Tổng Quan
về Triết Học và Việt Triết

Giáo Sư John B. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan


3. Việt Triết

Trong phần hai bàn về những chiều hướng triết học, chúng tôi đã nhắc tới một số chiều hướng thấy trong Việt Triết. Trong phần này, chúng tôi đi xa hơn một chút, trực tiếp thảo luận Việt Triết. trước hết chúng tôi xin được bàn về bản chất, sau đó tới những đặc tính, và sau cùng tới phương pháp của Việt Triết. Ðiểm mà chúng tôi xin các học giả thông cảm là, những điểm mà chúng tôi đưa ra chưa chắc đã phản ảnh Việt Triết một cách trung thực cũng như toàn vẹn. Một điểm khác mà chư vị học giả dễ nhận ra là lối chủ quan của người viết. Nói chủ quan, vì trên thực tế, trừ những kinh điển có thể tham khảo, chúng tôi hoàn toàn xa lạ với những kiến thức về xã hội, tâm lý, lịch sử của Việt tộc, cũng như những khoa học liên quan tới Việt Triết như khảo cổ, nhân chủng và địa chất học. Chính vì thế, điều mà chúng tôi có thể làm được, chỉ là những suy tư có tính chất luận lý về Việt Triết, cũng như tìm cách hệ thống hóa Việt Triết mà thôi.

Một khó khăn khác nữa, đó là sự thiếu thốn những tài liệu khảo cứu, cũng như những kinh điển của Việt Triết. Như chúng tôi đã từng nhắc tới, Việt Triết hoàn toàn bị lơ là trong quá khứ. Những suy tư về Việt Triết chỉ mới bắt đầu trong những thập niên gần đây mà thôi. Ở trng một hoàn cảnh mà chúng tôi không thể kiếm ra những tài liệu liên quan tới Việt triết, điểm mà chúng tôi có thể làm đó là hệ thống các tư tưởng mà thôi. Chính vì những lý do trên, phần này, tuy bàn về bản chất cũng như đặc tính của Việt Triết, nhưng trên thực tế, chúng tôi làm một công cuộc tổng hợp hơn là khai quật. Do đó, nếu độc giả thấy trong những khai quật khác có những điểm không tương đồng với những luận đề trong bài này, xin cho đó là ý kiến riêng của tác giả vậy. trên thực tế, như chúng tôi sơ lược trong phần dẫn nhập, trong khi có nhiều học giả vẫn còn đương hồ nghi về sự tồn tại của cái gọi là Việt Triết, thế mà chúng tôi lại dám bàn về bản chất và phương pháp của Việt Triết. Hành động có thể bị chỉ trích cho là một giả tưởng hoàn toàn vô bổ.

3.1. Bản thể và Bản Chất của Việt Triết

Trước tiên, chúng tôi hiểu bản chất như một tính chất căn bản nhất, thiếu nó, chúng ta không thể nhận ra được Việt Triết. Sau đó, chúng tôi cho rằng, bản thể là cái thể căn bản, được biểu lộ bởi những bản chất. Bản chất là những biểu hiệu căn bản của bản thể. Hiểu như vậy, chúng tôi xin được phép giải thích thêm một chút về bản chất. Bất cứ bản chất được coi là bản chất phải có hai đặc tính: phổ biến và thiết yếù. Trước hết, phổ biến có nghĩa là, ở bất cứ thời đại nào, ở bất cứ đâu (hai yếu tính thời gian và không gian), bản chất này không có thay đổi, và luôn giữ cùng một (hay nhiều) đặc tính chung. Nói cách cụ thể hơn, bản chất của người Việt là những điểm mà đã là người Việt ta bắt buộc phải có: thí dụ như dòng máu người Việt tức cộng thể (khía cạnh sinh vật), tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt tức cộng ngôn (ngôn ngữ), lối tư duy của người Việt tức cộng thức (ý thức), tình cảm chung của người Việt tức cộng cảm, cũng như những sinh hoạt chung tức cộng hoạt. Thứ đến, thiết yếu (hay tất yếu) nói lên tính chất bắt buộc, mà nếu không có, thì bất cứ sự vật nào, bất cứ người nào cũng không thể hiện hữu hoặc không thể tự thức được sự hiện hữu của mình. Tính chất thiết yếu này thường được thấy trong những định luật của vật lý và luận lý (logic). Thí dụ việc nước bốc hơi phát xuất từ việc khi nước được đun (hâm) nóng tới một nhiệt độ nhất định thí dụ nước sôi khi độ nóng đạt tới 100oC. Tương tự, những câu nói thông thường của dân Việt: "có khói thì phải có lửa" hay "lửa gần rơm có ngày sẽ cháy"... nói lên thiết yếu tính trong sự tương quan giữa hai sự vật hay hai sự kiện. Trường hợp sau không chỉ nói lên định luật của vật lý mà còn cả định luật nhân quả trong đạo đức và luận lý. Ngoài hai đặc tính phổ biến và tất yếu, đặc tính thứ ba là đặc thù, hay cá tính cách biệt (particularity, hay specifity hay individuality). Ðặc thù có nghĩa là, bản chất hay bản tính này chỉ thuộc về một chủng hay một loại nào đó mà thôi. Thí dụ, lối tư duy tương quan là một lối tư duy đặc thù của Việt Triết, trong khi lối tư duy nhị nguyên là một đặc tính của triết Hy Lạp. Thế nên, trong Việt Triết, tính chất phổ biến và tất yếu (được bổ túc bằng đặc thù tính) chỉ có phổ biến và tất yếu cho Việt dân hay Việt triết mà thôi. Những đặc tính chung của người mình không nhất thiết là những đặc tính chung của các sắc dân khác. Hiểu như thế, chúng ta bắt đầu đi tìm kiếm những điểm chung có tính chất phổ biến và tất yếu tiềm tàng trong Việt Triết.

Bản chất của Việt Triết có thể tóm gọn trong 3 yếu tính: Nhân, Trung và Việt (Siêu). Kim Ðịnh tiên sinh cho là Chí, Trung và Hòa. Tại sao chúng tôi nhận định bản chất của Việt Triết là Nhân, Trung và Siêu Việt , chứ không hoàn toàn là Chí Trung Hòa, đây là điểm mà chúng tôi sẽ bàn tới sau. Trong phần này, chỉ xin được phép vắn tắt như sau: trọng điểm của Việt Triết là con người, cũng như con người tương quan với con người, con người tương giao với Thiên Nhiên, con người đối diện với Thượng Ðế. Do đó, làm sao để giải đáp những vấn nạn phát xuất từ sự tương quan giữa con người, giữa con người và thiên nhiên và giữa con người và Thượng Ðế, chúng ta bắt buộc phải phát triển kiến thức, lợi ích, đòi hỏi và hy vọng của con người. Tiếp theo, khi mà tri thức, lợi ích và hy vọng con người phong phú hơn, tương giao giữa con người cũng phức tạp hơn nhiều. Lý do này bắt buộc chúng ta cần phải có một lối tư duy siêu việt, một hành động biện chứng siêu việt, mới có thể phát hiện những tương giao mới, và tiếp theo là những kiến thức mới, những lối giải quyết mới có hiệu năng hơn, v.v... Theo thiển ý của tôi, Chí, Trung và Hòa nói lên đặc tính của Nho Giáo (hay Việt Nho), trong khi Nhân, Trung và Siêu Việt nói lên bản chất của Việt Triết. Nơi đây, chúng ta bắt đầu thấy Việt Triết quảng hàm hơn là Việt Nho, sâu xa hơn là Phật và Ðạo Giáo. Sự kiện Việt Triết siêu việt tam giáo cũng như tổng hợp chúng với tư tưởng đặc thù của Việt dân được thấy rõ ràng trong ba bản chất Nhân, Trung và Siêu Việt này.

3.1.1. Nhân Triết: Vị nhân song không Duy nhân

Khi nói Việt triết là một nền Nhân triết, chúng tôi muốn nhấn mạnh những điểm sau:

Thứ nhất, trong Việt triết, con người là trung điểm. Nói cách khác, đối tượng cũng như mục đích là chính con người. Nói như thế, Việt Triết không khác biệt nhiều với Nho Triết hoặc ngay cả với triết học hiện sinh. Tuy nhiên, chỉ khi phân tích trụ điểm (điểm đứng), tương điểm (điểm tương quan) và đích điểm (mục đích) cũng như hướng đạo (hướng đi và cách đi) của con người, chúng ta mới có thể nhận ra được một sự khác biệt giữa Việt Triết và các nền triết học khác.

