Bài phát biểu của Ðức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, giám mục Cần Thơ, trong phiên họp khoáng đại thứ 9 chiều thứ Sáu 24/04/98 của Khóa Họp Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu.
Ðức Cha đã phát biểu bằng tiếng Pháp, về đề tài: Phục vụ cho công cuộc nâng cao đời sống con người trong khung cảnh sứ mạng yêu thương và phục vụ của Giáo Hội tại Á Châu.
Bài phát biểu của Ðức Cha có hai phần chính: phần I mô tả hoàn cảnh tại Việt Nam, hay đúng hơn hoàn cảnh của dân chúng trong giáo phận Cần Thơ, trên ba bình diện kinh tế, văn hóa và giao thông. Phần II ghi lại những đóng góp của Giáo Hội công giáo cũng trên ba bình diện kinh tế, văn hóa và giao thông. Ðây chúng ta hãy đọc ngay vào bài phát biểu của Ðức Cha.
Trong kính Ðức Thánh
Cha,
Kính thưa quý nghị phụ,
Theo mẫu gương của Thầy mình,
Giáo Hội dấn thân phục vụ cho
phẩm giá và việc nâng cao đời
sống con người, trong tất cả
mọi hoạt động rao giảng phúc âm.
Tại Việt Nam nói chung, và tại vùng châu thổ sông Cửu Long, phần đất phía nam Việt Nam nói riêng, mặc cho những biến cố của năm 1975, những người công giáo sống gắn bó mạnh mẽ với Giáo Hội và có lòng yêu mến sâu xa đối với Ðức Thánh Cha. Nhưng đại đa số dân chúng có một mức sống rất thấp trên nhiều bình diện: kinh tế, văn hóa, các phương tiện giao thông.
Ða số dân chúng sống bằng nghề nông. Vì thế, họ dễ dàng trở thành nạn nhân của những thay đổi thời tiết khí hậu, nhất là vào lúc mà hiện tượng hạn hán El Nino đang gây tàn phá khắp nơi: những trận lụt hằng năm trong những năm qua, nạn hạn hán, và mới đây những tàn phá nặng nề do cơn bão LINDA vào ngày 2 tháng 11 năm 1997, mà những hậu quả của nó còn kéo dài lâu sau nữa.
Một điều tệ hại khác, và là tệ hại không nhỏ, đang đè nặng trên những nông dân: đó là những giá cả của các sản phẩm nông nghiệp không ổn định, làm cho người nông dân bị thiệt thòi rất nhiều và đưa họ đến thất vọng.
Sống trong cảnh lo lắng nhiều về mặt kinh tế, dân chúng không quan tâm mấy đến tầm quan trọng của vấn đề môi sinh. Hậu quả là họ bị đủ thứ bệnh, mà đáng lẽ ra người ta có thể tránh, với một chút ý thức về vệ sinh.
Dân tộc Việt Nam hãnh diện có một nền văn hóa lâu đời hằng ngàn năm, được xây dựng trên việc tôn kính Tổ Tiên và trên những giá trị của gia đình. Nguời Việt Nam có bản chất siêng năng làm việc và hiếu học.
Tuy nhiên bị xáo trộn bởi những năm dài sống trong chiến tranh, nên giới trẻ ngày nay cần phải cố gắng để lấy lại đà hăng say muốn được huấn luyện trí thức. Vì mục tiêu nầy, các thẩm quyền đã thực hiện những cố gắng lớn, nhưng sự nghèo cùng gây ngăn trở khá nhiều: thiếu tài chánh, thiếu thầy cô giảng dạy, thiếu trường sở. Ðàng khác, nhiều gia đình không có khả năng trả học phí cho con em của họ. Những trẻ em đi lang thang và bụi đời gia tăng mỗi ngày một nhiều hơn.
Sông Cửu Long trong vùng nầy, ngoài hai nhánh chính là Tiền Giang và Hậu Giang, thì được phân tẽ ra trong nhiều sông, rạch, kinh đào, giao nhau trong vùng đồng bằng. Việc giao thông cách chung được thực hiện qua đường sông, và do đó phải tốn nhiều giờ và cực nhọc. Các đường bộ thì ít và hẹp.
