Phiên họp khoáng đại thứ 13
Sáng thứ Ba 28/04/98
Phát biểu của các Hồng Y Giáo Triều Roma

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường Thuật về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Phiên họp khoáng đại thứ 13 vào sáng thứ Ba 28/04/98: Các vị Hồng Y của Giáo Triều Roma phát biểu ý kiến:

Trong phiên họp khoáng đại lần thứ 13 vào sáng thứ Ba 28.04.98, có nhiều vị Hồng Y đứng đầu các Cơ quan của Giáo Triều Roma phát biểu ý kiến về nhiều vấn đề khác nhau, để góp phần vào Khóa Họp của THÐ về Á Châu:

Mở đầu các cuộc phát biểu sáng thứ Ba là Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, nhân vật số 2 sau ÐTC. Ngài nhắc đến hai điểm căn bản sau đây:

Tiếp sau Ðức Hồng Y Sodano, là Ðức Hồng Y Joseph Tomko, Tổng trưởng Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, và cũng là một trong ba vị Hồng Y chủ tịch đặc ủy của Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Hầu hết các giáo phận tại Á Châu vẫn còn thuộc Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc (Bộ Truyền Giáo). Vì thế lời của Ðức Hồng Y Tổng trưởng, vị có trách nhiệm trực tiếp về việc rao giảng Tin Mừng, có một thế giá riêng. Ðức Hồng Y nhấn mạnh đến sự khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng cách riêng cho Á Châu, một Lục điạ, tuy là quê hương của Chúa Cứu thế, nhưng chỉ mới có gần 3% dân cư là người công giáo. Sự kiện này không cho phép Giáo Hội ngừng dấn thân truyền giáo, bởi vì Con Thiên Chúa đến để cứu thế gian, sau khi đã có các tôn giáo lớn tại đây rồi. Ðiều này có nghĩa là việc Chúa nhập thể để cứu rỗi con người là điều cần thiết. Dĩ nhiên cũng phải hiểu và đi sâu vào tâm trạng Á Châu, một tâm trạng tuy có những đặc điểm gần với đức tin Kitô, như tính nhạy cảm tôn giáo và con đường tu đức khổ hạnh, nhưng cũng còn có những đặc điểm xa cách với đức tin Kitô như thuyết Huyền Bí đa thần.

Ðức Hồng Y Pio Laghi, Tổng trưởng Bộ Giáo dục công giáo, cũng đã lên tiếng nhắc lại rằng kinh nghiệm truyền giáo có rất nhiều công nhiệp trong lãnh vực thực thi tình liên đới, đức bác ái, cũng như trong lãnh vực Y Tế, nhân đạo, giáo dục; ngài nhắc đến những con số rất đáng khích lệ trong lãnh vực giáo dục: 425 trung tâm công giáo về cao học và khoảng 30 ngàn trường học với gần 10 triệu học sinh.

Sau Ðức Hồng Y Laghi, một nghị phụ người Philippines lên tiếng phát biểu rằng: đây đó, dĩ nhiên không thiếu những bóng tối: nhiều lúc ước muốn thái quá nơi các nhà truyền giáo muốn chết tử đạo, đã gây hại cho các giá trị hữu ích khác của Việc truyền giáo.

Vị đại diện của Sri Lanka nhấn mạnh rằng: Trong dòng lịch sử một vết sẹo bất hạnh vẫn còn đè nặng trên hành động của cộng đồng Giáo Hội; vết sẹo nầy ngày nay tại nhiều nước Á Châu làm cho người dân coi Kitô Giáo như tôn giáo của Tây Phương, do Chủ Nghĩa thuộc địa đưa đến. Ðây là một thành kiến khó gột rửa được, và nhiều khi gây nên những thái dộ bất lợi, như việc các Hội Dòng Tây Phương, nay không còn ơn gọi, đến chiêu mộ các ơn kêu gọi mới tại Á Châu".

Một nghị phụ người Syrie (Trung Ðông) cũng có những tư tưởng tương tự như vậy. Ngài nói: những khó khăn như trên đây không phải chỉ xẩy ra tại miền Viễn Ðông, mà cả trong những thực tại ngay bên cạnh Châu Âu này. Nhiều người có quan niệm sai lầm về tính cách truyền giáo, bằng việc áp đặt những viễn tượng hoàn toàn "Latinh" cho các Giáo hội đông phương. Thái độ này nhiều lúc làm hạ giá các Giáo Hội Ðông Phương, và để lại những khó khăn trong việc cử hành năm Toàn Xá với cộng đồng Chính Thống.

Ðức Hồng Y Phaolô Phạm Ðình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội, cũng đã phát biểu ý kiến trong phiên họp khoáng đại sáng thứ Ba 28/04/98: Nhắc lại lời kêu gọi tiếp tục việc Hội nhập Tin Mừng vào đời sống Giáo hội và nhất là lời kêu gọi trình bày đức tin qua những quan niệm rõ ràng, dễ hiểu đối với tâm trạng Á Châu, nhất là bằng những gương sáng như Mẹ Têrêsa thành Calcutta, Ðức Hồng Y Phaolo Phạm Ðình Tụng, quả quyết rằng "kinh nghiệm tôn giáo của chúng ta phải phù hợp với giáo lý mà chúng ta trình bày, giảng dạy". Chúng tôi sẽ trình bày riêng bài phát biểu dài hai trang bằng tiếng Pháp của Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Hà Nội trong những bài tường thuật tiếp theo.

Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đã đưa ra những nhận xét sâu sắc về đề tài "Giáo hội-cơ chế". Ngài nói: có những lý do thực, để lo sợ rằng Giáo hội có thể mặc quá nhiều "áo mã giáp" loài người, trong lúc đó chỉ có một yếu tố thể chế mà Giáo hội cần đến, là cơ cấu bí tích của mình. Một khi được sống theo tinh thần nầy, thì chức linh mục không còn là "một áo mã giáp thể chế" nữa, nhưng như một bó đuốc sáng, để biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa".


Back to Radio Veritas Asia Home Page