Trước tiên, con người trong Việt Triết là trụ điểm. Trụ điểm có nghĩa là con người chính là điểm phát xuất (điểm alpha) cũng như cùng đích (omega), đồng thời cũng là trung tâm của nền suy tư. Ðó là cái điểm mà các nhà khoa học gọi là điểm Á-Chi-Mỹ-Ðức (the Archimedian point). Nhận định con người như trụ điểm tức là chấp nhận con người là trung điểm. Tuy nhiên nếu con người là trung điểm, triết học của người Việt là triết duy nhân. Thoạt nhìn, chúng ta có cảm tưởng như vậy. Những kiến thức về Việt tỉnh hoặc về những kiến trúc như Thái thất, Hạ đồ hay biểu tượng trong Lạc thư đều vạch rõ rệt cái trụ điểm và trung điểm của con người trong Việt Triết. Song nếu nhìn kỹ vào kết cấu cũng như luật tương quan giữa các yếu điểm trong Việt tỉnh, Hạ đồ hay Thái thất, và cả trong Lạc thư (Xin xem Kim Ðịnh, Gốc rễ Triết Việt, sđd, tr.85-87), chúng ta nhận thấy Việt Triết tuy nhận con người như trụ điểm và trung điểm, song không duy nhân. Việt triết là triết học vị nhân, đó là một nền triết học cho con người. Nói đúng hơn, trọng điểm của triết lý hành động là vị nhân chứ không phải duy nhân. Càng rõ rệt hơn, vị nhân có nghĩa là coi con người như mục đích song không coi con người như toàn thể. Vị nhân cũng có nghĩa là con người tự hình thành, phát triển từ dã thú tới con người nhân linh chính nhờ vào sự tương giao giữa người với người. Sự tương giao này mang tính cách đồng thể (common nature) và tương thể (relational nature) hay hộ thể (recipocal nature), từng thấy một cách rõ rệt trong tinh thần "tương thân tương trợ". Ðó là một đặc tính nổi bật của xã hội Việt, nói lên sự hình thành cũng như tiến bộ của dân tộc Việt.

Thứ đến, sự hình thành của con người không phải do những thế lực hay năng lượng ngoại tại, song do chính những động lực và quy luật nội tại. Nói cách khác, nếu con người hình thành con người, câu nói này có vẻ duy vật và quá đơn sơ, kiểu những triết gia vô thần như Hỏa-Câu (Feuerbach), Mã-Sỹ (Marx), Hôn-Bách (B. Holbach) hay Dương Chu thường nhận định. Trên thực tế, khi nói con người hình thành con người, chúng tôi muốn nhấn mạnh:

1. Việt triết tách biệt sáng tạo khỏi hình thành. Thượng đế tuy sáng tạo con người, song lại phú bẩm cho con người bản năng hình thành chính mình. Khi ban cho nhân loại tự do tính và lao động tính, Ngài đã phú bẫm cho chúng ta năng lực hình thành chính mình.

2. Hình thành con người có nghĩa là làm cho con người trở thành con người vị cách (man as person), một con người xứng đáng là con người nhân cách (man as human) tách biệt khỏi thú vật và các sinh vật khác.

3. Sự hình thành của con người có tính chất siêu việt, mà siêu việt có nghĩa là tiến vuợt một cách vô định và vô biên. Thế nên trong mạch văn của Nho giáo, Việt triết nhận định con người có thể trở thành thánh nhân, và trong mạch huyết của Việt dân, con người có thể trở thành thần và quỷ.

4. Do vậy, triết học vị nhân của người Việt có thể tóm gọn trong đạo nhân, đó tức là đạo làm người, phát triển người, và siêu việt con người. Ðiểm cần phải nói thêm, quan niệm "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" không hoàn toàn từ Việt Triết. Ðây là một quan niệm bị ảnh hưởng của Phật Giáo (nhất là sau thời Tống / Lý). Trên thực tế, lối tư duy Việt phải là "định mệnh tại thiên", song "thành sự tại nhân" bởi vì con người có thể thay đổi vận mệnh của chính mình (truyện bà Nữ Oa). Lối tư duy của cụ Nguyễn Du chưa hoàn toàn phản xạ được cái tinh thần Bà Nữ Oa đội đá vá trời của Việt tộc là vậy.

3.1.2. Trung Triết: trung dung chi đạo, dĩ hòa vi quý

Bản chất thứ hai của Việt Triết tức tính chất trung dung trong

Bản chất này, chúng tôi xin gọi là Trung Triết. Trước tiên, chúng ta cần phải giải thích trung trong đạo trung dung, cũng như lý do tại sao trung có thể đại biểu Việt Triết. Trong sách Trung Dung, ta đọc thấy:

Tuy các học giả cho đạo trung dung, hay đạo chấp trung là do Khổng Tử truyền lại và được đồ đệ ghi lại, nhất là từ thời nhà Tống. Thực sự, như đức Khổng từng khiêm tốn chỉ nhận cái công lao ghi chép và san định lại những tư tưởng của cổ nhân, tư tưởng trung dung đã có trước thời Khổng Tử, ít nhất vào những thời Hạ hay Châu. Trong cái đạo này, chúng ta nhận thấy hai điểm: "Bất phiên" và "bất dịch", không nghiêng về bên nào, cũng không lệch về bên nào cả. Nói cách khác, đó là đạo công chính, nhân chính và cảm chính. Nói là công chính, vì là chính đạo của người quân tử, của vua tôi (quân thần), của quan dân, của bằng hữu, phu thê, sư sinh (thầy trò), v.v... Làm thế nào để giữ được những mối tương quan trên, đó là đạo công chính. Nói là nhân chính, vì chỉ có những tình cảm chân thật, và chính đáng mới có thể cảm hóa cũng như thông thiên, thông nhân va thông địa. Cũng chính vì tính chất quan trọng không thể thiếu sót của trung và dung trong cái đạo làm người, song cũng chính vì nhận thấy đây là một đạo lý khó có thể thực hiện, mà Khổng Tử đòi hỏi chúng ta phải học hỏi cái đạo này (Trung Dung, chương 1) và nhất là trong chương 20: "Hiếu học cận hồ tri, lực hành cận hồ nhân, tri sĩ cận hồ dũng, tri tư tam giả, tắc tri sở dĩ tu thân..."

Tử Tư, một đồ đệ của Khổng Tử giảng về đạo trung dung như sau: "Trung hòa là cái tính tình tự nhiên của trời đất, mà trung dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không lệch về bên nào, dung là thường, nghĩa là lấy đạo trung làm đạo thường". (Trần Trọng Kim dịch Nho Giáo, sđd, tr.214). Tử Tư chỉ nói ra được phần nào tại vì ông có lẽ chưa ý thức được đạo trung dung là một đạo phát xuất từ dòng Bách Việt. Thực ra dung không phải là đạo thường, vì nếu chỉ là điều thường nhật như ăn uống, thì ai mà chả làm được, cần chi phải học hỏi. Trung Dung không phải là cái đạo tầm thường, mà là một đặc thù chỉ có những ai tự bản chất hay tự mạch máu có sẵn dòng minh triết mới hiểu thấu triệt cái "thường". Giống như cái thường mà Lão Tử trang trọng lập đi lập lại "phi thường đạo", "phi thường danh" (Ðạo Ðức Kinh, chương 1), chúng ta mới hiểu cái "thường" trong nghĩa của trung và dung được.

Như chúng tôi từng quả quyết, một trong những bản chất của Việt Triết tức là trung, một bản chất tiềm ẩn trong mọi người Việt (dung, thường). Làm thế nào chứng minh được bản chất của Việt Triết là trung, đây là một điểm mà chúng ta cần nhiều công phu học hỏi. Trong phạm vi giới thiệu những khái niệm, chúng tôi chỉ xin được phép đưa ra vài chứng minh nho nhỏ thấy trong sử, kinh cũng như biểu tượng nghệ thuật của Việt dân.

