Tổng Quan
về Triết Học và Việt Triết

Giáo Sư John B. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan


4. Kết Luận
Dự phóng của Việt Triết

Với tính cách giới thiệu nhiều hơn khảo luận, bản văn này không đi vào chi tiết chứng minh những luận điểm mà chúng tôi đã trình bày trong phần bàn về bản chất cũng như phương pháp của Việt Triết. Cũng chính vì vậy mà phần kết luận này chỉ có nghĩa là kết thúc bản văn chứ không phải kết luận luận đề. Ðể kết thúc, chúng tôi tạm nêu ra một số điểm, hay nói đúng hơn, một số ý kiến, mong rằng có thể đóng góp được phần nào vào công cuộc phát triển Việt Triết.

Thứ nhất, để phát triển Việt Triết, chúng ta bắt buộc phải phát hiện những vấn nạn trực tiếp cũng như những vấn nạn gián tiếp liên quan tới dân tộc Việt. Những vấn nạn này bao gồm:

Từ mỗi vấn nạn căn bản, chúng ta đi tìm những vấn nạn tương quan, bao gồm tri thức, hay hiểu biết, thực hành (bao gồm luân lý, chính trị) và hy vọng. Thí dụ như vấn nạn sinh tồn của người Việt, chúng ta thấy có những vấn nạn về tri thức (làm thể nào để nhận thức ra vấn nạn, mực độ khó khăn của vấn nạn, mực độ phức tạp của vấn nạn, v.v...), cũng như những vấn nạn về thực hành (làm thế nào sinh tồn, dùng phương pháp gì để sinh tồn, dùng điều kiện gì để sinh tồn, phải có những quy luật nào để sinh tồn, v.v...). Tương tự, từ vấn nạn bảo tồn con người và dân tộc, cũng thấy những vấn nạn tương quan về tri thức, và thực hành. Những câu hỏi về nguyên do, nguyên lý cũng như phương pháp để bảo vệ con người là những câu hỏi mà chúng ta bắt buộc phải lưu ý. Trong vấn nạn thứ ba, về những câu hỏi như làm thế nào để phát triển con người, làm thế nào để phát triển quốc gia, và làm thế nào để phát triển dân tộc, chúng ta nhận thấy đây không phải là những câu hỏi vô bổ, song có một mực quan trọng không kém những câu hỏi trực tiếp tới vấn nạn sinh tồn.

Như từng thấy trong lịch sử, hầu hết các nền khoa học, thần học, nghệ thuật, kinh tế, chính trị và nhất là triết học đều phát xuất hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp từ những vấn nạn trên. Nếu kinh tế liên hệ tới vấn nạn sinh tồn của con người, thì đạo đức cũng không kém phần quan trọng. Nguồn gốc của chiến tranh không chỉ là vấn đề tranh đất, tranh thực phẩm, mà còn là vấn đề khác biệt về đạo đức, tranh chấp về tôn giáo và sự tự tôn của khoa học. Tương tự, nguồn gốc của tranh chấp không chỉ là một vấn đề chính trị, mà còn là vấn nạn thiếu câu thông, thiếu một "ngôn ngữ" chung, và thiếu hiểu biết.

Thứ hai, nhận ra những vấn nạn, những khó khăn hay những phúc tạp của những vấn đề trên, Việt Triết bắt buộc phải tìm kiếm những giải đáp thích hợp, và hiệu quả; nếu không, Việt triết sẽ bị quên lãng. Nếu câu giải đáp thích hợp với người Việt, nếu lối giải pháp có đủ hiệu năng giải quyết những vấn nạn của người Việt; nếu giải đáp có giá trị lâu dài, v.v..., giải đáp này có thể được đưa lên làm nguyên lý. Ngược lại nếu giải đáp không thích hợp, thiếu hiệu năng, hoặc tạm bợ, giải đáp này chỉ là một giải pháp có tính chất kỹ thuật tạm thời. Giải đáp này không thể được coi như là nguyên lý. Việt Triết trong cái cá biệt tính (particularity) của mình bao gồm những nguyên lý trên: nó có thể cống hiến một giải đáp hữu hiệu, phổ biến và trường cửu. Chỉ khi mà Việt Triết hội đủ điều kiện trên, lúc đó chúng ta mới có thể vỗ ngực tự hãnh diện với một nền triết học gọi là Việt Triết.

