Giáo Hội được Chúa Phục Sinh trao phó cho trách vụ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong quyền lực của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội nhìn thấy mẫu gương của mình nơi những người kitô đầu tiên "chuyên cần lắng nghe các Tông Ðồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng" (TÐCV 2,42). Chúng tôi hiểu về sứ mạng là làm sao để tất cả được sống và sống dồi dào (x. Gn 10,10). Bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, sự sống nầy được thông truyền cho chúng ta, do bởi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Ðấng được sai xuống để cứu nhân loại khỏi tội lỗi, sự dữ và cái chết và mang lại cho chúng ta phẩm vị và sự hiệp nhất mà chúng ta được Thiên Chúa mời gọi hướng về đó. Lời Chúa cần có chỗ trung tâm trong đời sống chúng ta và phải nuôi sống đời sống thiêng liêng của chúng ta. Kinh Thánh không phải là một cuốn sách thông thường, nhưng đúng hơn là Tiếng Nói hằng sống của Thiên Chúa hằng sống, Ðấng mời gọi chúng ta mỗi ngày hãy chu toàn chương trình của Ngài cho đời sống chúng ta và cho thế giới. Chúng tôi vui mừng ghi nhận rằng nhờ những bản dịch có giá trị về Kinh Thánh trong ngôn ngữ địa phương, dân chúng có thể đến được với "những Lời ban sự sống đời đời" (Gn 6,68). Tất cả mọi người kitô đều có bổn phận rao giảng Chúa Kitô. Sự thôi thúc chúng ta chu toàn bổn phận nầy, phát sinh từ niềm vui vì đã gặp được kho tàng và từ ước muốn chia sẻ kho tàng đó. Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa vô danh và không ai biết được, mạc khải chính mình hoàn toàn và thông truyền chính mình trọn vẹn. Thiên Chúa Cha hằng sống sai phái Chúa Giêsu, Ðấng sống bởi Chúa Cha (x. Gn 6,57). Ðây là sự sống mà Chúa Giêsu đã đến để chia sẻ cho chúng ta. Ðây là nguồn mạch của mọi sự sống và tồn tại mãi mãi muôn đời.
Trong sự phù hợp với những nền văn hóa Á Châu, nhiều phương thế đầy sáng tạo đã được đề nghị để trình bày Chúa Giêsu cho những anh chị em chúng ta. Chúng tôi nhìn nhận công việc phục vụ đáng phục đã được thực hiện bởi những ai mang TinMừng đến cho dân chúng Á Châu chưa nghe biết gì về Chúa Giêsu Kitô. Chúng tôi tin rằng việc trình bày Chúa Giêsu như là một thể hiện trong một con người cụ thể tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa, (rằng việc trình bày Chúa Giêsu như thế) có ý nghĩa nhiều đối với Á Châu.
Tất cả chúng tôi đều ý thức rằng Phụng Vụ có vai trò chìa khóa trong công việc rao giảng Phúc Âm. Ðây là một biến cố trong đó con người có thể chạm đến Thiên Chúa và cảm nghiệm được Ngài như là Ðấng có sáng kiến đến gặp con người. Ðiều nầy khơi dậy sự đáp trả của chúng ta trong thái độ thờ lạy, chiêm niệm và thinh lặng. Vì thế, Phụng vụ cần có tính cách tham dự. Những cử chỉ cần nói lên một cái gì long trọng và thánh thiện đang diễn ra. Mặc dù chúng tôi đã cảm nghiệm được nhu cầu khẩn cấp phải càng ngày càng lưu ý đến những nền văn hóa địa phương trong những cử hành phụng vụ của chúng ta, nhưng chúng tôi vui mừng ghi nhận rằng trong thực tế bất cứ nơi nào tại Á Châu, phụng vụ được cử hành trong ngôn ngữ của dân chúng địa phương.