Thứ nhất, trong tất cả mọi dã sử hay huyền sử, trọng điểm và kết cấu của câu truyện đều xây dựng trên trung và dung. Truyện bánh dày bánh chưng, truyện trầu cau, truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyện trạng Ếch, v.v... Tất cả những câu truyện trên có những đặc điểm sau:

1. Theo cái đạo trung. Thí dụ, bánh chưng hình vuông, bánh dầy hình tròn. Con người giữa tròn và vuông. Ðạo mẹ con tức đạo trung vì là tổng hợp của tròn và vuông (mẹ tròn con vuông). Tương tự, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ 100 trứng, 50 theo mẹ, 50 theo cha, một nửa trên núi, một nửa dưới biển. Sự phân chia rất công chính, theo lượng số cũng như theo phẩm số, theo tình cũng như theo lý. Không nghiêng, không lệch; là như vậy.

2. Theo cái đạo thường: truyện trạng Ếch nói lên chân cảm, cũng như thường tính của con người Việt. Truyện thánh Dóng, truyện Phù Ðổng Thiên Vương, diễn đạt cái thường tính tiềm ẩn trong tính chất siêu việt.

Thứ hai, hai chủ đạo trung và dung tiềm tàng trong văn hóa Việt, từ nghệ thuật điêu khắc (trống đồng), kiến trúc (theo hệ số 3) cho tới lối suy tư (cũng theo hệ số 3). Lối kết cấu xây trên hệ số 3 biểu hiện Việt Triết theo đạo Trung, không nhất nguyên, cũng không nhị nguyên, cũng không đa nguyên. Số 3 là con số giữa, đứng trung gian giữa nhất và nhị, đơn và đa.

Thứ ba, tuy lối suy tư chấp trung là một lối suy tư sâu sắc nhưng rất thông thường. Khi mà các hoàng tử lên núi xuống biển để kiếm ra những sơn hào hải vị cúng hiến Hùng Vương, thì ông hoàng trẻ nghe theo minh triết, từ nơi thông thường (thôn xóm) kiếm ra chất liệu thường dùng (gạo nếp) làm ra bánh dầy bánh chưng. Nơi đây, Thường đạo vượt khỏi độc đạo. Thường đạo tuy thông thường nhưng không phải tầm thường mà chỉ có người quân tử mới đạt tới. Thường mà không phải thông thường (vulgaire), đó mới chính là bản chất của Việt Triết.

3.1.3. Siêu (hay Việt) Triết

Bản chất thứ ba của Việt Triết tức tính chất siêu việt, mà chúng tôi tạm gọi là Siêu Triết. Ðiểm đáng chú ý là chữ Việt tự nó đã tiềm ẩn một năng lực siêu việt. Việt cũng đồng nghĩa với vượt và vươn lên. Tại sao chúng tôi nhấn mạnh đến bản chất siêu việt của Việt Triết. Không phải vì chúng tôi nhắm mắt nói bừa hay cuồng tín đến độ gọi bụt là anh, gán đại những cái tinh hoa thượng hạng cho Việt Triết. Thực tế, như thấy trong phần chứng minh cái bản chất trung và dung của người Việt, bản chất siêu việt của Việt Triết có thể bàng bạc trong những đặc tính sau đây:

1. Việt Triết là một triết học tổng hợp và biện chứng (siêu việt biện chứng, điểm mà chúng tôi sẽ bàn tới trong phần bàn về phương pháp). Như từng tạm bàn về sự kiện tam giáo đồng nguyên, cũng như những tôn giáo đặc thù của người Việt như Cao Ðài và Hòa Hảo. Chúng ta thấy trong các tôn giáo này, tất cả mọi giáo thuyết đều được tổng hợp thành một lối tư duy cũng như một lối tin tưởng rất cá biệt. Theo thiển nghĩ của người viết, thì chính lối tư duy siêu việt thấy trong con người Việt giúp chúng ta có thể tổng hợp những giáo phái khác nhau vào trong một lý thuyết mà không vướng vào những mâu thuẩn hay phản kháng. (Chúng ta đừng quên là khi giáo phái Nestorians muốn tổng hợp tín lý Kitô giáo với những niềm tin người ngoại (pagans), họ bị phạt vạ tuyệt thông. Chúng ta cũng không được phép quên câu truyện của những triết gia trường phái nhất nguyên gạt bỏ tất cả những sự kiện mà họ cho là mâu thuẫn, không phù hợp với tiền đề của họ. Trong lối tư duy của Việt Triết, ta không thấy những câu truyện tương tự).

Tuy tổng hợp, nhưng Việt Triết không có tổng hợp một cách bừa bãi hỗn độn. Triết học Việt Nam tổng hợp mỗi triết học khác nhau một cách biện chứng. Biện chứng có nghĩa là tổng hợp những tinh hoa của đề (Thesis) và phản đề (Anti-thesis) vào trong tổng đề (synthesis). Lối tổng hợp này theo nguyên tắc siêu việt có nghĩa là tổng đề sau toàn vẹn hơn tổng đề trước. Lối tổng đề này cũng theo kết cấu của lối tư duy Việt: Tổng đề theo luật của chấp trung và luật của hiệu năng con người toàn vẹn. Ðiều đó có nghĩa là trong tổng đề, chúng ta thấy những đạo lý (có hiệu năng) của tiền đề cũng như của phản đề, song được thăng hóa vào một đạo lý sâu xa và toàn vẹn hơn. Sự tích "con rồng cháu tiên" là một tổng hợp giữa hai nguyên chất và nguyên lý hoàn toàn đối lập: trời và đất, nước với lửa, người và vật, thượng và hạ, v.v... Sự tổng hợp này đưa đến một quan niệm mới, toàn vẹn hơn quan niệm đối lập, đó là quan niệm trung. Chính cái trung này mới phát sinh ra hòa khí và hòa bình. Chính cái trung này là nguyên lý của nền chính trị dĩ hòa vi quý.

2. Thứ đến, siêu việt cũng có nghĩa là viễn việt. Song khác với biện chứng của Huyền-Cách (Hegel), một biện chứng hoàn toàn bị lệ thuộc vào thời gian, viễn việt không bị lệ thuộc vào thời gian. Ðiểm này có nghĩa là, không phải hiện đại siêu việt quá khứ hay tương lai siêu việt hiện đại (như thấy trong biện chứng của Huyền-Cách (Hegel) và Mã-Sỹ (Marx)). Viễn việt chỉ nói lên tính chất khai phóng (hay theo Anh ngữ, openness), khai triễn và khai nguyên của Việt Triết.

3. Sau cùng, siêu việt cũng có nghĩa là quy nguyên, hay giữ vững tính chất đồng nhất và nguyên nhất của Việt tộc. Câu truyện của thần Kim Qui nói lên nguyên tính của Việt Triết: Kim Qui không chỉ có nghĩa con rùa vàng như lời giải đáp thông thường. Qui còn có nghĩa như trở lại nguồn tức quy nguyên; quy cũng có nghĩa là quy tụ và quy cũng là biểu tượng của trường thọ. Ðánh mất nguyên chất hay quên đi quy tính, tức là dị hóa hay vong thân. Ðó là đánh mất sự sống. Câu truyện của Mỵ Nương nói lên giai đoạn vong thân, mất nước và dị hóa của Việt tộc, trong khi câu truyện dân gian như truyện "thà làm quỷ (tinh thần) nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc" của Trần Bình Trọng nói lên sự ước vọng bảo vệ nguyên tính của Việt tộc. Hiểu như vậy, siêu triết trong Việt Triết chính là bản chất của người Việt. Một sự kiện khác chứng minh tính quy nguyên cũng như trưởng thành đó là cái chí bất khuất và tự thức cao độ của Việt dân về bản thể của mình. Lịch sử nhân loại và của các sắc tộc ghi nhận một số vô tiền khoáng hậu, có một dân tộc nào, một nước nào mà sau cả ngàn năm bị ngoại bang đô hộ, nước này, dân tộc này vẫn không mất gốc, vẫn gìn giữ được ngôn ngữ, lối tư duy, nghệ thuật cũng như lối hành chánh cá biệt của mình như Việt Nam? (Kiến trúc Chùa Một Cột, theo thiển ý của tôi, cũng bị ảnh hưởng của lối tư duy "quy nguyên" này).

