Về việc chuẩn bị
chuyến viếng thăm của ÐTC tại CUBA
tháng Giêng năm 1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Thời Sự: Nội Dung cuộc Phỏng Vấn ÐHY Ortega Y Alamino, Tổng Giám Mục La Havana, Cuba

Thời Sự: Nội Dung cuộc Phỏng Vấn ÐHY Ortega Y Alamino, Tổng Giám Mục La Havana, Cuba.

(Avvenire 24/12/97). ÐHY Lucas Jaime Ortega Y Alamino, sinh năm 1936, thụ phong linh mục năm 1964, được tấn phong ngày 14 tháng Giêng năm 1979, thăng Tổng Giám Mục giáo phận San Cristobal de La Havana, thủ đô Cuba, năm 1981, và cuối cùng được ÐTC Gioan Phaolô II phong tước Hồng Y ngày 26 tháng 11 năm 1994, cùng lúc với ÐHY Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, Việt nam. Ngài được dư luận trong nước cũng như ngoài nước, coi không những như là một vị chủ chăn khôn ngoan, đầy can đảm và nhẫn nại, mà còn như là một nhà "chính trị khéo léo" đã đương đầu được với chế độ độc tài của lãnh tụ Fidel Castro trong nhiều năm qua. Nhờ tài kéo léo và nhẫn nại của ngài, nay Giáo hội Công Giáo Cuba và Nhà Nước đã đi đến chỗ ngồi vào bàn đối thọai với nhau, trước hết để giải tỏa những xa cách, những hiểu lầm, những nghi kỵ nhau và để cùng nhau thành thực đi tìm giải pháp cho những vấn đề vướng mắc, và cộng tác xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, trong việc chung sống hòa hình và trong việc tôn trọng lãnh vực và sở trường của nhau.

Một nhà trí thức Cuba, trước đây đã bị coi là phản cách mạng, bị kỳ thị và sau cùng mất việc, chỉ vì ông là người Công Giáo sống thực hành Ðức Tin, nay ông được phục hồi danh dự và được tôn trọng, vì bầu khí chính trị đã thay đổi, và Giáo Hội Công Giáo tại đây ngày nay được tự do hơn, đã nói một cách rất ý nghĩa như sau: "Cuộc va chạm giữa Giáo Hội và Nhà Nước do lãnh tụ Fidel Castro khởi xướng là một trò chơi nguy hiểm cho sự sống còn của cả hai bên. Một cuộc va chạm đẫm máu sẽ là một tai hại cho cả hai. Tại Cuba đã có nhiều sai lầm. Cần phải kiểm điểm lại và tìm đến việc tha thứ và hòa giải". Chuyến viếng thăm tới đây của ÐTC Gioan Phaolô II là cơ hội duy nhất, để hàn gán những vết thương quá trầm trọng và kéo dài từ gần 40 năm nay.

Giờ đây, chúng tôi xin thuật lại cuộc phỏng vấn Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục La Havana dành cho nhật báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) của Ý số ra ngày 24.12.97 trước lễ Giáng Sinh. Phỏng vấn Ðức Hồng Y là một việc rất khó khăn và ngài rất ít lên tiếng trước báo chí. Ngài luôn luôn giữ thái độ khôn ngoan trước một tình hình rất tế nhị có thể gây hại cho công việc đối thoại trong lúc này. Nhưng đôái với một tờ báo Công Giáo, tiếng nói của Hội Ðồng Giám Mục Ý, Ðức Hồng Y Jaime Ortega sẵn sàng trả lời rõ ràng những câu hỏi được đặt ra. Và sau đây là bài phỏng vấn:

Hỏi: thưa Ðức Hồng Y, cảm tưởng của Ðức Hồng Y như thế nào sau cuộc đối thoại kéo dài 8 tiếng đồng hồ, từ 18 giờ chiều đến 2 giờ sáng, cách đây một tuần lễ?

ÐHY - Ðây là một cuộc gặp gỡ tích cực: bầu khí rất thân mật, trọn cả nội dung được đem ra thảo luận, có liên hệ với chuyến viếng thăm tới đây của ÐTC. Chủ tịch Nhà Nước bảo đảm với chúng tôi là các phương tiêïn truyền thông sẽ làm phận sự của mình để toàn dân được thấy ÐTC trên đài Truyền Hình, khi ngài đến viếng thăm. Tôi nói với Chủ tịch Castro rằng việc ÐTC đến viếng thăm không những là điểm tới, mà còn là điểm khởi đầu nữa. Tôi rất hài lòng, vì sứ điệp của ÐTC gửi cho Ðất Nước chúng tôi cũng biểu lộ quan niệm này, là cần gia tăng khoảng rộng tự do cho Giáo Hội."

Hỏi: Trong thời gian qua đã có những cử chỉ cởi mở đối với Giáo Hội và Ðức Hồng Y đã nói nhiều về tiến trình đối thoại. Vậy cuộc đối thoại sẽ đi đến đâu?

ÐHY - Mục tiêu của chúng tôi đã rõ ràng và chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần là: Giáo Hội tại Cuba phải được hưởng một đời sống bình thường, như vậy Giáo Hội mới có thể chu toàn sứ mệnh của mình. Ðiều này đòi hỏi sự độc lập giữa Giáo Hội và Nhà Nước, nhưng với sự có thể hoạt động cả trong lãnh vực xã hội, và trong lãnh vực giáo dục nữa. Tôi hiểu rõ điểm sau cùng này khó đạt tới được, nhưng không thể bỏ qua xếp vào một xó, không bàn đến. Chúng tôi muốn sao cho lời yêu cầu của các gia đình được giáo dục Công Giáo cho con cái họ, được bảo đảm.

Hỏi: Như vậy Ðức Hồng Y có nói đến việc giảng dạy giáo lý trong các giáo xứ hay cả việc dạy đạo trong các trường Nhà Nước nữa, phải không?

ÐHY - Có nhiều cách hiểu về điều này. Chúng tôi không khước từ việc có trường Công Giáo. Chúng tôi tin rằng đây là quyền của chúng tôi. Nhưng, hiện tại đã có một bước tiến dài trong việc dạy giáo lý tại trường Nhà Nước. Trước cách mạng, trường tư vẫn có từ lâu đời và nổi tiếng, và ăn rễ sâu vào xứ sở chúng tôi . Thêm vào đó, chúng tôi phải có quyền xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng tôi xin nhắc lại rằng: đây là những mục tiêu được nhắm đến cho tương lai về lâu về dài. Chúng tôi phải theo đuổi cách cương quyết, nhưng cũng với nhiều nhẫn nại.

Hỏi: Ðức Hồng Y có nghĩ rằng Giáo Hội có thể hiện hữu một cách tự do trong một xã hội theo chủ nghĩa xã hội không?

ÐHY - Ngày nay không còn lãnh vực xã hội liên kết chặt chẽ với Liên xô như xưa nữa. Một lô những dữ kiện triết lý của chủ nghĩa Cộng sản nhất thiết phải thay đổi, bắt đầu từ lãnh vực kinh tế và sau đó là lãnh vực tổ chức xã hội. Chủ nghĩa vô thần đã cho thấy những giới hạn của nó. Việc đàn áp đã không bao giờ có thể thay đổi đưọc tâm hồn người dân, không bao giờ có thể giập tắt hẳn đức tin nơi Thiên Chúa. Việc tỉnh thức về tôn gíáo hiện nay tại Cuba cho thấy rõ ràng hiện tượng này. Hiện tượng này không thể không làm cho các vị lãnh đạo chế độ cộng sản phải suy nghĩ nhiều.

Hỏi: Ðức Hồng Y chờ đợi gì từ chuyến viếng thăm của ÐTC?

ÐHY - Tôi chờ đợi những ơn ích lớn lao không những cho Giáo hội mà còn cho toàn thể xã hội Cuba nữa. Sứ điệp Phúc Âm được ÐTC phổ biến sâu rộng và được minh chứng một cách can đảm như vậy, sẽ để lại những dấu vết sâu xa. ÐTC biết nói thẳng vào tâm hồn con người và chính điều này đem đến những thành quả không thể lường trước được. Chắc chắn sẽ có những thay đổi tại Cuba.

