Tin Tức và Thời Sự
trung tuần tháng 9/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Khóa Tu Nghiệp của Các Giám Mục thuộc bộ Phúc Âm Hóa các dân tộc

THỜI SỰ: Khóa Tu nghiệp của các giám mục thuộc Bộ Phúc âm hóa các dân tộc.

Như chúng tôi đã loan tin hai lần: Khóa Tu nghiệp thứ bốn của các giám mục thuộc Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, dành cho hơn 70 giám mục nói tiếng Pháp, đã được khai mạc ngày mùng một tháng 9 tại Giáo Hoàng Học viện Thánh Phaolô ở Roma và sẽ bế mạc vào ngày 19 tới đây, bằng thánh lễ đồng tế tại Ðền thờ Thánh Phêrô lúc 9 giờ và sau đó bằng cuộc gặp gỡ với ÐTC, vị đứng đầu Giám mục đoàn, vào lúc 11 giờ 30.

Theo Ðức Ông Luigi Guidoni, phó thư ký Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, phụ trách việc tổ chức các Khóa Tu nghiệp, thì Khóa Học hỏi này là do sáng kiến của chính các giám mục, không phải chỉ các giám mục mới được bổ nhiệm, mà cả nhiều vị đã thi hành chức vụ từ nhiều năm. Thực ra Khóa Tu nghiệp và Thích nghi này rất cần thiết, vì nhiều lý do khác nhau. Từ trước tới giờ, trong Giáo hội công giáo chỉ có các chủng viện để đào tạo các linh mục. Và tại nhiều nơi, nhất là ở Roma, có các trường Ðại học, dành cho các linh mục có thể chuyên riêng về môn này hoặc môn khác, để có khả năng đảm nhận những trách nhiệm quan trọng hơn trong Giáo phận, nhất là giữ chức vụ huấn luyện các linh mục tương lai tại các chủng viện. Thực sự, trong số các linh mục du học, có nhiều vị được bổ nhiệm làm giám mục. Thừa tác vụ giám mục rất khó khăn, nhưng Tòa Thánh không có trường nào để huấn luyện các giám mục tương lai. Tòa Thánh có trường Ngoại giao để huấn luyện các vị đại diện của mình tại các nước. Tòa Thánh có Bộ Giám mục để cứu xét, lựa chọn và lo lắng đến các vấn đề liện tới các giám mục, nhưng không có trường huấn luyện các vị sẽ giữ chức vụ này.

Nói đúng ra, nếu có lập trường huấn luyện giám mục, chắc chắn sẽ không có sinh viên. Ai là người dám xin gia nhập trường này để lên chức giám mục? Vị linh mục nào dám nghĩ mình xứng đáng chức vụ quan trọng này? Lý do khác, thế giới ngày nay thay đổi rất nhanh chóng. Các vị cầm quyền trong một giáo hạt cần được thích nghi với hoàn cảnh chung của cả thế giới và riêng của từng địa phương. Làm giám mục, không phải tức khắc là hoàn toàn đầy đủ, biết mọi vấn đề. Ba nhiệm vụ rất quan trọng của một vị giám mục: Thánh hóa, giảng dạy và quản trị không phải dễ dàng, nhất là đối với thế giới ngày nay. Làm giám mục không phải chỉ lo đến Giáo phận của mình, mà cần phải quan tâm đến Giáo hội toàn quốc, Giáo hội hoàn vũ . Làm giám mục không phải chỉ lo đến vấn đề thiêng liêng, mà cần biết tổ chức và điều khiển các cơ quan, các tổ chức khác nhau trong giáo phận, tiếp xúc với các cơ quan Tòa Thánh, các tổ chức quốc tế, lo huấn luyện linh mục, tiếp xúc với các Dòng Tu Nam, Nữ, đào tạo Hàng giáo dân trưởng thành, đối thoại với các tôn giáo, lo đến vấn đề thăng tiến toàn diện con người, cách riêng các ngưòi nghèo khổ, hăng say truyền giáo.... Nói tóm lại Vị giám mục là "Magister Fidei" ( Thầy dạy và người bảo vệ đức tin, nền luân lý tự nhiên và công giáo) - là "Pastor bonus" (vị chủ chăn nhân hậu, liều mạng vì đàn chiên). Tất cả các vấn đề này đều được ghi trong chương trình của Khóa Tu nghiệp ba tuần lễ và do các vị chuyên môn thuyết trình.