Tóm lại, theo cách diễn đạt của Hải-Ðức-Cách (Heidegger), người từng định nghĩa hữu thể như là điểm sâu nhất, điểm dài nhất, điểm cao nhất, điểm rộng nhất, điểm gần nhất, v.v... (M. Heidegger, Was Ist Metaphysik?, 1963, 1949, tb lần 5, phần dẫn nhập), chúng tôi cũng có thể nói: siêu việt tính biểu lộ thâm điểm, quảng điểm, viễn điểm, cận điểm, tương điểm và cao điểm của Việt tính. Siêu việt tính tiềm ẩn trong chính bản thể của Việt Triết. Nói cách khác, nếu thiếu siêu việt tính hay đánh mất siêu việt tính, Việt Triết ở trong một trạng thái vong thân hay dị hóa. Câu truyện Mỵ Nương đem cung thần (siêu việt tính) tặng Trọng Thủy gây lên sự vong quốc, là một câu truyện nói lên tính chất tất yếu của bản thể siêu việt của Việt Triết.

3.2. Những đặc tính của Việt Triết

Sau khi tạm phân tích bản thể của Việt Triết theo 3 bản tính: nhân, trung và siêu, trong phần này chúng tôi chỉ xin phiếm luận đặc tính của Việt Triết một cách rất sơ lược. Lý do là những đặc tính của Việt Triết chỉ là những tính chất rút ra từ bản thể của Việt Triết mà thôi. Thí dụ như thánh Ða-Mã-Tư (St. Thomas Aquinas), ngài rút những đặc tính của Thượng Ðế từ bản thể của Ðấng Chí Thượng: thí dụ, tính chất hoàn toàn vô nhiễm, vô ngộ, vô tội v.v... rút ra từ quan niệm toàn thiện, toàn năng, toàn mỹ của Thượng Ðế.

Theo mạch văn trên, chúng ta có thể nói, đặc tính của Việt Triết chỉ là những tính chất quan trọng rút ra từ bản thể của Việt Triết. Nói cách khác, đặc tính chính là quy tính (belongingness) hay thuộc tính (attributes) của Việt triết.

3.2.1. Lối Tư Duy Tương Quan

Rút ra từ bản chất trung, hòa và dung, chúng ta có thể xác quyết là lối tư duy của Việt Triết là lối tư duy tương quan. Lối tư duy tương quan có những đặc điểm sau:

1. Chủ thể khi suy tư, song suy tư này không phát xuất từ chủ thể (như thấy trong triết học duy lý và duy tâm của Ðệ-Các (Descartes), Khang-Ðức (Kant), hay Hốt-Siêu (Husserl) hay tự khách thể (đối tượng) [như thấy trong trường phái thực nghiệm hay duy nghiệm], song từ điểm giữa chủ và khách. Ðiểm tương quan này tức trung dung vi đạo, tức trung điểm nối liền chủ với khách.

2. Chủ thể nhận định, hành động và tư duy đối tượng không như một đối tượng ngoại tại, nhưng như một chủ thể nội tại. Nói cách khác, con người coi người khác đồng vị, đồng thể, đồng tính và đồng tình với chính mình, chứ không hạ giá người khác thành một đối tượng, một công cụ hay một ngoại thể (như thấy trong sự phân tích về hiện thực của tha nhân (l'autrui) trong triết học của Sa-Thời (Sartre).

3. Sự phát triển ý thức, sự tiến bộ trong xã hội, và sự thỏa mãn cảm tình con người cũng phát xuất từ sự tương giao giữa các chủ thể. Tất cả ý thức về phát triển, thoái bộ, trưởng thành, v.v... của chủ thể, trên thực tế là sự ý thức về tương quan, thí dụ giữa nam và nữ, giữa thầy và trò, giữa con người và Thượng Ðế, v.v... Tương tự, những tình cảm như ái, hận, nộ, ai, hỷ, v.v... tất cả đều do tương quan con người mà ra. Khi mà tương quan gián đoạn, khi mà tương quan bất thông, bất ngộ; khi mà tương quan hoàn toàn bị trung đoạn, lúc đó các vấn nạn con người mới phát hiện: gian, ghét, hận, thù, ghen tương, vô đạo, vô luân... Nói tóm lại, đó là căn nguyên phát sinh bất nhân. Những tội lỗi, thiếu sót hay yếu đuối chỉ biểu tượng những hậu quả tất nhiên của bất tương giao, và tương giao sai lầm.

4. Tiếp theo, tất cả những nền đạo đức, luân lý, quy luật v.v... được lập ra với mục đích để bảo vệ và phát triển sự tương giao của con người. Ðạo quân thần, đạo phụ tử, đạo phu thê, đạo bằng hữu, đạo huynh đệ, đạo sư thủ, v.v... mà chúng ta thấy trong Khổng Giáo cũng như Việt Nho (Trung Dung, chương 2-3), trên thực chất, chỉ được thiết lập, gìn giữ và tôn trọng bởi vì chúng có hai công năng: bảo vệ và phát triển mọi tương giao giữa vua tôi, thầy trò, cha con, vợ chồng, bạn bè v.v...

5. Thế nên, lối suy tư và quy luật suy tư (tức luận lý) là lối suy tư tương quan, tương giao và tương thông. Thế nên, luận lý của Việt Triết cũng là luận lý tương quan, tương giao và tương thông. (Ðiểm mà chúng tôi đã bàn rất kỹ lưỡng trong luận tập, Die Relationskategorie in der Sozialwissenschaft, 1996 sđd. Lối giải thích tại sao người Việt chọn Giao Chỉ làm quốc hiệu. Chữ Giao nói lên bản chất tương quan, tương hỗ của người Việt).

3.2.2. Lối Tư Duy Viễn Việt (hay Biện Chứng Siêu Việt)

Ngoài lối tư duy tương quan, Việt Triết cũng tư duy theo phương cách biện chứng và siêu việt. Như đã giải thích động tính siêu việt và động lực biện chứng trong đoạn bàn về Siêu Triết (3.1.3), đoạn này có tính cách bổ túc. Thế nên, chúng tôi xin bổ túc thêm vài điểm sau:

1. Ðộng lực biện chứng và động tính siêu việt tự tiềm ẩn trong tiềm thức cũng như phát hiện trong hành động. Ðược hướng dẫn bởi ý thức về trung, hòa (tổng hợp), hành động tự biểu hiện trong kết cấu và tổ chức hành chánh của xã hội. Sự tự biểu hiện nói lên động lực biện chứng. Song ý thức về mục đích của tổng hợp, hòa hợp, cũng như ý thức về hành động hợp theo nguyên lý của hòa và trung, thực ra lại phát xuất từ động tính siêu việt. Trung và hòa chưa giải quyết được vấn nạn một cách toàn vẹn hơn. Tương tự, chỉ có thăng hóa, vấn nạn mới có thể được giải đáp một cách tường tận.

2. Chính vì thế, chúng tôi tạm gọi lối suy tư này là lối suy tư viễn việt. Viễn việt còn nghĩa là vượt xa, vượt sâu và vượt rộng: xa cho tới tận trời, sâu cho tới mực thần mực thánh, và rộng cho tới trình độ phổ biến thí dụ như quan niệm tứ hải giai huynh đệ, thế giới đại đồng, v.v... Hai quan niệm này được Tôn Dật Tiên, cha đẻ của nước Tàu hiện đại tôn lên như mục đích của chính trị. Thực ra, hai quan niệm này tự dòng Bách Việt. (Theo nhiều sử gia, bác sỹ họ Tôn thuộc sắc tộc Khách Gia, tức một tộc trong Bách Việt, rải rác từ vùng Triết Giang cho tới Vân Nam. Ở Việt Nam, người Tàu Khách Gia chiếm phần đông).

3. Siêu việt biện chứng cũng tổng hợp, và có thể hòa giải hai thế giới nội tại và ngoại tại. Nhờ bản chất siêu việt mà con người có thể trở thành thánh và thần. Cũng nhờ siêu việt mà thánh thần nhập thế làm người, mà con người có thể "nội thánh ngoại vương" (Vương Dương Minh), "trí tri cách vật" (Luận Ngữ), tức là, con người có thể thông thiên đạt địa, hoàn thành được định mệnh của mình.

3.2.3. Lối Tư Duy Ðộng Tính

Lối tư duy thứ ba mà chúng ta thấy hiển nhiên trong Việt Triết, đó là lối suy tư có tính chất động chứ không tĩnh

1. Cái động thái của Việt Triết được phát hiện từ động năng của chủ thể cũng như tương năng của chủ thể với chủ thể khác. Ðộng thái này được biểu hiện trong những hình thái biến động của tương quan. Câu nói bình dân ngược đời "sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu rồi mới sinh ông", nói lên tính chất động của sự tương quan giữa cha và con, ông và cháu. Bất cứ người nào cũng có thể trở thành người cha. Ngược lại, trở thành người cha trước, người cha phải từng là người con. Do đó, không có cha chắc chắn sẽ không có con, và người lại, không có con thì cũng không có cha. Sự tương động phát xuất từ sự tương quan quyết định ý thức, địa vị, vị cách, v.v... của con người.

