Hạt giống Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô đã đến với Việt Nam từ bốn thế kỷ. Nhưng trước đó cả ngàn năm, trên vùng đất này, đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và một loại Tín Ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó.
Vì vậy khi Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô được loan báo cho người Việt Nam, không khỏi xảy ra những va chạm - có khi đến mâu thuẫn - giữa cái cổ truyền với cái mới lạ, giữa cái được gọi là "quốc hồn quốc túy" với cái bị xem là ngoại lai. Ðối với người Kitô giáo, cái mới đã làm đảo lộn nền luân lý và đời sống tâm linh của cá nhân cũng như cơ cấu và lề thói của xã hội, gây nhiều khó khăn cho việc chung sống với đa số đồng bào của mình.
Việc loan báo Tin Mừng chịu nhiều yếu tố của những thực tại trên chi phối, làm cho gương mặt Ðức Giêsu khi tỏ khi mờ trong cái nhìn của người ngoài Kitô giáo và cả trong tâm thức của người tín hữu Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có khi tưởng như hạt giống Tin Mừng sắp chết khô, thì cũng có thời được thấy "cây đức tin" sinh nhiều hoa trái.
Sau đây, từ những bài báo cáo nhận được, chúng tôi rút ra vài kết luận xin được đem chia sẻ như những kinh nghiệm có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử truyền giáo trên đất nước Việt Nam; từ đó chúng tôi sẽ đưa ra quan điểm mà chúng tôi xét là cần được lưu tâm; sau cùng chúng tôi nói lên những ước vọng của chúng tôi, ước vọng của những người đã được phúc lành nhận Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, và mong được hết tình phục vụ Lời Chúa và Giáo Hội của Người một cách hữu hiệu.
Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và nhất là Ðạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Thật vậy, lòng hiếu khách và bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, người Việt Nam là một mãnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin Mừng.
Hơn nữa, tình trạng nghèo đói khốn khổ triền miên của dân tộc đã tạo nên một khoảng trống mà họ chờ mong được lấp đầy. Nhờ các nhà truyền giáo, họ đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất - dù rất khiêm tốn - những nhân vật thánh thiêng đầy nhân ái v.v... khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình dân, sẵn sàng đón nhận giáo lý mà những người tốt lành như vậy mang đến cho họ. Ðàng khác, những tập tục phi lý và phi nhân (bùa mê, sát tế) làm nên một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ: do đó, khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.
Thoạt nhìn bên ngoài, tưởng chừng tất cả mọi hoa trái thu vào đều tốt đẹp, nhưng qua một thời gian, mới thấy có những hoa trái bị đục khoét từ bên trong. Khi xét lại có thể nhìn nhận rằng chính những ưu điểm của con người Việt Nam đã làm cho người ngoài ngộ nhận.
Tính dễ dãi đã tạo thuận lợi cho việc tiếp xúc thuở ban đầu: phong cách lễ nghĩa đưa đến việc lầm tưởng người nghe đã đầu phục những chân lý được nêu lên. Thật ra, việc nhập đạo nhiều khi chỉ ở cấp độ lễ nghĩa, tình hàng xóm, "bánh ích đi bánh quy lại". Nhiều trường hợp chỉ do khi lập gia đình với người công giáo, họ đã nhượng bộ những yêu sách của Giáo Luật.
Nói một số khác, một đời sống sung túc hơn làm cho họ cảm thấy không cần đến với đạo nữa. Những phong trào sôi nỗi, những mời gọi của xã hội hiện thời hấp dẫn hơn, đẩy họ xa rời môi trường nhà thờ và những biểu hiện bên ngoài còn ít oi của văn hóa Kitô giáo.
Bối cảnh Việt Nam hiện nay đầy biến động. Những bất ổn do hậu quả chiến tranh gây nên là yếu tố nổi bật. Thế hệ hậu chiến tranh - chiếm 80% dân số - mang nặng một não trạng kế thừa của gia đình đã trải qua thời chiến, cộng với những thèm khát được bù trừ trong hiện tại. Hiện tại hậu chiến tranh nầy lại đang ở thời kỳ mở cửa về mặt kinh tế, nên chịu ảnh hưởng vô số những yếu tố có tính cách phá hoại nếp sống gia đình và đời sống đức tin.
Sau biến cố năm 1975, Nhà Nước Việt Nam đã đưa ra những giới hạn đối với sinh hoạt tôn giáo: hoạt động các hội đoàn, việc huấn giáo, thậm chí công tác mục vụ của các vị chủ chăn mọi cấp; các phương tiện truyền thông xã hội để trở thành độc quyền của Nhà Nước; các cơ sở giáo dục, y tế, v.v... trước đây của Giáo Hội không còn nữa, khiến việc loan báo Tin Mừng như mất hết các phương tiện vật chất.
