Tin Tức và Thời Sự
ngày 23 tháng 12/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Sứ Ðiệp Giáng Sinh của Những Giáo Hội Kitô

Sứ Ðiệp Giáng Sinh của Những Giáo Hội Kitô.

Tin Roma (SIR 23/12/97): "Hơn bao giờ hết, thế giới chúng ta đang sống, xem ra như bị giam mình trong một vòng lẩn quẩn những chiến tranh, những cuộc tàn sát, những chiến thắng và những trả thù, những cuộc chạy đua đi tìm quyền lực, những nền văn hóa của bạo lực". Ðó là nhận định của mục sư Konrad Raiser, tổng thư ký của Hội Ðồng Ðại Kết các giáo hội Kitô, trong sứ điệp Giáng Sinh được công bố trước lễ Giáng Sinh vừa qua. Tuy nhiên, Mục Sư Konrad Raiser không hoàn toàn bi quan. Ông kêu gọi mọi người hãy ý thức rằng "vương quốc của hoàng tử Hòa Bình đã được bắt đầu trên trần gian nầy rồi." Trong khi đó, thì vị chủ tịch của Liên Hiệp Tin Lành Luthêro Thế Giới đã quả quyết trong sứ điệp Giáng Sinh của Liên Hiệp như sau: "Nhờ qua Ðức Tin vào Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được Thiên Chúa Cha kêu gọi thực hiện nhiều tác vụ khác nhau, tác vụ chữa lành, tác vụ hòa giải giữa các dân tộc và giữa các Giáo Hội, tác vụ bảo vệ sự sống và sống tình liên đới với hàng triệu anh chị em bị loại ra bên lề xã hội."


Bệnh Phong Cùi chưa được chận đứng trên thế giới

Bệnh Phong Cùi chưa được chận đứng trên thế giới.

Tin Italia (Sir 23/12/97): "Bệnh Phong cùi chưa được chận đứng. Mỗi giờ, trên thế giới, có thêm 75 người bị bệnh phong cùi, tức cứ một phút có thêm một người bệnh. Và trong số 75 người bị bệnh phong cùi mỗi tiếng đồng hồ, thì cò 11 bệnh nhân là trẻ em. Trên thế giới hiện nay, có khoảng 1 tỉ 300 triệu người sống duới mức nghèo, trong hoàn cảnh dễ bị lây bệnh cùi." Ðó là con số vừa được "Hội Những Nguời Bạn của Raoul Follereau" công bố, để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tại thành phố Bologna, miền trung Italia, vào Chúa Nhật 11 tháng Giêng năm tới, 1998, của 10 nhà truyền giáo đến từ khắp nơi trên thế giới và là những nguời hiện đang dấn thân chăm sóc cho những anh chị em bị bệnh phong cùi. Chủ để của cuộc sắp đến là "Tương lai sẽ trở nên như chúng ta góp công xây dựng nó". Chủ đề nầy cũng được chọn cho ngày Quốc Tế về Bệnh Cùi, lần thứ 45, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 25 tháng Giêng hằng năm. Hiệp Hội Những Nguời Bạn của Raoul Follereau, đã được khai sinh tại Bologna, vào năm 1961, dựa theo tư tưởng và hành động của Raoul Follereau, vị tông đồ của người bị bệnh phong cùi. Theo con số của Hiệp Hội nầy, thì bệnh phong cùi vẫn còn là vấn đề trầm trọng tại 55 quốc gia trên thế giới. Và đầu năm 1997 nầy, người ta đã ghi nhận có 806,374 người bị bệnh cùi trên thế giới, mà đa số là tại hai quốc gia Ấn Ðộ và Brasile.


Tổng kết chương trình hoạt động của Tổ chức từ thiện Caritas Italia trong năm 1997

Tổng kết chương trình hoạt động của Tổ chức từ thiện Caritas Italia trong năm 1997.

