Ðại Học
của Bộ Truyền Giáo Tại Roma mừng
Thánh Tiến Sĩ Têrêsa
Ðại Hội về Tinh Thần
Tôn Giáo nơi giới trẻ tại
Collevalenza
Công bố chương trình
chuyến viếng thăm của ÐTC tại
Cuba
Nhắc lại vài nét
lịch sử các khóa họp của
Thượng hội đồng Giám Mục
Ðại Học của Bộ Truyền Giáo Tại Roma mừng Thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng được phong tước tiến sĩ Hội Thánh.
Tin Roma: (RG 21/11/97): Vào lúc 9 giờ sáng hôm qua, thứ năm 20/11, tại Ðại Thính Ðường của Ðại Học URBANIANA (tức đại học của Bộ Truyền Giáo), Phân Khoa Thần Học Têrêsianum của các Tu Sĩ Dòng Camelô cùng cộng tác với Ðại Học Truyền Giáo, đã tổ chức một diễn đàn, để mừng Thánh Nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng được phong tước Tiến Sĩ Hội Thánh. ÐHY Joseph TOMKÔ, tổng trưởng bộ truyền giáo, đã đọc bài tham luận về chủ đề chính của Diễn Ðàn là: Thánh Nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng, Bổn Mạng các Xứ Truyền Giáo và Tiến Sĩ Hội Thánh. ÐHY Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Ðặc Trách về Văn Hóa, đã đọc bài tham luận về đề tài: Thần Học Tu Ðức của Thánh Têrêsa thành Lisieux. Cha Bề Trên Tổng Quyền của Các Tu Sĩ Camêlô, Cha Camelo MACCISE (đọc là: Mac-xi-xê), thì trình bày đề tài: Ðặc Tính Thời Sự và Phổ Quát của Sứ Ðiệp của Thánh Nữ Têrêsa. Nơi hành lang tiếp nối với Ðại Thính Ðường, những tác phẩm của Thánh Têrêsa và những tác phẩm nói về Thánh Têrêsa, cũng được trưng bày, cho mọi người xem qua.
Ðại Hội về Tinh Thần Tôn Giáo nơi giới trẻ tại Collevalenza.
Tin Roma (RG 21/11/97): Trong những ngày vừa qua, Hiệp Hội Các Bề Trên Tổng Quyền Dòng Nam, tại Italia, đã tổ chức một đại hội tại COLLEVALENZA (đọc: Côl-lê-va-len-za), về chủ đề: Tinh Thần Tôn Giáo nơi giới trẻ ngày nay, để bàn về ba điểm sau đây: Mục Vụ Giới Trẻ, Mục Vụ Ơn Gọi và Mục Vụ Huấn Luyện Nguời Trẻ.
Theo Linh Mục PIERSANDRO VANZAN, thì hơn 30 phần trăm các bạn trẻ Italia cho rằng đặc điểm của tín hữu đích thật là việc tìm kiếm Thiên Chúa và Mầu Nhiệm của Nguời. Linh Mục cũng đã lưu ý hai điểm đáng quan tâm trong tâm thức tôn giáo của người trẻ hôm nay. Ðó là sự chủ quan hóa đức tin, theo đó các người trẻ cho rằng việc Tin Chúa không có nghĩa là phải thuộc về một Giáo Hội, hay một cộng đồng đức tin. Và điểm quan tâm thứ hai là chủ nghĩa hiện tại, nghĩa là người trẻ chỉ nghĩ đến hiện tại, mà không còn màng chi đến quá khứ hay tương lai, và do đó tránh không muốn quyết định dấn thân trong bất cứ lãnh vực nào có liên hệ đến cuộc sống của họ. Trong khi đó, thì một nhóm 50 bạn trẻ còn trong thời kỳ thụ huấn, đến tham dự đại hội và phát biểu ý kiến cho rằng cuộc sống chứng tá là điều đánh động họ nhất.
Ðại Hội kết thúc hôm nay, thứ sáu 21/11.
Công bố chương trình chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba.
