Tin Tức và Thời Sự
ngày 10 tháng 11/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


10,000 giáo dân Ðồng Nai biểu tình trước văn phòng chính quyền địa phương

(Reuters 10/11/97; AFP 10/11/97) Những người Công Giáo thuộc giáo xứ Trà Cổ, huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, tranh chấp với các viên chức chính quyền địa phương, về vấn đề truất hữu bất công những đất đai của giáo hội.

Theo nguồn tin do hai hảng tin quốc tế Reuters và AFP, phổ biến hôm qua thứ hai, 10 tháng 11, thì từ hôm thứ sáu mùng 7 tháng 11, hàng ngàn người dân, đa số là phụ nữ và trẻ con, đã kéo về biểu tình trước Văn Phòng của chính quyền địa phương huyện Thống Nhất, tỉnh Ðồng Nai, nằm cách 60 cây số đông bắc Thành Phố Hồ Chí Minh, để phản đối sự tham nhũng của các viên chức địa phương và việc truất hữu bất công những vuông đất của giáo hội công giáo ở giáo xứ Trà Cổ. Sang ngày thứ bảy, mùng 8 tháng 11, thì số nguời biểu tình thêm đông, khiến cho lực lượng công an phải can thiệp. Có người tại chổ cho hảng tin quốc tế AFP biết là con số người biểu tình lên đến khoảng 10 ngàn người, và cuộc xô xát giữa dân chúng và lực lượng công an đã làm cho bốn nguời dân và một công an bị thương. Những người biểu tình đã đốt nhà của một viên chức địa phương của Mặt Trận Tổ Quốc, đặc trách về vấn đề tôn giáo. Họ yêu cầu trả lại đất nhà thờ mà nhà nước đã truất hữu một cách bất công, tại giáo xứ Trà Cổ. Một miếng đất rộng 3,200 thuớc vuông đã bị truất hữu để xây chợ và trường học, và khoảng 12,000 thước vuông khác đang bị tịch thu, thì xảy ra cuộc biểu tình phản đối của dân chúng như vừa nói. Chính quyền địa phương đã phải nhờ đến sự can thiệp của Ðức Giám Mục Xuân Lộc, Ðức Cha Nguyễn Minh Nhật, để xin những người biểu tình giải tán. Một người dân tại địa phương đã cho hảng tin quốc Tế AFP biết như sau: Tình hình của ngày thứ hai 10/11 là tạm yên ổn, nhưng nếu chính quyền không giải quyết những yêu cầu của dân chúng địa phương, thì cuộc biểu tình sẽ tái phát nữa. Nguời đưa tin nói như sau: "Chúng tôi sẽ tranh đấu để bảo vệ đất của chúng tôi bằng mọi giá, dù phải hy sinh mạng sống đi nữa".

Trong khi đó, thì Viên Chức Công An và Các Viên Chức của Ủy Ban Tôn Giáo trong Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Ðồng Nai, giữ im lặng, không xác nhận và cũng không chối bỏ cuộc tranh chấp trên, giống như đã xảy ra vào tháng 5 và tháng 6 năm nay, tại Tỉnh Thái Bình, khi những người nông dân bị thua thiệt vì nạn tham nhũng, đã bực tức hành động chống lại những viên chức tham nhũng tại địa phương.

Các nhà ngoại giao và các quan sát viên phân tích tính hình Việt Nam hiện nay thì cho rằng cuộc biểu tình phản đối của muời ngàn người dân tại huyện thống Nhất tỉnh Ðồng Nai, có tầm mức nghiêm trọng hơn biến cố tại Tỉnh Thái Bình, vì những bộc lộ bực tức trên nằm trong một cuộc xung đột rộng lớn hơn, đã âm ỉ từ lâu, và nằm sâu trong tâm hồn của những người di cư năm 1954. Hơn nữa, tại giáo phận Xuân Lộc, trên bình diện sinh hoạt tôn giáo, cũng đang có cuộc tranh chấp, vì lệnh chính quyền buộc phải giải tán các hội đoàn do tự các tín hữu thành lập, tại các giáo xứ. Nhìn trên bình diện rộng hơn nữa, thì mối liên lạc hiện nay giữa Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam và Nhà Nước Việt Nam còn có nhiều vướng mắc, mà nếu cứ để kéo dài mãi, sẽ không khỏi gây ra những hậu quả tiêu cực và tranh chấp nghiêm trọng hơn.


Vài con số thống kê về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu

Vài con số thống kê về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu.

Tin Vatican (VIS 10/11/97): Nhân dịp khóa họp sắp đến tại Vatican, từ ngày 16 tháng 11 đến 12 tháng 12, của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu, hãng tin Vatican bắt đầu cho biết vài con số thống kê sau đây: Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu có liên quan đến giáo hội công gíao tại 51 quốc gia của đại lục Mỹ Châu, được phân chia như sau: Bắc Mỹ có 5 quốc gia, Trung Mỹ có 8 quốc gia, Quần Ðảo Trung Mỹ có 24 quốc gia, và Nam Mỹ có 14 quốc gia. Trong bản tin nầy, chúng ta hãy nhìn vài con số về Giáo Hội Cộng Giáo tại 5 quốc gia Bắc Mỹ như sau:

Trước hết là hai quốc gia lớn tại Bắc Mỹ là Hoa Kỳ và Canada. Hoa Kỳ rộng 9 triệu 372 ngàn cây số vuông, với dân số tổng cộng là 230 triệu và số người công giáo là 57 triệu 47 ngàn tín hữu.

