Tường thuật về Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu: Sáng Chúa Nhật 19/04/1998, bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, lúc 9:30 sáng giờ Roma, tức lúc 2:30 chiều giờ Việt Nam.
Thánh Lễ Khai Mạc đã do ÐTC chủ tế, cùng với các nghị phụ của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu và các thành phần của giáo triều Roma, đồng tế. Chúng ta có con số sau đây: 34 vị Hồng Y, trong số nầy có 12 vị Hồng Y đến từ các quốc gia Á Châu, ngoại trừ Ðức Hồng Y WU của Hồng Kông, không đến được vì lý do sức khỏe. Từ Việt Nam, thì có Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam; 6 vị giáo chủ, 49 Tổng Giám Mục, trong số nầy có Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn như Thể, Tổng Giám Mục HUẾ, và Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, thành viên được ÐTC bổ nhiệm cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục, 78 vị giám mục, trong số nầy có các Giám Mục Việt Nam thuộc phái đoàn tham dự Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, và 92 linh mục.
Thánh Lễ đã kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, từ 9:30 đến 11:40 sáng giờ Roma, và mang nhiều đặc tính Á Châu, qua các bài hát bằng tiếng Philuậttân, Nam Dương, Ấn Ðộ, qua các cử điệu dâng của lễ, và qua các ngôn ngữ được xử dụng. Tiếng Việt Nam được dùng để xướng lên một ý chỉ cầu nguyện trong phần Lời Nguyện Giáo Dân.
Sau những lời mở đầu thánh lễ nhắc lại ý nghĩa của buổi cử hành Phụng Vụ Thánh Thể khai mạc Khóa Họp Ðặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Á Châu, và thay cho phần thống hối thông thường, ÐTC đã cử hành nghi thức rảy nước thánh, trong khi cộng đoàn hát bài ca "Vidi Aquam, Tôi đã thấy nước từ đền thánh chảy ra".
Các bài đọc thánh lễ theo Phụng Vụ Lời Chúa Thánh Lễ Chúa Nhật II Phục Sinh. Bài đọc I từ sách Tông Ðồ Công vụ, chương 5, câu 12-16 nói về việc Chúa gia tăng số những kẻ tin vào Nguời nơi cộng đoàn giáo hội sơ khai, quanh các tông đồ. Bài đọc 2 từ sách Khải Huyền, chương 1, câu 9-11.12-13.17-19, nhắc lại thị kiến của Gioan, và bài Phúc Âm theo thánh Gioan 20,19-31 kể lại việc Chúa hiện ra cho các tông đồ, đặc biệt là cho tông đồ Tôma và tuyên bố: Phúc cho những ai không thấy mà tin. Bài Phúc âm được công bố bằng tiếng Malayalam của Ấn Ðộ, theo nghi thức đông phương Siro-Malanka.
Giảng sau phúc âm, ÐTC đã xử dụng ba ngôn ngữ, Ý, Pháp , Anh, và giải thích ý nghĩa các bài đọc trong viễn tượng của khóa họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Chúng tôi sẽ chia sẻ nguyên văn bài giảng nầy trong một chương trình phát thanh khác. Trong bài tường thuật nầy, chúng tôi chỉ xin ghi lại vài ý chính mà thôi.
Mở đầu bài giảng bằng Ý, ÐTC đã gợi ý từ bài đọc thứ hai trích từ sách Khải Huyền, nói đến thị kiến của Gioan và lời mời gọi Gioan hãy chia sẻ những gì mình thấy cho bảy giáo hội tại Tiểu Á. ÐTC đã nói như sau:
"Ngợi
Khen Chúa Giêsu Kitô,
"Những gì con nhìn thấy, hãy
viết ra sách vả gởi đến
Bảy Giáo Hội" (KH 1,11). Những lời
của sách Khải Huyền vang lên thật
là thời sự vào ngày hôm
nay. Thật vậy, những Giáo Hội mà
các lời trên nói đến
là những Giáo Hội tại Á
Châu. Và chúng ta họp nhau nơi đây,
sáng hôm nay, để khai mạc bằng
một Phụng Vụ Thánh Thể long trọng,
(khai mạc) khóa họp đặc biệt của
Thượng Hội Ðồng Giám Mục
cho Á Châu.
Các vị giám mục của đại lục Á Châu, cùng với những đại diện của những cộng đoàn giáo hội khác nữa, được quy tụ về Roma cho biến cố quan trọng nầy. Kết quả của những việc làm của Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ được thu thập vào trong một cuốn sách, làm thành Văn Kiện Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, để phổ biến cho tất cả các Giáo Hội tại Á Châu. Trong văn kiện đó sẽ được viết ra điều mà Chúa Thánh Thần sẽ gợi ra, giống như điều mà Gioan đã làm vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Chúa Kitô, khi gởi tập sách Khải Huyền cho những cộng đoàn Kitô hiện diện lúc đó tại Á Châu.
Trong một cuộc xuất thần, lúc sinh sống tại đảo Patmos, Gioan đã nghe một tiếng nói đầy uy quyền (x. KH 1,10) thôi thúc ngài viết ra những điều đã nhìn thấy để rồi gởi đến các giáo hội tại Á Châu. Gioan cho đó là tiếng nói của Ðấng là Con Người, được xuất hiện cho Gioan nhìn thấy trong vinh quang. Gioan nhìn thấy Ngài và ngã sấp mình xuống chân ngài như chết. Nhưng Chúa Kitô đặt tay trên Gioan và nói: Ðừng sợ. Ta là Ðấng trước hết và sau hết, và là Ðấng hằng sống. Ta đã chết, nhưng bây giờ hằng sống luôn mãi và Ta có quyền trên sự chết và trên hỏa ngục. Con hãy viết ra những gì con đã nhìn thấy, những gì đang xảy ra và những gì sẽ xảy ra sau" ( KH 1,17-19).