Vatican - 21.11.97 - Sáng thứ năm (20/11/97) Phòng báo chí Tòa Thánh đã cho công bố chương trình chuyến viếng của ÐTC tại Cuba vào tháng giêng năm tới đây. Ðây là chuyến viếng thăm thứ 81 của ÐTC Gioan Phaolô II trong gần 20 năm giữ chức vụ Chủ Chăn toàn thể Giáo hội và cũng là chuyến viếng thăm được Giáo hội địa phương chờ đợi từ lâu. Các Giám mục Cuba nói: "Ðây là một trong những thời đại khó khăn hơn cả của lịch sử chúng ta: ngoài cơn khủng hoảng về kinh tế, còn có cơn khủng hoảng về các giá trị luân lý, về tôn trọng các quyền con người; ÐTC đến viếng thăm Ðất Nước chúng ta như sứ giả chân lý và hy vọng".
Theo chương trình được công bốù, ÐTC sẽ lên đường (từ sân bay Fiumicino - Roma) vào lúc 10 giờ ngày 21 tháng Giêng 1998. Chuyến viếng thăm sẽ kết thúc vào trưa ngày 26. Trong những ngày tại Cuba, ÐTC sẽ viếng thăm nhiều thành phố: Santa Clara, ngã ba giao thông giữa Ðông và Tây Cuba - Camaguey, khu kỹ nghệ mới - Santiago de Cuba, thành phố lớn thư hai sau thủ đô La Havana - La Havana là chặng sau cùng và là chặng quan trọng hơn cả của chuyến viếng thăm. Trong các chặng của chuyến viếng thăm ÐTC sẽ gặp gỡ và cầu nguyện với Cộng đồng công giáo (gồm khoảng 5 triệu trong 11 triệu dân cư). Giáo hội Cuba được chia thành 10 giáo phận với 250 giáo xứ.
Ðể người công giáo được tham dự các buổi gặp gỡ và thánh lễ do ÐTC cử hành, Chính phủ bảo đảm sự cộng tác, cách riêng trong hai điểm này: bảo đảm các phương tiện chuyên chở và truyền hình và truyền thanh thánh lễ. Như vậy các thánh lễ lộ thiên được tự do. Với những lời tuyên bố của Nhà Cầm quyền và với việc cho phép 57 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ vào Cuba làm việc, bước quặt lịch sử được khởi sự từ cuộc gặp gỡ tháng 11 năm ngoái (1996) giữa ÐTC và Chủ tịch Fidel Castro, xem ra tiến từ từ, nhưng chắc chắn. Trong cuộc gặp gỡ này ÐTC và Vị Lãnh Tụ của Cuba đã nói đến các đề tài: tự do tôn giáo, phát triển xã hội và vai trò của các tín hữu công giáo trong đời sống quốc gia.
Nhân dịp nầy, chúng tôi xin lặp lại nơi đây vài con số về những chuyến viếng thăm của ÐTC ngoài Italia. Trong vòng 19 năm làm giáo hoàng (16-10-1978 tính đến 16-10-1997), ÐTC Gioan Phaolô II đã thực hiện 80 chuyến viếng thăm quốc tế ngoài Italia. Tổng cộng các quốc gia trên thế giới đã được ngài đến viếng thăm là 116 quốc gia, tại 563 địa điểm, đọc 2,156 bài diễn văn. Nếu tổng cộng thời gian dài của 80 chuyến viếng thăm vừa qua, lại chung với nhau, thì chúng ta có thể nói là ÐTC đã dùng 488 ngày 23 giờ 35 phút (tính gọn là 489 ngày) trong số 6,941 ngày làm giáo hoàng, tính từ đầu cho đến ngày 16/10/1997. Tức là 7.03 % thời gian triều giáo hoàng của ÐTC. Tổng cộng chung số cây số đã vượt qua trong 80 chuyến viếng thăm là: 1,010,322 cây số. So với vòng tròn quanh trái đất nơi đường xích đạo là 40,000 cây số, thì ÐTC đã đi 25 vòng quanh trái đất. Nếu so với khoảng cách từ trái đất lên mặt trăng là 384,440 cây số, thì ÐTC đã đi được hai lần rưỡi từ trái đất lên mặt trăng (2,62).
