Tin Tức và Thời Sự
ngày 18 tháng 10/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Vatican kêu gọi xoá giảm nợ cho thế giới thứ ba

Vatican kêu gọi xoá giảm nợ cho thế giới thứ ba

(EWTN 18/10/'97) Vatican - Từ đây cho đến năm 2000, Toà Thánh sẽ phát động chiến dịch nhằm kêu gọi các nước giàu xoá giảm nợ nần cho các nước nghèo.

ÐTGM Renato Martino, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh LHQ đã nói như trên trước một nhóm cử toạ ở thành phố New York, trụ sở của LHQ. ÐTGM Martino cho biết các viên chức của Tòa Thánh sẽ cộng tác với các chính phủ và tổ chức tư nhân qua nhiều cách khác nhau để kêu gọi dư luận thế giới ủng hộ đề nghị xoá giảm nợ nần cho các nước thuộc thế giới thứ ba. Nhóm cử tọa nói trên gồm các chuyên gia phân tích về vấn đề nợ của các nước nghèo.

Lập trường trên đây của Toà Thánh được thực hiện trong tinh thần của biến cố mừng Ðại Năm Thánh 2000. ÐTC Gioan Phaolô II là người thường xuyên kêu gọi nên đối xử rộng lượng với các nước nghèo. Gánh nặng nợ nần đã và đang mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cả về mặt chính trị lẫn xã hội trên các nước nghèo, là một trong các nguyên nhân khiến cho sự phát triển kinh tế bị trì trệ, gây nên bất an trong xã hội.

ÐTGM Renato bày tỏ sự hài lòng trước ý thức của các viên chức LHQ về tính cách nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ nần, và đã đồng ý đưa vấn đề này ra trước cộng đồng thế giới để thảo luận. Các nhà kinh tế, chuyên gia ngân hàng cũng như chính phủ đều đồng ý rằng nợ nần là mối đe doạ cho sự phát triển. Mối đe doạ này sẽ tiếp tục còn đó cho đến khi nào gánh nặng nợ nần của các nước nghèo được giải toả. (EWTN 18/10/'97)


Những người tị nạn cần được hồi hương trong tinh thần tự nguyện

Những người tị nạn cần được hồi hương trong tinh thần tự nguyện

(EWTN 18/10/'97) Vatican-Các nỗ lực hồi hương người tị nạn phải được thực hiện vì lợi ích của họ chứ không chỉ nhắm thoả mãn các điều khoản của thoả ước quốc tế mà thôi.

Trên đây là quan điểm của ÐTGM Giuseppe Bertello, đại diện Toà Thánh tại Cao Uỷ Tị Nạn LHQ tại Geneve. Lên tiếng nhân kỷ niệm thứ 48 ngày thành lập Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, ÐTGM Bertello khẳng định rằng việc giúp đỡ người tị nạn trở lại nguyên quán của họ trước hết phải tôn trọng nguyên tắc tự nguyện từ phía người tị nạn, một nguyên tắc không thể mang ra thương lượng được. Ngài nói như sau: "Không một ai có thể bị cưỡng bách trở lại nơi mà họ vẫn còn sợ bị bách hại hoặc kỳ thị". Trong những trường hợp như thế, phải cho phép người tị nạn thời gian chờ đợi cho tới khi nào tình hình nơi quê quán của thay đổi và họ có thể trở về an toàn. ÐTGM Bertello trưng dẫn trường hợp của những người tị nạn Guatemala, Iraq và Mozambique, trở về quê quán an toàn sau một thời gian chờ đợi tình hình chính trị tại quê hương của họ ổn định.

Tiếc rằng cũng có nhiều trường hợp đáng buồn khi người tị nạn trở thành con cờ trong các cuộc thương lượng quốc tế và một số nhà lãnh đạo quân đội đã dùng các trại tị nạn nằm dưới quyền kiểm soát của họ cho mục tiêu cá nhân. Ngoài ra tại một số nơi các viên chức tại nơi người tị nạn đang tạm trú cũng không cho họ cơ hội học hành hay nhận viện trợ nhân đạo. (EWTN 18/10/'97)


Các giáo lý viên Ái Nhỉ Lan (Ireland) được yêu cầu tránh dùng từ cha mẹ

Các giáo lý viên Ái Nhỉ Lan (Ireland) được yêu cầu tránh dùng từ cha mẹ

(EWTN 18/10/'97) Ai Len (Dublin) - Các viên chức đặc trách việc dạy giáo lý Công Giáo tại Ai Len đã gửi thư yêu cầu các giáo lý viên tránh dùng từ ngữ "cha mẹ" trong lớp giáo lý, xét vì tình trạng tỉ lệ gia đình chỉ có một người cha hoặc một người mẹ tại nước này ngày một gia tăng. Thay vào đó, các giáo lý viên nên dùng các hợp từ như "người lớn sống với các em" hoặc là "người săn sóc các em", để ám chỉ tới phụ huynh của các em học sinh.

Nhật báo Ðộc Lập của Ai Len số ra thứ sáu vừa qua nói rằng sự thay đổi về từ ngữ này là một phần trong chương trình dạy giáo lý sẽ được mang ra áp dụng trong tương lai, sao cho phù hợp với hoàn cảnh của các em chỉ sống với người cha hoặc mẹ của mình. (EWTN 18/10/'97)P


ÐTC tiếp kiến tân Ðại sứ Cộng hòa Liên Bang Ðức trình thư ủy nhiệm

ÐTC tiếp kiến tân Ðại sứ Cộng hòa Liên Bang Ðức trình thư ủy nhiệm.

