Quốc Hội
Ba lan bải bỏ luật phá thai 1996 của
Quốc hội cũ
Khánh thành Học viện
Gioan Phaolô II tại Cotonou
ÐTC tiếp kiến 5 Tân
Ðại Sứ đến trình thư
ủy nhiệm
ÐTC công bố Sắc
Lệnh công nhận các nhân đức
của Cha Piô
Yêu cầu được
xử dụng các phương tiện truyền
thông nhiều hơn
Quốc Hội Ba lan bải bỏ luật phá thai 1996 của Quốc hội cũ.
Varsovie - 18.12.97 - Chiều thứ tư vừa qua 17.12, Quốc hội mới được thành lập do cuộc bầu cử 21 tháng 9 vừa qua, đã bỏ phiếu bãi bỏ luật phá thai do Quốc Hội cũ, gồm hầu hết các dân biểu cựu cộng sản, chấp thuận tháng 8 năm 1996. Kết quả cuộc bỏ phiếu thứ tư vừa qua như sau: 232 phiếu chống lại luật cũ, 160 chấp thuận và 11 không có ý kiến. Như vậy, Quốc Hội mới của BaLan xác nhận quyết định của Viện Bảo Hiến bác bỏ luật phá thai do Quốc hội cũ chấp thuận, vì vi phạm Hiến Pháp.
Luật do Quốc Hội cũ chấp thuận năm 1996 cho phép tự phá thai cả sau 12 tuần, trong trường hợp người mẹ (hoặc người phụ nữ mang thai) gặp khó khăn về sinh lý hay vật chất. Ðối với Viện Bảo Hiến, quyết định này vi phạm đến quyền sống của bào thai. Giáo Hội Công Giáo cũng lên tiếng phản đối luật phá thai củ, do Quốc hội trước đây, gồm đa số những người cựu cộng sản chấp thuận. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng: Ngày mồng 1 tháng 8 năm 1996, sau buổi đọc kinh Truyền Tin tại Trại hè Castelgandolfo, ÐTC đã lên án luật này. Ngài nói: "Một quốc gia sát hại con cái mình sẽ không có tương lai".
Sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ tư vừa qua, Chính quyền Ba lan đã lấy lại luật cũ thời Tổng thống Lech Walesa, tức là chỉ được phá thai trong ba trường hợp mà thôi: nguy hiểm đến tính mạng người mẹ, bào thai bị tàn tật nặng nề và bị hãm hiếp.
Trong bài phỏng vấn dành cho Ðài Vatican thứ năm 18.12.97, Ðức Cha Tadeuz Pieronek, Tổng Thư Ký Hội Ðồng Giám Mục Ba lan, tuyên bố:
"Quốc hội trở lại luật cũ năm 1993. Luật này là một sự thỏa thuận giữa các lực lượng "đời" và Giáo Hội. Luật này cho phép phá thai trong ba trường hợp: nguy hiểm đến tính mạng người mẹ, bào thai bị tàn tật nặng nề và bị hãm hiếp. Nhưng Giáo Hội Công Giáo cũng đã cho biết là không thể chấp nhận luật cũ năm 1993. Dù sao, luật cũ của năm 1993 còn khá hơn luật năm 1996, là luật cho phép phá thai trong mọi trường hợp".
Ðược hỏi: như vậy Giáo Hội Công Giáo có nghĩ đến việc bãi bỏ mọi luật về phá thai không? Ðức Tổng Thư Ký trả lời: "Trong lúc này chưa nghĩ đến." Ðức Cha Pieronek cho biết thêm như sau: Dân chúng và giới báo chí phản ứng một cách bình tĩnh trước việc lấy lại luật cũ năm 1993.
Khánh thành Học viện Gioan Phaolô II tại Cotonou.
Cotonou - 18.12.97 - Với Thánh lễ trọng thể do Ðức Cha Isidore De Souza, TGM giáo phận Cotonou, chủ sự, Học Viện Gioan Phaolô II dành cho miền Châu Phi nói tiếng Pháp vừa được khai mạc tại Cotonou, thủ đô Cộng Hòa Bénin. Học viện này chuyên dạy Các môn Học về Gia đình và Hôn nhân và được coi như một chi nhánh của Giáo Hoàng Học Viện về Gia đình và Hôn nhân ở Roma, một trong số các Học Viện tùy thuộc vào Ðại Học Latran. Mỗi khóa học kéo dài 4 năm. Các môn được dạy tại Học Viện là các Khoa Học về con người, cách riêng về Nhân Loại Học, về Tâm Lý và về Thần Học. Sau 4 năm Học viện sẽ cấp chứng chỉ cho các sinh viên đủ điểm trong các kỳ thi khảo.
ÐTC tiếp kiến 5 Tân Ðại Sứ đến trình thư ủy nhiệm.
Vatican - 18.12.97 - Sáng hôm qua, thứ năm 18.12.97, tại Vatican, ÐTC đã tiếp kiến chung 5 Tân Ðại Sứ đến trình thư ủy nhiệm. Ba vị thuộc ba nước Châu Phi: Togo, Eritrea và Bénin; một Vị Ðại Sứ của Sri Lanka, Á Châu; và một vị Ðại Sứ của Thụy điển, Âu Châu.
Trong diễn văn đọc trong buổi tiếp kiến chung năm Vị Ngoại Giao, ÐTC nhắc lại một khía cạnh chính yếu trong chức vụ của các nhà ngoại giao, như các ngài, là cổ võ việc đối thoại trong cộng đồng quốc tế và giữa các quốc gia, bằng việc ủng hộ, nâng đỡ cách riêng các nước còn cần phát triển đời sống dân chủ.
Sau đó, trong sứ điệp trao cho từng Vị Ngoại giao, người ta có thể lưu ý cách riêng đến sứ điệp ÐTC trao cho Tân Ðại Sứ Sri Lanka. ÐTC cầu mong rằng, với Hiến Pháp mới, Quốc gia Sri Lanka tìm được một sự giúp đỡ cụ thể cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp giữa hai chủng tộc Sinhala và Tamil, từ nhièu năm xâu xé Ðất nước. Nhưng để đạt tới giải pháp này, cũng cần có nhất là một thái độ cởi mở của các phe tranh chấp và cần đến ý chí tiến tới những hòa giải, có thể thỏa mãn các quyền lợi xung khắc của cả hai phe. Ðây là con đường đưa đến một nền hòa bình chân chính, một nền hòa bình bảo đảm sự tôn trọng những quyền chính đáng của mỗi một người. Sau cùng ÐTC nhấn mạnh đâu là nguồn mạch của sự phong phú cho xã hội Sri Lanka: đó là sự hiện diện của nhiều tôn giáo khác nhau tại Sri Lanka: Phật Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo... tất cả đều chung sống trong một bầu khí truyền thống đầy sự tôn trọng lẫn nhau. "Ðây là một ơn trọng đại cần phải bảo tồn và làm như kho tàng quí báu của toàn dân".
Với Tân Ðại Sứ Togo, vì ích lợi cho Châu Phi, nơi còn quá nhiều những căng thẳng và những cuộc tranh chấp huynh đệ tương tàn, ÐTC nhấn mạnh rằng cần phải kiên nhẫn trong nỗ lực chung để trong mối quan hệ giữa các quốc gia và trong chính nội bộ của từøng nước, một nền văn hóa của tình liên đới cần được nêu lên và thực hiện.
Ngỏ lời với Tân Ðại Sứ Eritrea, ÐTC gợi lại thảm kịch của đất nước: là nạn hạn hán khủng khiếp trong những năm vừa qua đè nặng trên quốc gia ở mạn Ðông Châu Phi này và một phần não cũng đè nặng trên cả Lục Ðịa; thảm cảnh của các nguời tị nạn. Ðứng trước nhũng hình ảnh thê thảm này, ÐTC nhắc lại bổn phận cứu trợ các nước trên đường phát triển, việc thiết lập một nền thương mại công bình và việc cho vay quốc tế... song song với việc chia sẻ cụ thể về các tiến bộ kỹ thuật và việc huấn luyện tương xứng nhân sự, để giúp các quốc gia đang trên đường phát triển trở thành những người chủ động của phát triển và tiến bộ của đất nước họ.
Vời Vị Ngoại giao của Bénin, một quốc gia đang dấn thân trong một nhiệm vụ không dễ dàng về xây dựng một xã hội dân chủ, ÐTC nhắc lại rằng việc thiết lập một quốc gia pháp quyền, là một ưu tiên: ưu tiên trong việc bảo đảm cho mỗi một người dân được hưởng các quyền căn bản của công dân, một cách tự do và trong việc tôn trọng chế độ đa đảng hợp lý.