Trên tất cả mọi sự, cần có tinh thần tu đức truyền giáo sâu xa, được ăn rễ sâu trong Chúa Kitô, với việc nhấn mạnh đặc biệt đến lòng cảm thông và hòa hợp, thái dộ từ bỏ và tự hạ chính mình, tình liên đới với người nghèo và đau khổ, việc tôn trọng sự toàn vẹn của tạo vật thiên nhiên. Chứng tá của những cộng đoàn đan viện và chiêm niệm là hết sức cần thiết để mạc khải dung mạo đích thật của Chúa Giêsu; cũng thế, đời sống và việc làm của những người tận hiến nam nữ cũng rất cần thiết. Vì thế, chúng tôi cần những chương trình huấn luyện để rèn luyện các linh mục và các tu sĩ, như là những con người nam nữ của Thiên Chúa, siêng năng cầu nguyện và sống đời sống thiêng liêng sâu xa, và là những kẻ có khả năng hướng dẫn và đồng hành với những kẻ khác trên con đường tiến về cùng Thiên Chúa. Những người kitô tại Á Châu cần có những mục tử sốt sắng và những vị hướng dẫn thiêng liêng, chớ không phải chỉ thuần túy những người quản trị hữu hiệu. Mẫu gương cá nhân của những nhà giáo dục có một vai trò quan trọng trong tiến trình huấn luyện.
Chúng tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa, ngõ hầu "giáo hội trở thành một dấu chỉ dễ hiểu hơn cho thực thể của mình và trở thành một dụng cụ hữu hiệu hơn để làm việc truyền giáo" (Thông điệp Sứ Mạng của Ðấng cứu chuộc số 52). Trong khung cảnh của một Á Châu có nhiều chủng tộc, nhiều tôn giáo và nhiều văn hóa, việc đối thoại liên tôn đã rõ ràng trở thành điều cần thiết. Trong thời đại chúng ta, Giáo Hội đã cố gắng nhiều để gặp gỡ với những tôn giáo lâu đời hằng ngàn năm, một cách nghiêm chỉnh. Việc đối thoại liên tôn là một cuộc gặp gỡ đầy kính trọng và chân thành trong đó các thành phần muốn hiểu biết nhau, học hỏi lẫn nhau, làm giàu cho nhau, và yêu thương nhau, giống như những anh chị em kitô và hồi giáo đang cố gắng thực hiện tại Liban; tại Liban nầy, những liên lạc hỗ tương giữa người Kitô và tín đồ Hồi Giáo, loan báo một tương lai tốt đẹp. Ðối với tín hữu kitô, việc đối thoại liên tôn nầy có bao gồm ước muốn chia sẻ sứ điệp cứu rỗi của Chúa Kitô. Giáo Hội tại Á Châu được mời gọi bước vào cuộc đối thoại ba chiều (hay: ba cuộc đối thoại): đối thoại với những nền văn hóa Á Châu, đối thoại với những tôn gíao của Á Châu, và đối thoại với các dân tộc Á Châu, nhất là với những người nghèo. Ðể thực hiện một cuộc đối thoại như thế, thì việc huấn luyện cho biết đối thoại là điều hết sức quan trọng, nhất là tại những trung tâm huấn luyện của chúng ta.
