Tông Thư của ÐTC Gioan Phaolô II
công bố Ấn Bản Mẩu Latinh của Sách Giáo Lý

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tông Thư của ÐTC Gioan Phaolô II công bố Ấn Bản Mẩu Latinh của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo.

Tông thư "Laetamur Magnopere" (Chúng ta vui mừng lớn lao), ký ngày 15/8/97, để công bố Ấn Bản Mẩu bằng tiếng Latinh của Sách Giáo Lý Mới. Ấn bản đầu tiên là bằng tiếng Pháp, đã được công bố năm 1992. Nay Ấn bản bằng tiếng Latinh, được gọi là Ấn bản Mẩu, Editio Tipica, được công bố, và được dùng như là điểm quy chiếu cho tất cả những ấn bản khác, hay những bản dịch đã có và sẽ có trong tương lai. Trong Ấn bản bằng tiếng Latinh nầy, có những sửa đổi, trong từ ngữ, cũng như trong lời văn và cả trong nội dung giáo lý nữa. Nhưng chúng ta cần lưu ý, việc sửa đổi trong giáo lý, thật ra không phải là đưa vào giáo lý mới, nghịch lại những gì đã được trình bày, nhưng là những trình bày giáo lý rõ ràng hơn, dựa theo những đề nghị góp ý từ nhiều nơi gởi về, kể từ khi công bố ấn bản bằng tiếng Pháp vào năm 1992, cho đến nay. Xin đan cử một thí dụ về thay đổi ngôn ngữ: trong ấn bản bằng tiếng Pháp, thì Sách Giáo lý dùng từ ngữ thông dụng "sự điều hòa sinh sản", nhưng trong bản tiếng latinh thì dùng từ ngữ mới "sự điều hòa sự truyền sinh". Sự sinh sản thì chỉ về một giai đoạn cuối cùng, khi thai nhi được sinh ra, nhưng từ ngữ "sự truyền sinh" (procreatio), thì chỉ trọn cả một diển tiến dài, bắt đầu từ lúc hai người nam nữ giao hợp, đi qua các giai đoạn thụ thai, mang và dưỡng thai, cho đến lúc sinh ra. Việc ngừa thai nhân tạo và phá thai, là một can thiệp của con người vào trong tiến trình dài nầy. Chúng tôi chỉ trích lại đây thí dụ nầy thôi, nhưng trong những bài sau, chúng tôi sẽ trình bày những "thay đổi" mới trong ấn bản bằng tiếng Latinh. Chúng ta hãy chú ý đến tông thư Laetamur Magnopere, của ÐTC Gioan Phaolô II để công bố ấn bản tiếng latinh của sách giáo lý mới:

Chúng ta vui mừng lớn lao khi phát hành ấn bản mẩu bằng tiếng Latinh của sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo; ấn bản mẩu latinh nầy đã được tôi phê chuẩn và công bố với tông thư nầy, và như thế ấn bản mẩu latinh nầy trở thành Bản Văn Chung Cuộc Vỉnh Viển của sách Giáo Lý nói trên. Biến có nầy xảy ra gần 5 năm sau Tông Hiến Kho tàng Ðức Tin (Fidei Depositum) được công bố ngày 11 tháng 10 năm 1992, để đi kèm với việc phát hành bản văn đầu tiên bằng tiếng Pháp của sách Giáo Lý, vào dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc Công Ðồng Vaticanô II. Chúng ta tất cả đã có thể sung sướng nhìn thấy việc đón nhận tích cực khắp nơi và sự phổ biến rộng rải mà sách Giáo Lý đã có được trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các giáo hội địa phương; những giáo hội địa phương nầy đã tiến hành việc dịch thuật sách Giáo Lý ra những ngôn ngữ riêng, để làm cho sách Giáo Lý nầy có thể được phổ biến nơi những cộng đoàn ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Sự kiện nầy xác nhận cho đặc tính tích cực của lời yêu cầu, đã được đề lên tôi vào năm 1985, do bởi khóa họp ngoại lệ của THÐGM Thế Giới, để xin soạn ra một sách Giáo Lý hay một Tổng Luận (compendium) trọn cả giáo lý công giáo về Ðức Tin cũng như về Luân Lý.

