Phiên họp khoáng đại thứ 13
Sáng thứ Ba 28/04/98
Phát biểu của ÐHY Phạm Ðình Tụng:
Những ưu tiên của công việc rao giảng Phúc Âm
tại Á Châu

Click here for ENGLISH VERSION

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trọng Kính Ðức Thánh Cha,
Chính với niềm vui và sự cảm động mà con muốn chào chúc tất cả các nghị phụ, đặc biệt là những anh em giám mục đại diện cho các Giáo Hội và các dân tộc của đại lục Á Châu rộng mênh mông. Những lời bàn của tôi có liên hệ nhất là với những đoạn sau đây của Tài Liệu Làm Việc: các số từ 12 đến 14, số 20, từ 23 đến 29, 32-33, 39, và từ 47 đến 50.

Tôi xin đi thẳng vào điểm thiết yếu: tôi không nghĩ là Thượng Hội Ðồng Giám Mục của chúng ta phải đi vào trong sự phân biệt tinh tế của những thảo luận có tính cách lịch sử và cả thần học. Sứ mạng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục là nêu chỉ cho những người Kitô và những vị chủ chăn của họ thấy con đường hết sức cụ thể phải đi trong thời đại hôm nay, ngõ hầu Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu rỗi mà Thiên Chúa Cha cống hiến cho tất cả mọi người, (ngõ hầu Chúa Kitô) có thể được biết và được nhìn nhận bởi nhiều người chúng ta tại Á Châu, và ngõ hầu nhiều người có thể vui hưởng ánh sáng của Chúa, và tự do chọn lấy Con Ðường mà Chúa đã vạch vẽ ra.

Giờ đây tôi xin nói về ba điểm sau đây:

1. Niềm Tin tôn giáo của những dân tộc Á Châu

Dân tộc Việt Nam và, nếu tôi không lầm, toàn thể các dân tộc Á Châu là những dân tộc có niềm tin tôn giáo sâu xa. Trong quá khứ, chắc hẳn người ta đã thường đánh giá thấp, tại đất nước chúng tôi, (đánh giá thấp) sự trung thực và giá trị của kinh nghiệm tôn giáo của đa số những anh chị em đồng hương. Hậu quả là nhiều cộng đoàn Kitô tại Á Châu sống bên lề những xã hội và bên lề những nền văn minh, trong đó những cộng đoàn Kitô nầy được mời gọi làm chứng cho những giá trị Phúc Âm. Chúng ta cần phải mở rộng đôi mắt con tim chúng ta để nhìn về những anh chị em có niềm tin tôn giáo sống quanh chúng ta. Chính với sự kính trọng và thiện cảm mà chúng ta phải bàn về những giáo huấn tôn giáo và triết học khác biệt với giáo lý của chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận khám phá ra nơi đó những giá trị phong phú lạ lùng, và chúng ta vui mừng về điều nầy. Tôi không muốn chỉ nói về những dòng tư tưởng lớn gần bên chúng ta, như Khổng Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo, Ấn Ðộ Giáo hoặc Hồi Giáo. Dân chúng đất nước chúng tôi không sống mối tương quan của họ với những thực tại vô hình, chỉ nhờ qua những giáo lý cao cả nầy mà thôi. Dân chúng đông đúc của các quốc gia Á Châu, biết đến nhất là những vị thần bình dân của họ, những vị thần của đất đai và của thiên nhiên, những vị thần bảo vệ các làng mạc.

Chúng tôi, những giám mục Việt Nam, chúng tôi xác tín rằng thật không thể nào loại bỏ một cách tiên thiên ngay từ đầu những niềm tin trên, duới danh nghĩa đó là những điều mê tín. Ðối với những ai thực hành những niềm tin nầy, thì đây là con đường cụ thể và hằng ngày giúp họ đến gần hơn một chút Mầu Nhiệm Ông Trời, mầu nhiệm bao phủ và xâm nhập vào tất cả mọi sự. Nghi thức tôn kính tổ tiên, rất thịnh hành tại Việt Nam chúng tôi, cũng như trong thế giới Trung Hoa, cũng là một cách hùng hồn và mạnh mẽ để liên kết mình với Nguốn Gốc Thật của mọi sự, Nguồn Gốc mà không ai biết rõ được, nhưng là Nguồn Gốc mà từ đó mọi sự sống phát sinh trong sự hòa họp với nhau.

Phần 2: Ðức Tin Kitô trong khung cảnh Á Châu

Những vấn đề về sự không tin và về chủ thuyết vô thần (incroyance et atheisme) không phải là những vấn đề ưu tiên của chúng tôi. Ngõ hầu Phúc Âm có thể ăn rễ vào trong lòng đất (các dân tộc) Á Châu, thì điều khó khăn không phải là sự không tin, cũng không phải là sự lãnh đạm: điều khó khăn cản trở nằm ở nơi sức mạnh và sự phong phú của ý thức tôn giáo được những người đồng hương chúng tôi sống thực trong đời họ. Những anh chị em không Kitô của chúng ta, đa số được thỏa mãn trong cảnh sống tôn giáo của họ và tự hỏi về việc Kitô giáo có thể mang đến cho họ điều gì hơn hay không.

Ðó là điểm mà chúng ta cần phải nhấn mạnh, ngõ hầu một cuộc đối thoại thật sự có thể được thiết lập trên bình diện mà những anh chị em không Kitô của chúng ta đang chờ đợi (tức là trên bình diện sống kinh nghiệm tôn giáo). Một cuộc đối thoại chỉ dựa trên những lý luận thông thái có tính cách triết lý và thần học, thì không thể nào trổ sinh những kết quả. Nguời ta chất vấn chúng ta như sau: Ðâu là kinh nghiệm tôn giáo của quý vị? Xin hãy chỉ cho chúng tôi thấy như thế nào quý vị muốn tiến đến gần với Mầu Nhiệm cao cả không thể diễn tả được mà mọi hữu thể, mọi sự sống đều tùy thuộc vào đó?

