Tin Tức và Thời Sự
ngày 14 tháng 11/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


ÐTC tiếp kiến Tổng thống Cộng hòa Slovak

ÐTC tiếp kiến Tổng thống Cộng hòa Slovak.

Vatican - 14.11.97 - Sáng thứ sáu 14/11/97, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp kiến Tổng thống Cộng hòa Slovak, ông Michal Kovac, phu nhân và doàn tùy tùng. Tổng Thống Kovac được bầu giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia từ năm 1993. Ông tới Roma thứ năm 13/11, để viếng thăm chính thức trong ba ngày Cộng Hòa Ý. Tình hữu nghị giữa Ý và Slovak từ nhiều năm đã được Thủ Tướng Chính phủ Ý, ông Romano Prodi, nhắc lại trong buổi tiếp tân chiều thứ năm tại Phủ Thủ tướng, Palazzo Chigi (đọc Kigi) . Trong cuộc hội đàm với Chính phủ Ý, Tổng thống Kovac bày tỏ viễn tượng của Cộng hòa Slovak là được gia nhập tổ chức Phòng Thủ Bắc đại Tây đương (NATO) và Khối Liên hiệp Châu Âu.

Trong cuộc tiếp đón tổng Thống Cộng hòa Slovak tại Ðiện Qurinale, Tổng thống Cộng hòa Ý, ông Oscar Luigi Scalfaro, xác dịnh rằng: Nước Ý tin tưởng vào ý chí tiến đến nền dân chủ thực sự và vào những phát triển kinh tế của Slovak và vì thế Chính phủ Ý sẵn sàng ủng hộ việc gia nhập Khối NATO và Liên hiệïp Châu của Cộng hòa trẻ trung này.

Cộng hòa Slovak gồm khoảng 5 triệu dân cư, đa số là người công giáo. Truơc đây dưới thời cộng sản , Cộng hòa Tchèque và Slovak là một nước (Việt nam vẫn gọi là Tiệp khắc). Sau khi cộng sản sụp đổ, Tiệp khắc chia thành hai quốc gia độc lập và chủ quyền: Cộng hòa Tchèque và Cộng hòa Slovak. Ðức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Slovak kể là hai lần: lần thứ nhất tháng 4 năm 1990, ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ và còn là một quốc gia Tiệp khắc; lần thứ hai tháng 6 nam 1995, lúc Tiệp khắc đã tách biệt thành hai nước. Giáo hội Slovak sau thời kỳ cộng sản đang tiến đến một cuộc phục hưng tôn giáo với nhiều hứa hẹn tốt đẹp: Nhiều ơn gọi linh mục và đời sống tận hiến. Giáo hội bé nhỏ này có tới hai vị Hồng Y: Joseph Tomko, Tổng trưởng Bộ Phúc âm hóa các dân tộc và Ján Chryzostom Korec, giám mục giáo phận Nitra. ÐHY Korec là người đã bị chế độ cộng sản Tiệp khắc giam tù trong nhiều năm. Ngài được tấn phong giám mục "lén lút" năm 1951. Năm 1990, sau khi chế dộ sụp đổ, ÐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục Nitra và năm sau ngày 28.6.1991, tôn phong lên làm Hồng Y.


Hội nghị quốc tế về các Ðền Thánh, địa điểm hành hương

Hội nghị quốc tế về các Ðền Thánh, địa điểm hành hương.

Altoetting - 14.11.97 - Hội nghị quốc tế lần thư hai về các Ðền Thánh được tổ chức trong những ngày từ mồng 5 đến mồng 8 tháng 11 vừa qua tại Ðền Thánh Altoetting (bên Ðức). Cách đây hai năm Hội nghị thứ nhất được tổ chức tại Loreto (bên Ý). Mục đích của Hội nghị là để tiến đến sự cộng tác giữa các Ðền Thánh và các Thành phố nơi có Ðền Thánh hoặc tại những vùng lân cận. Tham dự Hội nghị lần này tại Altoetting có 115 đại diện đến từ 15 quốc gia khác nhau, trong số này có các nước thuộc Trung-Ðông Âu, như Ba lan, Croatie, Cộng hòa Tchèque, Hungari, Lituani . Trong diễn văn khai mạc Hội nghị, ÐHY Wetter, TGM giáo phận Muenchen (miền Baviera - Ðức) nói:

"Ðời sống của chúng ta phát triển trong di dộng, vì lẽ chúng ta luôn luôn di chuyển đển một điểm tức là Chúa Giêsu". Ðức TGM Giovanni Cheli (đọc là Kêli) , chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách mục vụ các người di dân và du hành, nhắc lại rằng: "Các đền thánh đã và vẫn tiếp tục đóng vai trò như chứng nhân của ơn cứu rỗi, hòa bình, thương xót và hiểu nhau giữa các dân tộc và các người thuộc các sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa... khác nhau".

