Tường thuật về Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Sáng thứ Ba 21/04/98, các nghị phụ bắt đầu các cuộc thảo luận về bài thuyết trình khai mạc của Ðức Hồng Y Paul Shan Kuo Hsi. Người ta đã chú ý nhiều đến bài phát biểu của các giám mục Nhật, và nhất là của Ðức Cha Hamao, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nhật
Ngay từ ngày đầu, cuộc thảo luận xem ra sôi nổi. Nhiều quan niệm khác nhau xuất hiện, có khi đối lập nhau nữa. Một bên là Philippines, quốc gia duy nhất tại Á Châu có một sự hiện diện công giáo hùng mạnh và đông đảo, dù người dân sống trong cảnh nghèo khổ, đức tin của họ rất mạnh mẽ, thậm chí dù phải đi ra ngoài làm việc tại các nước Tây Phương, họ đã đem đến sự sống động cho các cộng đồng giáo xứ tại đây.
Trong phiên họp sáng thứ Ba 21/04/98 vừa qua, các nghị phụ bắt đầu trình bày các ý kiến hay nhận định của mình. Người ta đã chú ý đến bài phát biểu của các giám mục Nhật, và nhất là của Ðức Cha Hamao, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nhật.
Tại Nhật, Ðức Tin Kitô này, dù có từ thời Thánh Phanxicô Xaviê, nhưng không bao giờ ăn rễ sâu tại đây, như các tôn giáo khác như: Thần đạo (Shintoisme) và nhất là Phật giáo.
Sau 50 năm được đưa vào Nhật, Phật giáo đã trở nên đạo của quốc gia. Các giám mục giải thích những lý do: trong các lý do này, trước hết có việc rao giảng Tin Mừng còn có tính cách quá Tây Phương. Thiên Chúa của tín hữu Kitô, như người ta nói, được trình bày với những nét của một người cha chia rẽ, người cha lựa chọn người tốt và người xấu. Sự nhậy cảm Á Châu lại gần gũi với quan niệm người mẹ đầy dịu dàng, tình yêu vô biên... Những quan niệm này dĩ nhiên đức tin Kitô vốn sẵn có và phải đề cao tại Ðông phương.
Một vấn đề khác là các luật lệ cụ thể cho đời sống Kitô vẫn còn là những lề luật của Giáo Hội Châu Âu và nếu điều này thích hợp với Tây Phương, trái lại tại Ðông Phương đặc tính này tiếp tục tạo nên một ngăn trở cho việc tiếp xúc với dân chúng. Kiểu nói của Thần Học, nhịp độ và cơ cấu của phụng vụ, chương trình của việc giảng dạy giáo lý chưa thể gây xúc động tâm hồn của những người ở Á Châu, hiện đang đi tìm Chúa Kitô mà có lẽ họ không biết Người.
Các giám mục Nhật đã đề nghị hãy suy nghĩ lại việc trình bày Giáo hội theo "ánh sáng của nguyên tắc tiệm tiến", mà ÐTC Gioan Phaolô II đã nhiều lần khuyến khích. Hãy để cho các tín hữu Kitô Á Châu Có trách nhiệm trực tiếp lớn lên trong Chúa Kitô qua trung gian nền văn hóa của họ và qua những cuộc đấu tranh, những hy vọng, những chờ đợi của xã hội riêng của họ.
Sau cùng, các giám mục Nhật Bản đã nhắc lại quá khứ đau thương của đất nước các ngài: nạn nhân hai lần của bom nguyên tử tàn phá Hiroshima và Nagasaki, nhưng Nhật cũng là người xâm chiếm Ðại Hàn và nói chung hơn miền Ðông Nam Á trong đệ nhị thế chiến. Các ngài công nhận là Giáo Hội Nhật lúc đó đã thiếu sót trong sứ mệnh tiên tri, không dám tuyên bố cách can đảm sự phi lý của chiến tranh. Nhưng dấn thân cổ võ hòa bình ngày nay vẫn có giá trị, một dấn thân không thể không lưu ý trước thực tại Á Châu: nơi có nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo.
Việc hội nhập Tin Mừng vào đời sống người dân là một trong các đề tài thường được các giám mục Á Châu đề cập và đào sâu, cả trong đợt thảo luận đầu tiên này của Khóa Khoáng Ðại. Vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội để rao giảng Tin Mừng và hội nhập Tin Mừng vào đời sống đóng một vai trò rất quan trọng. Về vai trò này, Ðức Tổng Giám Mục John Foley, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về truyền thông lên tiếng trên đài Phát Thanh Vatican như sau:
"Tôi đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của báo chí công giáo để góp phần vào việc huấn luyện các người công giáo và để củng cố sự hiệp nhất cộng đồng công giáo tại Á Châu. Tôi đã nhắc lại sự quan trọng của đài phát thanh để tiếp xúc với những người tại các nước sống trong hoàn cảnh khó khăn và cũng để củng cố cộng đồng công giáo tại các nước công giáo, như Philippines chẳng hạn. Tôi cũng nói đến sự quan trọng của Mạng Lưới Toàn Cầu (Internet) để tiếp xúc với mọi người ở ngay trong gia đình của họ và tôi đã xin các giám mục thiết lập một văn phòng thông tin và liên lạc công cộng; hơn nữa tôi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết chuẩn bị, huấn luyện các nhân viên về truyền thông và việc phác họa một chương trình mục vụ về truyền thông và sự hiện diện của truyền thông trong mỗi một môi trường mục vụ, để rao giảng cho mọi người ở Á Châu trong Năm 2000 Tin Mừng cứu rỗi trong Chúa Kitô".
Dư luận báo chí đã lưu ý nhiều đến thái độ nhận lỗi và xin lỗi của các vị giám mục Nhật Bản. Chúng tôi sẽ bàn đến trong chương trình khác. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn.