Tin Tức và Thời Sự
ngày 08 tháng 11/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Hội Nghị về Dân Chủ và Các Giá Trị Kitô

Hội Nghị về Dân Chủ và Các Giá Trị Kitô.

Tin Vatican (VIS 8/11/97): Dưới sự chủ tọa của Ðức Hồng Y Paul Poupard, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Văn Hóa, một cuộc Hội Thảo Quốc Tế, được tổ chức tại CADENABBIA, Italia, từ ngày 9 đến 13 tháng 11 nầy, về đề tài: Chính Trị, Nền Dân Chủ và Những Giá Trị Kitô: Những Thách Thức và Những đề nghị tại Trung và Ðông Âu. Trong cuộc Hội Thảo nầy, ÐHY Paul Poupard chia sẽ những suy tư của ngài về Sự cần thiết phải cống hiến cho các dân tộc tại Trung và Ðông Âu một nền tảng vững chắc và đích thực cho nền dân chủ của đất nước họ, qua việc nhìn nhận những giá trị Kitô và sự tự do tôn giáo.


Ðảng cộng sản Nga mừng kỷ niệm 80 năm chế độ

THỜI SỰ - Ðảng cộng sản Nga mừng kỷ niệm 80 năm chế độ.

Ngày mồng 7 tháng 11 vừa qua, Ðảng cộng sản Nga do ông Gennadij Zjuganov lãnh dạo, đã tổ chức tại nhiều thành phố, cách riêng tại Moscova, những cuộc biểu tình mừng kỷ niệm 80 năm thành lập chế độ cộng sản tại Ðế quốc Nga (7.11.1917 - 1997). Số người tham dự các cuộc biểu tình được ước lượng khác nhau: theo Ðảng cộng sản, khoảng từ 100 tới 300 ngàn; trái lại theo cảnh sát Nhà Nước chỉ có 13 ngàn. Dù sao, đây là một cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chế độ cộng sản Liên xô sụp đổ, cách đây 7 năm. Tại Moscova, cuộc biểu tình được tập trung vào hai địa điểm: Quảng trường Lubjanka, trước Tòa nhà đồ sộ, thời chế độ là trụ sở của Công an chính trị Liên xô (Ceka, Gpu, Nkvd, Kgb) và tại Cửa Kaluga, trước đây là Quảng trường tháng 10, nơi có tượng ông Lenin. Các người tham dự cuộc biểu tình phần lớn là những người có tuổi, họ mang theo cờ đỏ búa liềm, hình ông Lenin và Stalin, cả biểu ngữ chống chính phủ Boris Yeltsin nữa .Trong diễn văn đọc trước đoàn biểu tình, lãnh tụ Ðảng ông Zennadij Zjuganov khuyên các đảng viên và những người ủng hộ ông xử dụng những phương pháp tranh đấu trong và ngoài quốc hội; ông hứa với đoàn biểu tình rằng: "Bè lũ phản bội và bị mua chuộc" (tức ông Yeltsin và các người cộng tác của ông) sẽ bị trục xuất khỏi Ðiện Cẩûm Linh và Nước Nga sẽ trở thành vĩ đại theo chủ nghĩa xã hội. Các người biểu tình hát Quốc ca cũ của Liên xô và bài Ca Xã hội quốc tế. Ðoàn biểu tình cũng được nghe lại bài diễn văn của Ông Lenin đã được ghi băng.

Theo các quan sát viên , thì cuộc biểu tình, cho dù có 300 ngàn người tham dự, cũng không phải là một lực lượng đáng lo sợ. Theo cuộc thăm dò dân ý do một hãng thông tấn nghiêm chỉnh nhất tại Nga thì khoảng 15% dân chúng Nga ủng hộ thực sự các người cộng sản, nếu có cuộïc đảo chính. Còn 15% khác muốn trốn ra ngoại quốc, nếu người cộng sản trở lại nắm chính quyền như trước đây. Trở lại bằng lá phiếu qua các cuộc bầu cử tự do, người cộng sản biết rõ không có hy vọng. Chế độ cộng sản lỗi thời và cả người cộng sản ngày nay cũng không tin tưởng vào ý thức hệ mà họ rao giảng và nhồi sọ người dân. Làm sao nắm quyền và ở lại là mục tiêu tranh đấu duy nhất bằng mọi phương thế.

Ngoài Moscova, các cuộc biểu tình còn diễn ra tại San Pietroburg và Vladivostok. Trong tất cả các cuộc biểu tình lớn nhỏ vừa qua, theo Bộ Nội vụ có khoảng 57 ngàn người tham dự. Tại Ekaterinburg, nơi Vua Nicola đệ nhị và Hoàng gia bị Cộng sản sát hại năm 1918, số tham dự cuộc biểu tình chỉ có 1,500 người. Cuộc xô xát xẩy ra tại Leopoli (bên Ukraine): phe quốc gia tấn công 300 người cộng sản biểu tình: có 10 người bị thương.

