Thời Sự: Nội Dung cuộc Phỏng Vấn ÐHY Ortega Y Alamino, Tổng Giám Mục La Havana, Cuba.
(Avvenire 24/12/97). ÐHY Lucas Jaime Ortega Y Alamino, sinh năm 1936, thụ phong linh mục năm 1964, được tấn phong ngày 14 tháng Giêng năm 1979, thăng Tổng Giám Mục giáo phận San Cristobal de La Havana, thủ đô Cuba, năm 1981, và cuối cùng được ÐTC Gioan Phaolô II phong tước Hồng Y ngày 26 tháng 11 năm 1994, cùng lúc với ÐHY Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, Việt nam. Ngài được dư luận trong nước cũng như ngoài nước, coi không những như là một vị chủ chăn khôn ngoan, đầy can đảm và nhẫn nại, mà còn như là một nhà "chính trị khéo léo" đã đương đầu được với chế độ độc tài của lãnh tụ Fidel Castro trong nhiều năm qua. Nhờ tài kéo léo và nhẫn nại của ngài, nay Giáo hội Công Giáo Cuba và Nhà Nước đã đi đến chỗ ngồi vào bàn đối thọai với nhau, trước hết để giải tỏa những xa cách, những hiểu lầm, những nghi kỵ nhau và để cùng nhau thành thực đi tìm giải pháp cho những vấn đề vướng mắc, và cộng tác xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, trong việc chung sống hòa hình và trong việc tôn trọng lãnh vực và sở trường của nhau.
Một nhà trí thức Cuba, trước đây đã bị coi là phản cách mạng, bị kỳ thị và sau cùng mất việc, chỉ vì ông là người Công Giáo sống thực hành Ðức Tin, nay ông được phục hồi danh dự và được tôn trọng, vì bầu khí chính trị đã thay đổi, và Giáo Hội Công Giáo tại đây ngày nay được tự do hơn, đã nói một cách rất ý nghĩa như sau: "Cuộc va chạm giữa Giáo Hội và Nhà Nước do lãnh tụ Fidel Castro khởi xướng là một trò chơi nguy hiểm cho sự sống còn của cả hai bên. Một cuộc va chạm đẫm máu sẽ là một tai hại cho cả hai. Tại Cuba đã có nhiều sai lầm. Cần phải kiểm điểm lại và tìm đến việc tha thứ và hòa giải". Chuyến viếng thăm tới đây của ÐTC Gioan Phaolô II là cơ hội duy nhất, để hàn gán những vết thương quá trầm trọng và kéo dài từ gần 40 năm nay.
Giờ đây, chúng tôi xin thuật lại cuộc phỏng vấn Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục La Havana dành cho nhật báo Công Giáo Tương Lai (Avvenire) của Ý số ra ngày 24.12.97 trước lễ Giáng Sinh. Phỏng vấn Ðức Hồng Y là một việc rất khó khăn và ngài rất ít lên tiếng trước báo chí. Ngài luôn luôn giữ thái độ khôn ngoan trước một tình hình rất tế nhị có thể gây hại cho công việc đối thoại trong lúc này. Nhưng đôái với một tờ báo Công Giáo, tiếng nói của Hội Ðồng Giám Mục Ý, Ðức Hồng Y Jaime Ortega sẵn sàng trả lời rõ ràng những câu hỏi được đặt ra. Và sau đây là bài phỏng vấn:
Hỏi: thưa Ðức Hồng Y, cảm tưởng của Ðức Hồng Y như thế nào sau cuộc đối thoại kéo dài 8 tiếng đồng hồ, từ 18 giờ chiều đến 2 giờ sáng, cách đây một tuần lễ?
ÐHY - Ðây là một cuộc gặp gỡ tích cực: bầu khí rất thân mật, trọn cả nội dung được đem ra thảo luận, có liên hệ với chuyến viếng thăm tới đây của ÐTC. Chủ tịch Nhà Nước bảo đảm với chúng tôi là các phương tiêïn truyền thông sẽ làm phận sự của mình để toàn dân được thấy ÐTC trên đài Truyền Hình, khi ngài đến viếng thăm. Tôi nói với Chủ tịch Castro rằng việc ÐTC đến viếng thăm không những là điểm tới, mà còn là điểm khởi đầu nữa. Tôi rất hài lòng, vì sứ điệp của ÐTC gửi cho Ðất Nước chúng tôi cũng biểu lộ quan niệm này, là cần gia tăng khoảng rộng tự do cho Giáo Hội."