Chúng ta, những nguời Kitô Á Châu, chúng ta là những kẻ mang nơi mình sứ điệp nhưng thường thì lại không biết gì về kinh nghiệm duy nhất và sống động (tức kinh nghiệm tôn giáo), kinh nghiệm làm cho con tim ta vui mừng rung động, và làm cho chúng ta có khả năng sống hòa hợp hoàn toàn với chính mình, với anh chị em và với vũ trụ. Ðối với chúng ta, Ðấng không thể diễn tả được đó, lại có một danh gọi, một dung mạo. Ông Trời có vẽ vô danh và trừu tượng của tổ tiên chúng ta, đã trở thành Thiên Chúa Cha mà tình yêu của Ngài có sức mạnh làm cho chúng ta được hiện hữu. Thiên Chúa Cha nầy, Ðấng mà không ai có thể nhìn thấy bao giờ, nhưng Tình Yêu của Ngài đã mặc lấy một thân thể và một dung mạo nơi con nguời Chúa Giêsu, Con Một Ngài, nguời anh cả của chúng ta, Vị Thầy cao cả của chúng ta, và là Con Ðường của chúng ta.

Phần 3: Rao Giảng Phúc Âm cho những anh chị em Á Châu chúng ta

Á Châu cần biết được dung mạo của Thiên Chúa, vừa rất gần, rất nhân đạo, nhưng cũng rất cao xa và rất tràn đầy tình yêu thương. Á Châu cần khám phá ra sự khôn ngoan mới, được thể hiện trong các Mối Phúc Thật và trong mầu nhiệm Vượt Qua. Làm sao Á Châu có thể làm điều nầy được, nếu từ phía mình Chúa Kitô mà chúng ta được sống nhờ Người, (nếu Chúa Kitô) không hiện diện và trở nên hữu hình trong chính con người chúng ta, trong những cộng đoàn Kitô và trong những hành động của chúng ta? Làm sao Á Châu có thể đánh giá cao dung mạo của Thiên Chúa như được mô tả trên, nếu lời cầu nguyện và việc suy niệm Kitô của chúng ta còn nằm khơi khơi ở trên bề mặt của hữu thể, thua xa những chiều sâu mà những nhân vật nỗi tiếng của Phật Giáo đã đạt được? Những sinh hoạt phụng vụ của chúng ta, dù có được hội nhập văn hóa nhất đi nữa, cũng sẽ xuất hiện như là những bắt chước méo mó (caricature), nếu người ta không chạm đến được sự hiện diện đầy sức tác động của Thiên Chúa-Tình Thương, của Thánh Thần ban sự sống.

Tóm lại, điều vô ích là việc đi tìm giữa chúng ta những lời nói và cử hành lễ nghi có sức thuyết phục hay làm cho những người đồng hương chúng ta trở lại, hoặc chờ đợi người ta soi sáng họ cho chúng ta. Theo chúng tôi nghĩ, có lẽ sẽ là điều nguy hại, việc đặt ra lại những tranh cải trầm trọng mà lịch sử để lại cho chúng ta. Ðiều cần thiết, là đi tìm nơi những kẻ có niềm tin thuộc về những tôn giáo khác và đi tìm nơi chính chúng ta, (đi tìm) những dấu chỉ của sự hiện diện và của tác động của Thiên Chúa, rồi chiêm ngắm chúng và để cho chính mình được thấm nhập vào đó. Theo ý tôi, Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã nêu chỉ cho chúng ta con đường cần phải theo. Do bởi sự kính trọng sâu xa và tình yêu thương hữu hiệu của Mẹ đối với mọi người, Mẹ đã giảng dạy một cách hữu hiệu cho chúng ta biết như thế nào Ðấng là Thiên Chúa Tình Thương của người Kitô; Mẹ dạy cho chúng ta biết Ðấng là Nguời Tôi tớ khiêm tốn cho đến chết, bị tất cả mọi người từ khước, nhưng đã trở thành người anh cả của nhiều người. Dù là nguời ngoại quốc, Mẹ Têrêsa đã được nhìn nhận bởi dân tộc cao cả Ấn Ðộ, thuộc mọi niềm tin tôn giáo, (được nhìn nhận) như là một thành phần của dân tộc họ và như là Ðấng có một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa.

Cũng vậy, chính chúng ta cần phải chu toàn một cố gắng căn bản để canh tân đức tin và đời sống Kitô của mình. Chỉ sau đó, chúng ta mới có thể bắt đầu thật sự cuộc đối thoại bằng đời sống với tất cả mọi người thiện chí, mặc cho niềm tin tôn giáo của họ hay những viển tượng triết học của họ như thế nào. Thần học trong khung cảnh Á Châu, một nền thần học mà không ai chối bỏ sự cần thiết của nó, (thần học trong khung cảnh Á Châu) sẽ đến sau, vào cuối con đường. Và thần học có lẽ sẽ chỉ là một ảo tưởng, nếu không có mệnh lệnh tình thương phổ quát được sống thật giữa chúng ta và với tất cả mọi người; thần học có lẽ sẽ không hiệu nghiệm, nếu không có một sự chọn lựa hằng ngày phục vụ cho những nguời nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất.


Back to Radio Veritas Asia Home Page