Tin Tức và Thời Sự
ngày 03 & 04 tháng 12/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Phó chủ tịch Nhà Nước Cuba viếng thăm một vài địa điểm lịch sử trong Vatican

Phó chủ tịch Nhà Nước Cuba viếng thăm một vài địa điểm lịch sử trong Vatican.

Vatican -. 04.12.97 - Theo thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh được phổ biến thứ Tư 3.12, Ðại tướng Raul Castro, Tổng trưởng Quốc phòng, bào đệ của Chủ tịch Nhà Nước Cuba, ông Fidel Castro, hiện đang viếng thăm Roma cách tư riêng, đã tỏ ý muốn viếng thăm một số di tích lịch sử trong Nội Thành Vatican. Chiều thứ năm 4.12, Tổng trưởng Quốc phòng viếng thăm hầm mộ và Ðền thờ Thánh Phêrô. Sau đó, qua sân San Damaso, Tướng Raul Castro viếng thăm Phủ Giáo Hoàng, Nhà nguyện Paolina và nhà nguyện Sistina. Trong thông cáo được phổ biến hôm thứ Tư 3/12, Phòng bào chí Tòa Thánh đã cải chính tin do báo chí Ý tung ra cho rằng: Tướng Raul Castro, nhân vật quan trọng số 2 của Cuba, đến Vatican chủ ý gặp vị đại diện Tòa Thánh, để có những cuộc thảo luận mới, liên hệ đến chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba vào cuối tháng giêng năm 1998. Tiến sĩ Navarro Valls, giám đốc Phòng báo chí và Phát ngôn viên Tòa Thánh, tuyên bố rõ ràng rằng: "Tướng Raul Castro không xin được tiếp chính thức tại Vatican. Ông chỉ xin viếng thăm một số nơi lịch sử như hầm mộ và Ðền thờ Thánh Phêrô, nhà nguyện Sistina v.v...".


ÐTC sẽ viếng thăm Châu Mỹ để kết thúc và công bố Văn kiện Thượng Hội Ðồng về Lục đia này

ÐTC sẽ viếng thăm Châu Mỹ để kết thúc và công bố Văn kiện Thượng Hội Ðồng về Lục đia này.

Vatican - 3.12.97 (Tin Apic) - Theo tin của Hãng thông tấn công giáo quốc tế, ÐTC có ý viếng thăm Châu Mỹ, để kết thúc long trọng Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu và đồng thời để công bô Văn kiện Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu.

Thứ Ba 2.12, ÐHY Jan Schotte, Tổng Thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, đã tham khảo ý kiến các Nghị phụ về một chuyến viếng thăm như vậy tại Châu Mỹ, giống như điều ÐTC đã làm, sau khi kết thúc Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Phi và Thượng Hội Ðồng Giám Mục Liban. Lúc đó, ÐTC đã đi thăm Phi Châu và Liban, để kết thúc long trọng Thượng Hội Ðồng Giám Mục, và công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Sau khi biết rõ ý kiến đồng ý của các Nghị phụ, ÐTC đã quyết định viếng thăm Châu Mỹ với mục đích trên đây; nhưng ngày giờ về chuyến viếng thăm chưa được ấn định. Rất có thể vào năm 1999, với ít ra ba chặng dừng chân: từ Bắc tới Nam Mỹ.


Kinh Thánh là nền tảng cho mọi công cuộc đối thoại đại kết

Kinh Thánh là nền tảng cho mọi công cuộc đối thoại đại kết.

Tin Roma (sir 3/12/97): "Kinh Thánh phải nằm trong tay của mọi người Kitô, và như thế trở thành cho mỗi người Kitô nói riêng và cho toàn thể giáo hội nói chung, nguồn mạch và nền tảng cho đời sống."