Vatican - 18.10.97 - Sáng thứ bảy 18.10.97, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp Tiến sĩ Juergen Osterhelt, tân Ðại sứ Cộng hòa Liên Bang Ðức đến trình thư ủy nhiệm.

Trong diễn văn đọc buổi tiếp kiến Tân Ðại sứ, ÐTC nhấn mạnh đến đề tài "hiệp nhất": hiệp nhất trong sự tôn trọng Thiên Chúa và con người, hiệp nhất giữa các người dân Ðức đã được thống nhất, hiệp nhất của thế giới, nhưng cũng hiệp nhất của tất cả các giai đoạn trong đời sống của một con người.

Sau đó, ÐTC nhắc đến việc đề phòng chống lại mọi hình thức đả kích phẩm giá con người, bởi vì có những dư luận quần chúng biện hộ cho những tội ác chống lại sự sống con người nhân danh quyền tự do cá nhân. Nhiều người yêu cầu không bị trừng phạt những tộïi ác đó, hơn nữa họ đòi Nhà Nước chấp thuận, để họ có thể phạm những tội ác đó một cách tự do tuyệt đối và miễn phí, nghĩa là Nhà Nước phải gánh chịu các phí tổn về y tế.

Ðề tài khác được ÐTC đề cập đến: là việc dạy đạo trong các trường, mà ngài gọi là một việc biểu lộ của quyền tự do tôn giáo tích cực trong một Quốc gia dân chủ. Bởi vì tại Ðức hiện nay trên bình diện chính trị và luật pháp người ta đang nói đến việc có thể đưa vào học đường môn bắt buộc về tôn giáo-luân lý, không lệ thuộc các Giáo hội, ÐTC bày tỏ sự ước mong khẩn cấp của ngài là căn cứ vào sự đòi hỏi của con ngưòi và của gia đình, các học sinh cần được lãnh nhận một nền giáo dục thiêng liêng qua việc dạy về tôn giáo và việc dạy về tôn giáo phải tùy thuộc Giáo hội. Ðức Gioan Phaolô II vui mừng vì tại Ðức các Giáo hội Kitô (Công giáo và Tin Lành) đã chấp nhận lời tuyên ngôn chung không những về việc dạy tôn giáo, mà cả về các đề tài sôi bỏng khác nữa.

Sau những lời tuyên ngôn, còn cần có những hành động cụ thể.

Tân Ðại sứ Cộng hòa Liên Bang Ðức cạnh Tòa Thánh, tiến sĩ Juergen Osterhelt, sinh năm 1935 tại Muenchen trong Bang Bavière. Ðại sứ có gia đình và hai người con; đậu tiến sĩ Luật. Năm 1964, Ông vào làm việc tại Bộ Ngoại giao và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông đã làm Ðại sứ tại Thổ nhĩ kỳ và tại Anh quốc.


ÐTC tiếp Ba Giám Mục Anh Quốc và các vị khách đến Roma

ÐTC tiếp Ba Giám Mục Anh Quốc và các vị khách đến Roma.

Vatican - 18.10.97 - Sau buổi tiếp kiến Tân Ðại sứ Cộng hòa Liên Bang Ðức trình thư ủy nhiệm, ÐTC tiếp ba giám mục công giáo Anh quốc đến Roma viếng thăm Tòa Thánh

Chiều thứ sáu, ngài đã tiếp ba vị. Như vậy, trong hai ngày ÐTC đã tiếp tất cả 17 Giám mục công giáo Anh quốc. Cũng chiều thứ sáu , ÐTC tiếp kiến riêng Chị Nirmala, Bề trên Tổng quyền Dòng Nữ thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa thành Calcutta với hai chị tháp tùng. Ðây là lần thứ ba Chị Nirmala gặp ÐTC trong tư cách là Bề trên Tổng quyền của Dòng.

Sáng thứ bảy, sau khi đã tiếp Tân Ðại sứ Ðức và ba vị giám mục công giáo Anh quốc, ÐTC còn tiếp Ðức TGM Peter Stephen Zurbriggen, sứ thần Tòa Thánh tại Mozambic và Ðức TGM Hans Schwemmer, sứ thần Tòa Thánh tại Papua-Nuova-Guinea và tại Quần đảo Salomon. Sau đó, ÐTC tiếp các thành viên của Ban chỉ đạo "Covenant Heath Systems" (một nhóm thuộc các tổ chức Y tế Hoa kỳ) của Tổng Giáo phận Boston. Với các vị khách này, ÐTC nhắc lại sự lo lắng liên lỉ của Giáo hội đối với các bệnh nhân và các ngưòi túng cực và đồng thời dấn thân của Giáo hội bênh vực những người này, để họ được cư xử và săn sóc xứng đáng với phẩm giá con người, vì phẩm giá do chính Thiên Chúa. Ðiều này rất rõ ràng trong các bệnh viện công giáo. Căn cước của các bệnh viện này ở tại trước hết nơi phẩm chất của tình thương Phúc Âm trong việc phục vụ bệnh nhân. Trong khi cổ võ các bác sĩ hiện diện trong buổi tiếp kiến tiếp tục công việc với nhiều sự lưu ý đến các giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề Y khoa và luân lý, Ðức Gioan Phaolô II kết thúc buổi tiếp kiến bằng lời cầu chúc: Ước gì chuyến viếng thăm của anh chị em tại Roma gia tăng sự nhất quyết của anh chị em trong việc tôn trọng hình ảnh Chúa Kitô nơi tất cả những ai được hưởng nhờ phẩm chất và tài năng chuyên nghiệp của anh chị em.


Back to Radio Veritas Asia Home Page