Trở về Roma, được đài Vatican phỏng vấn, Ðức TGM nói: "Ðiều rõ ràng là những lo lắng của Ðền Thánh trước hết có tính cách mục vụ, nghĩa là làm cho cuộc hành hương trở nên con đường tiến về đức tin, về sự trở lại, về canh tân thiêng liêng sâu xa".

"Nhà cầm quyền dân sự, về phía họ, không thể không công nhận rằng cuộc hành hương không những là một đóng góp vào nền kinh tế địa phương mà còn là một sự góp công vào "việc luân lý hóa" đời sống người dân nữa. Vì thế, nhà cầm quyền phải dấn thân cộng tác bằng việc thành lập cơ cấu và đưa ra những sáng kiến về văn hóa giúp cho việc di chuyển và lưu trú của các người hành hương". Ðức TGM cho biết: "trong những ngày Hộïi nghị, nhà cầm quyền Altoetting đã bỏ ra 80 triệu Mã Ðức cho mục đích này. Do đó cần phải có sự cộng tác chặt chẽ giữa các vị trách nhiệm Thị xã và Ðền Thánh".

Trong các vị thuyết trình Hội nghị lần này có Cha Michael Fuss, giáo sư Ðại học Gregoriana (Roma). Cha nói về các phong trào mới và các cuộc hành hương như những phương thế của việc tái sinh đức tin.

Sau đó có nhiều vị Giám đốc Ðền Thánh và Thị trưởng của Thành phố có Ðền Thánh phát biểu ý kiến, như: Czestochowa (Ba lan); Lourdes (Pháp); Loreto (Ý) ; Fatima (Bồ đào nha) , Padova (Ý), San Giovanni Rotondo (Ý), nơi có mộ Cha Pio - (mỗi năm có từ 5 đến 6 triệu người hành hương)... Tất cả các vị này đều công nhận sự quan trọng và hơn nữa sự cần thiết của cộng tác giữa Thị xã và Ðền Thánh. Các cuộc phát biểu ý kiến và những kinh nghiệm được thu lại thành văn kiện của Hội nghị. Nhiều Ðền Thánh và Thành phố đã tự tình nguyêïn nhận tổ chức Hội nghị lần tới. Các đại diện đã phải bỏ phiếu và Czestochowa được chỉ định tổ chức Hội nghị năm 1999. Trong văn kiện chung kết có ghi câu này: "Các đền thánh nhìn về Năm 2000 không phải như một niên hiệu phải đến, nhưng như một biến cố cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo".


Diễn văn của Vị Ðại diện Tòa Thánh tại LHQ về quyền tự do tôn giáo

Diễn văn của Vị Ðại diện Tòa Thánh tại LHQ về quyền tự do tôn giáo.

New York - 14.11.97 - Trong diễn văn đọc ngày 13/11/97 vừa qua trước Khóa họp khoáng đại hiện đang diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York, Ðức TGM Renato Martino, Quan sát viên thường trực Tòa Thánh cạnh LHQ, đã nhắc lại lời Ðức Gioan Phaolô II nói như sau: "Việc khước từ mọi hình thức kỳ thị dựa trên tôn giáo là một nguyên tắc nền tảng của các quyền con người". Ðức TGM nói: "Thay vì sợ những người tuyên xưng tín ngưỡng tôn giáo, Nhà Nước phải công nhận rằng: chính vì xác tín sâu xa của tín ngưỡng, các tín hữu có thể là những công dân có tinh thần hoạt động và có trách nhiệm, luôn luôn muốn cộng tác với người khác trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn. Qua việc hiến thân cho các giá trị cao quí, các tín hữu trở nên một sự phong phú thực sự cho xã hội..." Vị đại diện Tòa Thánh nói tiếp: "Hơn nữa phải tái xác nhận một cách cương quyết rằng không một Nhà nước nào có thể tự cho mình quyền quyết định về các xác tín tôn giáo của bất cứ người dân nào, cũng không có quyền áp đặt hay cản trở việc tuyên xưng một tín ngưỡng và việc thực hành công khai tôn giáo".

Nhắc lại những vi phạm nặng nề về quyền tự do tôn giáo hiện vẫn còn trên thế giới này, Ðức TGM Martino quả quyết rằng Khóa họp khoáng đại hiện nay của LHQ không thể yên lặng trước nhiều trường hợp cá nhân và gia đình hiện đang bị đau khổ vì đức tin của họ: giam tù, bách hại, đe dọa... hoặc bằng những hình thức kỳ thị khác do nhà cầm quyền áp đặt trên họ, chỉ vì họ tuyên xưng một tín ngưỡng tôn giáo. Trong phần kết, Quan sát viên Tòa Thánh nhấn mạnh: "Tòa Thánh muốn đối thoại với tất cả các chính phủ một cách xây dựng để vượt qua những cản trở và những không hiểu nhau và cùng nhau hoạt động để cổ võ tự do tôn giáo cho mọi người".


