Thượng HÐGM Á Châu:
Văn Kiện Làm Việc
(Instrumentum Laboris)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu: Văn Kiện Làm Việc (Instrumentum Laboris)

Phần nhập đề

1. Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu là giây phút ân sủng cho Giáo Hội.

Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đến vào thời điểm hết sức quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội phổ quát cũng như của Giáo Hội tại Á Châu. Giáo Hội phổ quát đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc cử hành Ðại Năm Thánh 2000, vào lúc bước qua ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba. Liên kết với Giáo Hội phổ quát trong cái nhìn về phía trước như như vậy, Giáo Hội tại Á Châu cũng nhìn lui về quá khứ, về hơn hai ngàn năm của lịch sử GH tại Á Châu, vừa cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân cứu rỗi và trong niềm hy vọng vui tươi khi Giáo Hội đi vào tương lai hướng đến Chúa mình là Chúa Giêsu Kitô.

Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục được cử hành vào thời điểm 30 năm sau Công Ðồng Vatican II. Trong thời gian 30 năm nay, và trong sự liên kết với toàn thể Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội tại Á Châu đã cố gắng lĩnh hội và sống giáo hội học của Công Ðồng Vatican II, một giáo hội học của sự hiệp thông trong Chúa Giêsu Kitô. Ðể cũng cố mối giây hiệp thông giữa các giám mục và cổ võ mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội, các Hội Ðồng Giám Mục và những Công Nghị của các Giáo Hội theo nghi thức Ðông Phương đã cho thấy là những cơ cấu tốt và có kết quả cho Giáo Hội tại Á Châu. Cũng vậy, việc thành lập Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) đã chứng tỏ là một trợ giúp hữu ích cho các giám mục thành viên của vùng Trung và Ðông Nam Á Châu, để đương đầu với những quan tâm mục vụ hổ tương của các ngài.

Hơn nữa, tiến theo Giáo Hội Học của Công Ðồng Vatican II, Giáo Hội tại Á Châu đã tìm gia tăng sự hiệp thông giữa các thành viên cũng như cố gắng trở thành phương tiện để thể hiện sự hiệp thông với những giáo hội Kitô khác, và với những tín đồ của các truyền thống tôn giáo và văn hoá khác. Ðể thực hiện mục tiêu nầy, Giáo Hội đã bắt đầu thực hiện nhiều sinh hoạt mới tại Á Châu.

Trong phần đất phía Tây của đại lục Á Châu, Giáo Hội và chứng tá của các thành phần giáo hội, đã có mặt gần 2000 năm. Nhiều truyền thống chủ trương rằng ngay từ khởi đầu của Kitô giáo tại phần đất nầy của Á Châu, nhiều vị tông đồ đã từ đây ra đi rao giảng tin mừng cho các vùng khác của Á Châu. Trong những thế kỷ kế tiếp, những đồ đệ (của các tông đồ) đã ra đi trong tinh thần truyền gíao đích thực, để rao giảng Phúc Âm tại những vùng đất xa xôi. Chẳng hạn, có những dấu vết tại Trung Quốc làm chứng cho sự hiện diện của Cộng Ðoàn Kitô tại đây vào thế kỷ thứ 7. Còn tại những vùng khác của Á Châu, thì Khóa Họp đặc biệt cho Á Châu nầy, được cử hành, chỉ sau năm thế kỷ rao giảng Tin Mùng.

2. Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu là Giây Phút ân sũng cho Á Châu

Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu còn là giây phút ân sủng cho dân chúng Á Châu. Trong 50 năm qua, nhiều đất nước tại Á Châu đã giành lại được độc lập. Một Á Châu tân tiến và tin tưởng hơn vào chính mình đang xuất hiện cùng với những nền văn hóa lâu đời, các nền triết học và những truyền thống tôn giáo. Thế kỷ thứ 21 và Ngàn năm thứ ba sẽ cống hiến những thách thức mới và những cơ may cho các dân tộc Á Châu, trong công việc xây dựng vận mệnh riêng của mình và trong việc xác định chổ đứng riêng trên trường quốc tế.

Khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, như thế, đến vào lúc quyết định trong lịch sử của Ðại Lục Á Châu, đúng theo ý định của ÐTC Gioan Phaolô Ðệ Nhị, như được diễn tả trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba đang đến (Tertio Millennio adveniente),và trong bài khai diễn dài về đề tài nầy dịp khóa họp khoáng đại của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC) váo tháng Giêng năm 1995, trong chuyến viếng thăm của ngài tại (Manila) Á Châu để cử hành ngày Quốc Tế Giới Trẻ (năm 1995).