Chúng tôi nhìn nhận công việc phục vụ đáng khâm phục trong lãnh vực giáo dục, do bởi các linh mục, tu sĩ nam nữ, và giáo dân tại Á Châu. Chúng tôi dấn thân cổ võ những giá trị của Phúc Âm và đề cao những nền văn hóa và những truyền thống Á Châu, chẳng hạn như tính hiếu khách, sự đơn sơ, sự kính trọng đối với những người, những nơi và những đồ vật thánh. Chương trình huấn luyện phải phát triển dòng suy tư biết phê phán, làm cho người thụ huấn có khả năng phân tích những sức mạnh khác nhau đang tác động trong xã hội và biết phân biệt những hoàn cảnh khi dân chúng bị lạm dụng khai thác. Chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc huấn luyện ngoài chương trình đã định (non-formal). Thỉnh thoảng, chúng ta cần phải đánh giá hệ thống giáo dục của chúng ta, đánh giá nội dung của nó, phương pháp được áp dụng, lợi ích cho những kẻ thụ huấn, những tương quan được phát sinh từ đó, những giá trị muốn đưa vào, và ảnh hưởng của nó trên xã hội. Cần có một chương trình mục vụ để xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, tại tất cả các giáo phận và phải thêm vào đó văn phòng đặc trách giao thiệp (public relations office). Cần phải lưu ý đến việc huấn luyện cho biết phân định và hưởng dùng các phương tiện truyền thông xã hội (media education), biết xử dụng một cách xây dựng các phương tiện truyền thông, như Báo Chí, Sách Vở, Truyền Hình, Ðài Phát Thanh và "Mạng Lưới Toàn Cầu" (internet). Các phương tiện truyền thông được gọi một cách đúng là những "diễn đàn của thời đại mới" (modern areopagus), và chính nơi đây, cũng như trong các lãnh vực khác, Giáo Hội có thể đóng vai trò tiên tri và tại bất cứ nơi nào cần đến, thì giáo hội trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói.
Ðược Thiên Chúa Tạo Hóa đặt làm kẻ điều hành các tạo vật của Ngài, chúng ta cần phải có thái độ tôn trọng Mẹ Trái Ðất và hệ thống sinh thái nuôi dưỡng con người chúng ta. Chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để tránh việc hạ cấp môi sinh; một trong những nguyên nhân của việc xuống cấp nầy là do hậu quả của lòng tham lam vô độ. Nếu không lo (bảo vệ môi sinh), thì kết quả sẽ là nạn ô nhiễm dất đai, sông rạch, khí trời và giảm thiểu các rừng cây. Chúng ta cần phải làm việc để có một sự phát triển hòa hợp với môi sinh, nhất là trong lãnh vực nông nghiệp.
Hàng giáo dân có vai trò quan trọng cần chu toàn trong sứ mạng của Giáo Hội Nhiều dấu chỉ cho thấy rằng Chúa Thánh Thần trợ giúp họ để chu toàn một vai trò cao cả hơn trong ngàn năm sắp đến, mà chúng ta có thể gọi là thời đại của giáo dân. Vài dấu hiệu đó là: sự dấn thân của giáo dân cho công cuộc rao giảng Phúc Âm, sự quan tâm của giáo dân đối với sinh hoạt của giáo hội, sự tham dự hăng say và tích cực của giáo dân vào trong những cộng đoàn kitô cơ bản. Những chương trình canh tân, việc giảng dạy giáo lý và những cơ cấu giáo dục công giáo, tất cả đều có vai trò quyết định phải chu toàn trong việc huấn luyện giáo dân trở thành những nhà truyền giáo. Ðể giúp cho giáo dân có khả năng biến đổi những cơ cấu xã hội văn hóa và kinh tế chính trị của xã hội, chúng ta cần thông truyền cho họ sự hiểu biết sâu xa về các giáo huấn luân lý và xã hội của giáo hội.
Gia đình là cơ chế đang bị nguy hiểm nhất tại Á Châu. Việc kiểm soát dân số nhằm tạo ra thái độ kỳ thị đối với trẻ nữ tại vài quốc gia và nhắm đến những người nghèo của thế giới thứ ba. Những giá trị truyền thống của gia đình đang bị đảo ngược và bị thay thế bởi sự ích kỷ, sự tìm hưởng thụ thú vui, tinh thần duy vật và lòng tham lam. Những tấn công trực tiếp vào sự sống được thực hiện bởi việc ngừa thai, triệt thai và phá thai. Chúng ta cần phải cứu giúp cho gia đình; vì gia đình tiếp nhận và bảo vệ con người, nên gia đình là tế bào căn bản của xã hội và của giáo hội. Nếu gia đình bị hủy diệt, xã hội cũng bị hủy diệt. Gia đình là giáo hội tại gia, nằm ở trung tâm của cộng đoàn kitô. Gia đình là trường học đầu tiên. Những bậc làm cha mẹ là những thầy dạy đầu tiên. Sách giáo khoa đầu tiên cho con trẻ là những tương quan trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau và giữa cha mẹ với con cái và với những gia đình khác.