Hỏi: (Bài phỏng vấn được thực hiện trước lễ Giáng sinh) - Ngày mai Cuba mừng Lễ Giáng Sinh, như là ngày Lễ Nghỉ Công Cộng sau 30 năm bị dẹp bỏ. Và Chủ tịch Fidel Castro đã lưu ý: đây chỉ là biện pháp đặc biệt, ngoại lệ. Vậy ngày 25.12.1998, Cuba trở lại làm việc như thường, có phải vậy hay không?

ÐHY - Tôi hy vọng sẽ không có như vậy đâu . Sứ điệp của ÐTC, đã được viết với giọng đơn sơ và bình dân, gợi lại giá trị truyền thống của ngày Lễ Giáng Sinh này. Và người dân Cuba đã biết đề cao giá trị này.


Nhật báo chính thức của Ðảng Cộng sản Cuba đăng trọn cả nguyên văn sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho Giáo Hội và toàn dân Cuba

Nhật báo chính thức của Ðảng Cộng sản Cuba đăng trọn cả nguyên văn sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho Giáo Hội và toàn dân Cuba.

Tin Cuba: (RG 23/12/97): Lần đầu tiên trong mối tương quan giữa Nhà Nước Cuba và Giáo Hội Công Giáo, từ ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1959, năm Ông Fidel Castro lên nắm quyền tại Cuba, cho đến nay, Nhật Báo GRANMA, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Cuba, đã cho đăng nơi trang nhất, trọn cả nguyên văn Sứ Ðiệp của ÐTC gởi cho Giáo Hội Công Giáo Cuba và cho mọi thành phần dân chúng, nhân dịp lễ Giáng Sinh và chuyến viếng thăm sắp đến của Ngài tại Cuba. Chính ông chủ tịch Fidel Castro, đã đích thân loan báo tin nầy cho ÐHY Jaime ORTEGA, Tổng Giám Mục La Havana, hôm thứ năm tuần qua, 18/12/97. Trong bài thời sự tiếp sau, chúng tôi sẽ lượt thuật vài điểm chính của sứ điệp nầy.


Tin về Lễ Giáng Sinh tại Cuba

Tin về Lễ Giáng Sinh tại Cuba.

Roma - 17.12.97 - Tin về Lễ Giáng Sinh năm nay được cử hành long trọng và công khai tại Cuba đã được chính Chủ tịch Fidel Castro quyết định và loan báo trong Quốc Hội hôm Chúa Nhật 14.12.97 vừa qua. Tin này đã được đăng trên Báo "Juventud Rebelde", tờ báo của Thanh niên cộng sản Cuba, số ra ngày Chúa nhật 14.12.97, và được toàn thể Giáo Hội Công Giáo tại Cuba và Vatican đón nhận với tất cả vui mừng. Trong khi loan báo quyết định trên, Chủ Tịch Fidel Castro đã nói thêm như sau: Việc xóa bỏ ngày Nghỉ vào Lễ Giáng Sinh ngày 25 tháng 12, từ năm 1969 đến nay, không do tâm tình chống tôn giáo, nhưng là vì những lý do thực hành: đó là vì tháng 12 trong năm là thời kỳ tốt đẹp hơn cả cho nghề nông (mùa thu hoạch mía làm đường) và mùa xây cất.

Theo nguồn tin của nhật báo Công Giáo Ý Avvenire (Tương Lai) (16.12.97 ) và Hãng thông tấn quốc tế Công Giáo Apic (15.12.97), thì ÐHY Jaime Ortega, TGM giáo phận La Havana, cho biết: Chính ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nhân danh ÐTC, xin Chủ tịch tái lập Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, trong lúc Ông viếng thăm Vatican hồi tháng 11 năm ngoái (1996). Hơn nữa, để tỏ thiện chí tối đa, vị Lãnh Tụ Nhà Nước Cuba đã loan báo rằng: trong dịp Lễ Giáng Sinh, nhà cầm quyền Giáo hội tại Cuba có thể nói trên đài truyền hình Nhà Nước và toàn thể Sứ Ðiệp Giáng Sinh của ÐTC sẽ được truyền đi trên Ðài Truyền Hình Quốc Gia Cuba.

Trong những ngày viếng thăm của ÐTC, Chủ tịch Castro cũng quyết định: một nửa các phương tiện chuyên chở công cộng sẽ được dành cho các tín hữu muốn tham dự các buổi cử hành thánh lễ do ÐTC chủ sự. Và để phe đối lập trong và nhất là ngoài nước tại Hoa kỳ đừng phao tin thất thiệt, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố: Nhà Nước Cuba không lợi dụng chuyến viếng thăm này cho mục tiêu chính trị và cũng không xin làm áp lực, để chính phủ Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận từ 35 năm nay, vì chính phủ Cuba biết rõ rằng: Ðức Gioan Phaolô II đã nhiều lần lên tiếng về lệnh cấm vận này rồi. Chủ tịch cũng cải chính tin đồn là Chính phủ Cuba không muốn các đoàn hành hương từ Hoa Kỳ đến Cuba trong dịp ÐTC viếng thăm. Ông nói rõ: Sẽ có một chiếc tầu chở các người hành hương từ Miami đến Cuba và có nhiều chuyến bay riêng dành cho các người hành hương từ New York và Boston. Ông nhấn mạnh: "Tất cả những ai muốn đến Cuba, đều có thể đến". Nhưng Chính phủ Cuba không cấp hộ chiếu cho ÐHY Obando Y Bravo, TGM giáo phận Managua, vì ngài bị coi là một nhân vật bảo thủ, chống đối phe Sandino trước đây (thiên cộng) tại Nicaragua và ba linh mục khác thuộc Châu Mỹ Latinh.


ÐHY Roger Etchegaray hài lòng về quyết định của Chủ tịch Fidel Castro về Ngày lễ Giáng Sinh

ÐHY Roger Etchegaray hài lòng về quyết định của Chủ tịch Fidel Castro về Ngày lễ Giáng Sinh.

Vatican - 17.12.87 - Trong cuộc họp báo thứ ba 16.12.97 để trình bày sứ điệp của ÐTC về Ngày thế giới cầu nguyện cho Hòa Bình sẽ được cử hành vào Ngày Ðầu Năm Dương lịch 1998, ÐHY Roger Etchegaray, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lýù và Hòa bình, đã bày tỏ sự hài lòng về quyết định của Chủ tịch Fidel Castro cho tái lập Lễ Giáng Sinh tại Cuba. ÐHY nói: "Tôi thấy trong cử chỉ này một dấu hiệu của việc tiếp đón ÐTC tại Cuba, nhưng còn là một sự công nhận những ước vọng sâu xa nhất của dân tộc Cuba". Cách đây hai năm, ÐHY đã viếng thăm Cuba vào dịp Lễ Giáng Sinh. Ngài kể lại rằng ngài không thấy một dân tộc nào buồn như vậy, không có một dấu hiệu bên ngoài nào về sinh hoạt đạo đức.

ÐHY cũng nhắc lại rằng lập trường của Vatican về lệnh cấm vận đối với Cuba từ trước đến nay, vẫn luôn luôn là một, không có gì thay đổi. Ðã nhiều lần ÐTC lên tiếng về những hậu quả tai hại gây nên cho người dân vô tội do lệnh cấm vận này tại Cuba cũng như tại Irak và Lybie.


Chủ Tịch Fidel Castro Tuyên Bố Giáng Sinh là Ngày Lễ Nghỉ

Chủ Tịch Fidel Castro Tuyên Bố Giáng Sinh là Ngày Lễ Nghỉ.

