Tổng kết
về 19 năm làm Giáo Hoàng của
ÐTC Gioan Phaolô II
ÐTC bổ nhiệm viên chức
trong Giáo Triều
Diễn văn của Quan sát
viên thường trực Tòa Thánh
tại Liên hiệp quốc
ÐTC tiếp chung các đoàn
hành hương tại Quảng trường
Thánh Phêrô
Tổng kết về 19 năm làm Giáo Hoàng của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị
(Tổng hợp VIS 15/10 và AFP, 16/10/1997). Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô Ðệ Nhị đã được bầu lên kế vị thánh Phêrô tại Ngai Tòa Roma, làm vị giáo hoàng thứ 264, vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, lúc mới 58 tuổi. Vì thế, thứ năm hôm qua, 16/10, là ngày kỷ niệm, ÐTC kết thúc 19 năm làm giáo hoàng và bắt đầu năm thứ 20. Trong lịch sử Giáo Hội, trong số 264 vị giáo hoàng, thì đã có 13 vị điều hành Giáo Hội lâu hơn Ðức Gioan Phaolô II. Vị điều hành Giáo Hội lâu nhất, dĩ nhiên là thánh Phêrô tông đồ, vị giáo hoàng đầu tiên. Nếu chúng ta căn cứ vào sử liệu để xác định cuộc tử đạo của thánh Phêrô tại Roma vào khoảng năm 64 đến 67 sau Chúa Giáng Sinh, thì thánh Phêrô đã điều khiển Giáo Hội trong khoảng thời gian từ 34 đến 37 năm. Kế đến là Ðức Giáo Hoàng Piô IX, đã điều khiển Giáo Hội trong vòng 31 năm, 7 tháng, 23 ngày, từ năm 1846 cho đến năm 1878. Ðức Cố Giáo Hoàng Lêô 13, qua đời năm 1903, đã điều khiển Giáo Hội trong vòng 25 năm và 5 tháng. Trong thế kỷ thứ 20 nầy, nếu không kể trường hợp của Ðức Lêô 13, thì Ðức Gioan Phaolô II, là vị Giáo Hoàng điều hành Giáo Hội lâu hơn cả.
Xét trên phương diện con số, thì ÐTC Gioan Phaolô II còn có những thành tích khác nữa, như trong vòng 19 năm làm giáo hoàng vừa qua, Ngài đã thực hiện tổng cộng 208 chuyến viếng thăm mục vụ, trong số nầy có 80 chuyến viếng thăm mục vụ ngoài Italia và 128 chuyến viếng thăm mục vụ trong nước Italia. Ngài đã tôn phong 256 vị thánh và 757 vị Chân Phước (Á Thánh). Về sức khỏe, Ngài đã trải qua 6 lần giải phẩu tại bệnh viện Bách Khoa Gemelli. Sức khỏe hiện nay của ÐTC cho thấy có dấu hiệu giãm sút hơn trước, vì chứng rung tay trái, và đôi khi giọng nói của ngài không còn rõ ràng như trước.Vì bị gảy xương hán bên phải, nên hiện nay, ÐTC Gioan Phaolô II phải dùng gậy giúp ngài di chuyển. Thái độ vui lòng chấp nhận những giới hạn của sức khỏe thể xác nơi ÐTC, rất được mọi tín hữu thông cảm và kính phục. ÐTC không bao giờ mất đi sự vui tính, và ngài vẩn giữ niềm xác tín là vị dẩn đưa Giáo Hội bước vào ngàn năm thứ ba của kỷ nguyên Kitô. ÐTC hy vọng là ngài sẽ được hân hạnh Mở Cửa Năm Thánh 2000. Tháng 11 tới nầy, ÐTC sẽ tham dự những khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu, và vào cuối tháng giêng năm 1998, ÐTC sẽ thực hiện chuyến viếng thăm từ lâu mong ước và có nhiều khó khăn, tại Cuba. Dư luận cũng đang nhắc đến việc ÐTC có thể sẽ triệu tập Công Nghị Hồng Y, để bổ nhiệm những tân hồng y, vì hiện nay những vị hồng y còn quyền bầu giáo hoàng là 109 vị, thay vì 120 vị như luật định.