Theo bản tin của Hãng thông tấn quốc tế Fides, thì các giám mục hiện đang theo Khóa tu nghiệp rất hài lòng về sáng kiến hữu ích này. Các ngài hài lòng cách riêng về bầu khí của hiệp thông và của việc phong phú lẫn nhau. Vẫn theo Fides, có hơn 70 giám mục, đa số đến từ các nước Châu Phi tham dự Khóa này. Cộng hòa dân chủ Congo (Zaire) chiếm con số đông hơn cả: 14 vị; tiếp đến hai nước Côte d'Ivoire và Trung Phi, mỗi nước 7 vị. Hãng Fides cũng nhắc đến ba vị giám mục Việt Nam có tên trong danh sách: Ðức Cha Phaolô Lê Ðắc Trọng, giám mục phụ tá Hà-nội; Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho, giám mục phó Nha trang và Ðức Cha Giuse Nguyễn Tích Ðức, giám mục phó Ban mê thuột.

Tin mới nhất vừa cho biết: Trong số ba giám mục Việt Nam, thì đã có Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nho vừa tới Rôma hôm thứ ba 16/9/97. Hai Ðức Cha kia thì chưa có tin gì, chưa tới.

Hãng thông tấn Fides thuật lại những cảm tưởng của một số giám mục tham dự Khóa tu nghiệp thứ bốn này: Ðức Cha Lolesio Fuahea, giám mục giáo phận Wallis và Futuna (thuộc Châu Ðại dương) tuyên bố: "Những khó khăn mà chúng tôi gặp trong các giáo phận hầu như giống nhau: tổ chức giáo hội, làm cho tình liên đới giữa các tín hữu gia tăng, hoàn hảo sự đoàn kết, hiệp nhất giữa các giám mục, linh mục và giáo dân.. nhưng vấn đề nóng hổi hơn cả vẫn là vấn đề tân tiến của thời đại và tâm trạng hưởng thụ vật chất lan tràn khắp nơi, như nước vỡ bờ, làm tổn thương đến nền văn hóa lành mạnh của người dân.." Ðức Cha Jean Baptiste Somé, giám mục giáo phận Diebougou (Burkina Faso) nói: "Cái mà chúng tôi đang sống là một kinh nghiệm lớn lao của hiệp thông giữa chúng tôi, các giám mục. Nhiều lúc chúng tôi biết tình hình các giáo hội Châu âu, nhưng lại không biết tính hình các giáo hội Châu Phi hoặc tệ hơn nữa chỉ biết giáo phận mình mà thôi. Tại Burkina Faso, cộng đồng Kitô phải đối phó hằng ngày với các tôn giáo truyền thống: các tôn giáo này có ảnh hưởng nhiều trên thế hệ trẻ. Ðức tin của chúng tôi được truyền lại thời chế độ Thuộc địa. Cầøn phải dành ưu tiên cho việc hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa địa phương. Ðây là một thách đố lớn lao, khó khăn, nhưng rất quan trọng..." Ðức Cha Eugenio Del Corso, giám mục phó giáo phận Saurimo (Angola) phát biểu: "Trong lúc này Giáo hội công giáo tại Angola được nhìn với nhiều cảm tình về phía người dân (vẫn có từ trước tới giờ) cũng như về phía chính quyền. Chính quyền yêu cầu chúng tôi cộng tác trong việc tái thiết vật chất và tinh thần Quốc gia, đang từ từ ra khỏi cảnh cùng cực gây nên do 30 năm nội chiến. Chúng tôi đang qua những giờ phút rất tích cực, cả về phương diện ơn kêu gọi. Vấn đề lớn hơn cả là tái thiết các cơ sở bị tàn phá hoạc bị hư hại trong thời kỳ chiến tranh: đây là những trung tâm cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng và vấn đề xây dựng các cơ sở mới".

Giáo Hội Phật Giáo Thế Giới chọn cuốn sách Ðường Hy Vọng của ÐTGM Nguyễn Văn Thuận

Cuốn sách Ðường Hy Vọng của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đã được Giáo Hội Phật Giáo Thế Giới chọn là Sách tu đức hay nhất trong năm 1997.