Tin CUBA (Reuter 14/12/97): Hôm Chúa Nhật vừa qua 14/12, chủ tịch Fidel Castro của Cuba đã tuyên bố Giáng Sinh năm nay là ngày lễ nghỉ. Ðây là một cử chỉ thiện chí của chính phủ, trước ngày ÐTC đến viếng thăm lần đầu tiên vào tháng Giêng năm tới 1998. Tuy nhiên, Ông xác định thêm rằng Ngày lễ nghỉ Giáng Sinh chỉ được áp dụng cho riêng năm 1997 nầy mà thôi.

Lên tiếng tại buổi bế mạc phiên họp quốc hội Cuba, Ông Castro cũng đã cam kết là chính quyền sẽ làm tất cả những gì có thể để chuyến viếng thăm của ÐTC được thành công, cụ thể là việc vận dụng phân nửa hệ thống chuyên chở công cộng để đưa các tín hữu công giáo Cuba tời những địa điểm ÐTC cử hành thánh lễ. Ông Fidel Castro cũng khẳng định rằng chuyến viếng thăm của ÐTC có tính cách hoàn toàn mục vụ, chớ không phải chính trị. Theo Ông, chính phủ Cuba cũng như phía Tòa Thánh, đều không muốn chính trị hóa chuyến viếng thăm nầy của ÐTC. Liên quan đến vấn đề cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ trên Cuba, Ông Castro cho rằng mặc dù chính ÐTC đã công khai bày tỏ sự chống đối của ngài đối với lệnh cấm vận nầy, chính phủ Cuba không hề đặt một điều kiện nào với chuyến viếng thăm, và cũng không yêu cầu ÐTC lên tiếng bênh vực Cuba, còn chuyện ÐTC có đề cập đến vấn đề nầy hay không, đó là quyền tự do của ngài. Chủ tịch Fidel Castro cũng loan báo sẽ cho phép Giáo Hội Công Giáo CUBA xử dụng các phương tiện truyền thông của Nhà Nước trong dịp lễ Giáng Sinh năm nay, và đài truyền hình Cuba sẽ phát toàn bộ sứ điệp Giáng Sinh năm 1997 của ÐTC Gioan Phaolô II.

Trong khi đó, Tòa Thánh đã phản ứng hoan nghênh việc chủ tịch Fidel Castro chấp thuận lời yêu cầu của ÐTC, khi ông tuyên bố ngày lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ tại CUBA, nhưng đồng thời Tòa Thánh cũng bày tỏ hy vọng rằng ngày nghỉ lễ Giáng sinh sẽ được duy trì vĩnh viễn. Trong một thông cáo đưa ra hôm Chúa Nhật vừa qua 14/12, Tiến Sĩ Navarro Valls, giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, đã nói như sau: Tôi xin bày tỏ sự hài lòng và biết ơn đối với quyết định đang được Giáo Hội và dân chúng Cuba hết sức mong đợi, bởi vì nó được đưa ra trước ngày ÐTC đến thăm Cuba. Trả lời câu hỏi, Tòa Thánh cảm thấy thế nào, khi ngày nghỉ lễ chỉ được dành riêng cho Giáng Sinh năm nay mà thôi, thì tiến sĩ Navarro Valls trả lời rằng: Chúng tôi rất hài lòng và hy vọng cho tương lai. Hãy chờ xem!


Công bố chương trình của chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cuba

Công bố chương trình của chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cuba.

Vatican - 13.12.97 - Sáng thứ Bảy 13.12, Phòng báo chí Tòa Thánh công bố chương trình chính thức và tỉ mỉ về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba vào cuối tháng giêng năm 1998.

ÐTC sẽ viếng thăm 3 thành phố lớn, và thủ đô La Havana, từ 21 đến 26 tháng giêng năm 1998. Ba Thành phố lớn là: Santa Clara và Camaguey ở trung tâm và Santiago de Cuba, ở mạn đông; và La Havana thủ đô ở mạn Tây. Như vậy có thể nói, chuyến viếng thăm bao gồm tất cả lãnh thổ Cuba. Tại bốn địa điểm này, ÐTC cử hành thánh lễ ngoài trời (lộ thiên). Tại Ðền thánh "Ðức Trinh Nữ Bác ái del Cobre" ở Santiago (La Virgen de la Caridad de Cobre), ÐTC cử hành thánh lễ và sau đó đội triều thiên cho Ðức Mẹ. Tại thủ đô ÐTC gặp gỡ giới Văn hóa lúc 18g30, ngày 23.01, trong Phòng hội lớn của Ðại học La Havana. Tại Ðền thánh San Lazaro, gần La Havana, ÐTC gặp các bệnh nhân ngày 24.01. Ngày 22.01, ÐTC đến viếng thăm xã giao Chủ tịch Nhà Nước, Ông Fidel Castro, tại Palacio de la Revlución (Tòa nhà Cách mạng) - Chúa nhật 25.01, tại Tòa sứ thần ở La Havana, ÐTC gặp đại diện các Giáo hội Kitô, rồi Hội Ðồng Giám Mục Cuba. Sau đó ngài gặp các Linh mục, Nam Nữ tu sĩ, Chủng sinh và Anh Chị Em giáo dân dấn thân làm tông đồ, bên trong nhà thờ chính tòa kính Ðức Mẹ vô nhiễm và Thánh Cristobal ở La Havana. Ðức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 10 giờ (giờ địa phương) thứ Tư 21.01.1998 và trở về Roma sáng thứ hai 26 tháng giêng.


Chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cuba bắt đầu đem đến những thành quả tốt đẹp

Chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cuba bắt đầu đem đến những thành quả tốt đẹp.

Roma - 10.12.97 - Theo nhận xét của Cha Miguel Loredo, dòng Phanxicô, thì công việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC từ 21 đến 26 tháng Giêng năm 1998 tới đây, đã bắt đầu đem lại những thành quả thiêng liêng trong tâm hồn nhiều tín hữu Công Giáo Cuba. Cha Miguel Loredo trước đây đã bị chế độ cộng sản Cuba bỏ tù 10 năm tứ 1966 đến 1976; Cha hiện đang sống lưu đầy tại New York. Trong những ngày này, cha đang viếng thăm Roma và đã được đồng tế thánh lễ với ÐTC ngày 28 tháng 11 vừa qua. Sau đó cha tham dự buổi báo cáo của Phong trào Pax Christi tại Hòa Lan về đề tài: "Cuba, thực tại sau biểu hiệu"- (Cuba, la réalité derrière le symbole). Ðối với Cha Loredo, chế độ cộng sản Cuba rất chú trọng đến việc thành công của chuyến viếng thăm. Theo nhận xét của Cha, hiện đang có những thảo luận về những gì liên hệ đến tự do, đến các phương tiện truyền thông xã hội, đến việc có thể có một chuyến viếng thăm của ÐTC tại nhà giam, đến tình liên đới với các người li khai, chống chế độ.

Cha Dòng Phanxico đề cao những thành quả cụ thể ngay trước mắt của việc chuẩn bị chuyến viếng thăm; chẳng hạn như: việc lưu ý nhiều của giới báo chí về những gì hiện đang xảy ra tại Cuba, nhiều thánh lễ được cử hành ngoài trời, điều chưa hề có từ trước tới giờ trong chế độ cộng sản tại Cuba; việc tiếp xúc của các giám mục với các người tị nạn. Một dấu hiệu đổi mới khác là hai thư mục vụ của các giám mục gửi cho các cộng đồng Công Giáo toàn quốc, trong đó các ngài kêu gọi hòa bình và hòa giải quốc gia, và việc để Giáo hội tham dự nhiều hơn vào đời sống xã hội của đất nước.

Về việc cấm vận, Cha Loredo nhấn mạnh rằng: trước hết đây là việc cấm vận của Lãnh tụ Fidel Castro áp đặt trên người dân Cuba, trên tính cách sáng tạo, trên tự do, trên khả năng phát biểu và trên quyền di chuyển của họ. Cha ước mong rằng việc cấm vận về các quyền con người này chóng chấm dứt. Ðối với cha, lệnh cấm vận của Hoa kỳ là cơ hội thuận tiện để Lãnh tụ Fidel Castro đánh lạc hướng dư luận quốc tế trước những gì xảy ra trong nước.