Tin Roma (SIR 23/12/97): Tổ chức từ thiện của Giáo Hội Công Giáo tại Italia, có tên là Caritas, vừa mới công bố bản tổng kết các chi phí cho các chương trình cổ võ phát triển tại các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, trong suốt năm 1997 sắp chấm dứt. Nhờ vào sự quyên góp của tất cả các cộng đoàn, các tổ chức trong tất cả các giáo phận tại Italia, Tổ Chức Caritas Quốc Gia Italia, trong năm 1997 nầy , đã trợ giúp cho 605 dự án phát triển nhỏ, tại 59 quốc gia. Tổng cộng số tiền phải chi ra trong năm 1997, cho các dự án trên, đã lên đến 6 tỉ 200 ngàn tiền Lire Ý.


Sứ Ðiệp Giáng Sinh của Hội Ðồng Giám Mục Pháp, gửi người dân Algérie sống trên Ðất Pháp

Sứ Ðiệp Giáng Sinh của Hội Ðồng Giám Mục Pháp, gửi người dân Algérie sống trên Ðất Pháp.

(Apic 23.12.97) Paris - 23.12.97 - Nhân dịp Lễ Giáng sinh, nhân danh các giám mục Pháp, Ðức Cha Louis-Marie Billé, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp, gửi sứ điệp hữu nghị và hòa bình cho người dân Algérie hiện sinh sống trên Ðất Pháp. Ðức Cha Billé viết:

Hằng năm các tín hữu Kitô trên khắp thế giới cử hành Lễ Giáng Sinh, ngày sinh nhật của Chúa Giêsu, "Vua Hòa Bình". Rất nhiều người, tuy không chia sẻ đức tin Kitô, cũng hưởng niềm vui của Ngày Lễ này. Ðối với họ Lễ Giáng sinh biểu hiệu hy vọng của một nền hòa bình đích thực, một hòa bình có thể thực hiện được nếu con người biết tôn trọng nhau, như người ta tôn trọng Hài Nhi mới sinh ra trong Hang đá Belem. Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Pháp viết tiếp: "Tiếc thay, Nguồn hy vọng này, chúng ta thấy nó bị chà đạp mọi ngày tại nhiều nơi trên thế giới. Danh sách về những chà đạp này sẽ quá dài. Trên Ðất Pháp chúng ta, người dân Algérie, nam cũng như nữ, chịu đau khổ về tất cả những gì xẩy ra tại Quê hương họ và liên hệ đến cả gia đình họ nữa. Ðứng trước những đau khổ của dân tộc Algérie, chúng tôi cầu nguyện để hòa bình và hòa giải trở lại trên đất rất yêu quí đối với họ và cũng là miền đât mà chúng tôi có nhiều giây liên kết .."

Ðức Cha Billé kết thúc sứ điệp bằng việc cầu chúc: "Hài Nhi Belem nhắc nhở chúng ta hết thảy rằng đối với tín hữu Kitô và Hồi giáo, không có gì có thể biện minh cho những cuộc sát hại con người, tạo vật của Thiên Chúa Tình Thương. Ước gì lời kêu gọi của biến cố Ngài đến trong thế gian, làm sống lại trong tâm hồn chúng ta niềm hy vọng về một nền hòa bình được xây dựng trên công bình và tha thứ". (Apic 23.12.97).


Ðức Hồng Y Acille Silvestrini tuyên bố về chuyến viếng thăm một tuần lễ tại Thánh Ðịa

Ðức Hồng Y Acille Silvestrini tuyên bố về chuyến viếng thăm một tuần lễ tại Thánh Ðịa.

Vatican - 23.12.97- Sau một tuần lễ viếng thăm Thánh Ðịa, Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Ðông Phương, tuyên bố: "Tôi đã nghe những phản đối, những bất mãn của các tín hữu Kitô phải gánh chịu những khó khăn tại các miền Palestine do quân đội Do Thái chiếm đóng bên Cisjordanie. Nhất là tôi đã thấy những thất vọng, những cay đắng, những thái dộ thụ động, như thể các hy vọng về hòa bình của 4 năm về trước đây bị rơi vào hư vô". Ðức Hồng Y Silvestrini đến Giêrusalem để chủ tọa các lễ nghi mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Tòa Giáo Chủ Latinh tại Giêrusalem. Sau đó ngài đã hành hương nhiều nơi tại Thánh địa, cách riêng tại Nagiaret. Ngài trở về Roma ít ngày trước lễ Giáng sinh, đề cùng với Giáo Triều chúc mừng ÐTC trong dịp Lễ Giáng sinh.


