Công việc
chuẩn bị Vụ án phong Chân phước
cho Cha Pio
Tổng bề trên dòng
Tên kêu gọi chống nghèo đói
và tham nhũng
Giáo Hội Hồng Kông
mừng ngày Chúa Nhật Truyền Giáo
Giới trẻ Bangladesh cam kết
sống các giá trị Kitô
Ngoại trưởng Hoa Kỳ
chỉ trích dự luật về tự
do tôn giáo của quốc hội
Hoa Kỳ sẽ kêu gọi
Trung Quốc tôn trọng quyền tự do
tôn giáo
THỜI SỰ: Công việc chuẩn bị Vụ án phong Chân phước cho Cha Pio đi vào giai đoạn kết thúc.
Cha Pio qua đời lúc 2 giờ 30 ngày 23 tháng 9 năm 1968, cách đây 29 năm, tại Tu viện các Cha Cappucins ở San Giovanni Rotondo, thuộc Tỉnh Foggia, miền Nam Nước Ý. Trong dịp kỷ niệm 29 năm qua đời của Cha, hơn 60 ngàn người đã tuôn về San Giovanni Rotondo để canh thức suốt đêm và dự thánh lễ bên cạnh mộ của Cha trong nhà thờ Ðức Maria Muôn Ơn (Maria delle grazie). Hằng năm có từ 5 đến 6 triệu người hành hương không những người dân Ý mà cả người ngoại quốc nữa đến đây để kính viếng và cầu nguyện. Cha Pio là nhân vật rất lạ lùng, được mọi người coi là Vị thánh sống và là một linh hồn được Chúa chọn từ nhỏ. Lúc 5 tuổi, cha đã có những linh thị (visions) lạ lùng. Hồi 23 tuổi cha nhận dấu thánh Chúa nơi tay, chân và mang cho tới lúc chết . Ngoài ra cha còn được nhiều ơn lạ lùng khác, như hiện diện trong hai ba nơi một lúc, khả năng đọc được những kín nhiệm trong tâm trí của những người đến xưng tội với Cha. Nhiều sự lạ khác nơi con người cha không thể giải thích nổi: từ lúc vào Tu viện cha mắc nhiều chứng bệnh và các chứng bệnh này theo cha trong suốt cả cuộc đời - rồi mùi thơm phát xuất từ con người cha, những chiến đấu dữ dội với ma quỉ. những vụ thiên thần hiện đến... Các nhà khoa học không giải thích nổi các dấu thánh nơi tay chân của cha. Các dấu thánh này chỉ biến mất vài giờ trước khi cha qua đời, nhưng không để lại vết sẹo nào trên tay chân. Sinh thời, Cha đã làm nhiều sự lạ lùng. Nhiều người được ơn, nay vẫn còn sống và là những chứng nhân rất đáng tin cậy trong vụ chuẩn bị án phong chân phước cho cha. Trong dịp kỷ niệm 29 năm cha qua đời, đài truyền hình Ý đã dành ra hai tiếng rưỡi đồng hồ để nói về cha Pio và thuật lại những sự lạ lùng cha đã làm; một số chứng nhân đã được mời đến đài TV để tự thuật về những sự lạ lùng đã lãnh nhận do lời bầu cử của cha Pio, ngay lúc ngài còn sống và sau khi đã qua đời. ÐHY Giuseppe Siri (đã qua đời), một trong các Hồng Y lỗi lạc, TGM giáo phận Genova, miền Tây bắc nước Ý, đã nói một cách rất đúng về Cha Pio: "Cha là một nhà thần bí lỗi lạc nhất của thời đại chúng ta và là một trong các vĩ nhân của lịch sử Giáo hội".