Sau cùng, với Tân Ðại sứ Thụy Ðiển cạnh Tòa Thánh, ÐTC nhấn mạnh đến trách nhiệm riêng mà các quốc gia thuộc truyền thống Kitô vẫn có trong việc bảo tồn các giá trị cao cả: các giá trị này vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Các giá trị Kitô đó là một gia tài làm cho các quốc gia này dấn thân trong việc bênh vực tự do tôn giáo và các quyền của các thiểu số "để họ có thể theo các truyền thống riêng của họ, trong giới hạn của những gì giúp vào công ích toàn dân".
ÐTC công bố Sắc Lệnh công nhận tính cách anh hùng các nhân đức của Cha Piô.
Vatican - 18.12.97 - Sáng hôm qua thứ năm 18.12, trước sự hiện diện của ÐTC, Bộ Phong Thánh đã cho công bố 15 Sắc Lệnh công nhận tính cách anh hùng các nhân đức của các Vị Ðáng Kính , trong số nầy có Cha PIÔ, và công nhận phép lạ của Các Ðây Tớ Chúa.
Như vừa nói, trong các Vị được công nhận là Ðáng Kính, có Cha Piô nổi tiếng khắp thế giới từ lúc còn sống. Sinh năm 1887 và qua đời năm 1968, Cha Pio là một trong các hình ảnh lỗi lạc nhất của lịch sử Giáo hội và của thế kỷ 20 này. Từng triệu người tuốn đến với Cha khi còn sống, và ngày nay các đoàn hành hương từ khắp thế giới tuốn đến bên mộ Cha mỗi ngày mỗi đông hơn. Cha được in dấu thánh, là người chịu nhiều đau khổ và là một trong các nhà thần bí thời danh của Giáo Hội. Cha là con người của cầu nguyện, và là vị tử đạo của Tòa giải tội.
Các Giám mục Angola yêu cầu được xử dụng các phương tiện truyền thông nhiều hơn.
Luanda - 18.12.97 - Theo Hãng thông tấn quốc tế Fides, thì cuối tháng 11 vừa qua, sau khóa họp thường niên, Hội Ðồng Giám mục Angola yêu cầu chính phủ cho phép Giáo Hội Công Giáo được xử dụng các phương tiện truyền thông nhiều hơn. Thực sự Giáo hội công giáo hầu như bị loại trừ ra khỏi lãnh vực truyền thông nầy. Cho tới lúc này Giáo Hội Công Giáo chỉ có một đài phát thanh mà thôi, là đài "Radio Ecclesia". Ðài này trở lại hoạt động tháng ba năm nay sau 20 năm bị cấm. Ngoài ra, Giáo hội chỉ có một tờ tạp chí "L'Apostolado" cũng vừa được tái bản tháng ba vừa qua, sau nhiều năm yên lặng.
Sau Khóa họp cuối tháng 11 vừa qua, các Giám mục Angola đã cho công bố một văn kiện về Năm Thánh 2000, trong đó các ngài nhấn mạnh đến việc hòa giải và giảng hòa của Giáo hội. Cũng ví lý do này, các vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo Angola yêu cầu được nhiều chổ hơn trong các phương tiện truyền thông để thi hành nhiệm vụ hòa giải và giảng hòa, cách riêng giữa hai lực lượng quân sự của hai phe tranh chấp, đồng thời chuẩn bị các tâm hồn đón nhận Năm Toàn xá 2000. Văn kiện còn nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh khác của đời sống quốc gia. Angola rất cần đến các cơ cấu vững chắc. Angola cần thiết lập một nền dân chủ thực sự, với những phe đối lập được công nhận, nhưng không vũ trang. Các giám mục yêu không được dùng tài sản quốc gia để mua sắm vũ khí, mà phải dược xử dụng một cách công bình và nhằm phục vụ công ích của toàn dân.
Sau 30 năm nội chiến, với một triệu rưỡi người thiệt mạng và khoảng 2 triệu rưỡi dân di tản, tháng 5 năm 1997, một chính phủ hòa giải quốc gia được thành lập, nhưng việc đối thoại giữa hai lực lượng trước đây chống đối nhau, tiến quá chậm. Trong lúc này Angola cần một tình hình ổn định để cùng nhau tái thiết quốc gia. Việc tái thiết quốc gia, không phải chỉ là bổn phận của người cầm quyền, mà của toàn dân. Các Giám mục viết: "Chúng ta đều thuộc về một gia đình quốc gia, vì thế chúng ta hết thảy phải xây dựng hòa bình cho Ðất nước".