3. Chủ đề của Thượng Hội Ðồng Giám Mục

Chủ đề được ÐTC chọn cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục là "Chúa Giêsu Kitô Ðấng cứu độ và Sứ Mạng Yêu Thương và Phục Vụ của Ngài tại Á Châu: "để họ được sống và sống dồi dào" (Gn 10,10); đây là chủ đề thích hợp nhất cho Á Châu, nhất là trong khung cảnh của sự đa diện về tôn giáo và văn hóa tại Á Châu, cũng như sự khác biệt về những hoàn cảnh chính trị, xã hội và kinh tế. Sự đa diện và khác biệt nầy là vùng đất phì nhiêu cho sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô Ðấng cứu độ và là cơ may cho những sáng kiến của Giáo Hội để chứng minh tình thương của Chúa đối với các dân tộc Á Châu, qua những hành động khác nhau của việc phục vụ đầy yêu thương nhằm thể hiện Tin Mừng của Chúa về Sự Sống.

Giáo Hội được khai sinh như là kết quả của hành động cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, trong mầu nhiệm khổ nạn, chết và sống lại của Chúa. Ðức Tin của Giáo Hội vào Chúa Giêsu Kitô Ðấng Cứu Ðộ của trần gian, là trung tâm của đức tin của Giáo Hội, và có sức quyết định cho sứ mạng của Giáo Hội mang hồng ân sự sống đời đời đến cho tất cả mọi người. Giáo Hội xác tín rằng trong Chúa Kitô, tất cả mọi dân tộc, kể cả những dân tộc Á Châu, có thể sống như là những anh chị em với nhau trong một đại gia đình của Thiên Chúa, trong sự tự do đích thực và trong sự mới mẽ của đời sống. "Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nổi trao ban Con Một mình cho thế gian, ngỏ hầu bất cứ ai tin vào Con Một nầy, thì sẽ không phải hư mất, nhưng được sống đời đời" (Gn 3,16). Sứ mạng của Chúa Giêsu là trao ban sự sống sung mãn cho tất cả mọi người, một cách đặc biệt cho những ai sống trong những hoàn cảnh trong đó cuộc sống của họ bị đe dọa bởi tội lỗi, sự dữ, sự ích kỷ, sự bất công và sự khai thác. Trong mọi cảnh sống của con người, Chúa Giêsu muốn đến mang lấy gánh nặng của cuộc sống đó. Sứ mạng của Chúa có liên hệ đến sự sống của Thánh Thần, hồng ân sự sống đời đời: "Thật vậy, như Thiên Chúa Cha nâng dậy kẻ chết và trao ban sự sống, thì cũng thế Chúa Con trao ban sự sống cho bất cứ ai Nguời muốn. Ta nói thật cho ông biết, giờ sắp đến, và thật ra đã đến, khi những nguời chết nghe được tiếng nói của Con Thiên Chúa, và những ai lắng nghe tiếng nói đó, thì được sống" (Gn 5,21.25).

4. Sứù Mạng Yêu Thương và Phục vụ cho Sự sống tại Á Châu

Các Phúc Âm làm chứng rằng Chúa Giêsu đã trao ban mạng sống qua những hành động của tình thương và phục vụ, nhân danh cho tất cả. Tình thương và việc phục vụ mang lấy những hình thức đặc biệt tại Á Châu. Chúng có nghĩa là một sự kính trọng đích thật đối với mọi dân tộc Á Châu, biết đánh giá cao bản tính tôn giáo sâu xa cũng như đánh giá cao nhiều nền văn hóa của các dân tộc Á Châu. Tình yêu thương đó được thể hiện trong hành động, nhờ qua những hình thức khác nhau của việc phục vụ cho những dân tộc tại Á Châu, đặc biệt là phục vụ những người nghèo và những ai cần trợ giúp, ngỏ hầu tất cả có thể chia sẻ sự sống sung mãn mà Chúa Giêsu đã đến để trao ban cho con người. Sứ mạng của Chúa Giêsu là sứ mạng mang đến cho tất cả đang sống trong bất cứ hình thức nô lệ nào, (mang đến) sự tự do sáng chói của những con cái của Thiên Chúa.

Ðó cũng là sứ mạng của Giáo Hội, khi Giáo Hội cố gắng canh tân chính mình qua việc cử hành Năm Thánh của Ơn Cứu Chuộc trong Chúa Giêsu Kitô, cũng như khi Giáo Hội chuẩn bị bước vào Ngàn Năm Thứ Ba. Sứ mạng ngày nay của Giáo Hội tại Á Châu là sứ mạng phục vụ cho sự sống, đặc biệt là sự sống của những ai đang phải đau khổ vì những hậu quả của tội lỗi và sự bất công.