2. Ðộng tính được nhận ra không phải chỉ vì kinh nghiệm từ sự biến hóa của vũ trụ, trời đất, khí hậu. Ðộng tính tiềm ẩn trong chính bản thể của con người. Thế nên sự kiện con người biến đổi thiên nhiên, biến biển thành ruộng đất, biến nước và non thành quê và hương, chứng minh cái động tính này. Càng rõ rệt hơn, động tính hiển hiện trong sự kiện con người biến đổi con người, từ con người động vật cho tới con người nhân cách, từ con người vô thức cho tới con người tự thức, từ phàm phu tục tử biến thành quân tử, từ dã nhân biến thành thánh nhân...

3. Cũng vì bản thể của Việt dân là động thể, bản chất của Việt Triết là động tính, nên tất cả những hình thái, kết cấu, cơ năng cũng như lối biểu tả của dân Việt cũng luôn luôn biến đổi. Thế nên, trong Việt Triết không có điểm tuyệt đối, cũng không có điểm cố định. Cái trụ điểm mà chúng tôi bàn tới trong phần bàn về bản thể và bản chất Việt Triết, chỉ có nghĩa là căn bản, thiết yếu và phổ biến. Trụ điểm không có nghĩa cố định, hay bất biến, hay tuyệt đối. Chính vì vậy mà luật pháp của người Việt uyển chuyển theo tình người chứ không theo hình thức. Rõ rệt nhất ta thấy cái động tính này trong Kinh Thi (một bộ kinh mà Kim Ðịnh cho là thuần túy Việt), trong đó động tính được biểu hiện một cách khéo léo, tinh vi và hợp lý; trong đó tình cảm con người không bị hình thức bóp nghẹt song phát triển như một bông hoa; trong đó tương giao con người không bị hạn hẹp, song đầy tự do và tự chủ.

3.2.4. Lối Tư Duy Toàn Thể Tính

Ðặc tính thứ tư của Việt Triết là lối suy tư có tính chất toàn thể. Ðặc tính này rút ra từ lối suy tư tương quan, phản đối nhất nguyên hay nhị nguyên. Ðặc tính này càng rõ rệt hơn trong lối suy tư thấy trong Kinh Dịch: 'Thái xuất sinh lưỡng cực, lưỡng cực sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật" và trong Ðạo Ðức Kinh: "Ðạo thị vạn vật chi mẫu". Ðể độc giả hiểu toàn thể tính của Việt Triết, chúng tôi cần phải giải thích đặc tính mà chúng tôi gọi là toàn thể tính (totality) như sau:

1. Toàn thể không có nghĩa là sự vật hay sự kiện "hoàn toàn", không cần thêm cũng không cần bớt. Nếu hiểu toàn thể theo nghĩa này, chúng ta không thể hiểu được siêu việt tính của Việt Triết.

2. Toàn thể cũng không có nghĩa "tất cả" (ominia, all, tous, Alles) như thấy trong ngôn ngữ thông thường. Chúng tôi hiểu toàn thể tính theo những khía cạnh như sau:

3. Ðây là một lối suy tư không theo nhất nguyên, nhị nguyên hay đa nguyên. Lối suy tư nhất nguyên quy tụ tất cả vạn vật vào một nguyên lý, và cho đó là toàn thể (thí dụ quan niệm con người bao gồm hai bản chất: linh thiêng (linh hồn) và cụ thể (thân xác). Ða nguyên nhận rằng sự vật mang tính chất đa tính và đa diện, không có một căn nguyên duy nhất hay duy nhị. Tuy nhiên đa nguyên không nhận ra tính chất toàn diện, hay một động lực có toàn thể tính, có thể nối kết đa diện, đa thức, đa cảm, đa thái v.v... Chính vì vậy mà thuyết đa nguyên có tính hỗn tạp.

4. Chúng tôi hiểu toàn thể tính như một bản tính khái hiện (open), không gạt bỏ cũng không ôm đồm (xin xem Trần Văn Ðoàn, Reflection on the Concept of Totality in Dialectic, Monograph, Fujen University Press, 1983, cũng như 'Synthesis and He' - Tổng hợp và Hòa in Asian Culture Quarterly, 1985, Jan. pp.1-20).

3.2.5. Lối Tư Duy Thực Tiển

Ðặc tính thứ năm của Việt Triết là lối suy tư thực tiễn và cụ thể. Thực tiễn, tức một sự thực có thể phản ảnh thực tại, có thể đưa ra những vấn nạn thực tế đương phát sinh, đã phát sinh và sẽ phát sinh của con người. Thực tiễn cũng có nghĩa thực dụng. Người Việt không suy tư theo lối toán học hay luận lý, tức là một lối suy tư trừu tượng, song suy tư theo những tương quan: "Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc" và theo những mệnh đề hiện sinh. Làm thế nào để giải quyết những vấn nạn nhân sinh; làm thế nào để giải quyết một cách xác đáng; và làm thế nào để đạt được mục đích của con người. Ngoài ra, suy tư một cách thực tiễn cũng có nghĩa suy tư chân thật: "có sao nói vậy", "có gì ăn nấy" và "có sao mặc đó". Lối suy tư chân thật này gồm nhiều đặc tính:

Ðiểm quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là người Việt hiểu chân thật không theo nghĩa chân lý (truth, veritas, véritas, vérité, Wahrheit), song theo nghĩa chân thực (reality, realitas, realité, Wirklichkeit). Chân lý tức một sự chân tuyệt đối, như từng thấy trong mệnh đề toán học 1=1. Ðây là một mệnh đề mà không ai có thể phủ định, dù rằng người đó không thích toán học. Người Việt không phải không chấp nhận chân lý, song họ hỏi, niềm chân lý này có ích lợi gì cho nhân sinh hay cho định mệnh của chúng ta?

Ðiểm này mãi cho tới Huyền-Cách (Hegel), người Tây Phương mới bắt đầu nhìn ra tính chất hình thức của chân lý. Huyền-Cách (Hegel) từng phê bình Khang-Ðức (Kant) cho rằng Khang-Ðức (Kant) sai lầm khi xây dựng nền đạo đức trên quan niệm chân lý, bởi vì một nền đạo đức như vậy quá trừu tượng và do đó thiếu thực tiễn. Trước Huyền-Cách (Hegel), tổ tiên chúng ta đã nhận ra sự thiếu sót của lối suy tư trừu tượng.

Thế nên, đối với Việt Triết, chân thực mới là điều đáng được lưu tâm. Chân thực có những đặc tính sau:

1. Chân thực được xét nghiệm qua sự hình thành (hay thực hiện) của quan niệm. Bất cứ một quan niệm nào, dù thật sao đi nữa, nếu không được thực hiện (realization), cũng không thể được coi như là thực tiễn.

2. Chân tính không có tính chất vĩnh cửu, bất biến, bất động. Tùy theo tương quan, tương giao, tương cảm và tương thông, chân tính phát hiện cũng như biểu hiện trong những sinh hoạt, tổ chức cũng như lối tư duy của con người.

3.2.6. Lối Suy Tư Biểu Tượng

Một đặc tính nữa cũng thường thấy trong lối tư duy của Việt Triết đó là lối suy tư biểu tượng (symbolic). Nói là biểu tượng không hoàn toàn đúng song cũng không hoàn toàn sai. Lý do là, khác với biểu tượng số học, nhất là những biểu tượng trong toán học và luận lý, biểu tượng của Việt Triết được ghi lại qua những sinh vật, đồ vật, hành động. Thí dụ những biểu tượng khác trên trống đồng tìm thấy được ở Ðông Sơn, hoặc những biểu tượng trong những câu truyện dân gian hay trong dã sử. Những biểu tượng này có những đặc tính sau:

Ngoài lối suy tư có tính chất biểu tượng, Người Việt rất thích suy tư theo lối so sánh (tỉ giảo), suy diễn (deductive) cũng như dùng biểu ngữ (symbol) và ngụ ngôn (parabol) để diễn đạt các sự kiện từ tâm linh cho tới ngoại tại. Thí dụ những câu diễn đạt bình dân như "cháy nhà ra mặt chuột", "gái một con trông mòn con mắt", "gậy ông đập lưng ông", "đẹp như tiên". Ngay trong văn chương bác học, chúng ta cũng thấy những lời diễn đạt tương tự như: "Văn như Siêu Quát vô tiền Hán" hoặc như câu thơ bất hủ của Nguyễn Du:

Trong tất cả những lối diễn đạt trên chúng ta thấy người Việt áp dụng lối so sánh, ngụ ngôn cũng như suy diễn để đạt tâm tình (Thúy Kiều), tài năng (Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát) hoặc suy diễn sự kiện (cháy nhà ra mặt chuột của Mã Giám Sinh).

