Ðể sửa soạn Giáo Hội Công Giáo bước qua ngưỡng cửa Ðệ Tam Thiên Niên, Ðức Thánh Cha đã sắp xếp một chương trình cụ thể hầu qui tụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục (THÐGM) đặc biệt cho những châu đại lục khác nhau như tông huấn Tertio Millenio Adveniente đã kêu gọi. Ðầu tiên là Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu họp tháng Tư năm 1994 với chủ đề "Chứng Tá Ðức Giêsu, Lời kêu mời Hối cải và Hy vọng". Kế đó là Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu họp tháng Mười Một năm 1997 với chủ đề "Gặp gỡ Ðức Giêsu trong Hối cải, Hiệp thông và Liên đới". Và tháng tư năm nay Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu họp với đề mục "Ðức Giêsu, Ðấng cứu thế. Sứ mạng tình thương và phục vụ của Ngài ở Á Châu. Chủ đề này được hướng dẫn bởi câu phúc âm của thánh Gioan: Ðể họ được sống và sống dồi dào (John 10:10).
Ðây là những cuộc họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, được Ðức Thánh Cha đích thân mời gọi, để một đàng Ngài hiểu rõ tình hình giáo hội từng miền hơn, một đàng khác để thúc đẩy một chương trình đặc biệt đáp ứng nhu cầu từng châu. Chính vì vậy, mà việc phân chia địa giới cũng khác với Thượng Hội Ðồng Giám Mục thường xuyên, đặc biệt là địa điểm các cuộc hội họp đều ở La Mã cả. Người qui hoạch, chịu trách nhiệm và điều động các Hội Ðồng này là Ðức Hồng Y Jan. P. Schotte, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng giám Mục Thế Giới.
Ở đây chúng tôi không có ý bàn luận về nội dung mỗi cuộc họp hay cách tổ chức của mỗi Châu, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một số những dự kiện, những vấn đề, nhờ đó có thể làm nổi bật đặc tính của văn kiện Giáo Hội Việt Nam. Như trên chúng ta đã thấy Thượng Hội Ðồng Giám Mục được phân phối theo Châu lục địa, sự kiện này gây không ít thắc mắc: Sự phối này có hợp lí không? Có lợi không?
Nhà thần học W. Buehlmann trong tiểu luận: "Giáo Hội Hoàn Vũ hay Giáo Hội Năm Châu?", đã chủ trương giáo hội Năm Châu quan trọng hơn là giáo hội hoàn vũ và ông đã đưa ra những tiêu chuẩn phân chia, những mẫu thánh nhân và các vị giáo phụ được Thánh Linh sai tới mỗi địa chỉ đặc thù để làm chứng tá cho Thiên Chúa. Ông đã cố tìm cho mỗi Châu một Mầu Nhiệm đặc thù: Châu Âu với Mầu Nhiệm Cứu Ðộ (Mysterium Salutis) và nay đã trở thành Mầu Nhiệm Thế Tục (Mysterium Secularisationis); Châu Mỹ (Latin) với Mầu Nhiệm Giải Phóng (Mysterium Liberationis); Châu Phi với Mầu Nhiệm Nhập Thể (Mysterium Incarnationis) và Châu Á với Mầu Nhiệm Mặc Khải (Mysterium Revelationis). Ðó là những điển phạm tiêu biểu mà ông cho là có thể bày tỏ được những nhu yếu và hoàn cảnh sống của mỗi nơi.