Giáo Hội công giáo tại CUBA chờ đợi chính phủ công bố ngày Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ

Tin liên quan đến chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba: Giáo Hội công giáo tại CUBA chờ đợi chính phủ công bố ngày Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ.

Tin Havana (Reuter 11/12/97): Giáo Hội Công giáo Cuba đang chờ đợi xem chính quyền Cuba có công bố lễ Giáng Sinh năm nay là ngày lễ nghỉ hay không.

Trong một cuộc họp báo tại thủ đô La Havana vào hôm thứ ba 9/12, ÐHY Jaime Ortega, đã cho biết là trong dịp hội kiến với Ông Fidel Castro tại Vatican, cách đây một năm, ÐTC Gioan Phaolô II đã yêu cầu chính phủ Cuba tái lập Lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ, và cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo Cuba còn đang chờ đợi quyết định của Nhà Nước. Ðược biết, kể từ năm 1969, Giáng Sinh không còn là ngày lễ nghỉ tại Cuba nữa, và ngày 25 tháng 12 là ngày làm việc bình thường như bao ngày khác trong năm. Tuy nhiên, nhiều người dân Cuba vẫn mừng lễ Gíang Sinh, bằng cách trang trí đèn và hang đá, và tham dự thánh lễ Nửa Ðêm. Cách đây hai năm, khi chính quyền ra lệnh cấm trang trí đèn và cây Giáng Sinh, ngoại trừ tại những địa điểm du lịch và khách sạn, thì Giáo Hội Công Giáo Cuba đã yêu cầu nhà nước nên tôn trọng tính cách thánh thiêng của ngày lễ trọng đại nầy.

Cũng trong cuộc họp báo hôm thứ ba, ÐHY Ortega cho biết, vì chưa có quiyết định chính thức của nhà nước về vấn đề nầy, nên ngài còn đang do dự không biết nên xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước trong tháng 12 nầy hay vào tháng giêng, để thông báo cho công chúng về chuyến viếng thăm sắp tới của ÐTC. Chính quyền Cuba đã cho phép ÐHY xuất hiện một lần trên đài truyền hình nhà nước, để trình bày cho người dân ý nghĩa chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba. Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn muốn được quyền xử dụng các phương tiện truyền thông của nhà nước, một cách rộng rãi hơn, bởi vì cho đến nay, vẫn còn rất ít dân Cuba biết tin tức về biến cố nầy, cũng như đối với riêng cá nhân của ÐTC Gioan Phaolô II.

Cũng liên quan đến chuyến viếng thăm của ÐTC tại CUBA, ÐHY TGM La Havana, trong thánh lễ ngoài trời, được cử hành tối thứ hai 8/12, cho biết là ÐTC Gioan Phaolô II sẽ nói với dân chúng Cuba về chủ đề tinh thần yêu nước, và ngài sẽ giải thích với họ rằng lòng yêu nước và tôn giáo không nhất thiết phải xung khắc với nhau.

ÐHY Ortega còn cho biết thêm rằng: bên cạnh đề tài chính về tinh thần ái quốc, ÐTC cũng đề cập đến các giá trị gia đình và giới trẻ, bởi vì đây là những quan tâm hàng đầu của ngài.


Công bố chương trình chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba

Công bố chương trình chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba.

Vatican - 21.11.97 - Sáng thứ năm (20/11/97) Phòng báo chí Tòa Thánh đã cho công bố chương trình chuyến viếng của ÐTC tại Cuba vào tháng giêng năm tới đây. Ðây là chuyến viếng thăm thứ 81 của ÐTC Gioan Phaolô II trong gần 20 năm giữ chức vụ Chủ Chăn toàn thể Giáo hội và cũng là chuyến viếng thăm được Giáo hội địa phương chờ đợi từ lâu. Các Giám mục Cuba nói: "Ðây là một trong những thời đại khó khăn hơn cả của lịch sử chúng ta: ngoài cơn khủng hoảng về kinh tế, còn có cơn khủng hoảng về các giá trị luân lý, về tôn trọng các quyền con người; ÐTC đến viếng thăm Ðất Nước chúng ta như sứ giả chân lý và hy vọng".

Theo chương trình được công bốù, ÐTC sẽ lên đường (từ sân bay Fiumicino - Roma) vào lúc 10 giờ ngày 21 tháng Giêng 1998. Chuyến viếng thăm sẽ kết thúc vào trưa ngày 26. Trong những ngày tại Cuba, ÐTC sẽ viếng thăm nhiều thành phố: Santa Clara, ngã ba giao thông giữa Ðông và Tây Cuba - Camaguey, khu kỹ nghệ mới - Santiago de Cuba, thành phố lớn thư hai sau thủ đô La Havana - La Havana là chặng sau cùng và là chặng quan trọng hơn cả của chuyến viếng thăm. Trong các chặng của chuyến viếng thăm ÐTC sẽ gặp gỡ và cầu nguyện với Cộng đồng công giáo (gồm khoảng 5 triệu trong 11 triệu dân cư). Giáo hội Cuba được chia thành 10 giáo phận với 250 giáo xứ.

Ðể người công giáo được tham dự các buổi gặp gỡ và thánh lễ do ÐTC cử hành, Chính phủ bảo đảm sự cộng tác, cách riêng trong hai điểm này: bảo đảm các phương tiện chuyên chở và truyền hình và truyền thanh thánh lễ. Như vậy các thánh lễ lộ thiên được tự do. Với những lời tuyên bố của Nhà Cầm quyền và với việc cho phép 57 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ vào Cuba làm việc, bước quặt lịch sử được khởi sự từ cuộc gặp gỡ tháng 11 năm ngoái (1996) giữa ÐTC và Chủ tịch Fidel Castro, xem ra tiến từ từ, nhưng chắc chắn. Trong cuộc gặp gỡ này ÐTC và Vị Lãnh Tụ của Cuba đã nói đến các đề tài: tự do tôn giáo, phát triển xã hội và vai trò của các tín hữu công giáo trong đời sống quốc gia.

Nhân dịp nầy, chúng tôi xin lặp lại nơi đây vài con số về những chuyến viếng thăm của ÐTC ngoài Italia. Trong vòng 19 năm làm giáo hoàng (16-10-1978 tính đến 16-10-1997), ÐTC Gioan Phaolô II đã thực hiện 80 chuyến viếng thăm quốc tế ngoài Italia. Tổng cộng các quốc gia trên thế giới đã được ngài đến viếng thăm là 116 quốc gia, tại 563 địa điểm, đọc 2,156 bài diễn văn. Nếu tổng cộng thời gian dài của 80 chuyến viếng thăm vừa qua, lại chung với nhau, thì chúng ta có thể nói là ÐTC đã dùng 488 ngày 23 giờ 35 phút (tính gọn là 489 ngày) trong số 6,941 ngày làm giáo hoàng, tính từ đầu cho đến ngày 16/10/1997. Tức là 7.03 % thời gian triều giáo hoàng của ÐTC. Tổng cộng chung số cây số đã vượt qua trong 80 chuyến viếng thăm là: 1,010,322 cây số. So với vòng tròn quanh trái đất nơi đường xích đạo là 40,000 cây số, thì ÐTC đã đi 25 vòng quanh trái đất. Nếu so với khoảng cách từ trái đất lên mặt trăng là 384,440 cây số, thì ÐTC đã đi được hai lần rưỡi từ trái đất lên mặt trăng (2,62).


Tiến sĩ Navarro Valls phát ngôn viên Tòa Thánh tuyên bố với giới báo chí tại La Havana, sau những ngày viếng thăm Cuba

Tiến sĩ Navarro Valls phát ngôn viên Tòa Thánh tuyên bố vớiới báo chí tại La Havana, sau những ngày viếng thăm Cuba.