THỜI SỰ: Nhắc lại vài nét lịch sử các khóa họp của Thượng hội đồng Giám Mục.
Trong bài phỏng vấn dành cho Ðài Vatican ngày 25 tháng 9 năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, ÐHY Jan Schotte, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã gọi Cơ quan mới này là "một việc Quan phòng của Thiên Chúa". Ngày 15 tháng 9 năm 1965 là một trong các niên hiệu quan trọng nhất của lịch sử Giáo hội trong thế kỷ 20 này: Ðức Phaolo VI với Tự Sắc "Apostolica Sollicitudo", thành lập Thượng Hội Ðồng Giám mục (Synodus Episcoporum) . Thượng Hội Ðồng Giám Mục là gì? Là một Khóa Họp của các giám mục, được lựa chọn từ các miền khác nhau trên thế giới và một số vị do ÐTC chỉ định. Các vị được chọn và được ÐTC chỉ định họp nhau do chính ÐTC triệu tập, vào những thời kỳ nhất định, hoặc trong những trường hợp ÐTC xét là cần thiết, với mục đích cổ võ sự hiệp nhất chặt chẽ giữa vị Giám Mục Roma (Kế vị Thánh Phêrô, đứng đầu viện Giám Mục) và chính các giám mục (kế vị các Thánh Tông Ðồ) để bảo tồn và tăng trưởng đức tin và luân lý, tuân giữ và củng cố kỷ luật của Giáo Hội và hơn nữa, để nghiên cứu các vấn đề liên hệ đến hoạt động của Giáo Hội trên thế giới.
Trong Thượng Hội Ðồng các Nghị Phụ bàn thảo về các đề tài, về các vấn đề đã được đề nghị và phát biểu bằng lá phiếu, nhưng không có quyền quyết định và công bố các sắc lệnh về các vấn đề đã được bàn thảo và bỏ phiếu. Việc quyết định và phê chuẩn sau cùng luôn luôn là quyền của của Ðức Thánh Cha, trừ khi ngài cho phép cách công khai các Nghị phụ được quyết định. Các Vị cộng tác chỉ có quyền "cố vấn" mà thôi. Quyền của Vị Giám mục Roma là quyền tuyệt đối, dựa trên lời Chúa phán với Thánh Phêrô thủ lãnh của Tông Ðồ đoàn: "Này con là đá, Cha sẽ xây Giáo Hội Ta trên tảng đá này... Con hãy củng cố đức tin của anh em con". Thánh Phêrô thi hành quyền này dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: Người là Thần Chân Lý. Vì thế chúng ta có thể nói: Thượng Hội Ðồng Giám mục thế giới chỉ là "Cơ quan cố vấn" giúp ÐTC trong việc quản trị Giáo hội.
Thượng Hội Ðồng khác hẳn Công Ðồng Chung: Công Ðồng Chung, với sự tham dự của tất cả các giám thế giới do ÐTC triệu tập, có quyền bàn thảo, quyết định, nhưng luôn trong hiệp thông với Vị Giám Mục Roma và do ngài chuẩn y, công bố các Hiến chế, các Sắc lệnh, các văn kiện khác, như chúng ta thấy trong Công Ðồng Chung Vatican 2 mới đây (1962-1965).
Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới có thể họp trong Khóa chung thường lệ và ngoại lệ. Thường lệ: nghĩa là theo hạn kỳ nhất định; ngoại lệ, không theo hạn kỳ nhất định. Trong các khóa họp này các Nghị Phụ bàn thảo về các đề tài liên hệ trực tiếp đến công ích của toàn thể Giáo Hội. Thượng Hội Ðồng còn có thể được triệïu tập trong Khóa đặc biệt, để bàn thảo về các vấn đề liên hệ trực tiếp một hay nhiều miền nhất định. Chẳng hạn như khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu, đang diễn ra tại Roma, là khóa họp đặc biệt.