Sự phân chia tổng quát này hay những cách phân chia tương tự theo địa lý như vậy sẽ gặp không ít rắc rối, nếu một giáo hội địa phương nằm trong hai hay nhiều đặc tính đối chọi kể trên, như Nhật Bản bị hai Mầu Nhiệm Thế Tục và Mặc Khải giằng co. Những giáo hội địa phương khác không ít thì nhiều cũng khó tránh được sự chồng chéo những đặc tính trên. Chính vì thế, chúng ta được biết Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu bao gồm cả Bắc lẫn Nam Mỹ, khi họp họ đã mất nhiều thời giờ và khó khăn lắm mới dần dần hiểu được phần nào ngôn ngữ của nhau, chứ chưa dám khẳng định họ có thể cảm thông và liên kết với nhau được. Mỹ Châu đã thế, Á Châu ai cũng biết càng phức tạp hơn biết bao! Chính vì thế, chúng ta không ngạc nhiên lắm, khi Giáo Hội Nhật Bản nhận được "Ðại Cương cuộc họp" (Lineamenta), họ đã thảo luận và kết quả đúc kết những câu hỏi đầu tiên, đã phải chấp nhận một thực trạng tương đối khó giải quyết: "la rédaction générale a été qu'il n'était pas possible de répondre à ces questions" (x. bản đúc kết của các giáo hội Á Châu) vì họ cảm thấy những câu hỏi được đặt ra để bàn bạc hầu như không ăn nhằm với giáo hội địa phương Nhật bao nhiêu, nên họ đã chủ động đưa ra những câu hỏi và đề tài mà họ cho là hợp với Á Châu hơn là những vấn đề nhìn qua lăng kính các chuyên gia thần học Âu Châu. Họ cũng đề nghị nên phân những câu hỏi theo tiêu chuẩn vùng văn hóa hợp hơn là theo địa lý. Hình như những đề nghị này không có phản ứng rõ ràng, nên họ chỉ đóng góp tiêu cực thôi, cũng vì thế trong cuộc họp chuẩn bị cuối cùng để đúc kết bản "Tài liệu làm việc" (Instrumentum Laboris) Ðức Cha Shimamoto cũng đã vắng mặt.
Một đàng khác, "Ðại Cương Cuộc Họp" đưa ra những ý niệm tổng quát và đường hướng thông thường, nên đã phải hy sinh những hoàn cảnh đặc thù. Vì thế khi phân tích, tìm hiểu "Ðại Cương Cuộc Họp" một số thần học gia đã báo động "Sự vắng mặt của Giáo Hội Trung Hoa Ðại Lục". và M. Manson đã thảo luận tìm hiểu những lý do uẩn khúc bên trong. Chúng ta đều biết, giáo hội Trung Hoa Ðại Lục sống dưới chế độ cộng sản vô thần từ năm 1949 và đã bị chi phối biến thành giáo hội Yêu Nước (chính thức do chính phủ công nhận) và giáo hội âm thầm (sống dưới sự bách bớ và đàn áp của nhà nước) và mãi tới nay dù bao nhiêu nỗ lực của tòa thánh, cũng như sự tiếp tay của các nhà thần học, vẫn chưa tìm được một giải đáp khả dĩ hòa giải, hàn gắn vết nứt trầm trọng do lịch sử gây ra. Rất nhiều vấn đề họ phải ngậm im hơn là được bày tỏ ra rõ ràng. Ngay trong cuộc họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đặc biệt này họ cũng cam chịu sự khuyết danh, để Giáo Hội Ðài Loan đại diện cho họ.