Tin Ðài Loan, Trong cuộc Ðại Hội kỳ I của Giáo Hội Phật Giáo Toàn Thế Giới tại Ðài Bắc Ðài Loan trong tháng 8 / 1997 vừa qua, toàn Ðại Hội đã chọn cuốn Ðường Hy Vọng của Ðức Tổng Giám Mục Nguyện Văn Thuận bản dịch tiếng Trung Hoa làm sách Tu Ðức tiếng Trung Hoa hay nhất trong năm, và Thầy Nguyễn Sỹ Thảo là người phụ trách chuyển dịch ra tiếng Trung Hoa được mời tới lãnh giải thưởng đặc biệt nầy. Ðiều đáng chú ý, là giải thưởng này do bởi Giáo Hội Phật Giáo Toàn Thế Giới trao tặng, nói lên ảnh hưởng cuốn sách của Một Ðức Tổng Giám Mục Công Giáo, không những có ảnh hưởng trên khắp thế giới mà còn có ảnh hưởng tới các tôn giáo bạn nữa. Quả đây là một việc soi dẫn của Chúa Thánh Thần, để Tin Mừng của Chúa được gieo rắc cho khắp muôn người không phân biệt tôn giáo màu da giàu nghèo...

Vài Con số thống kê về Giáo Hội Công Giáo tại Brazil

Vài Con số thống kê về Giáo Hội Công Giáo tại Brazil.

Tin Vatican (VIS 16/9/97): Từ ngày mùng 2 đến mùng 6 tháng 10 tới đây, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ ngoài Italia, lần thứ 80, tại RIO de JANEIRO, bên BRAZIL, để tham dự Ngày Quốc Tế Gia Ðình lần thứ 2. Hiện nay, BRAZIL có 156 triệu dân, và số người công giáo là 135 triệu, tức là 87 phần trăm dân số.

Theo Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Giáo Hội Công Giáo, thì vào năm 1995, Giáo Hội Công giáo tại Brazil có 256 giáo phận, được chăm sóc bởi 362 giám mục, với sự trợ giúp của 15,482 linh mục; 38,000 tu sĩ và 6,900 chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo Brazil điều hành 8,755 trung tâm y tế, và có 5,940 cơ sở giáo dục, với con số tổng cộng sinh viên học sinh là 1 triệu 8 trăm ngàn.

Bảy Tu Sĩ được thụ phong Linh Mục tại Thành Phố Hồ Chí Minh

Bảy Tu Sĩ được thụ phong Linh Mục tại Thành Phố Hồ Chí Minh, hôm mùng 6 tháng 9 nầy.

Tin Việt Nam (UCAN 15/9/97): Tại Nhà Thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp của các cha dòng Chúa Cứu Thế, ở Thành Phố Hồ Chí Minh, hôm ngày 6 tháng 9, Bảy Tu Sĩ của bốn dòng tu, đã được Ðức Cha Nguyễn Văn Trâm, giám mục phụ tá Xuân Lộc, thụ phong linh mục. Bảy Tân Linh Mục thuộc bốn dòng tu sau đây: Dòng Xitô Phước Sơn: 2 tân linh mục, Tỉnh Dòng Ðaminh Việt Nam: 2 tân linh mục, Dòng Tên: 2 tân linh mục, và dòng Chúa Cứu Thế: một tân linh mục. Giảng trong thánh lễ Ðức Cha phụ tá Xuân Lộc đã nói như sau: "Tôi xin chia sẽ niềm vui và hạnh phúc của các tân linh mục. Tôi cũng vui mừng, vì từ nay, chúng tôi có thêm các linh mục giúp các giám mục chúng tôi chu toàn bổn phận của mình." Năm trong số bảy Tân Linh Mục, đã trên 40 tuổi, và đã phải chờ đợi từ lâu, để được Nhà Nước đồng ý cho thụ phong linh mục, vì Nhà Nước Việt Nam vẩn còn có chính sách giới hạn con số nhửng ứng viên lên chức linh mục. Cha Giuse Ðinh Châu Trân, Bề Trên Tỉnh Dòng ÐaMinh Việt Nam đã phát biểu ý kiến của mình trong buổi tiếp tân sau lễ Phong Chức linh mục như sau: "Chúng tôi muốn chứng minh cho chính quyền thấy rằng việc có thêm những linh mục phục vụ cộng đoàn Dân Chúa, không làm hại gì cho xã hội cả. Sự hiện diện của linh mục công giáo tại những vùng thôn quê hẻo lánh có thể mang lại những thay đổi tích cực, không những trên bình diện mục vụ, mà còn trên bình diện xã hội nữa."

