Tổng Quan
về Triết Học và Việt Triết

Giáo Sư John B. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan


1. Lời Dẫn Nhập

Ðối với đa số trí thức Việt, Việt Triết là một danh từ xa lạ, có tính chất hoang đường của dã sử. Ngay tới đầu thế kỷ thứ hai mươi, những cựu nho gia như cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim, Phan Khôi, v.v..., vẫn chưa ý thức tới một nền Việt Triết. Với cụ Lệ Thần, Triết học là một môn tri thức nhập cảng từ Âu Tây. Mặc dù cụ nhận thấy triết học của Bác-Sơn (Henri Bergson) gần giống với tư tưởng nho học, cụ vẫn quả quyết là Việt Nam chưa có triết học cá biệt. Theo cụ, Việt Nho chỉ là Hán Nho mà thôi. Trong cuộc tranh luận về Khổng Giáo, hai cụ họ Trần và họ Phan ra sức biện hộ hoặc triết học Tàu (cụ Trần) hoặc Pháp (cụ Phan), song không hề đã động tới lối tư duy của người Việt.

Ngay cho tới những năm gần đây, Việt Triết cũng ít được (hay nói đúng hơn không được) nhắc tới. Triết Ðông dạy tại các Ðại Học Việt chỉ là Triết Tàu hoặc Triết Ấn Ðộ. Những tạp chí nghiên cứu như Ðông Phương, Tư Tưởng bàn nhiều tới văn hóa Việt song hầu như không thảo luận Việt Triết. Tương tự, những giáo sư Triết Ðông đa số dạy Tứ Thư, Ngũ Kinh, Khổng Mạnh, Lão Trương, hay các kinh điển của Phật Giáo như kinh Vệ Ðà, v.v... Ngoại trừ vị giáo thụ lão thành Nguyễn Ðăng Thục, một trong những vị có công nhất vào thời bắt đầu của Việt Triết, các học giả Việt đa số dịch và chú thích các kinh điển của Trung Hoa (Các cụ Sào Nam Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, Hạo Nhiên Nghiêm Toản, Nhượng Tống, v.v...). Song Ðăng Thục tiên sinh là một sử gia hơn là một triết gia. Bộ Lịch Sử triết Học Ðông Phương, cũng như những nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ, nói lên cái uyên bác của cụ, song chưa đưa ra được một nền triết học đặc thù của người Việt có thể hấp dẫn thế hệ trẻ. Thế nên khi cụ Lương Kim Ðịnh xuất bản bộ Triết Lý An Vi, một nền triết được coi như là những suy tư phát xuất từ Việt Triết, tiên sinh được giới trí thức trẻ cũng như sinh viên nhiệt liệt tán thưởng và thần tượng hóa. Trên thực tế, triết học của Lương tiên sinh vào cuối thập niên 1960 chỉ là một khai quật và giải thích những quan điểm của nho giáo theo một lối nhìn khai phóng và hiện đại. Tác phẩm đại biểu của cụ bàn về Khổng Học thoát khỏi hệ thống quan liêu, phi nhân tính. Sau Cửa Khổng, cụ mới đi sâu hơn vào Việt Triết. Nói cách xác đáng hơn, trong những tác phẩm về Việt Triết, Lương tiên sinh lấy phương pháp của kết cấu luận (structuralism) để đào sâu vào những kết cấu trong các huyền thoại, hay để giải thích lịch sử cũng như lối suy tư biểu tượng. Hoặc, tiên sinh áp dụng môn hệ tộc học (genealogy, người Tàu dịch là Hệ Phả Học) mà hai nhà triết học Ðức, Nghịch Tài (Friedrich Nietzche) và Hải Ðức Cách (Martin Heidegger) từng phát triển, để đào sâu qua ngữ học vào nguồn gốc dân tộc Việt. Thế nên, triết Lý An Vi tuy hấp dẫn được một số rất đông thức giả (vào đầu thập niên 1970, hàng ngàn sinh viên chen chúc dự thính những bài diễn giảng của tiên sinh, (nền triết lý này vẫn bị hoài nghi mang tính chất Trung Hoa hơn là Việt). Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên, khi, ý thức khó khăn trên, Lương quân, để có thể thuyết phục chính mình, cố gắng biện minh cho Việt Nho, coi Việt Nho là nguồn gốc của Nho Học. Cụ gọi Việt Nho là Nguyên Nho để tách biệt khỏi Hán Nho. Lý thuyết của Kim Ðịnh rất táo bạo, chính vì vậy mà cụ gặp rất nhiều chống đối. Tuy nhiên, có những điểm liên quan đến Việt Triết đáng được chú trọng.