Huy Hiệu Năm Thánh tại BêLem

Huy Hiệu Năm Thánh tại BêLem.

Tin Bêlem (RG 23/12/97): Ủy Ban Năm Thánh, có tên gọi là "Bêlem 2000", dưới sự lãnh đạo của bà Hanan Ashrawi, bộ trưởng giáo dục của chính quyền tự trị Palestina, đã chọn xong Huy Hiệu cho mọi sinh hoạt liên quan đến Năm Thánh 2000 tại vùng đất tự trị Palestina. Huy hiệu, xử dụng ba màu Xanh, Trắng và Ðỏ, trình bày Máng Cỏ trong đó có Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu Hài Ðồng; và toàn bộ Máng Cỏ nầy được đặt nằm trên quả địa cầu, có Ngôi Sao chiếu sáng. Tác giả của Huy Hiệu nầy là một họa sĩ người Pháp đã sống nhiều năm tại Palestina. Trước đây Ủy Ban "BêLem 2000" đã ra cuộc thi, và đã có 100 huy hiệu mẫu được gởi đến. Cuối cùng, Ủy Ban đã chọn Huy Hiệu trên. Khi trao giải thưởng cho tác giả của Huy Hiệu, Bà Hanan Ashrawa, một người Kitô, đã tuyên bố như sau: Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, để giúp cho Năm Thánh 2000 được thành công. Những người dân Palestina chúng tôi có khả năng làm việc nầy. Năm Thánh là biến cố quan trọng trong thế giới Kitô Giáo, và BêLem có đủ sức tiếp đón những khách hành hương. Trong khi đó thì Thị Trưởng Bêlem, Hanna Hasser, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cho muợn khoảng 170 triệu mỹ kim, từ nay đến năm 2000, để có thể thực hiện 91 dự án công cộng, cần thiết cho việc đón tiếp khách hành hương đến BêLem. Năm Thánh 2000 tại BêLem sẽ được bắt đầu vào tháng 12 năm 1999, và sẽ được kết thúc 15 tháng sau đó, tức là vào lễ Phục Sinh năm 2001.


Cấm bán những đồ chơi trẻ con nghịch lại tinh thần lễ Giáng Sinh

Cấm bán những đồ chơi trẻ con nghịch lại tinh thần lễ Giáng Sinh.

Tin Roma (Sir 23/12/97): Quảng Trường Navona ở thủ đô Roma, là nơi truyền thống nổi tiếng có trưng bày những Máng Cỏ đẹp và đầy ý nghĩa, mỗi dịp Mùa Giáng Sinh đến. Nhưng năm nay, bầu khí tôn giáo tại quảng trường đã bị trần tục hóa bởi việc bày bán những đồ chơi trẻ con, nghịch lại với tinh thần Hòa Bình của Lễ Giáng Sinh, như những loại súng đủ kiểu, những hình người yêu quái độc ác. Tệ hơn nữa, có những sạp bày bán những hình ảnh khiêu dâm. Chính vì thế mà trong những ngày trước Lễ Giáng Sinh vừa qua, Bà Veronica Lazzarini Viti, chủ tịch của Hiệp Hội Mẹ Trái Ðất, chuyên về nghiên cứu và bảo vệ môi sinh, cùng với Linh Mục Bernardo Przewozny, chủ tịch của Ủy Ban Khoa Học của Hiệp Hội, đã viết thơ chính thức cho Tòa Thị Chính Roma, để phản đối những lạm dụng nói trên. Trong thơ, có đoạn viết như sau: Việc bày bán những món hàng, như những loại vũ khí đồ chơi, những hình người bạo hành, bên cạnh những Máng Cỏ, trong Mùa Giáng Sinh, là một điều hết sức xúc phạm đối với những ai cử hành Lễ Giáng Sinh của Chúa. Ðây không những là một sự trần tục hóa lễ Giáng Sinh, mà còn là một điều nguy hại, làm hư tinh thần trong trắng đơn sơ của các trẻ nhỏ. Chúng ta không nên để cho người lớn đầu độc các trẻ nhỏ, bằng những món đồ chơi vũ khí, có thể khơi dậy và phát triển tinh thần bạo lực." Hiệp Hội "Mẹ Trái Ðất" còn nhắc thêm rằng, trong vòng 10 năm qua, có 2 triệu trẻ nhỏ bị giết chết trong các trận chiến, và khoảng 5 triệu trẻ em bị mang thương tích, suốt đời sống cảnh tàn tật.