Trái lại, Tổng thống Boris Eltsin muốn biến đổi ý nghĩa của ngày mồng 7 tháng 11 năm 1917 thành ngày "hòa hợp và hòa giải quốc gia". Trong ngày này trên đài truyền hình, ông kêu gọi dân Nga tiến đến mục tiêu ông đề nghị: hòa hợp và hòa giải. Ông nói:

"Ngày hôm nay chỉ phải nhớ lại tất cả những người đã chết trong cuộc nội chiến. Chúng ta phải hiểu nhau và tha thứ cho nhau: Tha thứ cho tất cả những ai đã phạm lầm lỗi tai hại này: đặt một ý thức hệ ảo tưởng trên mạng sống con người". Ông giải thích thêm: có nhiều người hành động vì lòng ngay. Họ tin vào "svetloje buduscheje", nghĩa là "tương lai sáng lạng" của nước Nga. Họ hãnh diện thực sự vì Nước Nga đã thành công trong việc thay đổi cục diện của thế kỷ 20 này. Ông nói: "Ngày nay cần phải tỏ ra rằng: chúng ta có khả năng không phải để cãi cọ nhau mà để đi đến một hòa hợp với nhau. Hay ít ra chúng ta đừng chia rẽ nước Nga thành "chúng ta" và "họ". Tổng thống Yeltsin còn đề nghị lập một đài kỷ niệm ghi nhớ tất cả các nạn nhân, không phân biệt ý thức hệ, của cuộc Cách mạng và của cuộc nội chiến tiếp sau đó kéo dài tới năm 1922, gây nên 13 triệu người chết.

Tại Pháp, nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập chế độ cộng sản tại Nga, lãnh tụ Ðảng cộng sản Pháp, ông Robert Hue, chú giải cuốn sách mới xuất bản tại Pháp "Cuốn Hắc Thư " (ngược lại với "Cuốn Bạch Thư" của Ðảng Cộng sản Trung quốc về tự do tôn giáo, được tung ra trước khi chủ tịch Nhà Nước Trung quốc lên đường viếng thăm Hoa kỳ (26.10 đến 2.11.97), đã không ngần ngại công nhận những quả quyết trong cuốn sách này. Theo Cuốn Hắc thư, thì các chế độ Macxít-Lenin đã sát hại tới 100 triệu người trên thế giới. Ông tuyên bố: "Ðây là một thảm họa đã liên lụy nhiều dân tộc. Ðây là một tiến trình kinh khủng phải bị lên án cách tuyệt đối". Cuốn Hắc thư do một số nhà trí thức Pháp viết ra dưới sự phối kiểm của Stephane Courtois và được đề đầu là "Le livre noir du Communisme" (Cuốn hắc thư của chế độ cộng sản). Trong 864 trang các tác giả phác họa một bản tổng kê khiếp sợ của một thế kỷ dưới chế độ độc tài cộng sản: từ 85 đến 100 triệu người chết.

Dịp kỷ niệm 80 năm lập chế độ cộng sản tại Nga là đề tài thời cuộc rất hấp dẫn. Thế giới cần biết đến và phải ca ngợi sự can đảm, sự thành thực của ông Robert Hue, người thay thế ông Georges Marchais, lãnh đạo Ðảng cộng sản Pháp. Ông dám nói lên cái ông nghĩ và lên án tuyệt đối những vụ sát hại và lưu đầy thực hiện từ 1917 tới nay "nhân danh tín điều cộng sản". Ông tuyên bố: "Nhưng thực là điều phi lý, nếu không nói là lố bịch, trò hề, chỉ nêu lên các con số kinh khủng về nạn nhân. Ðảng cộng sản Pháp phải phân tích cái mà chúng ta gọi là chế độ Stalin trong nội bộ của Ðảng chúng ta. Các đồng chí, chúng ta đã sai lầm".

Cuốn Hắc thư được viết ra với mục đích trả lời cho câu hỏi khẩn cấp được đặt ra: "Tại sao cho đến lúc này không một tòa án nào theo kiểu Tòa án Nuernberg (Tòa án được thành lập tại thành phố này trong miền Baviera của Ðức, để xử các tội ác của chế độ Ðức quốc xã (1945-1946) được thành lập để xử và lên án các tội ác của chế độ cộng sản? Tại sao các nhà trí thức, triết học, sử học, xã hội học... nhắm mắt trước những thực tại, bằng cách lờ đi như không biết gì và nghĩ rằng chỉ có tội ác của chế độ Ðức quốc xã là một sự xấu xa tuyệt đối? Các tác giả Cuốn Hắc thư cũng biết rằng các vị "tai mắt này" không dám lên tiếng vì "há miệng mắc quai". Nhưng đây không phải chỉ là những ý thức hệ, nhưng là một chế độ cộng sản thực sự, cụ thể, hiện hữu trong thời đại rõ ràng, trong những quốc gia có tên trong bản đồ thế giới và được nhập thể nơi những lãnh tụ nổi tiếng thế giới: Lenin, Stalin, Mao Trạch Ðông, Hồ chí Minh, Kim nhật Thành, Fidel Castro v.v... và tại nước Pháp này như Maurice Thorez, Jacques Duclos, Georges Marchais.

Theo các tác giả Cuốn Hắc thư, tại Lien xô Stalin sát hại khoảng 20 triệu người dân - tại Trung quốc khoảng 65 triệu - tại Bắc Hàn: hai triệu - tại Việt nam: một triệu (thời kỳ cải cách ruộng đất) - tại Kampuchia: hai triệu (thời Pol Pot) - tại các nước Ðông Âu: một triệu - 150 ngàn tại Châu Mỹ Latinh - một triệu 700 ngàn tại Angola - Mozambic và Ethiopie. Ngoài ra còn có 10 ngàn thuộc nội bộ Phong trào cộng sản quốc tế bị thanh toán do lệnh của Stalin.


Back to Radio Veritas Asia Home Page