Về Cuộc Hội
Thảo Quốc Tế của các Ðại
Diện những Cộng Ðoàn Kitô
Giáo hội tại Cộng hòa
Côte d'Ivoire lập đài phát thanh
Chuyến viếng thăm Cuba
của ÐTC đem đến thành quả
tốt đẹp
Ðức Giám mục
giáo phận Tibù được trả
tự do
Về Cuộc Hội Thảo Quốc Tế của các Ðại Diện những Cộng Ðoàn Kitô về đề tài: Quyền Tối Thượng của Phêrô và Sự Hiệp Nhất Giáo Hội.
( Sir 10/12/97) Tại Roma, trong những ngày vừa qua, các Ðại Diện của Những Cộng Ðoàn Kitô, gồm có Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Tin Lành Thánh Linh, đã họp nhau, để trao đổi về đề tài: Quyền Tối Thượng của thánh Phêrô và sự hiệp nhất giáo hội. Cuộc Hội Thảo Quốc Tế nầy do Học Viện Giáo Hoàng về Ðông Phương và Ðại Học Giáo Hoàng Thánh Tômasô của các cha dòng Ðaminh, cùng đứng ra tổ chức. Phóng viên của hảng Tin Công Giáo Ý (SIR) đã đến phỏng vấn linh mục GIACOMO PUGLISI, giám đốc của Trung Tâm Ðại Kết của các cha Dòng Phanxicô và cũng là giáo sư môn Ðại Kết tại các Ðại Học Angelicum, Antonianum, về vài thành quả của cuộc Hội Thảo Quốc Tế nầy, mà Cha là điều hợp viên các bài phát biểu. Trước hết, cha đã cho biết vài kết quả như sau:
Chúng tôi đã đạt được điều mà chúng tôi đã mong ước, nghĩa là những bài phát biểu thành thực của những con người có tâm hồn cởi mở; Truyền thống của những anh chị em Kitô thuộc cộng đoàn tin lành cải cách, thì có nhiều khó khăn hơn những cộng đoàn khác, để chấp nhận quyền tối thượng của thánh tông đồ Phêrô; nhưng điểm tích cực là việc xác nhận ý muốn của các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội muốn đối thoại với nhau và cộng tác với nhau, nhất là tại cấp bậc địa phương. Chúng tôi, những người công giáo, chúng tôi không thể mong đợi những anh chị em Tin Lành chấp nhận quyền tối thương nầy, một cách đơn thuần như không có vấn đề khó khăn nào cả.
ÐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, đã xác định như sau:
Liên quan đến quyền tối thượng của thánh tông đồ Phêrô, thì có những hình thức có thể được thay đổi, nhưng Giáo Hội Công Giáo không thể nào chấp nhận bỏ đi những gì thuộc về kho tàng Ðức Tin.
Trả lời cho câu hỏi thứ hai liệu xem những cộng đoàn Kitô khác có cùng cử hành Năm Thánh 2000 với giáo hội Công Giáo hay không, thì linh mục Giacomo Puglisi đã cho biết như sau:
Trong Ủy Ban chuẩn bị cho Năm Thánh 2000 trong những gì liên quan đến vấn đề đại kết, thì có một phụ ban (tiểu ban) mà tôi là một trong những thành viên. Phụ ban nầy có sự tham dự trọn vẹn, với đầy đủ quyền lợi, của sáu thành viên không Công Giáo: một người thuộc nghi thức Copte, một chính thống giáo, một anh giáo, một phật giáo, một Tin Lành Lutêrô và một thuộc Giáo Hội Cải Cách. Tôi hy vọng mạnh mẽ rằng, vào Năm Thánh 2000, thì có thể có những cử hành chung. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chờ cho đến tháng 12 năm 1998, để xem Khóa Họp Chung của Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô, sẽ quyết định như thế nào về vấn đề nầy. Chúng tôi hiện có nhiều dự án, nhưng chúng tôi muốn các Cộng Ðoàn Giáo Hội thành viên của Hội Ðồng Ðại Kết, đồng ý với những dự án đó. Chúng ta cần nhớ rõ điều nầy: "Năm Thánh 2000" là một cử hành của Giáo Hội Công Giáo, không liên quan gì đến những anh chị em Kitô khác; nhưng chúng tôi mời những Cộng Ðoàn Giáo Hội Kitô không Công Giáo, hãy cử hành Năm Kỷ Niệm Cuộc Giáng Sinh của Chúa Kitô, cùng chung với chúng tôi, đúng theo ý mà ÐTC Gioan Phaolô II đã đề ra trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến (Tertio Millennio Adveniente).
Giáo hội Công Giáo tại Cộng hòa Côte d'Ivoire bên Phi Châu lập đài phát thanh.
Abidjan - 10.12.97 - Theo tin của Apic (Agence-presse internationale catholique) thì Giáo hội Công Giáo tại Cộng hòa Côte d'Ivoire sắp có đài phát thanh riêng cho toàn quốc. Tất cả phí tổn thành lập và bảo trì đài Công Giáo này sẽ do 14 giáo phận đóng góp. Việc thiết lập đài phát thanh Công Giáo toàn quốc đã được các vị trách nhiệm về truyền thông xã hội của các giáo phận thảo luận mới đây tại Bondoukou.
Các chuyên viên kỹ thuật chủ trương chỉ đặt một máy phát trên điểm cao nhất trong miền Bouaflé, trung tâm của cả nước. Nhưng trung tâm soạn thảo chương trình và ghi băng sẽ được đặt tại Yopougon, miền ngoại ô thành phố Abidjan. Các giáo phận cũng được mời gọi mở một trung tâm soạn thảo chương trình để cung cấp tài liệu và cộng tác với trung ương. Cho dù phần lớn tài chánh do bên ngoài giúp đỡ, các giáo phận sẽ được huy động để ý thức rõ ràng về trách nhiệm đóng góp vào chương trình thông tin Công Giáo và nhất là vào đài phát thanh Công Giáo này, phương tiện truyền giáo quan trọng.
Chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cuba bắt đầu đem đến những thành quả tốt đẹp.
Roma - 10.12.97 - Theo nhận xét của Cha Miguel Loredo, dòng Phanxicô, thì công việc chuẩn bị chuyến viếng thăm của ÐTC từ 21 đến 26 tháng Giêng năm 1998 tới đây, đã bắt đầu đem lại những thành quả thiêng liêng trong tâm hồn nhiều tín hữu Công Giáo Cuba. Cha Miguel Loredo trước đây đã bị chế độ cộng sản Cuba bỏ tù 10 năm tứ 1966 đến 1976; Cha hiện đang sống lưu đầy tại New York. Trong những ngày này, cha đang viếng thăm Roma và đã được đồng tế thánh lễ với ÐTC ngày 28 tháng 11 vừa qua. Sau đó cha tham dự buổi báo cáo của Phong trào Pax Christi tại Hòa Lan về đề tài: "Cuba, thực tại sau biểu hiệu"- (Cuba, la réalité derrière le symbole). Ðối với Cha Loredo, chế độ cộng sản Cuba rất chú trọng đến việc thành công của chuyến viếng thăm. Theo nhận xét của Cha, hiện đang có những thảo luận về những gì liên hệ đến tự do, đến các phương tiện truyền thông xã hội, đến việc có thể có một chuyến viếng thăm của ÐTC tại nhà giam, đến tình liên đới với các người li khai, chống chế độ.
Cha Dòng Phanxico đề cao những thành quả cụ thể ngay trước mắt của việc chuẩn bị chuyến viếng thăm; chẳng hạn như: việc lưu ý nhiều của giới báo chí về những gì hiện đang xảy ra tại Cuba, nhiều thánh lễ được cử hành ngoài trời, điều chưa hề có từ trước tới giờ trong chế độ cộng sản tại Cuba; việc tiếp xúc của các giám mục với các người tị nạn. Một dấu hiệu đổi mới khác là hai thư mục vụ của các giám mục gửi cho các cộng đồng Công Giáo toàn quốc, trong đó các ngài kêu gọi hòa bình và hòa giải quốc gia, và việc để Giáo hội tham dự nhiều hơn vào đời sống xã hội của đất nước.
Về việc cấm vận, Cha Loredo nhấn mạnh rằng: trước hết đây là việc cấm vận của Lãnh tụ Fidel Castro áp đặt trên người dân Cuba, trên tính cách sáng tạo, trên tự do, trên khả năng phát biểu và trên quyền di chuyển của họ. Cha ước mong rằng việc cấm vận về các quyền con người này chóng chấm dứt. Ðối với cha, lệnh cấm vận của Hoa kỳ là cơ hội thuận tiện để Lãnh tụ Fidel Castro đánh lạc hướng dư luận quốc tế trước những gì xảy ra trong nước.
Ðức Giám mục giáo phận Tibù được trả tự do.
Vatican - 10.12.97 - Ðức Cha José de Jesus Quintero Diaz, giám mục giáo phận Tibù, bên Colombia, bị phiến quân bắt cóc hôm 24.11 vừa qua, đã được trả tự do ngày thứ Ba 9.12 cùng với hai ông thị trưởng cũ và mới của thị xã này. Theo nguồn tin báo chí, thí cả ba vị được trao trả tại Gabarra cho một Ủy ban của Nhà cầm quyền Colombia và của Hồng Thập Tự quốc tế trước sự chứng kiến của ba phóng viên báo chí.
Như mọi người còn nhớ: Ngày 30 tháng 11 vừa qua, trong giờ đọc kinh Truyền Tin, ÐTC lên tiếng yêu cầu trả tự do cho Ðức Giám mục và ngài gọi Vị chủ chăn này là một người yêu chuộng và ủng hộ hòa bình. Cũng trong dịp này, Ðức Gioan Phaolô II đã kêu gọi hãy "chấm dứt ngay những hành động bắt cóc người, vì những hành động này gây hại cho cuộc chung sống hòa bình tại Colombia. Ngày mồng một tháng 12, các Nghị phụ người Colombia, tham đự Thượng Hội Ðồng cũng lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Ðức Cha Quintero Diaz.
Sau đây là lời tuyên bố của Ðức Cha Alberto Giraldo Jaramillo, TGM giáo phận Medellin, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Colombia, hiện đang tham dự Thượng Hội Ðồng, trên đài Vatican sáng 10.12: "Dĩ nhiên đây là tin rất vui mừng, nhưng tiếc thay chúng tôi cũng nhận được tin khác rất đau buồn: tin về vụ sát hại một linh mục của giáo phận Villavicencio. Cho dù chúng tôi vui sướng về việc trả tự do cho Ðức Cha Quintero Diaz, chúng tôi đã chia buồn với Ðức Giám mục Alfonso Cabezas, hiện diện trong Thượng Hội Ðồng, về cái chết của linh mục của ngài". Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Medellin nói tiếp. "Giáo hội Công Giáo Colombia lên án những hành động như vậy. Lời khuyên của chúng tôi là: vũ khí duy nhất để được hòa bình là vũ khí của hòa bình, nghĩa là đối thoại, điều đình , và giải pháp hòa bình cho các vụ tranh chấp. Ðứng trước một tình hình như tình hình Colombia, chúng tôi tin rằng không được dùng bạo lực đáp lại bạo lực, vì bạo lực lôi kéo và gia tăng bạo lực".