Nhưng sự thánh thiện đời sống không ở tại những hiện tượng lạ lùng cha lãnh nhận do lòng nhân hậu Thiên Chúa hay những phép lạ đã được do lời bầu cử của cha, mà do chính ở sự gắn bó hoàn toàn với Chúa Giêsu: và đây chính là điều mà cha Pio luôn luôn nhằm đến. Chỉ cần thấy cha cử hành thánh lễ, đủ hiểu biết sự sâu xa của tâm hồn cha như thế nào. Thánh lễ là diểm cao nhất trong ngày của cha, cùng với thừa tác vụ khác của linh mục, cách riêng việc ban Bí tích hòa giải nhiều giờ trong ngày và việc hướng dẫn các người con thiêng liêng. Ngày 21.10 vừa qua, trong phiên họp thường lệ, các Hồng Y, Giám mục thành viên Bộ Phong Thánh đã cứu xét hồ sơ liên hệ đến vụ phong chân phước cho Cha Pio và đã đồng thanh xác nhận những kết quả do Ủy ban thần học gửi tới Bộ ngày 13 tháng 6 vừa qua về tính cách anh hùng của các nhân đức Cha Pio. Sau đó Ðức Cha Riccardo Ruotolo, giám mục phụ tá giáo phận Manfredonia-Veste và là giám quản của Casa Sollievo della sofferenza (tức Bệnh viện tại San Giovanni Rotondo được xây cất do tiền dâng cúng của các tín hữu hành hương), tuyên bố: "Tôi xác nhận rằng tôi đã được biết tin vui mừng này do Vị cáo thỉnh. Giờ đây Bộ Phong Thánh sẽ trình lên ÐTC các kết luận này. Sau dó ÐTC sẽ quyết định và cho công bố sắc lệnh công nhận cha Pio là Vị đáng kính (Venerabilis)". Tất cả công việc này phải được làm trong Hội đồng Hồng Y do chính ÐTC chủ tọa. Cho tới lúc này, ngày tháng triệu tập Hội đồng Hồng y chưa được ấn định, rất có thể từ nay đến tháng 12. Sau đó, để tiến đến việc phong chân phước, Bộ phong thánh còn phải cứu xét các hồ sơ liên hệ đến "những phép lạ" do lời bầu cử của Vị đáng kính. Trong lúc này, vị cáo thỉnh, cha Gerardo De Flumeri, đã đệ trình lên Bộ tất cả hồ sơ về hai phép lạ do lời bầu cử của cha Pio. Các hồ sơ này phải được Bộ cứu xét trong ba giai đoạn liên tiếp: giai đoạn nhất: về pháp luật , để kiểm điểm xem hồ sơ có hợp với thủ tục do Giáo luật ấn định không - giai đoạn hai: việc khám nghiệm về phương diện y khoa do Ủy ban bác sĩ thực hiện và giai đoạn sau cùng: cứu xét một lần nữa về phương diện thần học. Nếu các điều kiện được đầy đủ và tính cách đích thực của phép lạ được công nhận, thì có thể là trong một Hội đồng Hồng Y, ÐTC sẽ cho công bố sắc lệnh về phong chân phước.
Như vậy còn bao lâu nữa cha Pio mới được tôn phong lên bậc Chân phước ? Trong lúc này khó trả lời câu hỏi được đặt ra. Cha Nello Castello, trách nhiệm toàn quốc (Ý) về các nhóm cầu nguyện của Cha Pio, tuyên bố: "Có thể vào ngày 25 tháng 5 năm tới (1998), kỷ niệm 110 năm sinh nhật của cha Pio, hoặc 23 tháng 9, kỷ niệm 30 năm ngài qua đời. Tôi nghĩ hai cơ hội này đều tốt đẹp cả, nhưng mọi sự đều tùy thuộc vào quyết định của ÐTC.
Roma ngày 23.10.97
P. Trần đoàn Kết, Lm.
Tổng bề trên dòng Tên kêu gọi chống nghèo đói và tham nhũng
(UCAN AS8494.0946 23/10/'97) Ấn Ðộ (Pune) - Ðấu tranh cho công lý, hội nhập văn hoá và đối thoại liên tôn là những mục tiêu quan trọng trong sứ mạng mục vụ của các tu sĩ dòng Tên tại Á Châu.
Trên đây là nhận định của cha Peter-Hans Kolvenbach, bề trên tổng quyền dòng Tên trong chuyến viếng thăm Ấn Ðộ từ ngày 3 đến ngày 17/10 vừa qua. Lên tiếng tại một Khóa Họp (seminar) ở Jnana Deepa, bên Ấn Ðộ, cha Kolvenbach nói rằng tình trạng nghèo đói tại các nước Á Châu là bằng chứng của sự bất công và cha kêu gọi các tu sĩ dòng Tên nên gia tăng các nỗ lực để loại trừ nghèo đói, tham nhũng đồng thời cổ võ việc thăng tiến giáo dục và phát triển. Cha Bề trên tổng quyền dòng Tên cho rằng công lý, hội nhập văn hoá và đối thoại đều có liên quan và bổ xung cho nhau, không thể đạt tới điều này mà lại thiếu vắng điều kia. Cha Kolvenbach nhắc nhở các tu sĩ của dòng rằng khi dấn thân tranh đấu cho công lý xã hội, họ cũng nên lưu ý tới sự đóng góp của Á Châu cho nhân loại và qua các công tác mục vụ đang được thực hiện, các tu sĩ tìm được cơ hội để đứng về phía người nghèo.