Vatican - 27.10.97 - Sau những ngày viếng thăm Cuba, trước khi lên đường trở về Roma, tại phi trường quốc tế La Havana, Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên Tòa Thánh, đã bày tỏ lòng biết ơn lên Chủ Tịch Fidel Castro đã có nhã ý tiếp ông hôm chúa nhật 26.10 và cho ông có cơ hội thảo luận lâu trong bầu khí thân mật. Trong dịp này, Tiến sĩ Navarro Valls đã chuyển lên Chủ tịch Nhà Nước lời kính thăm của ÐTC và Chủ tịch cũng xin chuyển tới ÐTC lời cảm ơn chân thành và bảo đảm sự cộng tác trong chuyến viếng thăm của ÐTC.

Người Phát ngôn của Tòa Thanh còn cho biết thêm rằng: Chủ tịch Fidel Castro và các vị cộng tác của Chủ tịch đều dấn thân cộng tác để việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba vừa có tính cách tôn giáo vừa có tính cách lịch sử, mưu ích cho Giáo hội công giáo và cho toàn dân Cuba.

Tiến sĩ Navarro Valls kết thúc: "Trong viễn tượng như vậy, các tình hình cụ thể khác nhau, liên hệ đến thời gian của chuyến viếng thăm: chuẩn bị vật chất, mục vụ, thông tin và chiến thuật, tất cả đều đã được đem ra cứu xét cặn kẽ và trong tinh thần thành thực về cộng tác và đã diễn ra với sự thỏa thuận giữa Nhà Nước và Giáo hội trong phạm vi của Ủy ban hỗn hợp.


Tín hữu Cuba dự thánh lễ ngoài trời một tuần sau khi bị cấm

Tín hữu Cuba dự thánh lễ ngoài trời một tuần sau khi bị cấm

(EWTN 21/10/'97) Cuba (Havana) - Chúa Nhật 19/10 vừa qua, các tín hữu công giáo tại thủ đô Havana đã tham dự thánh lễ mừng kính Ðức Maria Ðồng Trinh của Tình Bác Ái (Virgin of Charity), quan thầy (patroness) của Giáo Hội Công Giáo Cuba. Thánh lễ do ÐHY Jaime Ortega, TGM Havana, chủ sự tại Santiago de las Casas, một vùng ngoại ô của thủ đô.

Thánh lễ ngoài trời này là một trong các biến cố chuẩn bị cho chuyến viếng thăm lịch sử của ÐTC Gioan Phaolô II tại Cuba. Một tuần trước đó (12/10) chính quyền địa phương đã nghiêm cấm không cho ÐHY Ortega cử hành một thánh lễ tương tự ngoài trời viện lẽ đây là một sinh hoạt tôn giáo có mục tiêu chính trị. Luật do chính quyền cộng sản Cuba ban hành cho phép chính quyền địa phương nghiêm cấm tổ chức các lễ nghi tôn giáo ngoài trời, rước kiệu, nếu xét thấy các sinh hoạt tôn giáo này có mục tiêu chính trị. Ðạo luật này được triệt để áp dụng từ 30 năm qua; nhưng nhờ sự cải tiến trong mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước hồi gần đây, tháng 7 năm nay, nhà cầm quyền Cuba mới cho phép giáo hội cử hành thánh lễ ngoài trời.

Trong khi đó, chính quyền cũng vừa ban hành một chính sách mới giới hạn việc mua hàng hoá của chính phủ với giá sĩ. Luật này được áp dụng riêng với giáo hội công giáo và tin lành. Bắt đầu từ nay các giáo hội này chỉ được mua hàng với giá lẻ mà thôi và phải thanh toán bằng Mỹ Kim. Báo chí Cuba tường thuật rằng, các nhà lãnh đạo trong đảng cộng sản Cuba rất bực tức khi biết tin một số tổ chức tôn giáo mua hàng theo giá sĩ được chính phủ trợ cấp (subsidized) và sau đó bán ra ngoài để thu lời hoặc làm quà tặng cho các thành viên mới gia nhập giáo hội. Ðạo luật này nếu được mang ra áp dụng sẽ ảnh hưởng tới các công tác cứu trợ nhân đạo của giáo hội. (EWTN 21/10/'97)


Tín hữu không phải gốc Cuba cũng ghi danh tham gia chuyến tàu hành hương

Tín hữu không phải gốc Cuba cũng ghi danh tham gia chuyến tàu hành hương

(Reuter 21/10/'97) Hoa Kỳ (Miami) - Gần ¼ trong số khoảng 528 phòng trên chuyến tàu hành hương từ Hoa Kỳ sang Cuba nhân chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II đã được các tín hữu công giáo đăng ký giữ chỗ, tuy nhiên không phải tất cả đều là tín hữu gốc Cuba.

Văn phòng du lịch tổ chức chuyến tàu hành hương này đã cho biết như trên vào hôm thứ ba 21/10. Văn phòng này cho biết kể từ khi TGP Miami loan báo rằng các tín hữu có thể bắt đầu đăng ký giữ chỗ cách đây hai tuần, mỗi ngày có khoảng 8 đến 10 người ghi tên tham dự. Ða số các tín hữu đăng ký tên không phải chỉ riêng từ Miami mà thôi nhưng đến từ nhiều nơi khác nhau ở Hoa Kỳ cũng như Canada và họ thuộc gốc Ðức, Ba Lan, Ai Len và Châu Mỹ LaTinh. Một phát ngôn viên của TGP Miami cho biết sỡ dĩ các tín hữu công giáo gốc Cuba ở Miami còn do dự chưa muốn đăng ký vì họ e ngại rằng chính quyền Cuba có thể sẽ đổi ý không cho phép chuyến tàu hành hương này vào nước Cuba. Báo chí xuất bản tại Miami đã trích thuật lời của bà Caridad Diego, chủ tịch Ban Tôn Giáo Nhà Nước Cuba rằng chính phủ nước này có thể sẽ rút lại giấy phép của chuyến tàu hành hương này.

Việc tổ chức chuyến tàu hành hương đang gây nhiều dư luận trong giới người Cuba sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Trong khi đa số đều đồng ý và ủng hộ chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II sang Cuba, bởi vì họ hy vọng nó sẽ mang lại những thay đổi về mặt chính trị; tuy nhiên một số tín hữu chống lại việc tổ chức chuyến tàu hành hương vì cho rằng những người Cuba lưu vong tham dự chuyến hành hương này sẽ để mình bị lệ thuộc trong bàn tay của ông Fidel Castro. (Reuter 21/10/'97)


Phát ngôn viên Toà Thánh sang Cuba chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC

Phát ngôn viên Toà Thánh sang Cuba chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC

(Reuters 20/10/'97) Cuba (Havana) - Thứ hai vừa qua, ông Navarro Valls, phát ngôn viên Toà Thánh đã tới Cuba để giúp chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II tại đây vào tháng Giêng năm tới.

Lên tiếng với các ký giả tại phi trường thủ đô Havana, ông Navarro Valls cho biết mục tiêu chính của ông tại Cuba chủ yếu là các vấn đề kỹ thuật và phương tiện cho các ký giả quốc tế sẽ có mặt tại Cuba để tường thuật về chuyến viếng thăm của ÐTC. Ðây là một thủ tục thông thường trong hầu hết các chuyến công du nước ngoài của ÐTC bởi vì có rất đông ký giả quốc tế thường xuyên theo chân ÐTC trong các chuyến viếng thăm mục vụ của ngài. Ngoài ông Navarro Valls, một viên chức khác của Toà Thánh đặc trách về nghi lễ tôn giáo, Ðức ông Piero Marini, cũng đã đến Cuba vào hôm thứ hai. Ðức Ông Piero Marini sẽ đi thăm quan tiến triển công cuộc chuẩn bị tại Santa Clara, Camaguey và Santiago de Cuba, những nơi mà ÐTC sẽ đặt chân tới trong chuyến viếng thăm đầu tiên sang Cuba.