3.3. Phương pháp Việt Triết

Như đã trình bày trong phần giải thích những khuynh hướng triết học, chúng tôi nhận định rằng, đại đa số các trường phái triết học từ thời hiện đại (modern) đến đương đại (contemporary) đều chú trọng tới phương pháp học. Những cha đẻ của triết học hiện đại như Bá-Công và Ðề-Các là những nhà phát minh phương pháp mới, hay tinh vi hóa phương pháp cũ. Những nhà triết gia vào thế kỷ 20 cũng làm công việc tương tự như thế. Từ Hốt-Siêu với Vỹ-Can-Ðan, từ Hải-Ðức-Cách tới Cao-Ðạt-Mai (Hans-Georg Gadamer), từ Lê-Vi-Châu (Levi-Strauss) cho tới những triết gia của hậu-hiện-đại (post-modenism) như Phu-Côn (Michel Foucault), Dương-Lệ-Ða (Jaques Derrida) hay Lý-Âu-Ðắc (Francois Lyotarad), vân vân..., tất cả đều tập trung vào vấn đề của phương pháp học. Theo những triết gia này, một phương pháp chính xác có thể đưa đến một tư tưởng chứng minh, một kết quả hoàn hảo. Nói cách khác, phương pháp quyết định tính chất khoa học của triết học.

Chúng tôi tuy đồng ý một phần lớn với quý vị, song nhận định rằng: không phải phương pháp tự nó có thể quyết định vận mạng của triết học. Phương pháp chưa phải là mục đích tối thượng của triết học. Một lý do rất đơn sơ có thể chứng minh cái quá khích của những người như Ðệ-Các hay Ba-Công, và nhất là những triết gia thuộc trường phái phân tích, đó là: không phải phương pháp giúp chúng ta phát hiện mục đích tối thượng của triết học, song chính cái mục đích tối thượng này đòi hỏi chúng ta phải đi kiếm một phương pháp hữu hiệu để có thể đạt tới mục đích. Lý thuyết về mục đích và phương pháp trong cả một quá trình suy tư có tính chất lý tính mà nhà khoa học xã hội Ðức, Vệ-Bác (Max Weber) tiên sinh từng đưa ra vào thập niên 1920 giúp chúng ta hiểu rằng, phương pháp không thể kiến cấu nếu không có một mục đích. Hiểu trong mạch văn này chúng tôi thử lần mò đi tìm những phương pháp mà Việt Triết từng áp dụng. Trong phần trên, chúng tôi đã tạm nhắc đến những phương pháp như suy diễn, so sánh, tượng trưng, v.v... Chúng ta cũng có thể nói đến phương pháp phân tích tâm linh, hiện sinh cũng như phương pháp chuyển thích hay thông diễn. Tuy nhiên, những phương pháp này có thể thấy trong bất cứ nền triết học nào, từ lối suy tư có tính cách nguyên sơ hay "man dã", cho tới những phân tích có tầm mức kỹ thuất cao độ. Nơi đây, người viết xin mạn phép chỉ vạch ra những phương pháp mà người Việt thích dụng, ham dụng cũng như rất cá biệt ít thấy trong những nền triết học khác. Hai phương pháp được đặc biệt chú trọng tới bao gồm tương quan biện chứng và siêu việt biện chứng. Tương quan biện chứng phát xuất từ lối suy tương quan, rút từ cuộc sống tương quan, sinh hoạt tương quan, cũng như cảm tính tương quan. Siêu việt biện chứng được thấy trong lối tổng hợp và viễn việt cũng như siêu việt thấy trong ngôn ngữ, tư tưởng, chính trị, tôn giáo và luân lý. Ðể độc giả nhận ra hai phương pháp tương quan biện chứng và siêu việt biện chứng, chúng tôi mạo muội thảo luận ba điểm then chốt của phương pháp này: thế nào là biện chứng, thế nào là tương quan và thế nào là siêu việt.

3.3.1. Biện Chứng

Ở vào một thời đại khi mà biện chứng bị một chế độ giữ độc quyền giải thích và tôn kính như là một phương pháp khoa học tuyệt đối; ở vào lúc mà họ gắn cho biện chứng quyền lực vạn năng, giống như gậy thần của nàng tiên, có giải quyết mọi vấn đề từ tri thức tới đạo đức, từ kinh tế tới chính trị, từ tâm linh tới vật chất, thì những người biết suy tư, những người yêu quý tự do bắt đầu ngờ vực phương pháp này. Chính vì thế, khi bàn về biện chứng, chúng tôi rất dễ dàng bị xếp một cách lầm lẫn vào cùng hàng với những "triết gia quốc doanh" từng thấy ở Bắc Kinh hay Mạc Tư Khoa. Nơi đây để tránh ngộ nhận, chúng tôi xin thanh minh là, khi dùng tới biện chứng, chúng tôi hiểu theo những ý nghĩa sau:

1. Biện chứng là một sinh hoạt hơn là một phương pháp.

2. Như là một sinh hoạt của con người (chứ không phải của thiên nhiên như Ân-Cách (Friedrich Engels) từng lầm lẫn trong các tác phẩm Dialektik der Natur, biện chứng nói lên, vạch ra, cũng như tiên đoán tất cả quá trình lịch sử của hoạt động nhân sinh.

3. Như là một hoạt động của con người, tất cả quá trình có bản chất động, hoặc tiến, hoặc lùi, hoặc ngưng động. Tuy nhiên, nói cách chung, biện chứng tiến về tương lai.

4. Sự tiến về tương lai nói lên sự phát triển của con người. Con người phát triển được nhờ vào những đặc điểm như cải hóa thiên nhiên, cải hóa con người. (Phá hoại thiên nhiên, dùng bạo lực diệt chủng, v.v..., không làm con người tiến bộ, song chỉ hủy diệt con người và thiên nhiên).

5. Ðể cải hóa thiên nhiên và cải hóa con người, chúng ta buộc phải sửa khuyết điểm và phát triển ưu điểm.

6. Ðể sửa khuyết điểm, chúng ta phải tìm ra những khó khăn (vấn nạn), bằng cách phê bình hay phủ định (giai đoạn hai tức phản đề trong biện chứng).

7. Song tìm ra khuyết điểm cũng không thể làm cho lịch sử tiến bộ, nếu chúng ta không sửa chữa khuyết điểm trên.

8. Sửa chữa khuyết điểm chỉ làm cho chúng ta có thể bảo vệ tình trạng hiện thời, nhưng chưa có thể khiến chúng ta hoàn toàn tiến bộ. Chính vì thế mà

9. để tiến bộ, chúng ta bắt buộc phải tìm ra những giải đáp hay hơn, hữu hiệu hơn và những tư tưởng tuyệt hơn, v.v... Chỉ khi nào có một kiến thức hay hơn, phương pháp hữu hiệu hơn, tổ chức hoàn hảo hơn, lúc đó chúng ta mới thật sự tiến bộ.

Trong những phân tích trên, chúng ta nhận thấy, biện chứng tiến triển qua hai giai đoạn: giai đoạn hiện tại và giai đoạn phê bình những khuyết điểm của giai đoạn hiện tại. Nói theo ngôn ngữ của Huyền-Cách và Mã-Sỹ, đây là hai giai đoạn đề (thesis), và phản đề (anti-thesis) trong biện chứng tam thể (triad).

Tuy nhiên, chỉ khi nào chúng ta tìm ra một giải đáp hữu hiệu hơn, toàn vẹn hơn, hợp lý hơn cũng như phổ biến và tất yếu hơn, lúc đó biện chứng mới đạt tới giai đoạn thứ ba tức tổng đề (synthesis).