Hỏi: Trong thời gian qua đã có những cử chỉ cởi mở đối với Giáo Hội và Ðức Hồng Y đã nói nhiều về tiến trình đối thoại. Vậy cuộc đối thoại sẽ đi đến đâu?
ÐHY - Mục tiêu của chúng tôi đã rõ ràng và chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần là: Giáo Hội tại Cuba phải được hưởng một đời sống bình thường, như vậy Giáo Hội mới có thể chu toàn sứ mệnh của mình. Ðiều này đòi hỏi sự độc lập giữa Giáo Hội và Nhà Nước, nhưng với sự có thể hoạt động cả trong lãnh vực xã hội, và trong lãnh vực giáo dục nữa. Tôi hiểu rõ điểm sau cùng này khó đạt tới được, nhưng không thể bỏ qua xếp vào một xó, không bàn đến. Chúng tôi muốn sao cho lời yêu cầu của các gia đình được giáo dục Công Giáo cho con cái họ, được bảo đảm.
Hỏi: Như vậy Ðức Hồng Y có nói đến việc giảng dạy giáo lý trong các giáo xứ hay cả việc dạy đạo trong các trường Nhà Nước nữa, phải không?
ÐHY - Có nhiều cách hiểu về điều này. Chúng tôi không khước từ việc có trường Công Giáo. Chúng tôi tin rằng đây là quyền của chúng tôi. Nhưng, hiện tại đã có một bước tiến dài trong việc dạy giáo lý tại trường Nhà Nước. Trước cách mạng, trường tư vẫn có từ lâu đời và nổi tiếng, và ăn rễ sâu vào xứ sở chúng tôi . Thêm vào đó, chúng tôi phải có quyền xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng tôi xin nhắc lại rằng: đây là những mục tiêu được nhắm đến cho tương lai về lâu về dài. Chúng tôi phải theo đuổi cách cương quyết, nhưng cũng với nhiều nhẫn nại.
Hỏi: Ðức Hồng Y có nghĩ rằng Giáo Hội có thể hiện hữu một cách tự do trong một xã hội theo chủ nghĩa xã hội không?
ÐHY - Ngày nay không còn lãnh vực xã hội liên kết chặt chẽ với Liên xô như xưa nữa. Một lô những dữ kiện triết lý của chủ nghĩa Cộng sản nhất thiết phải thay đổi, bắt đầu từ lãnh vực kinh tế và sau đó là lãnh vực tổ chức xã hội. Chủ nghĩa vô thần đã cho thấy những giới hạn của nó. Việc đàn áp đã không bao giờ có thể thay đổi đưọc tâm hồn người dân, không bao giờ có thể giập tắt hẳn đức tin nơi Thiên Chúa. Việc tỉnh thức về tôn gíáo hiện nay tại Cuba cho thấy rõ ràng hiện tượng này. Hiện tượng này không thể không làm cho các vị lãnh đạo chế độ cộng sản phải suy nghĩ nhiều.
Hỏi: Ðức Hồng Y chờ đợi gì từ chuyến viếng thăm của ÐTC?
ÐHY - Tôi chờ đợi những ơn ích lớn lao không những cho Giáo hội mà còn cho toàn thể xã hội Cuba nữa. Sứ điệp Phúc Âm được ÐTC phổ biến sâu rộng và được minh chứng một cách can đảm như vậy, sẽ để lại những dấu vết sâu xa. ÐTC biết nói thẳng vào tâm hồn con người và chính điều này đem đến những thành quả không thể lường trước được. Chắc chắn sẽ có những thay đổi tại Cuba.
Hỏi: (Bài phỏng vấn được thực hiện trước lễ Giáng sinh) - Ngày mai Cuba mừng Lễ Giáng Sinh, như là ngày Lễ Nghỉ Công Cộng sau 30 năm bị dẹp bỏ. Và Chủ tịch Fidel Castro đã lưu ý: đây chỉ là biện pháp đặc biệt, ngoại lệ. Vậy ngày 25.12.1998, Cuba trở lại làm việc như thường, có phải vậy hay không?
ÐHY - Tôi hy vọng sẽ không có như vậy đâu . Sứ điệp của ÐTC, đã được viết với giọng đơn sơ và bình dân, gợi lại giá trị truyền thống của ngày Lễ Giáng Sinh này. Và người dân Cuba đã biết đề cao giá trị này.