Một trong những dấu chỉ có ý nghĩa của thời đại chúng ta hôm nay là sự thức tỉnh của ý thức người nữ về phẩm giá của họ và về sự bình đẳng với nam giới. Giáo Hội tại Á Châu, để trở thành dấu chỉ đáng tin cho sự kính trọng và tự do của người nữ, thì phải làm chứng cho Chúa Kitô như là Ðấng cổ võ cho giá trị đích thật của người nữ. Ðiều nầy có thể thực hiện, bằng việc khuyến khích sự tham dự tích cực của người nữ, như kẻ có trách nhiệm như người nam, vào trong sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô.
Giới trẻ là hy vọng của Á Châu và của Giáo Hội. Nhu cầu hiện nay là Giáo Hội cống hiến cho giới trẻ sự huấn luyện mà họ cần để đương đầu với những thách thức của xã hội đang thay đổi hết sức mau lẹ của chúng ta và đương đầu với tương tai chưa được rõ ràng cho lắm. Bởi việc chăm sóc đúng cho hàng triệu người trẻ tại Á Châu, chúng ta làm cho tâm hồn họ được tràn đầy hy vọng và làm cho họ trở thành những nhà rao giảng phúc âm. Chúng tôi nhìn nhận với lòng biết ơn và muốn trang bị thêm cho năng lực rao giảng phúc âm của giới trẻ, một năng lực đã bắt đầu hoạt động rồi, trong việc chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn cho giáo hội và cho xã hội.
Cần phải chú ý đặc biệt đến những anh chị em lao động di dân. Hàng triệu người phải rời bỏ gia đình để kiếm sống nơi những đất nước khác. Việc chăm sóc mục vụ dành cho họ, theo truyền thống giáo hội riêng của họ là điều hết sức cần thiết. Nếu họ là những người kitô, thì việc huấn luyện tương xứng sẽ làm cho họ trở thành những nhà truyền giáo tại những đất nước đón nhận họ làm việc.
Một nhóm người khác nữa làm chúng tôi quan tâm là những người tị nạn. Có hàng triệu anh chị em tị nạn tại Á Châu; họ đã rời bỏ chính đất nước của họ và hiện đang cần đến mọi sự trợ giúp.
Giống như khi chúng ta khai mạc Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, thì giờ đây chúng ta bế mạc Khóa Họp cũng một cách như vậy, nghĩa là với Hy Tế Thánh Thể, trong đó, nhờ qua những lời Truyền Phép, Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu của Chúa Kitô, và trong đó cộng đoàn được biến đổi thành "Một Thân Xác, Một Tinh Thần" trong Chúa Kitô. Cuộc gặp gỡ như thế với Chúa Giêsu giờ đây cần được tiếp tục một cách mạnh mẽ hơn, trên khắp lục địa Á Châu. Ðây là công việc của Chúa Thánh Thần, Ðấng luôn luôn hiện diện bên cạnh chúng ta để trợ giúp chúng ta.
Chúng ta nhìn về Mẹ Maria; trong thân xác Mẹ, Chúa Kitô nhận được xác thể nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi cầu xin MẸ khẩn cầu cho chúng ta, ngõ hầu, giống như Chúa Giêsu, Con Mẹ, Giáo Hội có thể mỗi ngày một hơn trở thành một giáo hội phục vụ, để tiếp tục sứ mạng yêu thương và phục vụ cho dân chúng Á Châu, ngõ hầu "họ được sống, và sống dồi dào" ( Gn 10,10).