Công tác huấn giáo bắt đầu vào việc tiếp cận con người. Thời gian qua cho thấy người Á Ðông khó tiếp thu ngôn ngữ của giáo lý Kitô giáo.
Họ vốn có một di sản tâm linh sâu sắc, thường cảm thấy bị xúc phạm bởi những câu như: "chỉ có một Ðấng Cứu Ðộ duy nhất là Ðức Kitô", "Phúc Âm hóa các dân tộc", "phải rửa tội mới được lên Thiên Ðàng". Những kiểu nói đó như không kể gì tới giá trị ngàn đời của tôn giáo họ đã quen theo. Một số biểu tượng trong phục vụ công giáo đối nghịch với những quan niệm của người Á Ðông. Quan niệm trung dung của người Á Ðông bị dội khi họ phải học một vài tín điều qua những lối nói cứng ngắt có vẻ trịch thượng (tính vô ngộ của Ðức Giáo Hoàng, độc thần chẳng hạn).
Trong khi thuyết giảng với ngôn ngữ như thế, một số linh mục, tu sĩ, lại theo lối sống gần với người Tây Phương hơn là với đồng bào, và vì có mức học vấn cao nên họ thường tỏ ra tự tin, có khi tự mãn. Nhà thờ thường xây theo kiến trúc Tây Phương, một số các ảnh tượng đã được thực hiện theo hình dáng Việt Nam, nhưng chưa có gì là sâu sắc. Trong phụng tự, việc hội nhập văn hóa tuy đã có vài sáng tác (như các ngày Tết dân tộc, lễ Trung Thu), nhưng cho đến nay mới còn ở mặt ngoài. Ở đôi nơi, mặt ngoài nầy lại không thích hợp (dâng hoa rườm rà, dù lọng... nhắc nhớ những nghi lễ phong kiến hơn là đưa vào thái độ phụng thờ thâm sâu). Sống theo chiều hướng nầy, người dạy đạo dần dần xa cách lớp người học đạo, và làm cho những người nầy có cảm tưởng Kitô giáo chỉ là một tôn giáo ngoại lai.
Bên cạnh những khiếm khuyết về mặt tiếp cận với người Á Ðông như nói trên, còn có một mâu thuẫn nội tại. Một đàng, Giáo Hội như bung ra một cách rầm rộ (nhất là trước năm 1975 và sau thời kỳ mở cửa); xây cất, thu cho mình tối đa những phương tiện vật chất - nhà thờ, đền đài, xe cộ, máy móc hiện đại; đàng khác, trình độ giáo lý của người làm công tác loan báo Tin Mừng hãy còn thấp kém, việc đào tạo huấn luyện dậm chân tại chỗ, còn rất nhiều thiếu sót. Tình trạng nầy không những gặp thấy ở các giáo lý viên tại các giáo xứ (chỉ là người thiện chí dâng công cho công tác tông đồ), mà ngay cả ở cấp chủng viện, tập viện của một số đông dòng tu. May thay các người phụ trách lãnh vực nầy ý thức khiếm khuyết đó: tất cả các giáo phận đều thấy cần đưa vào chương trình huấn luyện môn truyền giáo học.
Những phương tiện lớn lao như xây dựng cơ sở vật chất, tổ chưc sinh hoạt có tính cách tập trung đông đảo, tức là những gì tỏ ra quyền lực sức mạnh quần chúng, thì bị giới hạn tối đa. Nhưng những công việc có vẻ sơ đẳng, âm thầm, như giúp trẻ khuyết tật, người phong cùi, người nghèo ở những vùng xa xôi hẻo lánh không được ai quan tâm, thì người công giáo và nhất là các nữ tu được mời gọi tham gia. Sự hiện diện âm thầm với những phương tiện nhỏ bé, nghèo nàn, dễ được mọi người chấp nhận. Như vậy Giáo Hội trở lại gần với người nghèo hơn, đồng cảm với họ trong thân phận làm người. Nhờ đó, qua chứng tá của người tín hữu, những người khác dễ nhận ra thông điệp và khuôn mặt đích thực của Ðức Kitô, Ðấng đã làm người nghèo ở giữa các người nghèo để phục vụ.
Với những kinh nghiệm trên đây, Giáo Hội Việt Nam nghĩ rằng cần phải quan niệm lại cách thức loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu.