Cũng trong chuyến viếng thăm Ấn Ðộ lần này, cha Kolvenbach đã bàn thảo với các tu sĩ của dòng ở Ấn Ðộ về Khoá Họp Ðặc Biệt của Thượng Hội Ðồng GM Á Châu sắp tới, về việc biến đổi văn hoá qua thừa tác vụ giáo xứ, về giáo hội của người giáo dân năm 2000 và những thách đố mà các tu sĩ dòng Tên đang đương đầu tại các giáo xứ của mình. (UCAN AS8494.0946 23/10/'97)
Giáo Hội Hồng Kông mừng ngày Chúa Nhật Truyền Giáo
(UCAN HK8615.0946 23/10/'97) Hồng Kông - Chúa Nhật vừa qua (19/10), khoảng 26 ngàn tín hữu công giáo Hồng Kông đã tham dự thánh lễ cử hành ngày Chúa Nhật Truyền Giáo (Sunday Mission). Ðây là biến cố trọng đại nhất của Giáo Hội Hồng Kông từ sau ngày lãnh thổ này được trao trả chủ quyền cho Trung Quốc.
Thánh lễ với chủ đề "Chúa Giêsu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một" đã diễn ra tại một vận đồng trường ở Hồng Kông dưới quyền chủ sự của ÐHY Gioan Baotixita Hồ Chấn Trung. Giảng trong thánh lễ, ÐC Giuse Trần Chí Minh, GM phó Hồng Kông kêu gọi các tín hữu công giáo hãy luôn sẵn sàng giới thiệu đức tin của mình với những anh chị em khác để họ biết về Thiên Chúa, Ðấng không bao giờ thay đổi và luôn yêu thương con người. Ðể giải toả nỗi ưu tư của các tín hữu trong vấn đề liệu Hồng Kông sẽ tiếp tục được giữ nguyên cơ chế cũ trong vòng 50 năm theo như lời hứa của nhà cầm quyền Bắc Kinh hay không, thì vị GM phó Hồng Kông ghi nhận là bất cứ sự thay đổi nào cũng chưa hẳn được gọi là phát triển, và sự phát triển cũng chưa hẳn là sẽ vững bền mãi mãi. Trích dẫn lời của thánh Augustinô, vị GM phó Hồng Kông xác định rằng tâm hồn con người sẽ không bao giờ nghỉ ngơi cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa.
Về phần mình, ÐC Gioan Thang Hán, GM phụ tá Hồng Kông, đã gợi lại những tiến bộ trong các hoạt động của Giáo Phận Hồng Kông, được coi là cộng đoàn công gíao người Hoa lớn nhất trên thế giới, cũng như nỗ lực của Giáo Phận Hồng Kông trong những thập niên vừa qua nhắm thăng tiến sự hoà giải giữa cộng đoàn Công Giáo đang bị chia rẽ tại Hoa Lục. Ngài cũng kêu gọi các tín hữu Hồng Kông nên truyền bá đức tin của mình cho các anh chị em để họ hiểu biết nhiều hơn về Ðức Giêsu Kitô. Ðây cũng là thách đố mà ÐTC Gioan Phaolô II đã nhắn gửi tới tất cả tín hữu công giáo trong giai đoạn chuẩn bị đón mừng Ðại Năm Thánh 2000. (UCAN HK8615.0946 23/10/'97)
Giới trẻ Bangladesh cam kết sống các giá trị Kitô
(UCAN BA8550.0946 23/10/'97) Bangladesh (Dhaka) - Trong ngày Ðại Hội Giới Trẻ Toàn Quốc lần thứ 12, diễn ra từ ngày 18-21 tháng 9 vừa qua, khoảng 200 bạn trẻ Bangladesh tham dự đại hội đã cam kết hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực chống nạn ma tuý, tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt của giáo hội và thăng tiến cuộc sống tinh thần bằng các giá trị Kitô.
Chủ đề của Ðại Hội Giới Trẻ năm nay mang tựa đề: "Cuộc Hành Trình của Giới Trẻ Ði Tìm Ðấng Tôn Kính", diễn ra tại giáo phận Mymensingh, nằm cách thủ độ Dhaka khoảng 125 kilômét về hướng Bắc. Trong buổi nói chuyện với các bạn trẻ về đề tài sức mạnh của bí tích rửa tội, LM Gervash Rozario nhấn mạnh về mối quan hệ mật thiết và gắn bó của Kitô hữu với Thiên Chúa, cũng giống như quan hệ của một bà mẹ sinh ra một người con. Bổn phận của các bạn trẻ là phải làm thế nào để cuộc sống của họ luôn tỏ hiện các giá trị Kitô. Một bạn trẻ đã thuật lại câu chuyện rằng tại một bữa tiệc có một người Hồi Giáo hỏi anh tại sao phải làm dấu thánh giá trước khi ăn, anh trả lời rằng dấu thánh giá là một cử chỉ minh chứng cho tình yêu của Thiên Chúa qua cái chết của Ðức Giêsu Kitô trên thập giá và là để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa về của ăn mà Ngài ban cho.