Thưa các chư huynh đáng kính của Giáo Hội tại Á Châu, những lời trên, trong một ý nghĩa nào đó, cũng được gởi đến chúng ta hôm nay. Trong thời gian làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, chúng ta sẽ phải viết ra những gì chúng ta làm chứng cho. Như là những người kế vị các tông đồ, chúng ta được mời gọi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh chết và đã sống lại. Thật vậy, đây là sự thật mà cùng với nó chúng ta tiến đến ngàn năm thứ ba: "Chúa Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi! (DT 13,8).
Sau đó, bằng tiếng Pháp, ÐTC giải thích đoạn phúc âm theo thánh Gioan. Rồi sang tiếng Anh, ÐTC nói về ý nghĩa của Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Ðặc biệt trong phần nầy, ÐTC đã nhắc đến Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, với những lời thật rõ ràng như sau:
Trong giây phút nầy, tư tưởng của chúng ta tất cả hướng về những người công giáo tại Trung Quốc và về những vị chủ chăn của họ. Ngõ hầu hàng Giám Mục ở Trung Quốc cũng được đại diện trong Khóa Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục nầy, cùng với các vị giám mục đang làm việc tại giáo phận Hồng Kông, tôi đã mời hai vị Giám Mục từ Trung Quốc đến tham dự Khóa Họp; đó là Ðức Cha Matthias Duan YINMING, Giám Mục giáo phận WANHSIEN, và vị giám mục phó của ngài là Ðức Cha Joseph XU ZHIXUAN. Tôi hy vọng là trong tương lai gần nhất hai vị sẽ có thể đến được giữa chúng ta, và làm chứng cho sức sống của những cộng đoàn giáo hội tại Trung Quốc.
Những lời trên của ÐTC đã được các hãng tin quốc tế lưu ý và phổ biến khắp nơi.
Sau bài giảng và kinh tin Kính, đến phần lời nguyện Giáo Dân, được xướng lên bằng sáu thứ tiếng khác nhau: tiếng Phi Luật Tân, tiếng Arập, tiếng Trung Hoa, tiếng Ðại Hàn, tiếng Tamil và cuối cùng là tiếng Việt Nam.
Sau mỗi lời xướng, một xướng ngôn viên cất hát bằng tiếng Latinh câu: Dominum oremus, Chúng con cầu xin Chúa. Và toàn ca đoàn đáp lại cũng bằng tiếng Latinh: Adveniat regnum tuum. Có nghĩa là: Nguyện xin cho Nước Chúa ngự đến.
Mở đầu Lời Nguyện Giáo Dân, ÐTC mời gọi như sau:
Anh chị em thân mến, như Gioan, nguời đã được phúc thị kiến ở đảo Patmos, và như những môn đệ nơi nhà Tiệc Ly, chúng ta đang sống trong sự hiện diện của Chúa, Ðấng trước hết và sau hết, Ðấng đã chết, nhưng nay được sống muôn đời. Với lòng đầy tin tưởng, nhờ qua Chúa Kitô, chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện, ngõ hầu chúng ta được soi sáng từ trên cao, trong khóa họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, để thông truyền một cách trung thành điều mà Chúa Thánh Thần ngày hôm nay nói với các Giáo Hội.
Ý chỉ cầu nguyện bằng tiếng Việt Nam do chị Minh Nguyệt đọc lên như sau:
Cầu cho tất cả chúng ta đang hiệp nhau trong đức tin, cậy, mến, chung quanh Ðấng Phục Sinh, Người liên tục đổ tràn Chúa Thánh Thần trong giáo hội, hầu hiệp thông mọi người và thi hành sứ vụ trường cửu, để tất cả chúng ta được hưởng phúc đức tin mà Chúa đã hứa ban cho những ai tuy không thấy Chúa mà vẫn tin nơi Ngài, và nhờ tin họ được sự sống vĩnh cửu trong danh Ngài.
Kết thúc lời nguyện giáo dân, ÐTC cầu xin như sau:
Lạy Cha chí thánh, xin lắng nghe Lời cầu nguyện của Dân Chúa, một dân đã được tham dự vào tác vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô, Ðấng cứu độ duy nhất của thế giới, và xin hãy ban cho chúng con, nhờ lời khẩn cầu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, và của tất cả các thánh, xin ban cho chúng con được làm chứng trong Chúa Thánh Thần, làm chứng cho niềm vui của đức tin, sự can đảm của niềm hy vọng và sức mạnh của đức bác ái, trong sự hiệp nhất các tinh thần và con tim. Nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Thánh Lễ đã kết thúc lúc 11:40 trưa Chúa Nhật 19/04/1998, giờ Roma. ÐTC về phòng rồi xuất hiện vào lúc 12 trưa, nơi cửa sổ phòng làm việc của ngài, nhìn xuống quảng trường, nói vài lời huấn đức, trước khi hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với mọi người hiện diện.
Sau những lời huấn đức, ÐTC cất hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng và ban phép lành cho tất cả mọi người hiện diện.
Hẹn gặp lại trong những bài tường thuật kế tiếp.