Từ tháng 4 năm 1975 đến nay, dòng Ðaminh Việt Nam có thêm 43 linh mục, dòng Tên có thêm 10 linh mục, dòng Chúa Cứu Thế có thêm 13 linh mục, và dòng Xitô Phước Sơn có thêm 11 linh mục.

Quốc Hội Âu Châu tổ chức Hội Thảo về vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng một Âu Châu Hiệp Nhất

Quốc Hội Âu Châu tổ chức Hội Thảo về vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng một Âu Châu Hiệp Nhất.

Tin STRASBOURG (RG 16/9/97): Thứ Tư hôm qua, ngày 17/9, Quốc Hội Âu Châu, có trụ sở tại Strasbourg, đã tổ chức Cuộc Hội Thảo quy tụ các nhà chính trị và các vị lảnh đạo các tôn giáo hiện diện tại Âu Châu, để tìm hiểu về mối tương quan giữa việc xây dựng Một Âu Châu Thống Nhất và các Tôn Giáo. ÐHY Carlo Maria Martini được mời đọc bài tham luận mở đầu về đề tài: Âu Châu Ngày Nay theo ánh sáng của những Tác Phẩm của Thánh Ambrôgiô. Ðược biết, năm nay, Tổng Giáo Phận Milano của ÐHY Martini, mừng kỷ niệm 1600 năm qua đời của thánh Ambrôgiô, cựu giám mục Milano.

Cuộc Ðối Thoại giữa Công Giáo và Tin Lành Lutêrô về Bí Tích Thánh Thể và Ðặc Tính Tông truyền của Giáo Hội

Cuộc Ðối Thoại giữa Công Giáo và Tin Lành Lutêrô về Bí Tích Thánh Thể và Ðặc Tính Tông truyền của Giáo Hội.

Tin Vatican ( VIS 18/9/97): Trong những ngày từ 31 tháng 8 cho đến mùng 6 tháng 9, Khóa Họp lần thứ ba của giai đoạn làm việc thứ IV của Ủy Ban Công Giáo và Tin Lành Lutêrô, được tổ chức tại BUDAPEST, bên Hungary, để bàn về đề tài Bí Tích Thánh Thể, và về đề tài Ðặc Tính Tông Truyền của Giáo Hội. Theo thông cáo chung được phổ biến cho báo chí ngày hôm qua, thứ tư 17/9, thì cuộc họp đại kết tại Hungary bàn đến hai đề tài quan trọng mà hai bên cần đạt đến sự đồng ý chung, để có thể tiến đến sự hiệp nhất. Giai đoạn Một của cuộc đối thoại đại kết giữa công giáo và tin lành Lutêrô, đã được diển ra từ năm 1967 cho đến năm 1971, và bàn về đề tài Phúc Âm và Giáo Hội. Giai đoạn Hai, từ năm 1973 cho đến năm 1984, thì bàn về Bí Tích Thánh Thể và Tác Vụ. Chủ đề thảo luận của giai đoạn thứ Ba, từ năm 1986 cho đến năm 1993, là Giáo Hội và sự Công Chính Hóa.

Ðại Hội của Cộng Ðồng Thánh Eâgidiô để cầu nguyện cho Hòa Bình, sẽ được tổ chức tại Venezia và Padua

Ðại Hội của Cộng Ðồng Thánh Eâgidiô để cầu nguyện cho Hòa Bình, sẽ được tổ chức tại Venezia và Padua.

Tin Vatican ( CWN 17/9/97): Năm nay, Cộng Ðồng Thánh Eâgidiô sẽ tổ chức cuộc Họp Quốc Tế lần thứ 11, tại hai thành phố của Italia là Vênêzia và Padua, từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng 10 tối đây, để cầu nguyện cho Hòa Bình. Khóa Họp Quốc Tế đầu tiên của Cộng Ðồng Thánh Eâgidiô, đã được tổ chức tại ASSISI, vào năm 1986. Và từ đó đến nay, mỗi năm có một Cuộc Họp, tại một địa điểm khác nhau. Các tham dự viên của cuộc Họp Quốc Tế năm nay, sẽ nhấn mạnh nhiều đến nhu cầu cần có những liên lạc gần gủi hơn giữa các đại diện của các truyền thống tôn giáo do thái và kitô với những vị đại diện của truyền thống Hồi giáo. Vào lúc kết thúc cuộc họp, Cộng Ðồng Thánh Eâgidiô sẽ kêu gọi các Nhà Lảnh Ðạo của Các Tôn Giáo khác nhau hãy tham dự chiến dịch chung nhằm loại bỏ án tử hình, vào năm 2000.

