Tin Tức và Thời Sự
ngày 20 tháng 10/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Không có thay đổi trong các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo Hồng Kông

Không có thay đổi trong các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo Hồng Kông

(AFP 20/10/'97) Hồng Kông - Kể từ sau ngày trao trả chủ quyền cho Trung Quốc, các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục như bình thường.

Ðó là nhận định của cô Mary Seung, chủ tịch Văn Phòng Truyền Thông Xã Hội Công Giáo của Hồng Kông, đưa ra vào thứ hai hôm qua (20/10/'97). Cô Mary Seung nói như sau: "Việc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, cho tới giờ này chưa tạo ra một sự thay đổi nào trong các sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo, về lập trường cũng như quan hệ giữa giáo hội với chính phủ". Về vấn đề liên lạc với Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Lục, cô Mary Seung cho biết thêm là Giáo Hội Hồng Kông đã ngưng cung cấp sách kinh thánh và các tài liệu thần học sang Trung Quốc, bởi vì Giáo Hội ở Hoa Lục đã có cơ sở ấn loát riêng.

Theo ước tính của Văn Phòng Truyền Thông Xã Hội Công Giáo Hồng Kông, tổng số tín hữu công giáo tại Hồng Kông là 270 ngàn, được coi là lớn nhất trong số các cộng đoàn công giáo người Hoa trên thế giới. Mỗi năm, có khoảng 3000 người được rửa tội tại đây. Các thống kê chính thức cho thấy, số tín hữu công giáo tại Hoa Lục ở vào khoảng 4 triệu, nhưng theo cô Mary Seung, nếu tính luôn cả số tín hữu thuộc giáo hội thầm lặng thì con số này sẽ cao hơn. (AFP 20/10/'97)


Trung Quốc gia tăng việc kiểm soát tôn giáo

Trung Quốc gia tăng việc kiểm soát tôn giáo

(AFP 20/10/'97) Trung Quốc (Bắc Kinh) - Chính phủ Trung Quốc đang gia tăng quyền kiểm soát trên các nhóm tôn giáo mặc dù sự ngược đãi và bắt ở tù dài hạn của chế độ đã giảm bớt phần nào kể từ đầu thập niên 90 này.

Tổ chức nhân quyền, HUMAN RIGHT WATCH, có trụ sở tại New York, đã cho biết như trên vào thứ hai hôm qua (20/10/'97). Trong một bản phúc trình dài 71 trang, tổ chức nhân quyền này nói rằng Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền tự do tôn giáo tuy rằng hai hình thức bách hại nghiêm trọng nhứt là bỏ tù dài hạn và đánh đập các nhà hoạt động tôn giáo có giảm bớt phần nào so với dạo năm 1992, khi tổ chức HUMAN RIGHT WATCH bắt đầu cuộc nghiên cứu về tình hình tôn giáo tại nước này. Theo bản phúc trình, có báo cáo về một vài trường hợp nặng tay của chính quyền đối với các nhà hoạt động tôn giáo, nhưng không có bằng chứng là sự bạo hành được phổ biến và hệ thống hoá. Và khi những báo cáo này xuất hiện thì chính quyền trung ương luôn biện minh bằng cách đổ lỗi cho các viên chức địa phương là đi quá trớn.

Bản phúc trình cũng ghi nhận rằng, trong số các tôn giáo tại Trung Quốc, Phật giáo có đà tăng trưởng nhanh nhất. Khi tôn giáo phát triển thì nhà nước cũng gia tăng nỗ lực để kiểm soát tôn giáo với niềm xác tín rằng tôn giáo là đầu mối gây nên bất ổn định, tách rời khỏi quyền bính và mưu toan lật đổ chính quyền. Kitô giáo và Hồi Giáo được coi là hai tín ngưỡng đe doạ nhất, vì qua hai tôn giáo này, ảnh hưởng từ bên ngoài được đưa vào Trung Quốc. (AFP 20/10/'97)


Các Giám Mục bang Texas kêu gọi ngưng các vụ xử tử hình

Các Giám Mục bang Texas kêu gọi ngưng các vụ xử tử hình

(Reuter 20/10/'97) Hoa Kỳ (Texas) - Kích động vì số tù nhân trong tiểu bang bị xử tử hình năm nay cao chưa từng thấy, thứ hai tuần này, các GM Công Giáo bang Texas đã lên tiếng kêu gọi chính quyền của bang này nên bãi bỏ án tử hình.