Trong vòng 19 năm làm Giáo Hoàng, ÐTC Gioan Phaolô II đã có 6 lần triệu tập Công Nghị Hồng Y, và đã phong tước hồng y cho 137 vị. Lần Công Nghị cuối cùng là ngày 26 tháng 11 năm 1994, cách đây 3 năm. Hồng Y Ðoàn hiện nay là 147 vị, trong số nầy đã có 114 vị do ÐTC đặt lên, và chỉ có 109 vị còn trong hạn tuổi có quyền bầu Giáo Hoàng. Trong số hơn 4200 giám mục trên toàn thế giới, thì ÐTC Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm 2,500 giám mục.
ÐTC Gioan Phaolô II đã công bố 12 thông điệp, hơn 10 tông thư, tông huấn và tông hiến. Ngài đã chủ sự 10 khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trong số nầy 5 khóa thông thường (1980, 1983, 1987, 1990, 1995) một khóa ngoại thường vào năm 1985, và bốn khóa đặc biệt 1980, 1991, 1994 và 1995.
Giáo Phận Roma có 325 giáo xứ, và cho tới nay, ÐTC đã đi thăm được 260 giáo xứ. Trong vòng 19 năm qua, ÐTC đã thiết lập thêm liên lạc ngoại giao với 63 quốc gia, và tái lập liên lạc lại với 6 quốc gia.
Năm 1984, ÐTC đã thành lập Học Viện Sahel, để đặc trách việc trợ giúp phát triển cho các quốc gia vùng sa mạc Sahara. Tháng 2 năm 1992, thì Ngài đã thành lập "Quỹ PhátTriển Populorum Progressio" để trợ giúp cho các nhóm thổ dân bên Châu Mỹ Latinh. Ngài cũng đã thành lập Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về sự sống và các Khoa Học Xã Hội, lập Ngày Quốc Tế Bệnh Nhận, Ngày Quốc Tế Ðời Tận Hiến, và Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Tháng 8 vừa qua, ÐTC Gioan Phaolô II đã cử hành ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 12 tại thủ đô Paris. Thánh Lễ bế mạc của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ nầy có hơn một triệu người tham dự. Và ngày Chúa Nhật truyền giáo tới nầy, 19/10, ÐTC sẽ phong tước Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Têrêsa Giêsu Hài Ðồng và Thánh Nhan, một biến cố đặc biệt có ý nghĩa, để kêu gọi mọi tín hữu lưu ý đến Sứ Ðiệp Thiêng Liêng "Con Ðường Nhỏ" của thánh Têrêsa, con đường yêu thương và phó thác vào Thiên Chúa.
ÐTC bổ nhiệm viên chức trong Giáo Triều.
Vatican - 15.10.97 - ÐTC vừa chấp nhận đơn xin từ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng quản trị Quốc gia Thành phố Vatican do ÐHY Rosalio José Castillo Lara đệ lên, vì lý do tuổi tác và đồng thời ngài bổ nhiệm ÐHY Edmund Szoka, hiện là chủ tịch Văn Phòng Kinh tế vụ của Tòa Thánh, thay thế ÐHY Castillo Lara hồi hưu. ÐHY Szoka là người Hoa kỳ, gốc Ba lan, trước đây đã làm TGM giáo phận Detroit (Hoa kỳ) trong 10 năm từ 1981 đến 1990. Detroit là một trong các giáo phận lớn nhất tại Hoa kỳ: gồm 4 triệu rưởi dân, trong đó có một triệu rưởi người công giáo. Ngài được gọi về làm việc tại Vatican từ năm 1990. Nhờ ngài, trong những năm vừa qua, ngân sách của Tòa Thánh không bị thiếu hụt như những năm trước đây.
Roma ngày 15.10.97
P. Trần đoàn Kết, Lm.
Diễn văn của Quan sát viên thường trực Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc.
New York - 15.10.97 - Ðức TGM Renato Martino, quan sát viên thường trực Tòa Thánh cạnh Liên hiệp quốc, vừa đọc diễn văn trước Ủy ban Phát triển con người của Khóa họp khoáng đại thứ 52 của Tổ chức quốc tế này, về những nạn nhân trên thế giới ngày nay. Ngài nói: Thế giới ngày nay xem ra làm mê hoặc chúng ta, nhưng không làm thỏa mãn tinh thần chúng ta. Vẫn còn biết bao nạn nhân của bạo động, của nghèo khổ, của bệnh tật, của kỳ thị vì lý do tuổi tác hay phái tính... với những hậu quả tai hại trên tế bào nền tảng của xã hội, tức gia đình. Ðức TGM nhấn mạnh cách riêng đến những người già cả: mỗi ngày mỗi gia tăng trên thế giới, nhưng sự tôn trọng đối với lớp người này cũng giảm bớt mỗi ngày mỗi nhiều hơn, họ không được lắng nghe và không được đánh giá và ngày nay còn bị khiếp sợ tại những nơi luật cho phép làm cho chết êm dịu đang trở nên phương tiện thay thế cho việc chạy chữa, săn sóc. "Chúng ta đang sống trong một thế giới - lời vị đại diện Tòa Thánh - trong đó tuổi cao không còn là một luật trừ hay một thách đố, mà là một cơ hội thuận tiện lớn lao để phong phú hóa gia đình các quốc gia. Vì lý do này Tòa Thánh dấn thân cổ võ một sự hiểu biết sâu xa hơn về các người già cả và về sự đóng góp của lớp người này còn có thể đem đến cho xã hội."