Cuba là quốc gia duy nhất trong các nước nói tiếng Tây Ban Nha tại Châu Mỹ La Tinh, mà ÐTC chưa viếng thăm lần nào. Các nhà quan sát cho rằng, chính phủ Cuba sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề, nhất là trong việc cung cấp các phương tiện cho các phóng viên truyền thông, bởi vì ít khi nào Cuba phải đương đầu với một cuộc viếng thăm có sức thu hút như chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II. Trung Tâm Truyền Thông Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao Cuba đã cho công bố danh sách các ký giả được phép đến Cuba để tường thuật các biến cố trong chuyến viếng thăm nấy. Danh sách vừa nói chỉ gồm khoảng 130 ký giả. (Reuters 20/10/'97)


Về việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC tại CUBA

THỜI SỰ: Về việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC tại CUBA.

Tháng 11 năm ngoái (1996), khi đến Roma tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Thực phẩm do cơ quan FAO (Food and Agriculture Organisation) của Liên hiệp quốc tổ chức, Chủ tịch Fidel Castro đã chính thức viếng thăm Vatican và được ÐTC tiếp kiến trong hơn 40 phút. Từ buổi tiếp kiến này, chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba, được nói đến nhiều lần, đã được công khai xác nhận. Chủ tịch Fidel Castro đã chính thức mời ÐTC viếng thăm Cuba; nhưng lúc đó thì ngày tháng của chuyến viếng thăm vẫn chưa được ấn định.

Dịp Lễ Ba Vua (Lễ Hiển Linh) năm nay 1997, trong chuyến viếng thăm của Vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý tại Cuba, ÐHY Camillo Ruini tuyên bố trong nhà thờ chính tòa La Havana rằng: ÐTC sẽ viếng thăm Cuba vào cuối tháng giêng, từ ngày 21 đến 25, năm 1998. Các người công giáo Cuba đã đón nhận tin này bằng một tràng pháo tay thật dài, để biểu lộ sự vui mừng của họ.

Từ đó đến nay, công việc chuẩn bị của Ủy ban hỗn hợp: Chính phủ và Giáo hội tiến hành đều đặn. Cách đây vài ngày, Ðức Ông Piero Marini, Trưởng Ban Lễ nghi của ÐTC và Tiến sĩ Navarro Valls, phát ngôn viên và Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, đã đến Cuba để xem xét tính hình tại chỗ. Cũng cách đây vài ngày, lần thứ nhất, kể từ chuyến viếng thăm Vatican tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Fidel Castro nói đến chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II. Chủ tịch cho biết:

Sau Ðại hội Ðảng cộng sản Cuba lần thứ 5 và lễ nghi tưởng niệm 30 năm qua đời của nhà cách mạng Ernesto Che Guevara, chuyến viếng thăm của ÐTC đuợc coi là công việc ưu tiên đối với các hoạt động của Ông.

Theo tin của Hãng Thông tấn quốc tế Fides, thì các chặng của chuyến viếng thăm đã xếp đặt xong. Ngày 28 tháng 9 vừa qua, trước khoảng một ngàn người dự thánh lễ được cử hành ngoài trời tại tại Hí trường Guanabacoa, (nên biết việc cử hành thánh lễ ngoài trời là một việc rất họa hiếm tại Cuba và tại các nước dưới chế dộ cộng sản) ÐHY Jaime Ortega, TGM giáo phận La Havana, loan tin: ÐTC sẽ cử hành thánh lễ tại 5 thành phố: La Havana, Santa Chiara. Camaguey, Santiago de Cuba và El Cobre. Tại El Cobre, ÐTC sẽ đặt triều thiên trên ảnh Ðức Trinh Nữ Bác ái (La Virgen de Caridad), Quan Thầy của Cuba.

Ảnh Ðức Trinh Nữ Bác ái (La Virgen de Caridad) được vẽ ra và đắp tượng sau vụ hiện ra với ba trẻ em năm 1628 tại Vùng Nipe. Ảnh này có giá trị tôn giáo và ái quốc. ÐHY Ortega nhắc lại rằng: Trước đây, khi người dân Cuba nổi dậy chống lại Tây Ban nha tranh đấu đòi dộc lập, thì họ đều mang ảnh thánh này. Người ta nói: chính Chủ tịch Fidel Castro trong những năm sau 1959 (năm ông lên nắm chính quyền) vẫn mang ảnh thánh này trên mình. Hơn nữa, nhiều đồng chí cách mạng là người công giáo cũng thường mang ảnh thánh này hoặc mang tràng hạt trên cổ. Nhưng rồi sau đó, khi cuộc cách mạng hướng về ý thức hệ Mác xítù, nhiều người công giáo bị bách hại, bị tù, bị bắn và Chủ tịch Fidel Castro không còn mang ảnh "Virgen de Caridad de El Cobre" trên mình nữa. Dù sao, Chủ tịch không thể quên được nền giáo dục công giáo đã lãnh nhận được tại trường các cha Dòng Tên . Chính Ông Fidel Castro đã thú nhận như vậy trong buổi họp báo tại Roma sau khi được ÐTC tiếp kiến.

Thánh Lễ do ÐHY Ortega cử hành tại Hí trường GUANABACOA hôm 28/9/97 vừa qua, là một trong 13 thánh lễ ngoài trời được chính phủ cho phép để chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC. Trong khi chờ đợi ÐTC đến, Ban tổ chức đang chuẩn bị và xếp đặt lại "ngôi nhà" mà người dân La Havana gọi là "casa del Papa" (nhà của ÐTC), tức Tòa Sứ Thần. Cũng nên nhắc lại , chính phủ Cuba theo chế độ cộng sản, nhưng không lúc nào đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Hội đồng Giám mục đã soạn một bản kinh, in ra và phát cho các người công giáo, để dọc trong các gia đình cầu nguyện cho chuyến viếng thăm. Trong các thánh lễ, luôn luôn có một ý chỉ cầu nguyện cho ÐTC sẽ viếng thăm Cuba trong những tháng tới đây.

Nhưng xem ra sự hăng say lúc đầu về chuyến viếng thăm bị ghìm lại phần nào bởi những lý do khác nhau. Có người phàn nàn vì Ban tổ chức chuyến viếng thăm quảng cáo quá nhiều về biến cố. Cả các giám mục xem ra cũng lo sợ về một cái gì đó; vì thế các ngài ít lên tiếng. Nhiều người công giáo được hỏi ý kiến cũng đưa ra những lý luận khác nhau: có người cho rằng chuyến viếng thăm của ÐTC củng cố địa vị của Ðại Lãnh Tụ trên trường quốc tế; người khác chờ đợi ÐTC với nhiều hy vọng, vì ngài đến để củng cố Ðức tin và đem lại đời sống mới cho Giáo hội bị lu mờ trong nhiều năm. Người khác nói: "Ðược thấy ÐTC tại Cuba là một việc cả thể. Từ trước tới nay chúng tôi vẫn biết rằng chúng tôi không bao giờ bị bỏ rơi". Người khác lo sợ, vì nhiều áp lực và đe dọa. Một nhóm người công giáo gồm thợ thuyền và chuyên viên tiết lộ cho Hãng thông tấn Fides biết rằng: có những áp lực trên các người công giáo và không công giáo để làm thất bại chuyến viếng thăm. Áp lực cách riêng trên các đảng viên cộng sản có cảm tình hoặc gần gũi Giáo hội. Nhiều đảng viên, cả những vị thuộc cấp cao, bắt đầu dự thánh lễ, xưng tội và rước lễ.

Theo nguồn tin chắc chắn, họ đã bị "gọi đến làm việc tại sở công an" và bị đe dọa. Một vị giáo sư tiết lộ: "Công an theo dõi và đe dọa chúng tôi, gia đình chúng tôi, nếu chúng tôi dám tuyên xưng đức tin công khai".

Từ tháng ba-tháng tư vừa qua tới nay, trong cuộc họp cứ 15 ngày một lần tại các xưởng, nhà thương, trường học... các ông giám dốc lên tiếng đe dọa sa thải những ai dám đự lễ ÐTC. Nhân vật bị đe dọa hơn cả là Giáo sư Cosme Ordonez, giám đốc Bệnh viện Bách Khoa Plaza ở thủ đô La Havana.