Trong bối cảnh vừa phức tạp vừa đa diện như vậy, nhất là khi nguyệt báo Eglise d'Asie trong số đặc biệt về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu II, tháng Giêng 1998, ngay trong trang 2 đã dùng chữ to đậm bầy tỏ lý do tại sao Văn kiện Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam không có mặt trong những số đặc biệt này ("Selon des informations que nous n'avons pu confirmer par ailleurs, les évêques du Vietnam n'auraient pas obtenu la permission des autorités gouvernementales de traduire les'lineamenta' en vietnamien, et leur contribition n'a pu être rendue publique"). Chúng tôi nhận được văn kiện của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, và văn kiện này đã được phổ biến qua Mạng Lưới Toàn Cầu của Hội Linh Mục Tu Sĩ Việt Nam ở Ðài Loan, cảm thấy phấn khởi biết bao!. Văn kiện này gồm hai phần: Phần chính là "Bản đúc kết các câu trả lời của các giáo phận Việt Nam cho bản câu hỏi ở phần cuối của Ðại Cương Cuộc Họp" và phần bổ túc ý kiến của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Ðó là tiếng nói chung của Giáo Hội Việt Nam góp mặt với Giáo Hội Á Châu nói riêng và Giáo Hội Hoàn Vũ nói chung. Một tiếng nói mà ít khi có dịp bộc bạch tâm tư của mình trên giấy tờ để phổ biến, vì chúng ta chưa có một tờ báo làm cơ quan ngôn luận chính thức như điều mong ước. Văn kiện này phù họp với mục tiêu mà Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt đã nêu ra: "suy tư chung", và "chia xẻ" với nhau trong tinh thần khiêm nhượng và đối thoại. Chúng ta có thể tưởng tượng đây là kết quả đúc kết những tâm tình của bao cộng đồng giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ nam nữ, những suy tư của bao thần học gia, của bao phiên họp các tầng lớp để nói lên hiện trạng của mình, những giây phút đối diện với lương tâm, những thao thức và ước mớ. Nhưng đặc biệt sau bản đúc kết những câu trả lời của các giáo phận, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã mạnh dạn lên tiếng, đóng góp ý kiến của mình trong tinh thần phê bình và xây dựng. Mặc dù không mấy khi được đi dự những cuộc họp hội thảo của Hội Ðồng Giám Mục Á Châu (FABC), nhưng giáo hội Việt Nam đã theo dõi và có thể đồng hoá mình với những suy nghĩ của FABC trong 25 năm qua. Vì vậy Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam không ngần ngại nhắc nhớ ban biên soạn Ðại Cương nên coi trọng Hội Ðồng Giám Mục thường vụ hơn, cả nội dung tham khảo, lẫn cách chọn từ ngữ cho hợp với hoàn cảnh Á Châu hơn. Thật ra đây cũng là những thắc mắc và nghi vấn của các Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, nhất là của Phi Luật Tân và Nhật Bản. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn sự phê bình này qua cái nhìn phân tích cụ thể của G. Gispert-Sauch, khi ông nêu ra bằng chứng: mặc dù Bản Ðại Cương nói là khẩn định đường hướng và thành quả của FABC, nhưng khi trích dẫn lại có những khiếm khuyết quan trọng. Lời trích dịch của Bản Ðại Cương thực ra chỉ là lời dẫn nhập của C.G. Arévalo, chứ không phải của văn bản FABC. Còn lời trích thứ hai là "bản báo cáo" (Workshop report), chứ không phải là văn kiện chính thức! Các Giám Mục Việt Nam cũng đưa ra những nhận xét để phân biệt giữa điều quan trọng và phụ thuộc, để độc giả khỏi phải rơi vào mê hồn trận. Cuối cùng các Giám Mục Việt Nam đã đề nghị trọng tâm vào ba phần: bối cảnh Á Châu, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đường hướng mục vụ cụ thể. Ðó là ba điểm bao gồm những nội dung gợi suy tư thần học mà chúng ta sẽ bàn luận ở phần sau.
Nói tóm lại dù sống trong khung cảnh đặc thù hơn là phổ quát của môi trường Á Châu, Giáo Hội Việt Nam đã không cam nhận số phận im lặng hay chỉ phản đối tiêu cực, nhưng đã làm việc nghiêm chỉnh, đúc kết những câu trả lời, suy tư của "Ðại Cương cuộc họp". Làm như thế, Giáo Hội Việt Nam một đàng lợi dụng cơ hội hiếm có để tìm ra đường hướng suy tư thần học đặc thù theo nhu cầu giáo hội địa phương, từ từng lớp căn bản đi lên, một đàng khác Giáo Hội Việt Nam đã dám khiêm nhượng nói lên tiếng nói phê bình để xây dựng của mình, để "chia xẻ" với các Giáo Hội địa phương khác. Chúng ta vui mừng và cảm kích, vì những suy tư thần học đang hình thành, dù hoàn cảnh hiện tại không mấy thuận tiện này.