Ðược biên soạn bởi một ủy ban riêng, được thiết lập vào năm 1986, gồm các vị Hồng Y và Giám Mục, sách Giáo Lý đã được tôi phê chuẩn và công bố với Tông Hiến Kho Tàng Ðức Tin (fidei depositum); tông hiến nầy ngày hôm nay vẩn còn trọn vẹn giá trị và tính cách thời sự của nó, và gặp được sự thể hiện vĩnh viển (definitiva) của nó trong Ấn Bản Mẩu bằng tiếng Latinh nầy. Ấn Bản Mẩu Latinh nầy đã được chuẩn bị bởi một ủy ban liên bộ, mà tôi đã thiết lập cho mục đích nầy vào năm 1993. Ðược ÐHY Joseph Ratzinger chủ sự, Ủy Ban Liên Bộ nầy, đã làm việc thật nhiều, để chu toàn sứ mạng lảnh nhận. Ủy Ban đã dành chú ý đặc biệt cho việc khảo sát nhiều đề nghị thay đổi các điểm nội dung của bản văn giáo lý; những đề nghị thay đổi đó, trong những năm qua, đã được gởi tới từ khắp nơi trên thế giới, và từ những cơ cấu khác nhau của giáo hội phổ quát.

Về phương diện nầy, người ta có thể ghi nhận đúng lúc rằng việc gởi về rất nhiều đề nghị canh tân như vậy nói lên mối quan tâm to lớn mà Sách Giáo Lý đã khơi dậy trên khắp thế giới, cả trong môi trường không Kitô. Nó xác nhận cho mục tiêu đã được đề ra là trở thành như là sự trình bày đầy đủ và trung thực về Giáo Lý công giáo, nhằm giúp cho tất cả được biết rõ điều mà chính Giáo Hội tuyên xưng, cử hành, sống, cầu nguyện, trong sinh hoạt thường nhật. Nó đồng thời làm nổi bật sự dấn thân to lớn của tất cả muốn cống hiến phần đóng góp của mình ngỏ hầu đức tin Kitô, mà nội dung thiết yếu và căn bản được tóm kết trong sách Giáo Lý, ( ngỏ hầu đức tin Kitô) có thể được trình bày ngày hôm nay cho thế giới, một cách thích hợp nhất có thể. Qua việc cộng tác nầy, có tính cách đa diện và bổ túc cho nhau của những thành phần khác nhau của Giáo Hội, người ta thực hiện được, một lần nữa, những gì tôi đã viết trong tông hiến Kho Tàng Ðức Tin (Fidei Depositum) như sau: "Sự góp phần vào của biết bao tiếng nói, thật sự diển tả điều mà người ta có thể gọi là "bản hòa tấu" của đức tin" ( số 2). Vì những lý do trên, Ủy Ban đã quan tâm nghiêm chỉnh đến những đề nghị được gởi tới, đã chăm chú khảo sát chúng qua nhiều giai đoạn, và đã đệ trình những kết luận lên cho tôi phê chuẩn. Những kết luận nầy, xét vì chúng cho phép diển tả một cách tốt đẹp hơn, những nội dung của Sách Giáo Lý đối với kho tàng đức tin công giáo, hoặc cho phép công thức hóa vài sự thật của cùng một đức tin một cách thích hợp hơn với những đòi hỏi của việc thông truyền giáo lý hiện nay, những kết luận đó đã được tôi phê chuẩn, và do đó được đưa vào trong Ấn Bản Mẩu bằng tiếng latinh nầy. Ấn bản Mẩu nầy lặp lại một cách trung thành những nội dung giào lý mà tôi đã trình bày một cách chính thức cho toàn thể giáo hội và cho thế giới vào tháng 12 năm 1992.