Từ ngày Chủ tịch Fidel Castro viếng thăm ÐTC, chính phủ hứa hẹn nhiều về tự do tôn giáo; nhưng trên thực tế các hoạt dộng của Giáo hội vẫn bị giới hạn rất nhiều. Ðể chuẩn bị chuyến viếng thăm, chính phủ cho phép ÐHY Ortega và các giám mục cử hành 13 thánh lễ ngoài trời mà thôi. Tất cả các thánh lễ này đều bị công an Nhà Nước ghi trên cassette-video, để kiểm soát những người dự thánh lễ. Theo nguồn tin từ thủ đô La Havana, thì từ ít tháng nay con số công an chìm thêm nhiều trong các buổi cử hành thánh lễ và trong các nhóm công giáo.

Theo các quan sát viên tại Cuba, thì Nhà Nước có hai thái độ đối với tôn giáo: cho phép một đàng, áp lực đàng khác. Ðây có thể là dấu hiệu chia rẽ trong Ðảng giữa phe cải cách và phe bảo thủ. Vì thề nhiều người lo sợ sau Ðại hội Ðảng vừa qua (từ 8 đến 10/10/97) chế độ sẽ trở lại chính sách đàn áp công khai. Hư, thực thế nào, tương lai sẽ trả lời.


Cuộc phỏng vấn Ðại sứ Cuba cạnh Tòa Thánh về chuyến viếng thăm của ÐTC tháng giêng tới đây

THỜI SỰ: Cuộc phỏng vấn Ðại sứ Cuba cạnh Tòa Thánh về chuyến viếng thăm của ÐTC tháng giêng tới đây.

Trong những tuần vừa qua báo chí lưu ý nhiều đến những vụ khủng bố xẩy ra tại Cuba, ở thủ đô La Havana và một vài nơi có nhiều du khách. Nhà cầm quyền Cuba đã bắt được thủ phạm . Hy vọng những vụ khủng bố đã chấm dứt và sẽ không gây lo ngại gì cho chuyến viếng thăm của ÐTC. Trong vài tuần nữa Ðảng cộng sản Cuba triệu tập Ðại hội lần thứ năm để bàn về những cải cách. Lần này hơn mọi lần khác, người dân Cuba và thế giới đang chờ đợi những thay đổi Ðảng hứa hẹn nhiều lần.

Dù sao chuyến viếng thăm của Ðức GP 2 tháng giêng tới đây vẫn là đề tài dược lưu ý hơn cả. Tất cả các nước Châu Mỹ Latinh đã được ÐTC viếng thăm. Vào đầu tháng 10 tới đây ngài trở lại viếng thăm Brazil lần thứ ba. Chỉ còn Cuba chưa được viếng thăm. Sau nhiều tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp, chuyến viếng thăm sau cùng đã được quyết định trong cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Chủ tịch Fidel Castro tháng 11 năm ngoái tại Vatican, lúc ông đến Roma dự Hội nghị quốc tế về thực phẩm do FAO tổ chức.

Về chuyến viếng thăm của ÐTC, Ðại sứ Cuba cạnh Tòa Thánh, tiến sĩ Hermes Herrera Hernandez, dành cho nhật báo công giáo Ý Avvenire số ra ngày 17.9.97 một bài phỏng vấn dài.

Ðại sứ Hernandez được bổ nhiệm giữ chưc Ðại diện của Cuba cạnh Tòa Thánh từ năm 1992. Chính ông là người tổ chức chuyến viếng thăm của Ðại Lãnh tụ Fidel Castro tại Vatican . Trong 4 tháng nữa, ông sẽ tháp tùng ÐTC đi Cuba và đây là một thành công ngoại giao lớn lao của Ông.

Ðược hỏi về việc chuẩn bị chuyến viếng thăm, Ðại sứ trả lời rằng: Việc chuẩn bị được khởi sự từ đầu năm nay, khi chính phủ và Giáo hội thành lập Uûy ban hỗn hợp để thảo luận về tất cả các khía cạnh của chuyến viếng thăm. Theo chỗ ông biết, Ủy ban đang làm việc hăng hái và nhất là trong hòa hợp . ÐTC sẽ viếng thăm Cuba trong 4 ngày từ 21 đến 25 tháng giêng 1998. Ngài viếng thăm không những La Havana (thủ đô) mà còn đi xa mãi tới Santiago de Cuba. Tại La Havana ÐTC sẽ đâng thánh lễ trọng thể ở Quảng trường Cách Mạng (Plaza de la Revolución). Chính phủ không đặt giới hạn nào cả đối với việc tham dự của ngưòi dân: chuyến viếng thăm được coi là ngày đại lễ của toàn dân. Ông tin rằng ÐTC sẽ được toàn dân Cuba đón tiếp nồng hậu, không phải chỉ có người công giáo mà thôi.

Nói đến các khó khăn Giáo hội công giáo gặp tại Cuba, Ðại sứ Hernandez minh xác rằng: Giáo hội công giáo tại Cuba không hề bị cản trở thi hành sứ vụ thiêng liêng của mình. Theo nhận xét của Ông, một số linh mục ngoại quốc lợi dụng địa vị giáo sĩ của mình ủng hộ những ngưòi chống cách mạng, đã bị mời ra khỏi nước. Việc này xẩy ra những năm về trước. Nay tình hình đã thay đổi rất nhiều. Ðại sứ trưng ra một thí dụ cụ thể này là nay không còn lệnh cấm các tín hưũ ghi tên vào Ðảng cộng sản. Hơn nữa Hiến Pháp cũng xóa bỏ nhửng kiểu nói có tính cách kỳ thị đối với những người theo tôn giáo này, tôn giáo khác. Ngày nay đã có sự thông cảm nhiều hơn giữa Giáo hội và Nhà Nước sánh với các năm trước đây.

Ðược hỏi về việc Ðại Lãnh Tụ trở lại Ðạo công giáo, Vị Ðại diện ngoại giao Cuba trả lời rằng: theo ông nghĩ, đây là tin không có nền tảng. Nhưng ông công nhận rằng: Lãnh tụ từ hồi nhỏ đã lãnh nhận một nền giáo dục công giáo nơi các Cha Dòng Tên. Sau đó ông theo Cách mạng và ông vẫn trung thành với lý tưởng . Ðại sứ cũng công nhận rằng: Chủ tịch Fidel Castro nói về tôn giáo luôn luôn với sự kính trọng, nhưng đây không có nghĩa là ông trở lại Ðạo công giáo. Báo chí lúc này nói lãnh tụ đã chết, lúc khác tung tin ong trở lại...

Nhật báo Avvenire đặt câu hỏi khác: Người ta vẫn nghĩ rằng Ðức Gioan Phaolô II đã làm sụp đổ chế độ cộng sản tại Ðông Âu, vậy chính phủ Cuba có lo sợ về chuyến viếng thăm của ngài không? Ðại sứ trả lời cách rõ ràng rằng: "Chúng tôi không nhìn vào chuyến viếng thăm của ÐTC với lo sợ, mà với sự tín nhiệm và lạc quan. Cuba rất cảm phục và tôn trọng tất cả những gì Ngài làm và nói lên, nhất là việc ngài kêu gọi tôn trọng phẩm giá con ngưòi và công bình xã hội. Về các đề tài khác, chúng tôi không cùng quan điểm, nhưng điều này không có nghĩa là chúng tôi sợ những gì ngài sẽ nói lên. Thực tại của nuớc chúng tôi không giống thực tại của các nước khác. Cuba đã có một tiến trình cách mạng với tính cách đặc thù của nó và tính cách đặc thù này đã cắm rễ sâu vào trong lòng dân tộc. Vì thế không có sự sợ hãi nào, trái lại có sự lạc quan lớn lao trong việc cùng nhau tìm kiếm công ích cho toàn dân..."

