn thảo và chuyển dịch Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, tôi xin ban phép lành tòa thánh đặc biệt cho từng vị trong chư huynh và cho tất cả những ai mà bản văn nầy được gởi đến.


Back to Radio Veritas Home Page