Lễ nghi đốt đèn Chanukka Do thái trong Vườn Vatican

Lễ nghi đốt đèn Chanukka Do thái trong Vườn Vatican.

Vatican - 23.12.97- Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Quốc gia Do thái, một cây đèn Do thái, được gọi là "Chanukka", đã được đốt lên trong Ngôi Vuờn của Thành phố Quốc gia Vatican vào lúc 16g30 ngày 23.12.97. Hiện diện trong buổi lễ đốt đèn này, có Ðức Hồng Y Edward Idris Cassidy, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô và chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc với Do thái Giáo , Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Tauran, Ngoại trưởng Tòa Thánh. Lễ Chanukka nhắc nhớ lại phép lạ bình dầu Uliu, do anh em Macchabei tìm thấy trong Ðền thờ, lúc đó đền thờ bị các người Do Thái "bị tục hóa", nghĩa là người Do thái, nhưng chịu ảnh hưởng sống theo những tập quán, luật lệ của dân ngoại, trong thời kỳ bị lưu đầy tại Assyria và Babilonia, hoặc chịu ảnh hưởng sống theo văn hóa Hy lạp.

Lễ Ðèn Chanukka cũng nhớ lại cuộc thắng trận của anh em Maccabei chống lại các người Do Thái "bị tục hóa", vào năm 163 trước Chúa Cứu Thế Giáng Sinh và gợi lại gương anh hùng và sự can đảm của tất cả những ai chiến đấu cho tự do tôn giáo. Ðây là lần đầu tiên, Lễ nghi Do Thái đốt lại Ðèn Chanukka được cử hành trong Ngôi Vuờn Vatican, vào lúc các ngôi sao đầu tiên của buổi chiều vừa xuất hiện.

Tòa Thánh Vatican và Quốc Gia Do Thái đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993.


Nhật báo chính thức của Ðảng Cộng sản Cuba đăng trọn cả nguyên văn sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho Giáo Hội và toàn dân Cuba

Nhật báo chính thức của Ðảng Cộng sản Cuba đăng trọn cả nguyên văn sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II cho Giáo Hội và toàn dân Cuba.

Tin Cuba: (RG 23/12/97): Lần đầu tiên trong mối tương quan giữa Nhà Nước Cuba và Giáo Hội Công Giáo, từ ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1959, năm Ông Fidel Castro lên nắm quyền tại Cuba, cho đến nay, Nhật Báo GRANMA, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Cuba, đã cho đăng nơi trang nhất, trọn cả nguyên văn Sứ Ðiệp của ÐTC gởi cho Giáo Hội Công Giáo Cuba và cho mọi thành phần dân chúng, nhân dịp lễ Giáng Sinh và chuyến viếng thăm sắp đến của Ngài tại Cuba. Chính ông chủ tịch Fidel Castro, đã đích thân loan báo tin nầy cho ÐHY Jaime ORTEGA, Tổng Giám Mục La Havana, hôm thứ năm tuần qua, 18/12/97. Trong bài thời sự tiếp sau, chúng tôi sẽ lượt thuật vài điểm chính của sứ điệp nầy.


Tương Lai Hòa Bình tại Thánh Ðịa còn nhiều vướng mắc

Tương Lai Hòa Bình tại Thánh Ðịa còn nhiều vướng mắc.