Quan sát viên Tòa Thánh cũng nhấn mạnh đến thảm kịch giới trẻ do nạn thất nghiệp hoặc do công việc làm không xứng hợp với tuổi và thường bị cưỡng ép xa gia đình, nạn nhân của chất ma túy, thất học, bị loại ngoài lề xã hội...
Nhắc lại lời ÐTC nói mới đây tại Rio de Janeiro, ÐTGM Renato Martino một lần nữa kêu gọi các chính phủ và xã hội hãy ủng hộ cách quyết liệt hơn và hãy cổ võ cách hiệu nghiệm hơn việc thăng tiến gia đình. Rồi ngài nhắc lại dấn thân của Tòa Thánh trong việc đề cao tính cách thánh thiêng của Hôn nhân và vai trò của cha mẹ như những người giáo dục đầu tiên của con cái.
Roma ngày 15.10.97
P. Trần đoàn Kết, Lm.
ÐTC tiếp chung các đoàn hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Vatican - 15.10.97 - Sáng thứ tư vào lúc 10g00, thay vì 9g30 trong Mùa Hè nóng nực, ÐTC tiếp chung các đoàn hành hương gồm khoảng 20 ngàn, đến từ 28 nườc trên thế giới, từ Á châu có Indonesia, Nam Hàn, Philippines, Nhật bản. Nhờ trời tốt đẹp của Mùa Thu, số người dự buổi tiếp kiến vẫn đông đảo. Trong số này các đoàn hành hương nói tiếng Ý, tiếng Ðức, và tiếng Anh chiếm đa số. Nguyên đoàn hành hương Ba lan mà thôi chiếm trên 3 ngàn. Hầu như trong các buổi tiếp kiến chung thứ tư trong tuần, các đoàn hành hương Ba lan vẫn chiếm con số lớn, từ hai tới ba ngàn. Họ tới Roma bằng xe của các hãng du lịch. Có đoàn nghỉ lại một hai ngày, có đoàn lên đường trở về sau buổi tiếp kiến. Việc tổ chức rất chu dáo và lộ phí không quá cao, để tất cả có thể tham đự các cuộc hành hương này. Người dân Ba lan rất mộ mến Vị Giáo Hoàng đồng hương của họ và chắc chắn họ nghĩ ràng: khó có một vị Giáo Hoàng Ba lan khác nữa trong tương lai.
Trong bài nói chuyện hôm nay, ÐTC khai triển về đề tài "Lòng sùng kính Ðức Trinh Nữ rất thánh". Lòng sùng kính này dựa trên quyết định lạ lùng của Thiên Chúa về việc liên kết luôn luôn căn cước nhân loại của Con Thiên Chúa với một người phụ nữ, Ðức Maria thành Nagiaret, như Thánh Phaolô nhắc lại: "Khi sự sung mãn của thời giờ đã tới, Thiên Chúa sai Con Người xuống thế gian sinh bởi một ngươi phụ nữ" (Gal 4,4).
Mầu nhiệm của chức làm Mẹ Thiên Chúa và của sự cộng tác của Ðức Maria vào công việc cứu chuộc gợi lên nơi các tín hữu thuộc mọi thời đại một thái độ ca ngợi đối với Chúa Cứu thế cũng như đối với Ðấng đã sinh ra Người trong thời gian, bằng cách cộng tác vào việc cứu chuộc.
Một lý do khác nữa của lòng kính mến biết ơn đối với Ðức Trinh Nữ do bởi chức làm mẹ chung cả nhân loại. Trong khi chọn Người làm mẹ tất cả nhân loại, Cha trên trời đã muốn mạc khải chiều kích (có thể nói được chiều kích của người mẹ) của tình âu yếm Thiên Chúa và của sự lo lắng của Người đối với loài người thuộc mọi thời đại.