Trước hết, vì lục địa Á Châu không phải là một vùng đất hoang mà chúng ta có thể gieo trồng bất cứ giống gì. Trái lại, đây là vùng đất của những tôn giáo và của những nền văn hóa lâu đời hơn nhiều so với Âu Châu. Ở đây vốn đã sẳn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan, và một quan niệm tôn giáo rất phong phú và còn khá vững chắc. tại đây, phần lớn người ta không phải là không biết đến Thiên Chúa, trái lại, họ cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người một cách nào đó, và gọi Người bằng những tên gọi khác nhau, như là Trời, là Thiên, là Brahman v.v... Do đó, "truyền giáo" không phải là giới thiệu một Thiên Chúa, một Ðức Kitô hoàn toàn xa lạ, mà một cách nào đó, có thể nói là "làm sáng tỏ cái đức sáng" (minh minh đúc) vốn đã hiện hữu tiềm tàng, hay là giúp cho người ta "ngộ" được" cái chân lý, mà theo công đồng Vatican II đã có phần nào trong các tôn giáo khác (x. Nostra Aetate, số 2, đoạn cuối), đặc biệt là của Á Châu. Hãy theo cung cách của chính Ðức Giêsu, là nói cho người ta biết Thiên Chúa đang ở giữa họ, ngay trong lòng họ, bây giờ và tại đây, chứ không phải tại Giêrusalem hay ở một nơi nào khác, một thời nào khác. Nói khác đi, chính từ thứ nước uống hằng ngày mà người ta có thể khám phá ra nước hằng sống (x. Ga 4,7-26). Bởi vì chính Thiên Chúa đã sáng tạo nên vạn sự, do đó, một cách nào đó, phải nói rằng sự hiện hữu của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, cũng đều do sự quan phòng của Người.
Tuy nhiên, cách nhận thức về Thiên Chúa, quan niệm về Thực tại Tối Hậu nơi người Á Châu không giống với Tây Phương. Có hai đặc điểm chính của triết học và tôn giáo Á Châu, đó là trước hết, người ta có một cái nhìn tổng hợp, hài hòa về mọi thực tại, kể cả Thực Tại Tối Hậu, mà người ta gọi là Trời, Thiên, Ðại Ngã, Brahman hay Ðạo. Thứ đến, vì đây là một cái nhìn hài hòa, kết hợp âm dương, nội ngoại, siêu việt nội tại. Vì thế mà cách đặt tới thực tại là con đường phủ định, via negativa. Người ta không thể giải thích Thiên Chúa là gì, nên chỉ nói Người không phải như thế nầy, không phải như thế kia, do đó mà người ta quan niệm rằng nên dùng cái tâm hơn là dùng lý trí để nghiệm chân lý.
Thần học Âu Châu, nhất là thần học Kinh Viện không thích hợp với tin thần tôn giáo Á Châu, vì nó quá thuần lý. Người Á Châu nghĩ rằng không thể phân tích chân lý, không thể giải thích mầu nhiệm, cho nên chọn sự im lặng hơn là lời nói, và không chấp vào ngôn từ, chữ nghĩa: ngôn từ chữ nghĩa như là ngón tay chỉ mặt trăng, cái quan trọng là mặt trăng chứ không phải ngón tay. Vì thế mà không nói đến tâm hư (lòng trong = thanh liêm, thanh bạch). Lão nói tới vô vi (làm mà như không làm gì cả). Phật nói tới vô ngã (Anaha = không nghĩ tới mình, coi mình chỉ là không). Phải chăng ở đây có cái gì giống với mầu nhiệm của kenosis của sự tự hạ quên mình của Chúa Kitô, và mầu nhiệm của ngôi mộ trống, một cái không, một cái trống rỗng nhưng chứa đựng cả một chân lý tuyệt vời: Chúa Kitô đã phục sinh. Ngôi mộ trống đã trở nên dấu chỉ của Ðấng phục sinh. Cũng vậy, các nhà hiền triết Á Châu thường cho rằng không cần nhiều lời để nói về thực tại vốn không thể nào diễn tả được. "Ðạo khả đạo phi thường đạo" (Lão Tử). Vì thế, Hội Thánh ngày nay phải chấp nhận một sự đa dạng về thần học. Nếu có lối suy tư diễn tả thần học của Tây Phương, thì cũng cần có lối suy tư diễn tả của người Châu Á, ít ra là cho người Châu Á, và điều nầy không ai làm thay người Châu Á được. Ðã đến thời mà người Châu Á không còn bằng lòng sao chép, diễn dịch các tư tưởng thần học Phương Tây. Ðức Giêsu là người Châu Á, nhưng tư tưởng của Người phải đi vòng qua Châu Âu rồi mới trở vê Châu Á. Bây giờ đã đến lúc tư tưởng của Người có thể đến thẳng với các dân tộc Á Châu. Ngôn ngữ Kinh Thánh quả thật gần với ngôn ngữ các thánh hiền Ðông Phương hơn là ngôn ngữ của các nhà tư tưởng Tây Phương.
