Mặc dù chúng tôi có một bản đúc kết các câu trả lời của các giáo phận Việt Nam cho bản câu hỏi ở phần cuối của "Lineamenta", tuy nhiên chúng tôi cũng xin đóng góp thêm một số ý kiến. Chúng tôi biết rằng theo sự hướng dẫn của Hồng Y J. P. Schotte trong lời tựa (Preface) của Lineamenta, bản câu hỏi ấy là nền tảng cho các câu trả lời, tuy nhiên những nhận định nêu ra đây về bản văn Lineamenta nhằm đóng góp cho việc soạn thảo Instrumentum laboris.
Bản Lineamenta hàm chứa rất nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên chúng tôi có cảm tưởng bản văn muốn nói thật đầy đủ về vấn đề loan báo Tin Mừng ở Châu Á nên bản văn xem ra rườm rà, độc giả không thấy cái gì là chính, cái gì là phụ.
Sau đây chúng tôi xin nêu ra một số nhận định về bản văn, sau đó một số đề nghị liên quan đến bố cục và nội dung.
1. Bản văn ít quan tâm đến những suy nghĩ của Liên Hội Ðồng các Giám Mục Á Châu (FABC) trong 25 năm qua, đã được trình bày trong các văn kiện của hội nghị.
2. Bản văn có giọng điệu hơi trịch thượng (paternaliste) đối với các dân tộc Á Châu, khi trình bày Giáo Hội như kẻ ban phát Chúa Kitô cho Châu Á (ví dụ: kiểu nói: "Jesus Christ ; le don de l'Eglise à l'Asie", số 24), hay tự đồng hóa mình hoàn toàn với Vương Quốc của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu... ("L'Eglise a sur terre, une double mission: être le royaume de Dieu comme l'était Jesus..."); "Sứ mạng của Giáo Hội là Vương Quốc của Thiên Chúa, x. số 26..." ("Sa mision est d'être le royaume"); Giáo Hội thường được gọi là Vương Quốc của Thiên Chúa, nghĩa là Triều Ðại của Thiên Chúa, x. số 29 (l'Eglise est souvent appelée aussi le royaume de Dieu, c.a.d. le régne de Dieu).
3. Bản văn còn cho thấy một nỗi lo sợ quá đáng là nhiều người sẽ đi xa lạc đức tin của Giáo Hội, khi nhấn mạnh quá nhiều tới tính duy nhất của Ðức Kitô Cứu Thế (x. số 23), tới sự cần thiết của Giáo Hội (x. số 26). Phải chăng có nỗi lo sợ rằng các tôn giáo Á Châu làm giảm thiểu cương vị ưu đẳng của Ðức Kitô Cứu Thế? Phải chăng có nỗi lo sợ rằng người ta sẽ xem Giáo Hội không cần thiết để được cứu rỗi?
4. Nhiều số trong bản văn xem ra rườm rà và không cần thiết:
Tài liệu làm việc chỉ mang tính cách mục vụ và thần học, chứ không nên trở thành một bài nghiên cứu lịch sử. Vì thế phần lịch sử chỉ nên nhắc thoáng qua. Những số sau đây xem ra không cần:
* Cả chương II, nhất là:
- số 13: gợi lại những biến cố lịch sử của một số Giáo Hội địa phương.
- số 14: đề cao công lao của Bộ Truyền Bá Ðức Tin, của các Giáo Hoàng và các hội truyền giáo.
- số 15: Gợi lại các đại hội Thánh Thể, các cuộc viếng thăm của các Ðức Giáo Hoàng...
* Cả chương V (số 26-29)
Việc Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu là điều hiển nhiên: Công đồng Vatican II và Thông Ðiệp "Redemptoris Missio" đã nói nhiều rồi, không cần nhắc lại dài dòng ở đây.
Ðàng khác chương V nầy làm cho độc giả có cảm tưởng rằng đối tượng của Tin Mừng là chính Giáo Hội hơn là Ðức Kitô, ví dụ những câu nói như "Giáo Hội là hệ quả cần thiết đối với sứ mạng của Chúa Con... (L'Eglise est le corollaire nécessaire à la mission du Fils...) "Giáo hội không cần phải là điều phụ thuộc đối với sứ mạng của các Ngài... (Elle n'est, en aucune facon, un appendice à leur mission...) "Giáo Hội là hậu quả cần thiết và chính yếu của sứ mạng cứu độ thần linh", x. số 26 (L'Eglise est la conséquence nécessaire et essentielle de la divine mission salvifique).