Văn kiện Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam thu thập những chia xẻ góp phần vào Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu là một văn kiện đặc thù bao gồm nhiều những phản tỉnh thần học, đáng cho chúng ta lưu tâm, cùng suy tư và phản tỉnh:
a. Trước hết văn kiện định địa điểm Giáo Hội Việt Nam trong bối cảnh Á Châu: một giáo hội sống trong mạch văn hoá lâu đời, hứng chịu những hậu quả lịch sử, nhưng cũng đã góp công kiến tạo, cống hiến cho dân Việt những "hoa trái" thơm ngon. Cho tới nay, Giáo Hội vẫn cố gắng sống chung đụng với những tôn giáo khác, với những giá trị văn hoá cổ truyền, cũng như truyền thống dân tộc. Giáo hội cảm thấy cần đẩy mạnh công cuộc tháp nhận vào nhân sinh quan tổng hợp và hài hoà để làm sáng cái Ðạo Ðức Nhân Bản (minh minh Ðức). Trong hướng độ này, văn kiện cũng khẳng định "Ðạo bất viễn nhân". Nhưng tư tưởng này lại khơi động trong tâm độc giả một phản tỉnh đối ngược: trong văn hoá Việt, Nhân có bất viễn Ðạo hay không? Trả lời câu hỏi này chúng ta sẽ nhận rà đặc tính mà Kytô Giáo có thể bổ túc cho cả ba luồng tư tưởng Phật, Lão và Khổng vốn ăn sau trong nền văn hoá cao cấp của dân Việt. Lão Trang và Phật học tương đối rõ ràng nhấn mạnh khía cạnh "xuất thế" hơn là nhập thế. Khổng Mạnh tuy nhấn mạnh nhập thế, nhưng đối với Thần lại "Kính nhi viễn chi". Quan điểm có thể dẫn tới bất tri luận này cần được một quan niệm Nho học đối lập khác cân bằng và hòa hợp: đó là "Kính thần như thần tại". Nói cách khác, trong Văn Kiện có những phần đồng hóa đặc tính linh tu Kitô Giáo Việt nam với con đường linh tu phủ nhận, lấy "tâm hư" làm căn bản của tu hành. Có thể đây là một con đường thích hợp hơn hay cần thiết hơn đối với một cảnh huống cụ thể hay một cá nhân nào đó, nhưng nó không phải là một con đường độc nhất để bầy tỏ rõ tâm linh người Việt.
b. Thật ra "tâm hư" và "tâm hữu", cũng như "tâm việt" là ba con đường cần thiết và phải bổ túc cho nhau. Ðó là tư tưởng hòa hợp mà bản văn khi bàn tới phần Kitô học, đã tìm thấy nới Ðức Kitô một mẫu mực bao gồm cả ba đường linh tu trên: Ðức Kitô đã "không hóa" (kenosis) để làm người, để "vừa cho và vừa nhận". Như vậy, Giáo Hội theo mẫu này không những phải tránh thái độ "trịch thượng" , coi mình là hiện thân của "Nước Thiên Chúa", coi Ðức Kitô là tặng phẩm mà giáo hội đã ban phát cho Á Châu. Thực ra chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền ban tặng "Quà Phẩm" này!. Còn Giáo hội tuy là nhiệm thể của Ðức Kitô, nhưng còn mang nặng thân phận lữ hành, nên giáo hội tồn tại trong cả hai phương diện: Vừa là Giáo hội của các thánh nhân (ecclesia sanctorum), vừa là giáo hội của các phàm nhân (ecclesia peccatorum!). Thành thực mà xét đoán, Giáo hội ở Á Châu trong lịch sử nhiều phen đã khó tránh khỏi thái độ trịch thượng này. Giáo hội cần "không hóa" chính mình để trở thành chứng tá của phục vụ. Nói theo ngôn ngữ thần học ngày nay, "trung tâm của giáo hội nằm ở ngoài giáo hội" (G.Gutierrez). Nói cách khác, Giáo hội cần giải tỏa mình khỏi những thói quan liêu, ăn trên ngồi trốc... nhờ vậy mới có được tự do để phục vụ. Như vậy, tâm hư mối gắn liền với tâm hữu, và giáo hội mới thực sự nhìn nhận ra những nhu cầu của dân nghèo, những khát vọng của giới trẻ, và mới có thể nâng đỡ và thăng tiến nữ giới, như phần "Mong Ước" đã nêu ra. Lúc đó, nói theo kiểu của thần học gia A . Pieris, Giáo hội Việt nam mới thực sự "thuộc về" (of) Việt Nam, chứ không phải chỉ là giáo hội công giáo ở (in) Việt Nam mà thôi.