Dù sao đi nữa, những cố gắng của Kim Ðịnh đã đánh động tâm thức của những người ôm ấp hoài bão xây dựng một nền tư tưởng nước nhà. vào thập niên 1970 nhiều học giả Việt tiếp tục con đường trên. Họ du học bên Trung Hoa hay Nhật với một lý tưởng phục hưng tư tưởng đông phương hoặc xây dựng một nền Triết Học Việt Nam. Một trong những nhân sĩ đáng được nhắc tới là Tiến Sĩ Hán Chương Vũ Ðình Trác. Hai luận án mà tiên sinh đệ trình tại Ðại Học Phụ Nhân, Trung Hoa và Thượng Trí, Ðông Kinh, Nhật nghiên cứu về Việt Triết, đặc biệt về Nguyễn Công Trứ, và Nguyễn Du. Ðây là hai tác phẩm có tính chất triết học đầu tiên và thuần túy Việt Nam viết bằng ngoại ngữ được đệ trình cho độc giả ngoại quốc. Nhiều nhân sĩ khác, vì tình hình đất nước sau 1975 đã chuyển hướng vào những công việc khác.

Năm 1978, tôi quyết định tiếp tục công việc khai quật Việt Triết và Việt Thần. Từ bỏ công việc dạy học và phục vụ tại Áo, tôi trở lại Trung Hoa theo học Hán Ngữ và Triết Ðông tại Ðại Học Phụ Nhân. Năm 1979, tôi được Ðại Học Phụ Nhân bổ nhiệm vào ghế Phó Giáo (Associate Professor) chuyên nhiệm về Triết Học Hiện Ðại và Triết Lý Xã Hội tại Viện Nghiên Cứu Triết Học. Cơ hội thuận lợi này giúp tôi có thể tiếp tục nghiên cứu thêm về triết Trung Hoa. Năm 1982, tôi dò dẫm phát biểu một số suy tư về Việt Thần. Những suy tư trên được Kim Ðịnh tiên sinh đáp lời và thách đố. Sự cổ võ của Lương quân khiến tôi có ý định thành lập một nhóm nghiên cứu về Việt Triết. Do đó tôi mời Lương tiên sinh qua Trung Hoa tham dự hội nghị, và phát biểu luận văn. Một già một trẻ bắt đầu chương trình hợp tác lâu dài. Trong khi tiên sinh bận rộn với An Việt và xuất bản tác phẩm phát triển Việt Triết trong những cộng đồng Việt tại hải ngoại, tôi xúc tiến tìm kiếm các tài năng, cũng như đưa Việt Triết vào trong diễn đàn quốc tế. Cái may mắn của tôi là được nhiều học giả nhiệt tâm ủng hộ. Bằng hữu linh mục Vũ Kim Chính không những cổ võ mà còn đích thân tham dự. Như cụ Hán Chương, linh mục Vũ Kim Chính thông thạo cái học đông tây. Vũ linh mục có lẽ là người Việt duy nhất đậu hai bằng tiến sĩ tại Âu và Á. Năm 1985, khi tôi rời Phụ Nhân qua Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan (Quốc Lập Ðài Loan Ðại Học), Vũ Tiến Sĩ được bổ nhiệm Phụ Giáo, kiêm môn Triết học Ðức tại đại học Phụ Nhân. Từ năm 1988, giáo sư Kim Ðịnh, Tiến sĩ Vũ Ðình Trác, Tiến sĩ Vũ Kim Chính và tôi, chính thức phát biểu những luận văn về Việt Triết trong các hội nghị quốc tế. Năm 1987, chúng tôi phát biểu về Việt Nho tại Thư Viện Quốc Gia trung Hoa. Về đề tài Nho Học tại Việt Nam, năm 1988 tại Hội Nghị Triết Học Thế Giới ở Brighton. Năm 1990, Lương tiên sinh và tôi phát biểu Việt Triết trong Hội Nghị Á Phi tại Toronto. Năm 1993 tôi tổ chức hai buổi hội thảo (Panel) về Việt Triết trong Hội Nghị Triết Học Thế Giới tại Mạc Tư Khoa và Hội Nghị Á Phi tại Hương Cảng.

Bản luận văn sau đây, đáp lại lời mời của Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Trúc, tóm lược cũng như hệ thống hóa những suy tư vụn vặt về Việt Triết. Bản văn này cũng tạm thời trả lời những chất vấn về Việt Triết của quý đồng sự như giáo sư L. Van der Meersch (giám đốc Viện Ðông Học tại Ðại Học Balê), giáo sư Tatsuro Yamamoto, Ðại Học Ðông Kinh, giáo sư Ðỗ Vệ Minh, Ðại Học Harvard, v.v... Ðồng thời, chúng tôi cũng hy vọng có thể giúp các bạn trẻ từng tha thiết với tư tưởng dân tộc có một cái nhìn tổng quát cũng như xác định về tư tưởng của người Việt.

Luận văn do đó có tính chất giới thiệu, bao gồm những phần chính sau:


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page