Tuy thế, Việt Triết vẫn chưa hoàn toàn. Bởi vì nếu Việt Triết chỉ hạn hẹp trong công việc đi tìm giải đáp cho những vấn nạn của Việt dân, thì nền triết lý này chưa hội đủ điều kiện để đáng gọi là Triết của con người. Nói cách khác, triết học của chúng ta chưa thể đại diện hoàn toàn cho Việt Triết, bởi vì trên thực tế, nền triết học này chỉ là một ý thức hệ (ideology). Việt Triết không phải là ý thức hệ. Bởi vì, như chúng tôi đã từng phân tích, một nền Việt Triết không những chỉ bao gồm những cá biệt tính của mình, mà còn viễn việt vươn lên biến thành cái nguyên lý chung của nhân loại. Triết học của Khổng Tử không hạn hẹp trong thời Xuân Thu, và chỉ vạch ra giải pháp cho những vấn đề của thời đó mà thôi. Triết học của Khổng Tử vẫn còn hiệu lực để giải quyết những vấn đề hiện đại và cho toàn thể nhân loại. Tương tự, lý thuyết cứu nhân loại, con đường bác ái của Ðức Kitô không chỉ nhằm cứu người Dothái hay cứu con người vào thời đại Dothái bị lệ thuộc La Mã, mà còn cứu độ tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, màu da, sắc tộc, thời đại. Những nền triết học của Bồ-La-Thư và Á-Lý-Ða-Ðức, v.v... đều có những cái nhìn tương tự. Chính vì vậy mà, Việt Triết mà bản thể của mình là Việt tính, được biểu hiện bởi bản chất viễn việt, và qua phương pháp tổng hợp biện chứng, không chỉ đi tìm những giải đáp tạm bợ, cá biệt cho dân Việt mà thôi, song còn phải vượt lên bằng cách nỗ lực phát hiện những giải đáp vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại. Chỉ khi mà chúng ta có thể đưa ra một nền triết học như vậy, lúc đó Việt Triết mới có thể tự hào gọi mình là Việt Triết (tức triết lý siêu việt bổ túc cho triết lý vĩnh cửu, (philosophia trancendentalis philosophiam perennem transcendet). Việt Triết từ động tính (activity) của mình tiến xa hơn bất cứ nền triết lý nào tự xưng là vĩnh cửu, bởi vì vĩnh cửu được xây dựng trên tĩnh tính (passivity).

Thứ ba, trong khi đi tìm những giải đáp cho những vấn nạn của dân tộc và của nhân loại, Việt Triết bắt buộc phải chú ý tới những vấn nạn căn bản của con người, những vấn nạn đương phát sinh và sẽ phát sinh trong tương lai. Do đó, chúng ta cần những phương pháp cũng như những kiến thức hữu hiệu để khám phá ra những vấn nạn trên. Ðiều mà chúng tôi muốn nói là, trong khi triết học tây phương phát triển mạnh về phương diện này, triết đông nói chung và Việt Triết nói riêng hình như không chú trọng tới tầm quan trọng của phương pháp. Chính vì lý do này mà triết đông không có phát triển gì trên cả hai ngàn năm lịch sử. Thật là điều đáng tiếc vậy. Tương tự, để giải đáp những vấn nạn trên, chúng ta cũng cần phải có những phương pháp hữu hiệu. Ðiểm mà chúng tôi muốn nhấn mạnh nơi đây là, phương pháp áp dụng để giải quyết vấn nạn không hoàn toàn đồng nhất với phương pháp áp dụng để phát hiện vấn nạn. Tương tự, những phương pháp giải quyết những vấn nạn tri thức không hoàn toàn đồng nhất với những phương pháp của triết lý thực hành. Ngay cả trong triết lý thực hành, mỗi bộ môn (đạo đức, chính trị, kinh tế, pháp luật...) cũng không hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy mà chúng ta cũng không thể áp dụng cùng một phương pháp để giải quyết mọi vấn đề. Cái yếu của Nho học có thể thấy ở điểm này: khi Khổng Tử áp dụng lối giải quyết của đạo đức vào chính trị cũng như pháp luật, ngài đã thấy trước cái thất bại của ngài (câu truyện người con cỏng người bố phạm pháp đi trốn khỏi pháp luật). Khi mà những nho gia không ý thức được khó khăn trên, nhưng lại áp dụng một cách cực đoan lý thuyết Khổng Tử vào tất cả mọi hoạt động của con người, họ làm cho xã hội thoái bộ thay vì tiến bộ. Ðây cũng là điểm mà nhóm tây học như Hồ Thích đã từng phê bình các cựu nho gia Tầu vào đầu thập niên 1920 vậy.