Chúng tôi đề nghị nên tập trung suy tư vào ba phần chính:
A. Bối cảnh Châu Á.
B. Kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa.
C. Ðường hướng mục vụ
cụ thể.
Về phần A:
Ghi lại chương I (những thực tại của Châu Á), tuy nhiên nên làm nổi bật các sự kiện sau đây:
1. Ðại đa số dân Châu Á sống trong hoàn cảnh nghèo đói, còn lạc hậu, còn mang nặng nhiều hậu quả của chế độ thuộc địa.
2. Lục địa Châu Á so với các lục địa khác là một lục địa có nhiều người trẻ (60%), và nhiều phụ nữ chưa được thăng tiến đúng mức.
3. Người Châu Á đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tôn giáo đã có từ lâu đời, nên tỏ ra khá dị ứng với Kitô giáo, bị coi là một tôn giáo của Tây Phương.
4. Việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tuy rất cần thiết, đã bắt đầu kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực cho đời sống tinh thần.
Về phần B:
Chiều hướng mục vụ cụ thể:
1. Ðề nghị khai triển và đào sâu số 33 (những hướng rao giảng Tin Mừng), đặc biệt nhấn mạnh hơn nữa việc đối thoại với các tôn giáo. Người loan báo Tin Mừng phải biết nhận ra và tiếp thu các giá trị tích cực trong các tôn giáo và nền văn hóa khi giới thiệu các giá trị của Tin Mừng. Hơn nữa các giá trị tích cực ấy có thể giúp đào sâu Tin Mừng và khám phá thêm các chiều kích của Tin Mừng.
2. Ðứng trước các tôn giáo khác, người loan báo Tin Mừng phải có thái độ rất khiêm tốn, noi gương Ðức Giêsu Kitô trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari (Ga 4): xin nước trước, để rồi sau đó có thể giới thiệu một thứ nước khác.
Từ ý tưởng "qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã đến viếng thăm Dân Người". Ta nên quan niệm người loan báo Tin Mừng như một kẻ được Thiên Chúa sai đi để bày tỏ tình yêu của người bằng cách phục vụ anh chị em mình như Ðức Giêsu, chứ không phải để chinh phục.
3. Giới thiệu Giáo Hội như một gia đình của Thiên Chúa: trong đó Thiên Chúa là Cha, Ðức Giêsu là Trưởng Tử và mọi người là anh em của nhau nhờ được liên kết với người. Nên hiểu tiếng "hiệp thông" (koinonia) như tình nghĩa gia đình.
4. Cần nhấn mạnh hơn nữa đến giá trị của đời sống chiêm niệm. Ðặc biệt sự hiện diện của các đan viện có một ảnh hưởng rất lớn, vì phù hợp với tâm thức tôn giáo người Á Ðông, vốn khao khát đi sâu vào huyền nhiệm của Tuyệt Ðối.
5. Vì Á Châu là một lục địa đông đảo dân chúng và nhất là giới trẻ, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến mục vụ gia đình và mục vụ giới trẻ.
6. Cần giúp giáo dân ý thức hơn nữa về ơn gọi và vai trò, đồng thời trao cho họ nhiều trách nhiệm hơn nữa trong đời sống của Giáo Hội và trong việc loan báo Tin Mừng, như đã từng thấy trong lịch sử các Giáo Hội Á Châu. Ðặc biệt cần đề cao và thăng tiến người phụ nữ nhiều hơn nữa.
7. Trong việc đào tạo các linh mục, nên ngăn ngừa xu hướng giáo sĩ trị (cléricalisme) được gia trọng bởi nảo trạng phong kiến cố hữu của nền văn hóa Á Châu.
8. Trong lãnh vực huấn giáo (catechèse), chúng ta nên dùng ngôn ngữ và hình ảnh của Á Châu để trình bày nội dung đức tin.
9. Cần khuyến khích và nâng đỡ việc suy tư thần học tại các Giáo Hội địa phương nhằm tiến tới một nền Thần Học Á Châu.