Ðối với Á Châu. Ðạo bất viễn nhân (Khổng Tử). Trời hay Thiên Chúa không xa con người. Do đó mầu nhiệm Thiên Chúa làm người rất thích hợp với tâm hồn Á Ðông. Một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương nhân từ, một Thiên Chúa ở giữa loài người, chia sẻ thân phận con người và gánh vác những nỗi khổ đau của nhân loại, rất gần với niềm tin tưởng và chờ đợi của con người vốn không quen hướng tới những thực tại siêu quá cao vời, mà là tới những khuôn mặt từ bi của các bồ tát như Quan Thế Âm chẳng hạn. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao không những người Công Giáo, mà cả những người ngoài Kitô giáo tại Việt Nam, cũng yêu mến và tìm đến với Ðức Mẹ. Cũng chính vì thế, một khuôn mặt Chúa Kitô hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29), phản ảnh một người Cha nhân hậu (x. Lc 6,36). Ðấng muốn qui tụ mọi người trong đại gia đình nhân loại mới, trong đó mọi người hiếu với Cha, yêu thương hòa hợp với anh em, dễ thu hút tâm hồn Châu Á, hơn là một vương quốc theo hình ảnh phong kiến. Ðạo lý Ðông Phương vốn trọng chữ Trung chữ Hiếu và chữ Nhân rất gần với tinh thần của Kitô giáo: trung với Chúa hiếu thảo với ông bà cha mẹ tổ tiên và nhân ái với mọi người.
Do đó chúng tôi nghĩ nên có một nền Kitô học Châu Á và một nền Thần Học Châu Á mang một sắc thái nhân bản và hiện sinh hơn.
Cùng với một nền Kitô học và Thần học như vậy, cũng cần phải xây dựng một Hội Thánh như một gia đình con cái Thiên Chúa, hơn là phẩm trật với những cơ chế và pháp luật kiện toàn.
Một Hội Thánh như một cộng đồng gia đình sẽ dễ hội nhập vào trong lòng xã hội Á Châu. Các tín hữu Công Giáo sẽ đến với anh em đồng bào của mình không phải như những kẻ xa lạ đến để thuyết phục, chinh phục hay ban phát, mà trước hết là để gặp gỡ chia sẻ. Chia sẻ là vừa cho vừa nhận. Chính Ðức Kitô cũng đã làm như vậy khi Người nhận từ nhân loại máu mủ thịt xương, cơm ăn áo mặc, lời nói và văn hóa, v.v... để rồi có thể chia sẻ cho nhân loại tình thuuơng của Thiên Chúa nhờ tất cả những gì mà chính Người đã nhận được từ nhân loại. Một giám mục chúng tôi đã phát biểu đề tài nầy như sau tại Công Ðồng Vatican II: "Quan niệm Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Cách trình bày mầu nhiệm Giáo Hội bằng những từ ngữ về gia đình rất quen thuộc và dễ hiểu đối với mọi người (...) Trình bày Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa giúp các Kitô hữu trở về với Tin Mừng, trở về với cách giảng dạy đơn sơ của Ðức Giêsu (Ðức Giêsu dùng rất nhiều hình ảnh về gia đình), nhờ đó để dễ hiểu và thấm nhuần Tin Mừng hơn" (Acta Sunodalia Vat. II Vol II, Pars II, P 42-45, Typus Polyglottis Vaticanis, 1972). Chính Công Ðồng Vatican II cũng đã nói về đề tài nầy trong nhiều văn kiện, như trong Hiến Chế về Giáo Hội Lumen Gentium, 6, 32, 52; Sắc lệnh về truyền giáo, 1; Sắc lệnh về linh mục, 6.
Hội Thánh hôm nay cũng không đến để chỉ cho hay ban tặng, dù là ban tặng chính Ðức Giêsu. Thật ra, Ðức Giêsu cũng là người Châu Á. Người sinh ra và làm người giữa lục địa mênh mông của các tôn giáo và các nền văn hóa lớn nầy. Hội Thánh hôm nay cũng ý thức mình là Hội Thánh "trong thế giới" và các Giáo Hội Á Châu cũng ý thức mình vốn ở trong Á Châu nầy, giữa các anh em của mình. Hội Thánh Á Châu vẫn đang đón nhận từ các nền văn hóa và tôn giáo Á Châu những giá trị bồi dưỡng cho chính niềm Kitô giáo của mình, cũng như ngày ngày vẫn chia sẻ cơm ăn áo mặc với mọi người.