Nhận định này đưa chúng tôi tới điểm thứ tư. Việt Triết, khác biệt với nền triết học tư duy của tây phương. Việt Triết, tự bản tính là triết thực hành. Song thực hành không có nghĩa thiếu tư duy, hay thiếu phản tỉnh. Ngược lại, người Việt chúng ta tư duy, chúng ta suy nghĩ, song suy nghĩ về những vấn nạn thực tiễn chứ không phải những vấn đề trừu tượng. Như là một nền triết học thực hành, triết học bao gồm mọi hành động liên quan tới cuộc sống của con người, như sinh, lão, bệnh, tử (thuyết căn bản của Phật giáo); những vấn nạn phát xuất từ sự tương quan của con người xã hội như bất công, bất nhân, bất hiếu, bất lễ, bất trí, bất tín, v.v... (thuyết của Nho giáo); hoặc những vấn nạn phát xuất từ lòng tham lam, quyền bính, thiếu tự do... (thuyết của Lão giáo); những vấn nạn phát xuất từ sự sống còn của dân tộc (ngoại xâm, nội chiến, thù hận giữa các sắc tộc, các tôn giáo...) và những vấn nạn thấy trong cuộc sống hiện đại (kinh tế, dân chủ, tự do, kiến thức...). Thế nên sứ mạng cũng như nhiệm vụ của Việt Triết có thể được tóm lại một cách rõ ràng như sau:

1. Phát hiện nguyên do, căn bệnh, bệnh trạng cũng như sự biến hóa của căn bệnh của xã hội Việt, của con người Việt, (hay là phát hiện ra những điều kiện làm cho chúng ta suy đồi, những thể chế làm cho chúng ta thoái bộ, v.v...).

2. Nỗ lực đi tìm những giải đáp, và cố gắng tìm những giải đáp tối hậu có thể đưa lên hàng nguyên lý áp dụng cho tất cả mọi xã hội vào mỗi thời đại.

3. Ngay cả khi mà những vấn nạn trên được giải đáp, chúng ta không được phép ngây thơ cho rằng lịch sử của người Việt, lịch sử của nhân loại đã đạt đến viên mãn. Một lối nhìn như vậy rất dễ làm cho Việt Triết ngộp thở, nếu không nói là tự khai tử. Lỗi lầm của Huyền-Cách cho rằng giai đoạn tối hậu của triết học là tinh thần tuyệt đối, cũng như lỗi lầm của Mã-Sỹ cho rằng giai đoạn tối hậu của lịch sử là giới vô sản, không những khiến triết học ngộp thở mà còn bóp nghẹt cả lịch sử nhân loại. Tương tự, nếu con người hoàn toàn thoát ly tứ khổ như Phật giáo nhận định, thì cũng không cần phải có triết lý gì hết. Nếu không sinh ra, làm sao có thể chết, có thể già, có thể mắc bệnh? Song nếu không có sinh, không có tử, thì cũng không có con người, đừng có nói chi tới triết học hay thần học. Việt Triết là một nền triết học vị nhân. Việt Triết chấp nhận hiện tính của con người. Chính vì vậy, đối với Việt Triết, con người, như là con người, luôn luôn có những ước vọng mới, nên luôn luôn có những khó khăn mới. Chính ở điểm này, mà chúng tôi nhấn mạnh đến công việc đi tìm kiếm vấn nạn, cũng như đi tìm giải đáp cho những vấn nạn của con người. Ðây là một công việc vĩnh viễn, tất yếu và khẩn cấp, mà chúng ta không thể ngưng. Chính ở điểm này mà chúng ta nhận ra được cái gọi là Việt tính hay viễn việt tính (transcendence) của Việt Triết.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page