Chúng tôi hết sức quan tâm khi nghe tường thuật về những nỗi thống khổ người dân phải chịu tại nhiều quốc gia ở Á Châu, vì những bạo động tái diễn, vì những xung đột nội bộ, vì những căng thẳng và những chiến tranh giữa các nước.
Có vấn đề của Thành Giêrusalem, con tim của Kitô giáo, thành thánh cho ba tôn giáo độc thần, Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo. Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai có liên hệ hãy làm tất cả những gì trong khả năng có thể, để duy trì tính cách duy nhất và thánh thiêng của thành thánh nầy.
Khi nhìn đến nỗi khổ của dân chúng tại Iraq, nhất là của những người nữ và trẻ thơ, chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu hãy thực hiện những bước tiến để cất đi lệnh cấm vận đối với quốc gia nầy.
Ở những nơi khác của Á Châu, dân chúng đang phải khổ dưới những chế độ chính trị không quan tâm chút gì đến những đòi hỏi chính đáng của người dân muốn được sống tự do hơn và muốn cho những quyền lợi căn bản của họ được tôn trọng hơn. Những dân tộc khác nữa thì đang tranh đấu để lấy lại chủ quyền hay sự độc lập nhiều hơn.
Chúng ta cần tạo ra một ý thức mạnh mẽ hơn về những nguy hiểm của nạn phát triển và phổ biến lan rộng của kỹ nghệ chế tạo vũ khí. Những phát triển nầy loại bỏ yêu cầu của dân chúng muốn có công bằng và dân chủ.
Dù có những hậu quả tốt của việc toàn cầu hóa, nhưng chúng tôi vẩn quan tâm đến những hậu quả tai hại của nó. Chúng tôi kêu gọi những giáo hội địa phương của thế giới thứ nhất, hãy thực hiện tình liên đới với người nghèo tại Á Châu và hãy trở thành những trạng sư bênh đỡ cho người nghèo Á Châu, nơi chính quyền tại đất nước họ cũng như nơi những tổ chức kinh tế thế giới như: Ngân Hàng Thế Giới, Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế và Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế, để mang lại điều mà Ðức Gioan Phaolô 2 đã gọi trong sứ điệp Ngày Quốc Tế Hòa Bình năm 98 nầy là: "Một sự toàn cầu hóa mà không gây nên nạn loại ra bên lề. Sự Toàn Cầu Hóa Trong Tình Liên Ðới".
Chúng tôi hết sức đề nghị sao cho vào Năm Thánh 2000, nạn nợ nần của thế giới thứ ba được thương thuyết lại và gánh nặng đè bẹp của nó được làm nhẹ đi.
Giống như khi chúng ta khai mạc Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, thì giờ đây chúng ta bế mạc Khóa Họp cũng một cách như vậy, nghĩa là với Hy Tế Thánh Thể, trong đó, nhờ qua những lời Truyền Phép, Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu của Chúa Kitô, và trong đó cộng đoàn được biến đổi thành "Một Thân Xác, Một Tinh Thần" trong Chúa Kitô. Cuộc gặp gỡ như thế với Chúa Giêsu giờ đây cần được tiếp tục một cách mạnh mẽ hơn, trên khắp lục địa Á Châu. Ðây là công việc của Chúa Thánh Thần, Ðấng luôn luôn hiện diện bên cạnh chúng ta để trợ giúp chúng ta.
Chúng ta nhìn về Mẹ Maria; trong thân xác Mẹ, Chúa Kitô nhận được xác thể nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi cầu xin MẸ khẩn cầu cho chúng ta, ngõ hầu, giống như Chúa Giêsu, Con Mẹ, Giáo Hội có thể mỗi ngày một hơn trở thành một giáo hội phục vụ, để tiếp tục sứ mạng yêu thương và phục vụ cho dân chúng Á Châu, ngõ hầu "họ được sống, và sống dồi dào" ( Gn 10,10).