ÐHY Jan Schotte quả quyết: Quyết định thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới là một quyết định do Chúa Quan phòng, bởi vì đã cho phép Viện Giám Mục thi hành phận sự "đoàn thể tính" của giám mục đoàn. Thượng Hội Ðồng là dụng cụ duy nhất trên cấp bậc hoàn vũ, để các giám mục thực hiện đoàn thể tính của giám mục đoàn (Hàng giám mục thế giới hiệp nhất với Vị Giám Mục Roma). ÐHY nói: "Nhìn về các Khóa họp của Thượng Hội Ðồng từ trước tới giờ, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng Thượng Hội Ðồng đã trở nên toàn phần của đời sống Giáo hội".
Cho tới lúc này đã có chín Khóa họp thường lệ, hai Khóa ngoại lệ và bốn Khóa riêng. Trong chín khóa thường lệ, trong bài nói chuyện này, chúng tôi xin nhắc lại mấy khóa, vì tính cách quan trọng của đề tài và của các văn kiện đã được công bốù:
- Khóa họp về vấn đề rao giảng Tin Mừng trên thế giới năm 1974 (Văn kiện Evangelii nuntiandi).
- Khóa họp năm 1977 về việc giảng dạy giáo lý trong thời đại chúng ta (Văn kiện Catechesi tradendae).
- Khóa về gia đình được bàn thảo năm 1980 (Văn kiện Familiaris consortio).
- và sau đó Khóa năm 1987 về ơn gọi và sứ mệnh của ngưới giáo dân trong Giáo hội và trên thế giới (Văn kiện Christifideles laici).
Về việc huấn luyện linh mục trong những hoàn cảnh hiện nay được bàn thảo trong:
- Khóa tám năm 1990 và Khóa chín năm 1994 về Ðời sống tận hiến và sứ mệnh của đời sống này trong Giáo hội và trên thế giới.
Hai khóa họp chung ngoại lệ:
- Khóa thứ nhất, được triệu tập từ 11 đến 26 tháng 10 năm 1969, để bàn về Tính cách hợp đoàn của các giám mục (Collegialitas Episcoporum) theo giáo huấn của Công Ðồng Chung Vatican 2. Hai điểm rất quan trọng và coi như nền tảng được thảo luận trong Khóa này: Tính cách hợp đoàn của các Giám mục với Giám mục Roma và Các Hội Ðồng Giám Mục trong mối tương quan với Giám Mục Roma và với mỗi một giám mục.
- Khóa thứ hai được triệu tập tháng 10 năm 1985, để kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Ðồng Chung Vatican 2, đồng thời để kiểm điểm lại việc thi hành giáo huấn của Công Ðồng. Trong Khóa này, các Nghị phụ đề nghị soạn Cuốn Giáo lý chung cho Giáo hội. Ðề nghị đã được ÐTC chấp thuận và Cuốn giáo lý đã ra đời do Tông Hiến "Depositum Fidei" của ÐTC Gioan Phaolô II, ký ngày 11.10.1992 (kỷ niệm 30 năm khai mạc Công Ðồng Vatican 2) và Ấn bản Latinh chính thức được công bố với Tông Thư "Laetamur Magnopere" của ÐTC ban hành ngày 25 tháng 8 năm 1997.
Bốn Khóa đặc biệt là:
1. Về Giáo hội Hòa Lan, được triệu tập đầu năm 1980.
2. Về Châu Âu, tháng 12 năm 1991, sau khi chế độ cộng sản Trung-Ðông Âu sụp đổ.
3. Về Châu Phi tháng tư năm 1994.
4. Về Liban từ 26.11 đến 15.12.95.
5. Và Khóa riêng thứ năm về Mỹ châu được khai mạc ngày 16.11 vừa qua và sẽ kết thúc ngày 12.12.97.
Năm tới đây, về Châu Á và năm 1999 về Châu Âu (lần thứ hai).
Roma ngày 21.11.97
P. Trần đoàn Kết, Lm.