Ðó là những lời phát biểu của Ðức Cha Giuseppe Chiaretti, chủ tịch của Văn Phòng Hội Ðồng Giám Mục Italia về Ðại Kết, để trình bày mục tiêu của Ðại Hội Quốc Gia quy tụ 160 đại diện đặc trách về Ðại Kết từ các giáo phận Italia, về Roma họp, trong những ngày nầy. Ðức Cha Chiaretti còn quả quyết thêm rằng: đối với mọi người Kitô, việc trở về với Lời Chúa là trở về nguồn và là con đường bắt buộc phải đi qua để tìm gặp lại sự hiệp nhất. Hiện tại, tất cả những người Kitô chưa được hiệp thông hoàn toàn với nhau trong bí tích Thánh Thể, vì còn những quan niệm khác biệt và đôi khi nghịch nhau, về thừa tác vụ; tuy nhiên chúng ta tất cả có thể chia sẻ với nhau Lời Chúa.

Lên tiếng trong Ðại Hội, linh mục Cesare BISSOLI, giám đốc Học Viện Giáo Lý của Ðại Học Don Bosco tại Roma, đã cảnh tỉnh mọi người về thái độ trần tục đối với Lời Chúa, nghĩa là thái độ đối xử với Kinh Thánh như đối xử với một món hàng tiêu dùng. Nguời ta dùng xong rồi đem bỏ đi. Lời Chúa không ăn rể sâu vào trong đời sống, mà chỉ được xử dụng như một món hàng, dùng xong rồi bỏ qua. Linh mục BISSOLI nhắc thêm rằng Kinh Nghiệm Sống trải qua trong Ðại Hội Ðại Kết tại Graz, bên Áo Quốc, vào tháng Năm vừa qua, là một biến cố thể hiện thực thể của Giáo Hội trong đặc tính phổ quát vừa đồng thời hướng đến sự hiệp nhất, nhờ qua Lời Chúa. Kinh Thánh là của ăn Thiên Chúa ban cho toàn thể Dân Chúa và cuộc gặp gỡ giữa tất cả những cộng đoàn Kitô khác nhau, nhắc chúng ta nhớ lại rằng quyền năng hiệp nhất của Lời Chúa, không gặp phải trở ngại nào cả.


Thông Truyền Sự Sống, đó là đề tài của sứ điệp của Hội Ðồng Giám Mục Italia cho Ngày Sự Sống lần thứ 20

Thông Truyền Sự Sống, đó là đề tài của sứ điệp của Hội Ðồng Giám Mục Italia cho Ngày Sự Sống lần thứ 20, sẽ được cử hành vào ngày mùng 1 tháng 2 năm 1998 sắp đến.

Tin Roma (Sir,3/12/97): "Tại Italia, Giáo Hội Công Giáo đã cử hành Ngày Sự Sống từ 20 năm nay. Và chúng tôi muốn công bố vẻ đẹp và giá trị của sự sống, tố cáo những lạm dụng, bất công và bạo lực và nhắc lại cho mỗi người nhớ lại những trách nhiệm của mình vừa đồng thời khuyến khích tất cả hãy phục vụ sự sống con người một cách quảng đại."

Ðó là những lời đầu tiên của sứ điệp cho Ngày Sự sống, lần thứ 20, sẽ được cử hành tại Italia, vào ngày mùng 1 tháng 2 năm 1998. Sứ điệp do Văn Phòng Thường Trực của Hội Ðồng Giám mục Italia công bố hôm thứ tư vừa qua, mùng 3 tháng 12, và có chủ đề là: Thông Truyền Sự Sống. Sứ điệp nhấn mạnh rằng Sự Sống Con Người là một hồng ân cần được thông truyền. Sứ điệp giải thích thêm như sau: Thông Truyền sự sống là loan báo rằng chúng ta đã lãnh nhận một hồng ân. Sự sống là một điều thiện hảo không thể bị xúc phạm, một điều thiện hảo đã được trao ban cho chúng ta, và mỗi một người đều có trách nhiệm giữ gìn. Tất cả mọi người chúng ta đều cần đến một sự thông truyền sự sống và tình yêu thương, nhưng nhất là các người trẻ đang phải đương đầu với những nguy hiểm của nền văn hóa sự chết, thì lại càng cần đến sự thông truyền nầy nhiều hơn nữa. Trong năm chuẩn bị cho Ðại Năm Thánh 2000, chúng ta được mời gọi hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn; chúng ta chạy đến nhờ Ngài, xin Ngài giúp chúng ta hiểu rằng sự sống là một hồng ân mà mỗi ngày Thiên Chúa ban lại cho con nguời.


Back to Radio Veritas Asia Home Page