5. Cuộc hành trình của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu

Giáo Hội tại Á Châu giờ đây đang dấn bước trong cuộc hành trình chung (của Thượng Hội Ðồng Giáo Mục), một cuộc hành trình được mong ước như là cuộc hành trình dẫn đến sự canh tân nội tâm và làm trẻ trung lại sự dấn thân rao giảng sứ điệp cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, nhờ qua công cuộc tái rao giảng Phúc Âm. Trung thành với ý nghĩa theo nguyên ngữ của từ ngữ bằng tiếng Hylạp là Syn-odos, có nghĩa là "Ðồng Hành", "cùng đi chung với nhau", khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu nầy được thực hiện trong sự đồng hành với Chúa Giêsu Kitô, trong sự hiệp thông với tất cả giáo hội địa phương tại Á Châu và cùng với Giáo Hội toàn cầu, và trong tinh thần hiệp nhất không phải chỉ với các giáo hội Kitô và với các cộng đoàn Kitô mà thôi, nhưng còn với những tín đồ của các tôn giáo vĩ đại và của các truyền thống tôn giáo tại Á Châu.

Dọc theo cuộc đồng hành nầy, Giáo Hội Công Giáo muốn nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Ðấng mạc khải Chúa Giêsu Kitô trong những thực tại Á Châu. Giáo Hội muốn nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, qua việc khiêm tốn chia sẻ những kinh nghiệm sống của các dân tộc Á Châu và qua việc phục vụ cho tất cả mọi người. Giáo Hội Công Giáo tại Á Châu cố gắng thực hiện điều nầy, không phải như người khách lạ trong một khung cảnh xa lạ trên bình diện văn hóa, cơ cấu tổ chức và sinh hoạt phụng tự, nhưng nhờ qua những phương tiện của những nền văn hóa Á Châu, vừa chấp nhận "những niềm vui và hy vọng, những đau khổ và lo âu" của dân chúng tại Á châu, như là những niềm vui và hy vọng, những đau khổ và lo âu của chính mình.


Thượng HÐGM Á Châu:
Phần Kết Luận của Văn Kiện Làm Việc
(Instrumentum Laboris)

Bài II: Phần kết luận của Tài Liệu Làm Việc.

Sau khi đã đọc qua phần Nhập đề của Tài Liệu Làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau đọc qua phần kết luận, để nhìn thấy nơi đó những nguyện ước, những mục tiêu mà Khóa Họp đặc biệt sắp tới của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu muốn đề ra cho Giáo Hội Công Giáo Á Châu. Chúng ta có thể chú ý đến tư tưởng về việc canh tân tinh thần, canh tân đời sống cầu nguyện nơi mọi thành phần dân Chúa, để có thể trở nên hữu hiệu hơn trong công việc rao giảng tin mừng. Phần kết luận của tài liệu làm việc (instrumentum laboris) cũng nhằc rằng công việc rao giảng tin mừng không dừng lại ở công tác phát triển nhân bản, cỗ võ đối thoại và hội nhập văn hóa. Rao Giảng Tin Mừng bao gồm việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô. Lời rao giảng nầy dẫn đưa đến việc trở lại, lãnh nhận bí tích Rửa Tội và gia nhập cộng đoàn giáo hội. Ðây không phải là điều gì mới mẽ, nhưng thỉnh thoảng chúng ta cần nghe lại, để được cũng cố trong niềm xác tín của mình. Ðây chúng ta hãy cùng nhau đọc Phần Kết Luận của Văn Kiện Làm Việc.

55. Kết Luận.

Trong lúc Giáo Hội công giáo tại Á Châu tiến gần đến Ngàn Năm Thứ Ba của sự hiện diện của mình tại đại lục, cũng như vào lúc Giáo Hội cố gắng dấn thân lại để tiếp tục sứ mạng công bố ơn cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô, thì Giáo Hội muốn canh tân chính mình theo ánh sáng của Công Ðồng Vatican II và theo Quyền Giáo Huấn đã được phát triển từ công đồng Vatican II đến nay. Thực hiện công việc nầy đòi buộc những thành phần của Giáo Hội biết khám phá lại ơn gọi của mình sống hiệp thông bên trong giáo hội, và dấn thân lại để chu toàn sứ mạng yêu thương và phục vụ của mình tại Á Châu. Trước ngưỡng cửa của Ngàn Năm Thứ Ba, Giáo Hội cũng đang đứng trước ngưởng cửa của việc rao giảng Tin Mừng mới: mới trong cách thức thực hiện, mới trong những diễn tả thần học, mới trong những phương pháp được xử dụng, và mới trong việc hiểu biết những tôn giáo khác.