Tòa Thánh Công Bố Tân Quy Ðịnh (Directory) cho việc giảng dạy giáo lý

Tòa Thánh Công Bố Tân Quy Ðịnh (Directory) cho việc giảng dạy giáo lý.

Tin Vatican ( RG 17/9/97): Sáng hôm nay, thứ năm 18/9, Ðức Tổng Giám Mục Dario Castrillon Hoyos, quyền tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ, và Ðức Tổng Giám Mục Crescenzio SEPE, tổng thư ký, cùng trình bày cho giới báo chí Văn Kiện Mới quy định việc giảng dạy giáo lý trong giáo hội. Văn Kiện mới nầy dài 300 trang và chia ra làm năm phần, do bộ Giáo Sĩ soạn thảo, và sẽ thay thế cho Bản Quy Ðịnh, đã được Ðức Cố giáo hoàng Phaolô VI công bố cách đây 27 năm. Văn Kiện Mới nầy là điều rất cần thiết, tiếp sau việc Công Bố Sách Giáo Lý Mới của Giáo Hội Cộng Giáo. Hơn nữa, Bản Tân Quy Ðịnh nầy sẽ được dùng làm căn bản cho việc soạn thảo những quy định cho việc giảng dạy giáo lý ở cấp bực địa phương. Chúng tôi sẽ nói về Văn Kiện mới nầy, trong những dịp phát thanh sau nầy.

Văn Kiện Quy Ðịnh Tổng Quát cho việc giảng dạy giáo lý đã được công bố

Văn Kiện Quy Ðịnh Tổng Quát cho việc giảng dạy giáo lý đã được công bố.

Tin Vatican ( VIS 18/9/97): Như đã loan tin, sáng hôm qua, thứ năm 18/9, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Ðức Tổng Giám Mục DARIO CASTRILLON HOYOS, tổng trưởng bộ giáo sĩ, và Ðức Tổng Giám Mục SEPE, tổng thư ký, đã cùng chung giới thiệu với báo chí Tập Quy Ðịnh Tổng Quát cho việc giảng dạy giáo lý. Văn kiện nầy đã được ÐTC Gioan Phaolô II phê chuẩn hôm 15 tháng 8 vừa qua, và truyền cho công bố. Văn kiện dài 300 trang nầy là kết quả của ba năm làm việc, và nhằm mục đích đầu tiên là giúp cho các Hội Ðồng Giám Mục khắp nơi có điểm quy chiếu , để soạn ra Tập Quy Ðịnh riêng cho địa phương. Hai đường hướng chính của Văn Kiện nầy là: canh tân việc giảng dạy giáo lý trong khung cảnh của việc rao giảng tin mừng, và sửa đổi cách trình bày đức tin cho phù hợp với Sách Giáo Lý chung của Giáo Hội Công giáo. Sau phần nhập đề, nói về những thách thức mới của xã hội ngày nay, đối với việc giảng dạy giáo lý, phần thứ nhất của Văn Kiện bàn về việc giảng dạy giáo lý trong sứ mạng rao giảng phúc âm của Giáo Hội. Phần thứ hai trình bày những tiêu chuẩn mà việc giảng dạy giáo lý phải tuân theo, khi trình bày sứ điệp Phúc Âm. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo phải là nền tảng quy chiếu cho giáo lý được giảng dạy, và cho việc soạn sách Giáo Lý cho địa phương. Phần thứ ba nói về phương pháp sư phạm để giáo dục đức tin, và phần thứ tư nói về đối tượng của việc giảng dạy giáo lý,tức về những người nghe dạy giáo lý. Phần thứ năm nói về những vấn đề của việc giảng dạy giáo lý tại giáo hội địa phương, về việc huấn luyện cho các giảng viên giáo lý.

Cuối buổi họp báo, Ðức Tổng Giám Mục Sêpê, tổng thư ký của bộ giáo sĩ đã cho biết, là trong những ngày từ 14 đến 17 tháng 10 tới đây, tại Roma, một Ðại Hội Quốc Tế về việc giảng dạy giáo lý, sẽ được hai bộ Giáo Lý Ðức Tin và Giáo Sĩ cùng đứng ra tổ chức.


Back to Radio Veritas Asia Home Page