Ðiểm tranh luận giữa các nhà biện chứng không phải họ bất đồng ý kiến về quá trình cũng như giai đoạn của biện chứng, mà ở giai đoạn tổng hợp. Huyền-Cách nhận định là trong phần tổng hợp, sự đối lập giữa đề và phản đề sẽ bị lý tính gạt bỏ. Ðiểm khó khăn của Huyền-Cách là ít ai hiểu được sự bí mật hoặc huyền nhiệm của lý tính, đừng nói đến, có thể vận dụng năng lực của lý tính để hủy bỏ sự mâu thuẩn giữa đề và phản đề. Ðối với Mã-Sỹ, đề tiêu diệt sự tương khắc giữa đề phản đề (giữa hai giai cấp), tổng đề bắt buộc phải gạt bỏ đề cũng như phản đề. Như Huyền-Cách nhưng cũng một lúc ngược lại với Huyền-Cách, họ Mã nhận định là chỉ khi nào cái lý tính nhập thế, chỉ khi nào lý tính biến thành thực thể, lúc đó nó mới có thể hòa giải sự mâu thuẩn giữa đề và phản đề. Thế nên, Mã-Sỹ nhận định là, cái lý tính nhập thế, cái lý tính thực tiễn và có năng lực này chính là giới vô sản, mà theo Mã-Sỹ, là tổng đề tối hậu của lịch sử, bởi vì "giai cấp" này hoàn toàn bãi bỏ ý niệm về giai cấp. Không còn giai cấp, không còn đối lập, tất nhiên sẽ không còn đấu tranh.

Theo chúng tôi, những lối tổng hợp như thế không hoàn toàn đúng mặc dù không hoàn toàn sai. Lý do, như chúng tôi sẽ trình bày trong phần tương quan biện chứng và siêu việt biện chứng, rất đơn giản: chúng ta đi đến một tổng hợp mới không phải vì lý tính đòi hỏi (Huyền-Cách), cũng không phải chỉ để giải quyết sự mâu thuẩn của các lý thuyết hay giai cấp (Mã-Sỹ). Chúng ta đi tìm một tổng hợp với một mục đích. Giống hệt như việc con người đi tìm một giải đáp để giải quyết vấn nạn và, quan trọng hơn, để đạt tới một cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất cũng như tinh thần, cái tổng hợp chỉ có thể gọi là tổng hợp nếu nó có thể mang lại một kết quả toàn vẹn hơn, đầy nghĩa hơn, và đầy tình người hơn. Nói tóm lại, tổng hợp chỉ có nghĩa nếu tổng hợp có thể mang lại cho con người một cuộc sống hạnh phúc. Những ý niệm này được thấy một cách rõ ràng trong Việt Triết.

3.3.2. Tương Quan Biện Chứng

Hiểu biện chứng như thế, chúng ta có thể nói mà không sợ bị hiểu lầm, đó là phương pháp của Việt Triết là tương quan biện chứng. Nếu bản chất của Việt Triết là vị nhân, và nếu đặc tính của Việt Triết được thấy trong những tương quan của con người, giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật và giữa con người với Thượng Ðế, thì đi tìm một tổng hợp giải quyết những vấn nạn phát xuất từ những tương quan trên đương nhiên là trọng tâm của Việt Triết. Ðể hiểu tương quan biện chứng, chúng tôi xin tạm bàn những giai đoạn sau đây:

-- Hai loại tương quan:

Trước khi phân tích tương quan, chúng tôi cần phải nhấn mạnh là, mối tương quan mà chúng tôi thảo luận thuộc tương quan con người, chứ không phải tương quan thiên nhiền.

Tương quan thiên nhiên, hay tương quan tự nhiên là những tương quan mà chúng ta không thể hay khó thể thay đổi. Nó có tính chất thụ động nhiều hơn chủ động. Nó có tính cách cơ cấu (organic) và kết cấu (stuctural) nhiều hơn là kiến cấu (constructive) và biến hóa. Thí dụ tương quan giữa con người với trời, với đất, hay với thiên nhiên cách chung. Chúng ta không thể bắt buộc phải theo luật của thiên nhiên để có thể cộng-tồn (co-existence) với thiên nhiên. Trời lạnh, chúng ta phải thêm áo; trời nóng, chúng ta phải bớt áo, v.v... Nói cách chung, khi đối diện với thiên nhiên, trời đất, v.v..., con người chỉ có thể "thuận", và "phục" nhưng không thể "cải cách". Câu ca dao:

là một điển hình nói lên sự tương quan tự nhiên này.

Thế nên, điểm mà chúng tôi nhấn mạnh là mối tương quan giữa con người. Mối tương quan này có tính chất kiến cấu (constructive) và biện chứng (dialecttical), nên năng động, biến đổi và phát triển.

-- Tương quan trong quá trình phát sinh:

Con người ý thức được sự hiện hữu của mình cùng một lúc với tác động, ý thức được sự hiện hữu của tha nhân. Ý thức được mình cũng như tha nhân, thực sự là ý thức được sự tương quan giữa mình và tha nhân. Tương quan càng gần (không gian cũng như thời gian), ý thức càng sâu đậm. Tương quan càng sâu càng đậm, tương quan đó càng mạnh và dài.

Ý thức được sự tương quan, tức là ý thức được mọi hành động cũng như hậu quả liên quan tới chủ thể và khách thể. Thí dụ ý thức về tình yêu tức là ý thức được sự tác động thân mật, cũng như hậu quả (phản ứng) của tác động ấy giữa hai chủ thể.

Một tương quan phát sinh khi chủ thể nhận thức được

Ở giai đoạn hai, khi chủ thể phát hiện mối tương quan giữa chủ thể và thế giới của mình hay liên quan với chính mình, chủ thể cũng cùng một lúc phát hiện ra những nhu cầu mới, những ham muốn mới, những ý tưởng mới, v.v... Những nhu cầu mới... đòi buộc chủ thể, để có thể thỏa mãn được những tham muốn này, bắt buộc phải đi tìm những tương quan mới. Chúng ta lấy thí dụ của người sinh viên: khi anh đang theo học, mục đích của anh là tốt nghiệp và có một bằng cấp. Song nếu trong thời gian anh theo học, anh yêu một đồng học, và kết hôn. Sự tương quan này, đòi buộc anh phải kiếm một công việc đủ tiền để nuôi gia đình. Ðể kiếm tiền, anh cần phải làm quen với những người có thể giúp anh. Khi quen họ, anh phát hiện những nhu cầu mới, đòi hỏi anh phải đi kiếm những tương quan mới. Nói tóm lại, cuộc đời của anh được kiến cấu bởi những nhu cầu, tương quan, nhu cầu mới, tương quan mới, v.v... Một quá trình (hay một cuộc đời) như thế luôn luôn biến động. Khi ngưng biến động, khi không có tương quan mới, khi không cần các nhu cầu mới, cuộc sống con người bắt buộc phải đi vào chiều sâu (thí dụ làm cho tương quan có sẵn càng sâu đậm, càng bền chặt, nếu không cuộc sống hoàn toàn mất ý nghĩa).

Nói cách khác, tương quan được kiến cấu bởi nhu cầu (needs), lợi ích (interest), những thiết yếu (belongings), những ý hướng (interest, ideals) chung giữa chủ thể phát hiện. Thí dụ cụ thể của tình yêu chứng minh một cách rất chính xác luận điểm mà chúng tôi đưa ra: hai người nam nữ dễ yêu nhau nếu hai người đều cảm thấy họ rất cần nhau. "Cần nhau" mang ý nghĩa là "cần được hiểu", "cần được chăm sóc", "cần được chú ý", "cần cho cuộc sống", "cần một tổ ấm", v.v... Thiếu những nhu cầu chung, hay những tâm tình chung, hay những chí hướng chung, nam nữ khó có thể đi đến tình yêu đừng nói tới hôn nhân.

-- Tương quan và những vấn nạn của tương quan:

Nếu vì nhu cầu, con người bắt buộc phải tìm tương quan, thì cũng có thể là chính vì nhu cầu mà tương quan tan vỡ. Tất cả những kết cấu, biến hóa cũng như biến dạng hay biến mất của tương quan đều có những nguyên do liên quan tới nhu cầu, ích lợi, ý hướng chung như lý tưởng của con người. Nói một cách chung, mối tương quan khi phát sinh, tự nó đã tiềm ẩn một vấn nạn nào đó. Chúng ta có thể tóm tắt trong những điểm sau:

- Mỗi tương quan đều được kiến cấu bởi những nhu cầu, thì khi nhu cầu không còn, tương quan này hoặc sẽ biến mất, hoặc biến dạng.

