Tin Tức và Thời Sự
ngày 16 tháng 10/1997

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Trung Quốc đặt điều kiện với Toà Thánh

Trung Quốc đặt điều kiện với Toà Thánh

(AFP 16/10/97) Trung Quốc (Bắc Kinh) - Trong tài liệu mang tên là "Tài Liệu Trắng", do Hội Ðồng Nhà Nước công bố vào thứ năm 16/10/97, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích vai trò của Toà Thánh trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời đưa ra hai điều kiện để bình thường hóa quan hệ hai bên.

Tập tài liệu nói rằng chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cải tiến quan hệ với Toà Thánh, tuy nhiên vấn đề đòi hỏi hai điều kiện căn bản: thứ nhất là Toà Thánh phải từ bỏ Ðài Loan và quay sang thừa nhận Bắc Kinh về mặt ngoại giao; và thứ hai, Toà Thánh không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc qua danh nghĩa tôn giáo. Hai điều kiện này trên thực tế vẫn không có gì gọi là thay đổi so với trước đây.

Tập tài liệu cũng ghi nhận thêm rằng Trung Quốc đã làm một quyết định lịch sử khi tự mình chọn nắm quyền điều khiển chuyện tôn giáo trong nước, vừa trích dẫn một điều khoản trong hiến pháp quốc gia rằng các cơ quan và việc tôn giáo không bị lệ thuộc vào bất cứ một quyền lực ngoại bang nào. Vai trò của Toà Thánh trong lịch sử của Trung Quốc bị lên án với những cáo buộc như, từ khoảng giữ thế kỷ 19 (1840), chủ nghĩa thực dân và tư bản đã dùng đạo Tin Lành và Công Giáo như là những khí cụ để xâm lược Trung Quốc và một số nhà truyền giáo Tây Phương đã đóng một vai trò trong âm mưu này. ToàThánh cũng bị cáo buộc là đã không thừa nhận những vị GM đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo Ái Quốc và hành động này đã làm tổn thương tâm tình của các tín hữu công giáo trong nước.

Theo ước tính, Giáo Hội Ái Quốc, được chính phủ cộng sản thừa nhận, có khoảng 4 triệu tín hữu và 4 ngàn linh mục, trong khi các tổ chức bên ngoài cho rằng số tín hữu thuộc Giáo Hội thầm lặng, trung thành với ÐTC, có khoảng 10 triệu tín hữu (AFP 16/10/97).


Liên quan tới "Tài Liệu Trắng" của Trung Quốc

Cũng liên quan tới "Tài Liệu Trắng" của Trung Quốc

(AFP 16/10/97) Cũng trong tập "Tài Liệu Trắng" công bố vào thứ năm 16/10/97, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã mạnh mẽ bào chữa cho thành tích tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mình, đồng thời lên án các tổ chức dùng danh nghĩa tôn giáo để khích động người dân chống lại nhà nước hoặc có những hoạt động bất chính.

Theo các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, quyền tự do tôn giáo được hiến pháp bảo vệ, tuy nhiên các hoạt động tôn giáo cần phải phù hợp với luật lệ của quốc gia. Các tổ chức tôn giáo và các nơi thờ phượng phải được chính phủ thừa nhận và đứng về phía nhà nước, bởi vì, trên thực tế, luật pháp quốc gia cho phép đảng cộng sản quyền kiểm soát chặt chẽ về mặt chính trị cũng như các tư tưởng luân lý, điều này được áp dụng trong mọi tầng lớp của xã hội. Tập tài liệu khẳng định rằng, tại Trung Quốc không một ai bị trừng phạt vì tín ngưỡng của người đó.

Tất cả những luận điệu trên đây của chính quyền Bắc Kinh đều nhắm một mục đích bào chữa trước những lời cáo buộc ở trong cũng như từ bên ngoài liên quan tới tình trạng đàn áp và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ mà Bắc Kinh đang áp đặt trên các tổ chức tôn giáo và các tín hữu. Tài liệu này được công bố trước ngày chủ tịch nhà nước, ông Giang Trạch Dân, viếng thăm Hoa Kỳ, nơi mà Trung Quốc không ngừng bị lên án vì thành tích bách hại tôn giáo. (AFP 16/10/97).


ÐHY Ratzinger bác bỏ lời đồn đoán về bí mậët thứ ba của Fatima

ÐHY Ratzinger bác bỏ lời đồn đoán về bí mậët thứ ba của Fatima

Vatican - Mới đây, ÐHY Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ Giáo Lý Ðức Tin của Toà thánh đã bác bỏ lời đồn đoán về nội dung bí mật Fatima thứ ba.