c. Giáo hội khẳng định giá trị gia đình và hy vọng mình được hiểu như là một gia đình của Thiên Chúa. Ngoài việc nhận chân giá trị gia đình là nền tảng của nền văn hóa Khổng Mạnh nói chung và xã hội Việt Nam hiện nay nói riêng, có lẽ chúng ta có thể quảng diễn tư tưởng này theo gia hệ "linh tông" chăng? Ai cũng biết giáo hội Việt Nam có nhiều ơn kêu gọi và người theo ơn kêu gọi là bỏ "gia đình" máu mủ, để trở thành một phần tử của gia đình thiêng liêng, vì vậy họ vẫn cảm thấy thuộc về một gia đình nên có tình thương của Cha "tâm linh", của anh chị em thuộc cùng một "linh tông". Thực ra gia đình linh tông không có ý nghĩa gì khác hơn là một linh mục, thường là linh mục bản xứ, nhận giúp đỡ một người trẻ mà ngài nhận thấy có thể có ơn kêu gọi. Sư giúp đỡ này trở thành một tâm tình gắn bó lâu dài và mật thiết như một gia đình nhỏ lấy Chúa và sứ mạng phục vụ làm căn bảnï.. Trong mạch sống vừa linh thiêng vừa xã hội hóa này, người tu sĩ "từ bỏ" để có cuộc sống "sung mãn hơn".
d) Trong phần ước mong một văn kiện hy vọng tìm được một mẫu giáo hội mới, giáo hội được sai đi để sống giữa người nghèo và cho người nghèo... Có lẽ đây cũng là một ước mơ của các giáo hội sống trong hoàn cảnh nghèo nàn, đầu tắt mặt tối, trong một xã hội còn nhiều tệ đoan và bất công. Giáo hội đã chọn người nghèo làm ưu tiên, và cố gắng sống để cải thiện cho con người nghèo khổ sống xứng đáng thành người hơn. Trong mạch sống này văn kiện khẳng định vai trò tiền phong của giáo hữu trong việc làm chứng đức tin và quí mến những bàn tay của các nữ tu đang phục vụ những người thiếu may mắn và khốn khổ. Ðây là một dấu hiệu cho thấy Giáo Hội Việt Nam đã trải qua một giai đoạn mà hoàn cảnh cụ thể đã thách đố và nhờ đó đã được tinh luyện không ít, để trở thành một "giáo hội hậu-K.Marx" (Post-Marx).