ÐC Michael Rozario, TGM Dhaka kêu gọi các bạn trẻ hãy chia xẻ với anh chị em khác những gì họ học hỏi được trong những lần gặp gỡ nhau, bởi vì những gì chúng ta biết và đem chia xẻ với người khác, thì sự hiểu biết đó lại càng phát triển chứ không bao giờ bị giảm đi. Kết thúc đại hội, các bạn trẻ cam kết sẽ canh tân cuộc sống tinh thần để được sống gần Thiên Chúa hơn, và nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa trong những anh chị em nghèo đói, vô phương thế tự vệ và gặp hoạn nạn trong cuộc sống. (UCAN BA8550.0946 23/10/'97)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ chỉ trích dự luật về tự do tôn giáo của quốc hội
(Reuters 23/10/'97) Hoa Kỳ (Washington) - Thứ năm 23/10, ngoại trưởng Hoa Kỳ là bà Madaleine Albright đã lên tiếng chỉ trích dự luật về quyền tự do tôn giáo của quốc hội là mang tính cách bàn giấy và gây phương hại cho quyền lợi ngoại giao của Hoa Kỳ.
Dự luật này hiện còn đang được thảo luận tại quốc hội và mục đích nhắm nghiêm phạt các quốc gia nào bách hại tôn giáo. Nếu được thông qua, dự luật buộc chính phủ Hoa Kỳ phải thành lập một Văn phòng để theo dõi tình trạng bách hại tôn giáo tại các quốc gia và nếu có phải ban hành các biện pháp trừng phạt. Trong bài diễn văn đọc tại Ðại Học Công Giáo Washington, bà Albright nói rằng: "Tuy rằng dự luật này có chủ ý tốt, nhưng nó vô tình xếp các nhân quyền căn bản khác vào hàng thứ hai. Ngoài ra nó sẽ tạo ra thêm một hình thức bàn giấy mới không cần thiết, khiến cho chính phủ khó có thể uyển chuyển hơn trong vấn đề đặt ra các chính sách ngoại giao có lợi cho Hoa Kỳ". Vị ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng, tuy tự do tôn giáo là một trong các quyền căn bản được chính phủ nước này bảo vệ, nhưng để cho mục tiêu này được thành đạt một cách tốt đẹp, cần phải chú ý tới giá trị của những nhân quyền khác nữa.
Bà Albright là nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ lên tiếng về dự luật này. Bà cũng cho biết thêm là Toà Bạch Ốc đang thương lượng với quốc hội để sửa đổi một vài điều khoản trong văn bản dự luật này. (Reuters 23/10/'97)
Hoa Kỳ sẽ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự do tôn giáo
(AFP 23/10/'97) Hoa Kỳ (Washington) - Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh việc kêu gọi chủ tịch Giang Trạch Dân tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các tín hữu Kitô và Phật Giáo Tây Tạng trong chuyến viếng thăm của ông sang Hoa Kỳ bắt đầu vào Chúa Nhật 26/10 này. Tuy nhiên chính phủ Hoa Kỳ tin rằng không nên giới hạn cuộc đối thoại với Trung Quốc riêng trong vấn đề này mà thôi.
Lên tiếng tại trường đại học Washington trong tuần này, bà Madaleine Albright, ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng đối với một quốc gia quan trọng và có tầm cỡ như Trung Quốc, thật là một điều sai lầm nếu Hoa Kỳ không giao tiếp với quốc gia này để phát triển mối quan hệ về mọi mặt. Bên cạnh các đề tài mậu dịch và cấm phổ biến võ khí sang các quốc gia ủng hộ khủng bố, tổng thống Bill Clinton cũng sẽ nhấn mạnh với chủ tịch Giang Trạch Dân điều quan trọng là phải tôn trọng di sản tôn giáo của người dân Tây Tạng đồng thời đảm bảo rằng cộng đoàn Kitô giáo đang phát triển tại Trung Quốc phải được tự do thực hành tín ngưỡng của mình mà không bị bất cứ một hình thức quấy nhiễu hay đe doạ từ phía chính quyền. (AFP 23/10/'97)