Nhiều câu trả lời ghi nhận rằng một ý thức mới về Giáo Hội tại Á Châu đang xuất hiện từ việc đọc lại và hiểu biết Phúc Âm, từ việc đọc và phân biệt về lịch sử của sứ mạng của Giáo Hội từ hai ngàn năm qua, từ suy tư đầy tinh thần cầu nguyện về những kinh nghiệm khác nhau mà Giáo Hội đang trải qua trên đại lục Á Châu nầy. Tuy nhiên, trước hết, ý thức được canh tân về Giáo Hội và về sứ mạng của Giáo Hội sẽ phát sinh từ việc chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô Ðấng Cứu Thế (x. DT 12,2), và từ việc làm cho Chúa Kitô được hiện diện giữa các dân tộc Á Châu và trong bối cảnh văn hóa của họ váo giai đoạn hôm nay, và như thế mang sự canh tân vào bên trong Giáo Hội tại Á Châu, để đón chào Ngàn Năm Thứ Ba.

Ðể giúp thực hiện đề nghị trên, ÐTC đã triệu tập Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, ngỏ hầu các giám mục có thể suy tư chung với nhau về những kinh nghiệm mục vụ tại đại lục Á châu nầy, và trong tinh thần đoàn thể tính (collêgialitè) có thể trợ giúp cho ÐTC, ngỏ hầu giáo hội có thể chia sẻ, trong khiêm tốn, trong đối thoại và trong việc phục vụ, chia sẻ những sự phong phú vô cùng của Chúa Kitô với tất cả các dân tộc tại Á Châu, "ngỏ hầu họ được sống và sống dồi dào" (Gn 10,10).

Nền tảng của sự canh tân nầy là một sự trở lại hoàn toàn của tinh thần và con tim của mọi thành phần của Giáo Hội về cùng Chúa Giêsu Kitô và về với những giá trị của Tin Mừng. "Ðối với giáo hội và sứ mạng của giáo hội tại Á Châu, trong đó các dân tộc có nhiều truyền thống tôn giáo sâu xa, thì việc cầu nguyện phải là như "giòng sông mang đến sự sống". Việc cầu nguyện là hết sức cần thiết, nếu đời sống của Chúa Kitô được nhập thể vào trong sự tham dự của người Kitô vào trong sự giải phóng và phát triển. Ðời sống nội tâm của việc cầu nguyện làm cho Giáo Hội trở thành một cộng đoàn đức tin có uy tín đáng tin cậy, một cộng đoàn được ăn rễ sâu trong đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, và thật sự hướng đến việc xây dựng một tương lai hoàn toàn nhân bản cho các dân tộc Á Châu. Chỉ có tinh thần tu đức mới, mới làm cho Giáo Hội tại Á Châu có được một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, nhờ qua Chúa Thánh Thần.

Bởi vì Giáo Hội tin rằng chỉ trong Chúa Giêsu Kitô, một người mới có thể tìm gặp những trả lời cho khát vọng cuối cùng hướng về sự sống sung mãn, (vì tin như vậy), mà sự hiểu biết của giáo hội về công cuộc rao giảng phúc âm, không bị giới hạn vào việc cổ võ phát triển nhân bản, cổ võ đối thoại và hội nhập văn hóa. Công việc rao giảng phúc âm còn bao gồm việc rao giảng khởi đầu về Chúa Giêsu Kitô như là Ðấng Cứu Chuộc, và lời rao giảng nầy dẫn đến sự ăn năn trở lại, đến việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội và gia nhập vào cộng đoàn (x. Gioan Phaolô II, thông điệp Redemptoris Missio, số 44-58).

Khi chu toàn trách vụ của mình, các giám mục Á Châu có thể được khuyến khích bởi sứ điệp của Ðức Gioan Phaolô II, gởi cho các giám mục Á Châu, trong Phiên Họp Khoáng Ðại của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu tại Bandung (23-6-1990, số 4) như sau: "Vào lúc sắp đến gần Ngàn Năm thứ ba của kỷ nguyên Kitô, một sự dấn thân mạnh mẽ hơn cho công việc rao giảng Phúc Âm là một mệnh lệnh cho mọi giáo hội địa phương tại Á Châu; những cộng đoàn giáo hội địa phương nầy, mặc dù là cộng đoàn nhỏ, nhưng đã chứng tỏ cho thấý sức sinh động mạnh mẽ trong việc làm chứng cho Phúc Âm. Thách thức đặc biệt của những cộng đoàn Giáo Hội địa phương Á Châu là công bố Tin Mừng, tại nơi các tôn giáo và các nền văn hóa gặp gỡ, tại chính nơi giao thoa của những năng động kinh tế, chính trị, và xã hội, trong thế giới ngày nay".


Back to Radio Veritas Asia Home Page