Trên đồi Calvario, với lời "Này là con Bà", "Này là mẹ con" (Gio 19.26-7), Chúa Giêsu đã ban trước Ðức Maria cho tất cả những ai sẽ lãnh nhận Tin Mừng cứu rỗi và như vậy Ngưòi đặt những điều kiện trước tiên của tình yêu mến con cái đối với Ðức Maria. Theo gương Thánh Gioan, các tín hữu Kitô tiếp tục kéo dài, với việc tôn kính, tình yêu của Chúa Kitô đối với Mẹ Người, bằng việc đón nhận Mẹ trong đời sống của mình.
ÐTC nói tiếp: Các bản văn Phúc âm chứng nhận sự hiện diện của việc tôn kính đối với Ðức Maria ngay từ đầu Giáo hội. Việc sùng kính ban đầu được biểu lộ trong việc cầu xin Ðức Maria như "Theotokos" (Mẹ Thiên Chúa), tước hiệu đã được xác nhận bằng quyền bính trong Công đồng Ephêsô năm 431. Từ Công đồng này lòng sùng kính của người dân đối với Ðức Trinh Nữ Maria gia tăng một cách lạ lùng trong việc tôn sùng và trong tình yêu mến, trong việc khẩn cầu và trong việc noi gương (xem LG, 66). Lòng sùng kínhøy biểu lộ cách riêng nơi các lễ phụng vụ, trong các lễ này, từ thế kỷ thứ năm, nổi bật hơn cả là lễ "Theotokos" (kính Mẹ Thiên Chúa), được cử hành tại Giêrusalem vào ngày 15 tháng 8 và sau này dần dần trở thành Lễ Nghỉ yên hay lễ Ðức Mẹ lên trời.
ÐTC kết thúc: Chúng ta có thể nói: lòng sùng kính Ðức Maria phát triển thêm mãi đến thời ta một cách tiếp tục lạ lùng, lúc thì thịnh vượng, khi thì gặp khó khăn, nhưng các thời kỳ này thường đã giúp vào việc canh tân lòng sùng kính đối với Ðức Maria. Sau Công đồng chung Vatican 2, lòng sùng kính Ðức Maria xem ra nhằm đến việc phát triển trong hòa hợp với việc đào sâu Mầu nhiệm Giáo hội và trong việc đối thoại với các nền văn hóa thời đại, để ăn rễ sâu thêm mãi trong đức tin và trong đời sống dân Chúa, lữ hành trên trần gian này, hợp như lời kinh Magnificat "Mọi thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc" ( Lc 1, 48 ).
Sau khi chào thăm một số đoàn hành hương đặc biệt hơn, ÐTC kêu gọi loại trừ các căn cớ của cảnh cùng cực. Ngài nói: Ngày 17 tháng 10 này, cử hành ngày thế giới nhằm loại trừ cảnh cùng cực. Nhân dịp này, tôi lặp lại lời kêu gọi của tôi để mỗi người dấn thân, theo trách nhiệm riêng của mình, loại trừ các căn cớ của cảnh cùng cực. Không được ai được phép lãnh đạm trước những anh chị em bị vết thương của cuộc đời. Với sự tôn trọng và tình yêu thương Giáo hội gần gũi tất cả những ai mà cảnh nghèo khổ làm mất phẩm giá, đời sống gia đình, không cho họ có cơ hội được giáo dục và có công ăn việc làm. Họ là những anh chị em chúng ta mà Chúa Kitô yêu thương với tình âu yếm cách riêng. Họ chờ đợi tình liên đới cụ thể của chúng ta.
Với ba Tu hội các nữ tu Thánh Dorothea, Nử tử của Lòng thương xót Dòng Ba Thánh Phanxicô và Nữ Tu Thánh gia Nagiaret, đến Roma họp Tổng công hội, ÐTC khuyên như sau: Tổng công hội là một thời gian quan trọng cho đời sống Tu hội của các con. Xin Chúa soi sáng trong việc chấp nhận những quyết định nhằm giúp đỡ các cộng đồng của các con đáp lại với sự trung thành và quảng đại thêm mãi tiếng gọi Thiên Chúa để mưu ích cho Giáo hội và cho thế giới. Trong khi cha gửi lời cầu chúc cho những ai trong các con sẽ được gọi hướng dẫn Tu hội của các con trong những năm tới đây, Cha bảo đảm với mỗi một người trong các con và với chị em cùng Dòng của các con việc nhớ luôn mãi trong lời cầu nguyện.
Roma ngày 15.10.97
P. Trần đoàn Kết, Lm.