Với việc công bố hôm nay của Ấn Bản Mẩu Latinh, chúng ta kết thúc lộ trình soạn thảo sách Giáo Lý, đã được bắt đầu năm 1986, và hoàn thành tốt đẹp ước muốn của Khóa Họp ngoại thường của THÐGM Thế Giới, như đã nói trên. Giờ đây, Giáo Hội có được bản trình bày mới và có thẩm quyền của đức tin tông truyền duy nhất và thường hằng; Bản Trình Bày Ðức Tin nầy là "phương thế có giá trị và hợp pháp để phục vụ cho sự hiệp thông giáo hội" và như là "quy phạm an toàn cho việc giảng dạy đức tin", cũng như là "bản văn quy chiếu an toàn và đích thực cho việc soạn thảo những sách giáo lý địa phương" (x. T.H. Fidei Depositum, số 4).

Việc giảng dạy giáo lý sẽ gặp được trong bản trình bày có hệ thống và trung thực về Ðức Tin và về Giáo Lý công giáo, một con đường an toàn trọn vẹn, để trình bày với sự hăng say mới cho con người ngày nay sứ điệp Kitô trong tất cả và từng phần của sứ điệp. Từ bản văn nầy, mỗi tác viên giảng dạy giáo lý có thể nhận được một sự trợ giúp có giá trị, để thông truyền (mediare) ở bình diện địa phương, kho tàng duy nhất và muôn đời của đức tin, vừa tìm cách liên kết, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, một bên là sự duy nhất kỳ diệu của Mầu nhiệm Kitô với một bên là sự đa diện của những đòi hỏi và những hoàn cảnh sống của những người lắng nghe lời rao giảng giáo lý. Toàn thể sinh hoạt giảng dạy giáo lý có thể cảm nghiệm được một đà sinh hoạt mới và phổ biến khắp nơi trong dân Chúa, nếu sinh hoạt nầy biết xử dụng và đánh giá đúng sách Giáo Lý sau Công Ðồng Vaticano II nầy. Tất cả những điều vừa nói lại càng nổi bật hôm nay nhiều hơn nữa, vì chúng ta đang tiến đến Ngàn Năm Thứ Ba. Thật vậy, điều khẩn thiết là cần có một dấn thân đặc biệt để rao giảng Phúc Âm, sao cho tất cả có thể biết và đón nhận sứ điệp phúc âm và lớn lên "mỗi người tùy theo mức độ trưởng thành trọn đầy của Chúa Kitô" (Eph 4,13).

Tôi xin ngỏ lời mời gọi khẩn thiết đến những chư huynh đáng kính của tôi trong hàng giám mục; các ngài là những kẻ đón nhận chính của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, ngõ hầu, nhân dịp quý báu công bố ấn bản Mẩu Latinh nầy, các ngài gia tăng dấn thân để phục vụ cho việc phổ biến rộng rải hơn, và nhất là cho việc đón nhận tích cực Bản Văn nầy, như là Hồng ân đặc biệt cho những cộng đoàn đã được trao phó cho các ngài; và như thế những cộng đoàn nầy có thể khám phá lại sự phong phú vô cùng của Ðức Tin.

Nhờ vào sự dấn thân đồng tâm và bổ túc cho nhau của tất cả mọi thành phần kết thành Dân Chúa, ước chi Sách Giáo Lý được tất cả biết đến và chấp nhận, ngỏ hầu được cũng cố và được phổ biến cho đến tận cùng thế giới sự hiệp nhất trong đức tin, một sự hiệp nhất có được kiểu mẩu và nguyên tắc cuối cùng của nó trong sự Hiệp Nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tôi xin phó thác cho Mẹ Maria, Mẹ Chúa Kitô, mà hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Hồn Xác lên trời, những ước nguyện vừa nói trên, ngỏ hầu chúng được thực hiện để phục vụ lợi ích cho toàn thể nhân loại.


Back to Radio Veritas Home Page