Chúng ta vui mừng và phấn khởi biết bao vì thấy giáo hội Việt Nam lần đầu tiên đưa cuộc sống đa diện và phong phú vào suy tư thần học của mình. Chúng ta không biết rõ cách làm việc cụ thể của ủy ban thu tập và tổng kết những tư tưởng ra sao, nhưng theo đề mục: "Thu tóm những suy tư của các địa phận", chúng ta hy vọng đó là cách "làm thần học" từ dưới lên trên (dù có những câu hỏi từ trên xuống dưới, nhưng đã được nhận định và cân nhắc thành những vấn đề quan trọng và thứ yếu, lướt qua những chỗ không phù hợp với hoàn cảnh sống cụ thể, để chú tâm tới những ký hiệu, tượng trưng hợp với "địa chỉ" của mình. Ðó cũng là những suy tư bắt đầu từ trong cuộc sống, lấy thực tiễn chân chính (orthopraxis) làm gốc và có tính cách ưu tiên so với lý luận chân chính (orthodoxy). Hy vọng đây không phải là trường hợp đặc biệt hay nố trừ, nhưng là một điển phạm (paradigm) mới của nền thần học Việt Nam.
Trong thực tiễn thường ngày, giáo hội Việt nam sống chung đụng với những tôn giáo và những giá trị nhân sinh quan khác, giáo hội đã nhận ra sự thiết yếu của việc đối thoại giữa các quan điểm với nhau và vai trò tích cực của các tôn giáo trong việc tái tạo và bảo tồn giá trị tâm linh và phát huy truyền thống dân tộc. Hy vọng đây là những cố gắng thực tiễn có những kế hoạch cụ thể, chứ không phải là những mộng ước.
Có một điều làm chúng tôi hơi thắc mắc là không biết vì sao mà trong bản văn còn nhắc tới những uẩn khúc hầu như sợ sệt bị coi mình la một "tôn giáo ngoại lai". Có phải là một bóng đen còn hăm doạ một cách vô ý thức làm giáo hội chưa dám công nhiên thừa nhận chân tính nhân bản của mình? Phải chăng chúng ta chưa ý thức hoá và trị liệu đúng mức những "dồn ép vô tiềm thức" của lịch sử, như những biến cố gây những sung đột đau thương trong qúa khứ ở giữa lòng dân tộc... hay những va chạm nẩy lửa giữa giáo hội hoàn vũ và giáo hội địa phương, như cuộc tranh chấp về vấn đề nghi lễ...? Ðây không phải là vần đề riêng của giáo hội Việt Nam, nhưng là những giáo hội địa phương như Trung Hoa, Ðại Hàn, Nhật Bản, Ðài Loan, v.v... Có lẽ Ðại Hàn đã thành công nhiều nhất trong việc ý thức hoá và cố gắng trị liệu này, như phong trào thần học Quần Chúng, họ đã có can đảm đối diện với "Hận" để lấy "Ái" trị hận thù . Thực vậy, khi vượt quá những lo sợ trên, người Kitô giáo có thể khách quan chân nhận những giá trị văn hoá tinh luyện (dù nó nằm trong truyền thống lâu đời hay cần học hỏi bất cứ ở đâu để kiện toàn hóa nhân bản) để xây dựng nền tảng vững chắc cho một thần học bản vị hóa (inculturation)ù: Một thần học vừa là hậu-Marx, vừa là hậu-Freud. Chỉ như vậy giá trị nhân bản trong Tôn Giáo mới được tinh luyện và hoàn hảo hoá.
Nói tóm lại, Văn Kiện không chỉ là những câu trả lời cho Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đặc biệt này, nhưng hy vọng đó la một bước đầu để làm thần học Việt Nam". Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam qua Văn Kiện này đã vạch ra một chiều hướng thần học chung cho chúng ta, những người thiết tha với tiền đồ giáo hội quê hương và muốn làm thần học Việt Nam ở bất cứ đâu trên thế giới, để cùng nhau bước qua Ðệ Tam Thiên Niên.Vấn nạn đặt ra cho chúng ta là: làm sao liên hợp những khía cạnh thần học khác nhau như: bản vị hoá, đối thoại tôn giáo và thần học giải phóng ... thành 1 thần học Việt Nam? Suy tư thần học này cần những phương pháp như thế nào?
Ðại Học Phụ Nhân
Ðài Loan, Ngày 20/03/1998
Lm. Vũ Kim Chính, SJ.