Trong những hoạt động rao giảng Phúc Âm, Giáo Phận Cần Thơ đã luôn lưu ý đến phẩm giá con người và đến việc cổ võ phát triển toàn diện con người.
Cộng đoàn tín hữu trong giáo phận Cần Thơ chiếm 4% dân số. Giáo Hội thường khuyến khích các tín hữu hãy siêng năng làm việc và cắt bỏ những chi phí vô ích. Giáo Hội nâng đỡ những Tổ Chức cho mượn vốn để phát triển nông nghiệp; đa số những vị giám đốc của những tổ chức nầy là người công giáo. Hàng trăm giếng nước ngọt để uống đã được đào tại nhiều nơi khác nhau ở thôn quê. Mới đây những trợ giúp hữu hiệu đã được tổ chức kịp lúc, giúp cho những nạn nhân công giáo hay không công giáo của trận bão Linda. Những trợ giúp nầy đến từ các tín hữu, từ dân chúng nói chung, từ Tòa Thánh và từ những tổ chức bác ái. Và điều nầy vẫn còn được tiếp tục. Những nữ tu làm việc tại các nhà thương, những viện phát thuốc, những cô nhi viện, những nhà dành cho những người tàn tật. Những nhóm bác sĩ, y tá nam nữ và công giáo, săn sóc miễn phí cho những bệnh nhân nghèo tại nhiều nơi khác nhau.
Giáo Hội khuyến khích các gia đình hãy suy nghĩ nghiêm chỉnh đến việc cho con cái đi học, mặc cho những khó khăn kinh tế của nhiều gia đình. Và ngõ hầu những khuyến khích của Giáo Hội có thể mang lại những kết quả, Giáo Hội thiết lập tại các giáo xứ những Quỹ Trợ Giúp cho những gia đình nghèo, để họ có thể trả học phí cho con cái. Giáo Hội tạo ra những phương tiện di chuyển cho các em học sinh, chẳng hạn như những ghe thuyền, giúp cho các em học sinh ở xa có thể đến trường học.
Những ký túc xá được cất lên cho các học sinh trú trọ. Những lớp học miễn phí cho các trẻ em thuộc nhiều hạn tuổi khác nhau, được tổ chức tại nhiều giáo xứ. Vài hãng xưởng được mở ra cho các người trẻ có công ân việc làm. Những trẻ em đi lang thang, tàn tật, được quy tụ lại và được các thiện nguyện viên công giáo chăm sóc.
Nhiều cây cầu đã được xây lên. Nhiều cây số đường đi đã được sửa chữa, nâng cấp, với sự trợ giúp của thẩm quyền dân sự cũng như của dân chúng không công giáo. Ðể làm những điều nầy, Giáo Hội mời gọi tất cả hãy sống thực thi tình liên đới, hãy có ý thức trợ giúp nhau; việc trợ giúp nhau vừa là truyền thống của dân chúng, vừa là giáo huấn của Phúc Âm.
Tất cả những kết quả nói trên, dù nhỏ bé so với nhu cầu to lớn, đã đạt được trước hết là nhờ vào tinh thần rao giảng Phúc Âm, được Giáo Hội khơi dậy nơi các tín hữu, nhờ vào sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người kitô, nhờ vào tình liên đới với những tín đồ của các tôn giáo khác, với dân chúng nói chung, và nhờ vào những trợ giúp của các tổ chức từ thiện.
Tuy nhiên, những kết quả có lẽ sẽ to lớn hơn nữa, nếu Giáo Hội không bị giới hạn bởi những phương tiện tài chánh và hưởng được nhiều sự dễ dãi hơn, để thực hiện điều mà giáo hội nghĩ là cần thiết cho dân chúng.
Dù sao, giáo phận Cần Thơ tin tưởng vào họat động của Chúa Thánh Thần, và trông cậy vào lời cầu nguyện của Giáo Hội, đặc biệt là của Giáo Hội tại Á Châu, ngõ hầu công việc rao giảng Tin Mừng cho nơi bé nhỏ nầy của Á Châu, được tiến bộ cách thuận lợi.
Xin cám ơn.