Canada, rộng 9 triệu 900 ngàn cây số vuông, với dân số tổng cộng là 29 triệu 600 ngàn dân, và số người công giáo là 12 triệu 500 ngàn tín hữu.

Ba quốc gia nhỏ của Bắc Mỹ là:

GREENLAND, rộng 2 triệu 100 ngàn cây số vuông, nhưng với dân số 56 ngàn dân và số người công giáo chỉ có một ngàn tín hữu, trong một giáo xứ duy nhất, do một linh mục chăm sóc.

BERMUDA, rộng 53 cây số vuông, với dân số là 60 ngàn người, và số nguời công giáo là 10 ngàn tín hữu, được phân chia trong 6 giáo xứ, do 7 linh mục và 2 giám mục chăm sóc.

SAINT PIERRE AND MIQUELON, rộng 242 cây số vuông, với dân số là 6000 dân, hoàn toàn công giáo, được phân chia trong 3 giáo xứ, do 2 linh mục và 1 giám mục coi sóc.

Như thế, tỗng cộng dân số của 5 quốc gia Bắc Mỹ vừa kể trên là: 292 triệu 752 ngàn dân. Và tổng cộng người công giáo tại 5 quốc gia Bắc Mỹ là 69 triệu 564 ngàn tín hữu, tức là khoảng 25 phần trăm dân số Bắc Mỹ là công giáo mà thôi.

Ngày mai, chúng tôi sẽ nói đến bản thống kê của các quốc gia Trung Mỹ.


Tòa Thánh và Israel ký hiệp ước công nhận tính cách pháp lý của Giáo Hội công giáo tại Israel

Tòa Thánh và Israel ký hiệp ước công nhận tính cách pháp lý của Giáo Hội công giáo tại Israel.

(VIS 10/11/97) Sáng thứ hai vừa qua, mùng 10 tháng 11, Tòa Thánh và Israel đã ký một hiệp ước công nhận tính cách pháp lý của giáo hội công giáo cũng như của những cơ cấu và tài sản của giáo hội công giáo tại Israel. Hiệp ước đã được ký tại Giêrusalem, giữa Ðức Tổng Giám Mục Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, sứ thần tòa thánh, và Ông David Levy, ngoại trưởng của Israel. Hiệp ước mới nầy thực hiện điều khoản thứ 3 của của Hiệp Ước Căn Bản giữa Israel và Tòa Thánh được ký vào tháng 12 năm 1993, để bình thường hóa liên lạc ngoại giao giữa hai quốc gia. Tháng 6 năm 1994, Israel bổ nhiệm vị đại sứ đầu tiên tại Tòa Thánh, và Tòa Thánh bổ nhiệm vị sứ thần tại Israel. Từ đó, hai bên vẫn tiếp tục làm việc để thực hiện những hiệp ước nhỏ về những vấn đề có liên hệ đến lợi ích của hai quốc gia. Hiệp ước vừa được ký kết hôm thứ hai vừa qua, để công nhận tính cách pháp lý của giáo hội công giáo, cũng như của những cơ cấu và tài sản của giáo hội, là một kết quả cụ thể của những cuộc thảo luận làm việc từ đó đến nay. Những cơ chế và tổ chức của giáo hội công giáo được công nhận bởi hiệp ước nói trên gồm có những tòa giáo chủ, những giáo phận, những tu viện, những dòng tu, những hội tu, những cơ quan giáo dục và từ thiện, những hiệp hội hay những tổ chức đã được thiết lập đúng theo giáo luật. Ngoài ra, hiệp ước cũng có điều khoản dành cho những cơ cấu sẽ được thành lập trong tương lai, và điều khoản nói về việc bải bỏ hay sát nhập những cơ cấu hiện có. Hiệp ước sẽ còn cần được quốc hội Israel phê chuẩn, thì mới bắt đầu có hiệu lực. Về vấn đề còn vướng mắc liên quan đến thành Giêrusalem, thì hiệp ước nói trên không đá động đến chi cả. Lập trường của Israel và Tòa Thánh chưa thể dung hòa được. Tòa Thánh đã đề nghị thiết lập quy chế quốc tế cho thành Giêrusalem, được xem như là thuộc về phần gia tài tôn giáo của toàn thể nhân loại, theo đó tất cả mọi niềm tin tôn giáo đều được tự do lui tới thành Giêrusaelm nầy. Nhưng Israel thì chỉ muốn xem thành Giêrusalem như là thủ đô của quốc gia Israel mà thôi. Theo nhận định của người phát ngôn của Tòa Thánh, Ông Navarro Valls, thì hiệp ước song phương trên là một khuyến khích quan trọng cho công cuộc mưu tìm Hòa Bình tại vùng Trung Ðông, nhằm thực hiện công bằng và an ninh cho tất cà mọi dân tộc liên hệ tại vùng Trung đông nầy, cho dân tộc Do thái cũng như cho dân tộc Palestine và các dân tộc hay quốc gia khác nữa trong vùng. Sau hiệp ước song phương công nhận tính cách pháp lý của những cơ cấu và tổ chức của Giáo Hội công giáo tại Israel, người ta còn mong Ủy Ban Hổn Hợp giữa Tòa Thánh và Israel về Năm Thánh 2000, sẽ tái nhóm họp, để chuẩn bị mừng năm thánh 2000. Ủy Ban Hổn Hợp nầy đã ngưng làm việc từ hơn một năm nay.


Back to Radio Veritas Asia Home Page