Tin Vatican (CWN 23/12/97): ÐHY Achille Silvestrini, tổng trưởng bộ Giáo Hội Ðông Phương, vừa viếng thăm Thánh Ðịa về, đã nói lên những bận tâm của Ngài đối với tiến trình Hòa Bình tại Trung Ðông, và sự thất vọng của những người Kitô trước những cuộc thương thuyết bị chậm lại. Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Nguời Ðưa Tin Chiều, xuất bản tại Roma, ÐHY Silvestrini cho biết rằng Ngài thường nghe những người Kitô tại Thánh Ðịa than phiền về những phiền phức mà lực lượng chiếm đóng Do Thái đang gây ra cho dân chúng tại vùng Tây Ngạn. Những niềm hy vọng về Hòa Bình đã phát sinh cách đây bốn năm, nay xem ra như đã bị tắt mất.


Nguời Công giáo và Hồi Giáo đang hăng say truyền bá Ðức Tin của Mình tại Phi Châu

Nguời Công giáo và Hồi Giáo đang hăng say truyền bá Ðức Tin của Mình tại Phi Châu.

Tin Vatican ( CWN 23/12/97): Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo "Cộng Hòa" (La Republica), ÐHY Francis Arinze, nguời Nigeria, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách về đối thoại liên tôn, đã cho biết rằng những nguời Công Giáo, cũng như những anh chị em Hồi Giáo, đang phát động chiến dịch rao giảng Niềm Tin của mình tại Lục Ðịa Phi Châu. Nhưng ÐHY cũng nhận định thêm rằng không có sự cạnh tranh nào giữa hai nhóm Công Giáo và Hồi Giáo, mặc dù con số nguời dân Phi Châu chấp nhận đức tin Kitô, thì cao hơn, so với những nhóm tôn giáo khác. Tại Phi Châu, học thuyết xã hội của Giáo Hội luôn khuyến khích những người Công Giáo hãy dấn thân để cổ võ cho tự do tôn giáo. Giáo Hội Công Giáo lưu tâm chăm sóc cho con người, trước khi đặt vấn đề là người đó đang sống theo niềm tin tôn giáo nào. Mỗi cá nhân cần được tự do để chọn lựa tôn giáo cho mình, và các chính quyền các quốc gia không nên cổ võ riêng cho một tôn giáo nào cả.


Giáo Hội Công Giáo tại Burundi chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm Lãnh Nhận Tin Mừng

Giáo Hội Công Giáo tại Burundi chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm Lãnh Nhận Tin Mừng.

Tin Burundi / Phi Châu: (RG 23/12/97): Hội Ðồng Giám Mục Burundi, phi châu, vừa cho phổ biến một thư mục vụ, để chuẩn bị cho lễ Mừng kỷ Niệm 100 năm lãnh nhận Tin Mừng. Các Giám Mục đã kêu gọi các tín hữu BURUNDI hãy dành nhiều giờ hơn cho việc cầu nguyện, hãy sống tình huynh đệ với anh chị em lân cận, và nhất là hãy dấn thân nhiều hơn nữa để tìm gặp con đường dẫn đưa quốc gia Burundi đến nền Hòa Bình chân thật. Về phần mình, các giám mục Burundi cam kết thực hiện những chương trình phục vụ cho người nghèo, những kẻ bệnh tật, các trẻ em mồ côi và những người góa bụa. Cũng trong dịp nầy, ÐTC Gioan Phaolô II đã gởi đến Giáo Hội Burundi một bức thơ, trong đó Ngài nói lên sự ủng hộ những quan tâm mục vụ của các giám mục Burundi, sao cho mọi tín hữu chấp nhận và sống những lời hứa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Trong cái nhìn chung, con số các tín hữu Công Giáo tại Burundi càng ngày càng tăng thêm; tuy nhiên, còn có những tín hữu không hiểu biết giáo lý và chỉ mang tên là người Công Giáo, mà không sống đức tin thật sự.


Back to Radio Veritas Asia Home Page