Nói đến việc đình chỉ lệnh cấm vận trong những ngày viếng thăm Cuba của ÐTC, để các người công giáo Hoa kỳ có thể hành hương tại đây, Ðại sứ cho biết: đây không phải là một việc đình chỉ, mà chỉ là một việc cho phép "sui generis", có giá trị trong dịp này mà thôi. Không thể giải thích đây là dấu hiệu bãi bỏ hẳn lệnh cấm vận trong thời gian gần đây. Trái lại, theo đại sứ, Thượng viện Hoa kỳ xem ra còn muốn thắt chạt hơn nữa. Ông hy vọng ÐTC sẽ nhắc lại việc lên án lệnh cấm vận như Tòa Thánh đã lên tiếng nhiều lần.


Sứ Ðiệp của Hội Ðồng Giám Mục Cuba

THỜI SỰ: Sứ điệp của Hội đồng Giám mục Cuba về việc chuẩn bị chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II.

Dịp Lễ Phục sinh vừa qua, Hội đồng Giám mục Cuba cho công bố một sứ điệp dài 11 trang về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC Gioan Phaolô II, được ấn định vào cuôùi tháng Giêng năm tớùi đây. Thực sự chuyến viếng thăm được nói đến nhiều lần, nhưng chỉ được ấn định dứt khoát tháng 9 năm ngoái ( 1996 ), lúc chủ tịch Nhà Nước Cuba, ông Fidel Castro đến viếng thăm Vatican và chính thức mời ÐTC viếng thăm.

Sứ điệp của HÐGM Cuba gồm nhiều đoạn và có tính cách của "những bài học giáo lý, được gửi cho " tất cả các con cái Giáo hội công giáo, cho anh chị em thuộc các tôn giáo khác và cho toàn dân Cuba". ÐTC đến với dân tộc như "Sứ giả Hòa bình, sứ giả của Chân Lý và của Hy vọng".

Trong phần đầu , các giám mục muốn nguời dân Cuba hiểu biết về "Vị chủ chăn toàn thể Giáo hội công giáo" trong dịp Ngài đích thân đến viếng thăm . Con nguời, sứ mệnh và giáo huấn của Ngài mọi nguời đều biết , hay ít ra nghe nói đến. Dù sao, để chuẩn bị chuyến viếng thăm , các Giám mục Cuba nghĩ rằng : cần gửi bức thư này, không những cho các con cái Giáo hội công giáo, mà cho cả các người vô tín ngưỡng nữa, tuy không tin, nhưng họ muốn hoàn toàn tự do chấp nhận giáo huấn trong thư này về Thừa tác vụ của Ðức Thánh Cha.

Văn kiện của các giám mục giải thích : ÐTC là ai ? Ngài là Vị chủ chăn toàn thể Giáo hội công giáo ; vì thế Ngài là Vị Kế nghiệp Thánh Phêrô và chúng ta vẫn nghe nói đến Chức vụ tối cao của Phêrô.

Trong phần hai , Văn kiện nói đến "Giáo hội phục vụ sự hiệp nhất", bằng việc nhấn mạnh đến quyền giáo huấn "lưu động" của ÐTC, cách riêng phục vụ của Ngài cho hiệp nhất giữa con cái loài nguời và cho hòa bình thế giới. "Hiệp nhất và Hòa bình do chính Chúa Giêsu muốn". Sau những suy tư vắn tắt, nhưng sâu xa về hiệp nhất trong Giáo hội, các Giám mục quả quyết rằng : "Cuba đang tìm sự hiệp nhất" giữa những lo lắng, những bất mãn, giữa những hy vọng, nhưng chưa đạt được, và, trong một số trường hợp, gây chia rẽ con người bên trong và li khai họ khỏi anh chị em . Văn kiện nói rõ: "Giáo hội công giáo tại Cuba hy vọng rằng sự hiện diện của Ðức Gioan Phaolô II giữa chúng ta, cổ võõ sự hiệp nhất thành thực trong nội bộ Giáo hội chúng ta, giữa các tôn giáo khác nhau, giữa các người dân Cuba, không phân biệt tư tưởng, khuynh hướng chính trị, tôn giáo, nhưng chỉ vì cùng một dòng màu , cùng một dân tộc, nhất là vì tình yêu thương huynh đệ: tình yêu thương này phải là nền tảng vững chắc của bất cứù dấn thân nào trong việc tím kiếm hạnh phúc cho nguời dân Cuba.

Trong phấn ba, sứ điệp trả lời câu hỏi: "Tại sao ÐTC đến Cuba? Chúng ta chờ đợi gì nơi chuyến viếng thăm này? ÐTC là Chủ chăn: "chuyến viếng thăm của Ngài có một tính cách mục vụ", "không ai chờ đợi một chuyến viếng có tính cách khác". "Ngài là Chủ chăn đến viếng thăm các con chiên của Ngài". ÐTC viếng thăm Cuba để rao giảng Chúa Kito, "bởi vì con người có quyền biết đến sự phong phú của Mầu nhiệm Chúa Kitô". ÐTC "đưa chúng ta đến gặp Chúa Kitô". Chúng ta biết rõ: Ngài đã ước ao được viếng thăm Cuba như thế nào. Ngài đếán để cầu nguyện với người dân Cuba, bởi vì những lo lắng của ÐTC cũng là chính những lo lắng của người dân Cuba. "ÐTC đến để chúc lành cho hết mọi người chúng ta".

Sang phần bốn năm , các Giám mục nói đến việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC như thế nào. Các ngài nêu lên những khía cạnh sau đây: chiến lược và vật chất, giáo lý, mục vụ và thiêng liêng. Ba khía cạnh giáo lý, mục vụ và thiêng liêng quan trọng hơn cả và là nền tảng của việc chuẩn bị, để chuyến viếng thăm đem lại nhiều thành quả tốt đẹp và lâu dài . Trong bối cảnh này, các giám mục nhắc lại việc thành lập các ủy ban hỗn hợp Giáo hội và Chính phủ trên cấp bậc quốc gia và giáo phận. Việc chuẩn bị thiêng liêng liên hệ đến mọi người dân Cuba, có tín ngưỡng hay vô tín ngưỡng. Các giám mục nhắc lại sự tế nhị đặc biệt ÐTC dành cho Cuba : Ngài chỉ muốn viếng thăm Cuba mà thôi trong cuộc hành hương này, không có ý ghé thăm một quốc gia nào khác.

Ngoài ra trong văn kiện các giám mục cũng nhắc đến một số vấn đề quan trọng khác, như "đối thoại đại kết , Năm Ðại Toàn xá 2000, mục vụ gia đình , mục vụ giới trẻ, mục vụ tại các nhà giam và dĩ nhiên việc cầu nguyện , lòng sùng kính Thánh Thể và việc lãnh các Bí tích - việc giảng dạy và học hỏi giáo huấn xã hội của Hội Thánh v.v..."

Trong phần cuối sứ điệp, Hội đồng Giám mục Cuba nói đến việc hòa giải với Thiên Chúa và với tha nhân. Các ngài viết với những lời mạnh mẽ: "Không có khả năng tha thứ, hòa giải vì những đau khổ đã phải chịu , tức là cam chịu coi mình như tù nhân của một cuộc sống không bao giờ biết đến niềm an vui vì được tự do, được giải thoát".

Phần kết luận, các giám mục nêu lên các điểm cụ thể cho việc chuẩn bị chuyến viếng thăm : cầu nguyện ( thành lập một chiến dịch cầu nguyện trong cả nước ) - "Không có đức tin - các giám mục viết - không thể đẹp lòng Chúa được - Không cầu nguyện, đức tin coi là trống rỗng". - Tuần đại phúc tại mỗi cộng đồng với các buổi cầu nguyện chung - học hỏi giáo lý - lãnh các Bí tích - lòng sùng kính Ðức Maria , Mẹ Chúa Cứu Thế : Ðức Bà "của Ðức Aùi", Quan Thầy của Cuba.

(Roma ngày 27.5.97 - P. Trần đoàn, Kết Lm.)


Back to Radio Veritas Asia Home Page