Thêm tiếp Vài Con Số về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ

Thêm tiếp Vài Con Số về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ.

(VIS 14/11/97) Chúng ta kết thúc phần trình bày những con số liên quan đến giáo hội công giáo tại Châu Mỹ nhân dịp Khóa Họp Ðặc Biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu, với bảng thống kê về 14 quốc gia tại Nam Mỹ.

ARGENTINA, rộng 2 triệu 766 ngàn cây số vuông, với dân số là 37 triệu 770 ngàn người, trong số nầy có 31 triệu 500 ngàn tín hữu, được chăm sóc mục vụ bởi 105 giám mục, 5,856 linh mục và 12,094 tu sĩ.

BOLIVIA, rộng 1 triệu 098 ngàn cây số vuông, với dân số 7 triệu 400 ngàn người, trong số nầy có 6 triệu 600 ngàn người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 37 giám mục, 1083 linh mục, và 2306 tu sĩ.

BRAZIL, rộng 8 triệu 500 ngàn cây số vuông, với dân số 156 triệu người, trong số nầy có 135 triệu người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 365 giám mục, 15,482 linh mục và 38,171 tu sĩ.

CHILE, rộng 757 ngàn cây số vuông, với dân số là 14 triệu 200 ngàn, trong số nầy có 11 triệu 300 ngàn người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 48 giám mục, 2,200 linh mục và 7,300 tu sĩ.

COLOMBIA, rộng 1 triệu 130 ngàn cây số vuông, với dân số là 35 triệu người, trong số nầy có 32 triệu 200 ngàn người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 88 giám mục, 6,800 linh mục, và 18,500 tu sĩ.

ECUADOR, rộng 284 ngàn cây số vuông, với dân số là 11 triệu 500 ngàn người,trong số nầy có 10 triệu 700 ngàn tín hữu công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 36 giám mục, 1764 linh mục và 4,850 tu sĩ.

ÐẢO FALKLAND, rộng 12 ngàn cây số vuông, với dân số là 4,000 người, trong số nầy có 1000 người công giáo, quy tụ trong 1 giáo xứ có 4 linh mục chăm sóc mục vụ, vá 2 tu sĩ.

GUIANA PHÁP, rộng 90 ngàn cây số vuông, với dân số là 150 ngàn, trong số nầy có 120 ngàn người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 1 giám mục, 31 linh mục và 87 tu sĩ.

GUYANA, rộng 215 ngàn cây số vuông, với dân số là 830 ngàn người, trong số nầy có 88 ngàn người công giáo, được chăm sóc bởi 1 giám mục, 56 linh mục, và 49 tu sĩ.

PARAGUAY, rộng 407 ngàn cây số vuông, với dân số khoảng 4 triệu 800 ngàn người, trong số nầy có 4 triệu 500 ngàn người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 20 giám mục, 646 linh mục va 1,300 tu sĩ.

PERU, rộng 1 triệu 280 ngàn cây số vuông, với dân số là 23 triệu 500 ngàn, trong số nầy có 21 triệu 500 ngàn người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 59 giám mục, 2480 linh mục và 5800 tu sĩ.

SURINAME, rộng 163 ngàn cây số vuộng, với dân số là 420 ngàn người, trong số nầy có 91 ngàn người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 1 giám mục, 24 linh mục và 45 tu sĩ.

URUGUAY, rộng 175 ngàn cây số vuông, với dân số 3 triệu 200 ngàn người, trong số nầy có 2 triệu 474 ngàn người công giáo, được chăm sóc mục vụ bởi 16 giám mục, 539 linh mục và 1633 tu sĩ.

VENEZUELA, rộng 912 ngàn cây số vuông, với dân số là 21 triệu 600 ngàn người, trong số nầy có 20 triệu người công giáo, được chăm sóc bởi 51 giám mục, 2,200 linh mục và 4,600 tu sĩ.

Tổng cộng diện tích của 14 quốc gia Nam Mỹ là 17,389,000 cây số vuông, với tổng cộng 316,374,000 triệu dân, trong số nầy có 266,366,000 là người công giáo, tức 84 phần trăêm dân số là người công giáo.

Và tổng cộng dân số chung hết 51 quốc gia của Châu Mỹ làø 867,917,000 và trong số nầy có 472,506,200 người công giáo, tức là khoảng 55 phần trăm dân số.

Bắc Mỹ chỉ có 25 phần trăm dân số là công giáo, trong khi đó ở Nam Mỹ thỉ có 84 phần trăm dân số là công giáo.


Back to Radio Veritas Asia Home Page