(EWTN 16/10/97) Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí "Gazettino Di Venezia" của Ý, ÐHY Ratzinger cải chính quan điểm của LM Rene Laurentin, một chuyên gia về các hiện tượng Ðức Mẹ hiện ra, rằng trong bí mật thứ ba, Ðức Maria tiên đoán về thời điểm bất đồng giáo lý (dissent from catholic doctrine) đối với các giáo điều của công giáo, dẫn đến sự chia rẽ trầm trọng trong giáo hội, và Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 muốn giữ kín bí mật này để tránh gây thêm chia rẽ trong giáo hội. ÐHY Ratzinger kêu gọi các tín hữu đừng nên quan tâm những ý nghĩ giả tưởng này và xác định rằng chỉ có một số ít người biết nội dung của bí mật Fatima thứ ba và dĩ nhiên LM Laurentin không nằm trong số này. Ngài nói như sau: "Có ba vị Giáo Hoàng được tiết lộ về bí mật thứ ba này, nhưng các ngài đều đồng ý rằng chưa tới lúc để công bố bí mật đó. Các vị Giáo Hoàng nầy đã có lý do để quyết định như vậy.

Trong cuộc phỏng vấn khác với một đài phát thanh của Bồ Ðào Nha, vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin ghi nhận như sau: "Ðối với những ai tò mò muốn biết nội dung bí mật thứ ba, tôi có thể đảm bảo là Ðức Maria không hề có ý muốn gây khích động, tạo nỗi lo sợ bằng một cái nhìn khải huyền. Chìa khoá để hiểu được sứ điệp Fatima hệ tại ở lời cầu nguyện và sự thống hối mà Mẹ Maria đã nhắn gửi tới mọi người. Ðức Maria là trung gian dẫn đưa chúng ta tới Con của Mẹ và đây mới là điều trọng yếu. (EWTN 16/10/97).


Căng thẳng trong Giáo Hội tại Nga ảnh hưởng hoạt động đại kết

Căng thẳng trong Giáo Hội tại Nga ảnh hưởng hoạt động đại kết

(EWTN 16/10/'97) Vatican - Trong một bài phỏng vấn được đăng trên tờ Tương Lai (Avenire) của Ý, LM Hilarion Alfeyev, tân chủ tịch Văn Phòng Ðại Kết của Giáo Hội Chính Thống Nga, đã đưa ra một vài nhận định về những khó khăn mà cha đang phải đương đầu trong chức vụ mới này.

Theo LM Hilarion, tâm thức bạo động trong Giáo Hội Chính Thống Nga hiện nay đang trở thành một chướng ngại cho tiến trình đại kết với Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành tại Nga. Thậm chí một số người còn đề nghị Giáo Hội Chính Thống nên từ bỏ các cuộc đối thoại liên tôn và rút ra khỏi Hội Ðồng Kitô Thế Giới. Trả lời cho câu hỏi: thế lực của các thành phần chống đối đại kết trong Giáo Hội Chính Thống Nga mạnh như thế nào, cha Hilarion nói rằng ảnh hưởng của phe này đang ngày một mạnh thêm. Cha giải thích như sau:

"Kể từ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, quyền tự do tôn giáo tại Nga được vãn hồi, đa số dân chúng tại Nga đã bỡ ngỡ trước sự lan tràn của các giáo phái đến từ nước ngoài. Bị kềm kẹp dưới sự cai trị của cộng sản trong suốt 70, họ gần như bị mất đi khái niệm về tôn giáo và gặp khó khăn trong việc phân biệt đức tin Kitô truyền thống với nạn giáo phái (cult). Kết quả là một xu hướng chính trị nhắm giới hạn ảnh hưởng của các nhóm tôn giáo ngoại quốc, để chỉ chừa lại Giáo Hội Chính Thống mà thôi.

Dù là vậy, cha Hilarion vẫn tin rằng, Giáo Hội Chính Thống Nga phải tiếp tục và đào sâu tinh thần đối thoại với Giáo Hội Công Giáo. Với mục tiêu này, cha Hilarion hy vọng sẽ củng cố được mối quan hệ hiện có giữa Giáo Hội Chính Thống Nga với các giáo phận Công Giáo tại Áo, Ðức và miền Bắc Ý. (EWTN 16/10/'97)


Back to Radio Veritas Asia Home Page