Trong một lá thư với chữ ký của tất cả 21 vị GM của bang này, Giáo Hội Công Giáo cho rằng chính quyền vượt quá quyền hạn của Thiên Chúa trên sự sống con người và như thế đang góp phần tạo bầu khí bạo động. Ðã có 37 tù nhân bị tử hình tại Texas trong năm nay và 5 tù nhân khác cũng sẽ lãnh án tử hình từ đây cho đến cuối năm. Ðây là con số cao nhất trong lịch sử của bang Texas và cũng là nhiều nhất so với các bang khác còn duy trì án tử hình tại Hoa Kỳ. Lá thư của các GM bang Texas có đoạn ghi như sau: "Chúng tôi thông cảm với nỗi khổ đau của các nạn nhân trong các vụ án dã man. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng, lòng thương xót theo gương Ðức Giêsu Kitô kêu gọi chúng ta tôn trọng hình ảnh của Thiên Chúa mà chúng ta nhìn thấy nơi các tội nhân cứng lòng này. Chính quyền bang Texas nên thay thế án tử hình bằng án tù chung thân không có ân xá. Phí tổn để truy tố và xử phạt một tội nhân hình sự tại bang Texas này, trung bình là 2,3 triệu Mỹ Kim, trong khi nếu là án phạt tù chung thân thì chỉ tốn kém khoảng 400 ngàn Mỹ Kim mà thôi."

Các GM kêu gọi người dân ở Texas hãy liên lạc với các viên chức dân cử, để yêu cầu họ đề nghị thay đổi luật tử hình của bang này, nhưng đồng thời cũng cho rằng Giáo Hội Công Giáo cần phải nỗ lực hoạt động để thay đổi não trạng muốn trả thù của các tín hữu. Lá thư viết tiếp: "Giờ đây chúng ta cần phải có những bước can đảm để thay đổi quan niệm của người dân Hoa Kỳ liên quan tới việc dùng án tử hình như là một phương tiện để đối phó với vấn đề phạm pháp phức tạp này. Tiếc rằng đa số dân chúng Hoa Kỳ, trong đó có cả tín hữu Công Giáo ủng hộ án tử hình". Một phát ngôn viên của ông George Bush, thống đốc bang Texas và là con trai của cựu tổng thống Hoa Kỳ, thì nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy lá thư của các GM bang Texas sẽ thay đổi được luật tử hình của bang này. (Reuter 20/10/'97)


Hội Nghị Thần học về Gốc Rễ của Tinh Thần Bài Do Thái

Hội Nghị Thần học về Gốc Rễ của Tinh Thần Bài Do Thái.

(VIS 20/10/97) Tin Vatican: Từ ngày 30 tháng 10 cho đến ngày mùng 1 tháng 11, khoảng 60 nhà thần học Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống, sẽ tham dự Hội Nghị Liên Giáo Hội, tại Vatican, để bàn về đề tài "Những Gốc Rễ của Tinh Thần Bài Do Thái trong Môi Trường Kitô"; Hội Nghị Liên Giáo Hội nầy do Ủy Ban Thần Học và Lịch Sử của Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh 2000 tổ chức. Thông cáo báo chí của Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh cho biết là ÐHY Roger ETCHEGARAY sẽ đọc bài diển văn khai mạc Hội Nghị, và sau đó Linh Mục George Cottier, thần học gia của Phủ Giáo Hoàng, sẽ trình bày những gợi ý suy tư đầu tiên. Thông cáo cũng cho biết là Hội Nghị sẽ chú trọng đến khía cạnh tôn giáo, hơn là khía cạnh chính trị của chủ nghĩa bài do thái. Ðây là dịp đọc lại Lịch Sử của Giáo Hội, để chuẩn bị bước Vào ngàn năm thứ ba. Hội nghị sẽ cố gắng tìm phương thế để vượt qua những hiểu lầm và chia rẽ của quá khứ, và khám phá lại những nết đặc thù của hai niềm tin Kitô và do thái giáo, ngỏ hầu tiến vào tương lai với niềm an bình và hy vọng. Việc nhìn nhận những điểm giống và khác trong hai niềm Tin sẽ hướng dẩn đến việc hiểu biết và tôn trọng lẩn nhau.


Chính Quyền Roumania hứa giúp Giáo Hội Công giáo lấy lại những tài sản đã bị tịch thu

Chính Quyền Roumania hứa giúp Giáo Hội Công giáo lấy lại những tài sản đã bị tịch thu.

Tin BUCHAREST (Reuters, 20/10/97): Chính Phủ Trung Hữu của Roumania đã hứa là sẽ giúp cho Giáo Hội Công Giáo, lấy lại khoảng 2000 nhà thờ đã bị tịch thu trong vòng 40 năm cai trị của đảng Cộng Sản Roumania. Một viên chức cao cấp trong giáo hội công giáo tại đâyđã cho biết như trên, hôm Chúa Nhật vừa qua, trong dịp lễ Cải Táng Thi Hài của Vị Lảnh Ðạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, nghi thức Ðông Phương, tại Roumania.

Giờ đây, Nhà Cầm Quyền Roumania, phải sửa lại những hàng động sai lầm vào năm 1948, khi tịch thu tất cả các nhà thờ, trường học, tài sản của Giáo Hội. Giáo Hội Công giáo Hy Lạp, theo nghi lễ Ðông Phương, tại Roumania, hiện có khoảng 700 ngàn tín hữu, trong khi đó thì Giáo Hội Công Giáo Ukraine, cũng theo nghi thức Ðông Phương có khoảng 5 triệu tín hữu.


Back to Radio Veritas Asia Home Page