Vì thế loan báo Tin Mừng, theo quan niệm của Hội Thánh Việt Nam chúng tôi trước hết là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, tức là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13). Nói cách khác, loan báo Tin Mừng đồng nghĩa với làm chứng cho Chúa Kitô (x. Lc 24, 47, 48, Cv 1,8), bởi vì họ là những kẻ sẵn sàng và dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua dấu chỉ của tình thương, và nói theo Bernanos, thì "chỉ có họ mới biết bí quyết của hy vọng". Chúng tôi nhờ lại kinh nghiệm của Giáo Hội chúng tôi thuở ban đầu, theo báo cáo của linh mục Gaspar d'Amarat ngày 31.12.1632, nghĩa là 5 năm sau khi Tin Mừng được rao giảng, nói về cộng đồng tín hữu tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay): "Giáo hữu ở đây được hơn một ngàn người, họ yêu thương nhau đến nỗi những người chung quanh, vì chưa biết gọi tên họ là gì, nhưng vì nhìn cách họ sống, đã gọi họ là "Ðạo những người yêu nhau". Ðó cũng chính là kinh nghiệm của Giáo Hội sơ khai tại Giêrusalem vậy (x. Cv 2,42-47, 4,32-35).
Với những quan điểm như trên, và trong hoàn cảnh hiện tại của Á Châu và của Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam chúng tôi mong muốn các giáo hội khác chia sẻ với chúng tôi quan niệm về sứ vụ, và cung cách đặc biệt của chúng tôi loan báo Tin Mừng, đó là không tìm cách thuyết phục, tuyên truyền, càng không phải là chinh phục kéo cho được đông người "vào" Ðạo, nhưng trái lại là đi đến với mọi người (x. Mt 28,19) làm người với mọi người (x. Ga 1,14), như là nhân chứng của Chúa Kitô hiện thân tình yêu của Cha trên trời.
Hơn bao giờ hết, Giáo Hội Việt Nam hôm nay là những hạt lúa đang được gieo vào lòng đất, rải rác khắp cánh đồng, ít ai thấy được những thành quả to lớn... như là những bông lúa to có thể đếm hay cân đong được, mặc dù vậy, chính những hạt lúa bị chôn vùi kia lại đang trổ sinh một mùa lúa mới. Dựa vào Lời Chúa, chúng tôi thả lưới (Lc 5,6) chúng tôi gieo và rồi dù ban ngày hay ban đêm, dù chúng tôi thức hay ngủ, lúa vẫn mọc lên, và chúng tôi có quyền hy vọng (x. Mc 4,26-27).
Nhà "truyền giáo" Việt Nam hôm nay thường là giáo dân, đặc biệt là nữ tu. Cũng như trong thời đầu của Giáo Hội tại đây, và giống như thời Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem, chính giáo dân là những người đầu tiên đã đem Tin Mừng ra khỏi Giêrusalem (x. Cv 11, 19-21). Ngày nay, giáo dân và nữ tu, và cả giới trẻ nữa, đang âm thầm làm chứng cho Ðức Giêsu ở khắp mọi miền đất nước chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cho công lao của họ được nhìn nhận, và việc làm của họ phải được nâng đở khuyến khích.
Tóm lại, một Giáo Hội nghèo mới thích hợp với đại dương mênh mông của người nghèo. Một Giáo Hội khiêm nhu nhỏ bé dễ hòa mình vào giữa đại đa số những người nghèo của Châu Á. Và một Giáo Hội không quyền lực dễ gần gủi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm. Vì phải chăng đã đến lúc cần sáng tạo ra những "mô hình" mới của Giáo Hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào những cộng đồng xã hội của người nghèo: những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín. Sau cùng đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo, tục ngữ Việt Nam có câu: "có thực mới vực được đạo". Giáo Hội không được sai đến để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội v.v... nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không quan tâm đến những vấn đề ấy. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Người là "làm cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy" (Lc 7,22). Châu Á là lục địa của biết bao nhiêu người đui mù, què quặt, điếc hay cùi v.v... đang mong chờ niềm vui được cứu chữa, và Giáo Hội phải biết chia sẻ những nỗi đau khổ, cũng như những nỗi "vui mừng và hy vọng" của họ.