- Bất cứ tương quan nào cũng phát sinh những nhu cầu mới. Khi tương quan này không thể thỏa mãn được nhu cầu căn bản, sự tương quan sẽ biến mất. Nếu nhu cầu chỉ phụ thuộc, mà nếu sự tương quan này cũng không thỏa mãn được, thì tương quan sẽ biến dạng.

- Sự biến mất, hay biến dạng đi theo một quá trình của biện chứng hay phản biện chứng. Ðiều mà chúng tôi đã thảo luận rất kỹ lưỡng trong những tác phẩm khác. Thế nên, nơi đây chúng tôi chỉ xin đưa ra một thí dụ rất cụ thể trong văn chương Việt để nói lên những điểm trên:

-- Từ sự việc giải đáp các vấn nạn
tới sự phát sinh của tương quan mới

Câu ca dao trên nói lên sự thực trong tương quan con người: nhu cầu càng nhiều thì tương quan cũng càng nhiều. Mà tương quan càng nhiều, thì nhu cầu lại càng nhiều hơn. Do đó, vấn nạn càng nhiều hơn. Ngu thì muốn có tài, mà có tài lại sợ người ngoài gièm ngó. Thế nên câu than thở bình dân "ở sao cho đẹp lòng giời" hay những vần thơ trong Thúy Kiều: "Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau", hay "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen", đều nói lên một sự thực: bất cứ tương quan nào cũng có thể phát sinh các vấn nạn.

Tiếp theo đó, chúng ta cũng nhận thấy, một khi mà những vấn nạn mới xuất hiện, chúng đòi buộc chúng ta phải có những tương quan mới. Thí dụ, khi không thể tự mình giải quyết được những khó khăn trên, con người bắt buộc phải tìm đến Thượng Ðế xin Ngài giúp. Nơi đây, chúng ta thấy phát hiện một tương quan mới, giữa con người và Thượng Ðế. Tương tự, khi con người thấy Thượng Ðế hạn hẹp mình, hoặc Thượng Ðế không muốn giải quyết những vấn nạn mà con người đòi hỏi (một cách vô lý), thì khi đó tương quan giữa Thượng Ðế và con người sẽ rạn nứt: "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Nếu Thượng Ðế giúp con người, tương quan sẽ biến đổi thành "Lạy Trời, lạy Chúa, lạy Cha", hay "Cũng đừng trách lẫn Trời gần, trời xa."

3.3.3. Siêu Việt Biện Chứng

Như trong phần bàn về bản tính siêu việt chúng ta nhận thấy siêu việt biện chứng không phải chỉ là một phương pháp (bởi vì phương pháp rút ra tự bản thể) mà còn là bản chất của Việt Triết. Trong tiểu tiết này, chúng tôi chỉ phác họa qua vài ý niệm, hay nguyên tắc nhằm hiểu Việt Triết mà thôi.

Thứ nhất, siêu việt là vượt hơn, vuợt xa, vượt cao cũng như vượt sâu. Ðiểm mà chúng tôi muốn thảo luận, là làm thế nào để vượt hơn, vượt xa, vượt cao và vượt sâu. Kiểu giải thích của Kim Ðịnh tiên sinh "việt tức nhảy từ đất vào trời" chưa nói lên được phương pháp siêu việt mà chỉ vẽ ra được phương hướng của Việt triết mà thôi. Theo chúng tôi, để siêu việt (vượt hơn, vượt xa, vượt cao, vượt sâu) chúng ta bắt buộc phải phán đoán từ những điểm sau:

Chúng tôi nhận định rằng, chỉ khi nào phương pháp mà chúng ta đưa ra có thể giải quyết các vấn nạn có hiệu quả hơn (tức lâu dài, không có hậu quả, áp dụng cho càng nhiều người ở mọi nơi và trong bất cứ thời gian nào), lúc đó chúng ta mới có thể nói phương pháp của chúng ta siêu việt.

Thứ hai, khi phân tích những phương pháp giải quyết những vấn nạn thường nhật, chúng ta thấy người Việt giải đáp hay hơn, có tình hơn, và uyển chuyển hơn. Ðây là những đặc tính mà chúng tôi gọi là siêu việt. Thí dụ về tương quan trong gia đình Việt: để giải quyết tranh chấp quyền hành, chúng ta đưa ra phương pháp phân quyền "nữ nội nam ngoại", hay "lệnh ông không bằng công bà". Thí dụ để hành chánh thuận tiện, chúng ta áp dụng phương pháp "phép vua thua lệ làng"; hoặc để giải quyết xung khắc cha con, vợ chồng, nam nữ, người Việt không hoàn toàn theo luật lệ của Nho giáo (xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), song theo một lối hành động tương quan phát xuất từ cộng cảm (sensus communis): "có con rồi mới có cha", hay:

Nói cách khác, lối giải đáp những vấn đề xã hội của chúng ta vượt xa lối giải đáp của Hy-lạp (tập trung quyến hành), La Mã (pháp trị), Trung Hoa (hoàng trị), hay ngay cả chính trị hiện đại (dân chủ song không phải dân trị, hoàn toàn hình thức, thiếu tình người).

Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh là, về sự việc đi giải đáp những vấn nạn khoa học hay tri thức, chúng ta chưa đủ siêu việt. Lý do có lẽ là Việt Triết là một nền triết lý thực hành chứ không phải tri thức thuần túy. Ðiểm này chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn trong những luận văn tới.

Thứ ba, siêu việt song theo lối biện chứng. Cũng chính vì vậy mà lối tư duy của người Việt không quá khích, và độc đoán. Chúng ta tư duy theo lối:

Về điểm này chúng ta thấy trong: ngôn ngữ Việt, pháp luật Việt, tôn giáo Việt và văn chương Việt. Nơi đây, chúng tôi chỉ lấy ngữ học làm một thí dụ để chứng minh tính chất siêu việt và biện chứng trên.

Ngôn ngữ Việt có những đặc tính (siêu việt) như sau:

a. Chấp nhận bất cứ ngôn ngữ ngoại lai nào có thể diễn đạt một cách chính xác, một cách phong phú, cũng như một cách thẩm mỹ sự kiên, tâm tình cũng như niềm tin của người Việt.

b. Biến hóa ngoại ngữ thành Việt ngữ (thí dụ: gare = nhà ga, café = cà phê, durian = sầu riêng...).

c. Biến ngoại ngữ thành Việt ngữ song với những ngụ ý mới, giàu hơn và sâu đậm hơn (thí dụ: người tầu chỉ có hai ba tiếng để gọi người cha như: phụ, thân phụ, tía; thì ngôn ngữ Việt có rất nhiều: ba, cha, phụ, thân phụ, tía, thầy, ông già tôi, v.v...).

d. Không hoàn toàn gạt bỏ những ngôn ngữ lôi thôi song thăng hóa chúng (thí dụ: những danh từ Hán Việt).

Từ khía cạnh ngữ cấu và ngữ ý (syntactic và semantic), chúng ta cũng thấy ngôn ngữ Việt có đặc tính siêu việt trên. Thí dụ tổng hợp các ngôn, ý, tượng biến thành một ngôn ngữ mới. Thí dụ như computer có thể dịch sang là điện não, điện toán, v.v... Ðiện não bao gồm hai danh từ và hai công năng: điện và não, mang nghĩa, não bộ làm bằng điện. Ðiện toán bao gồm một danh từ (điện) và một động từ (tính toán), mang nghĩa não bộ tính toán nhanh như điện.

Từ khía cạnh ngữ phạm (grammatic), ngôn ngữ Việt không cứng nhắc, song lại có thể biểu tả một cách xác thực hơn. Thí dụ câu nói "anh yêu em". Về hình thức, câu nói này hoàn toàn đúng văn phạm của chủ đề, động từ và đối tượng thấy trong ngôn ngữ tây phương. Song ý nghĩa của câu nói trong ngôn ngữ Việt lại chính xác hơn tây phương. Nếu trong anh ngữ hay pháp ngữ, chúng ta viết: I love you, và ngược lại you love me hay je t'aime, và tu m'aimes. Chúng ta thấy, người yêu và được yêu (you, me, tu, me) không ở cùng một bề thế: một người là chủ, một người là khách (hay đối tượng). Một tình yêu không cân bằng như thế chưa nói lên được tình yêu chân thật. triết gia Sa-Thời từng phàn nàn là không thể có một tình yêu chân thật. Câu phàn nàn này rất có lý nếu xét từ ngôn ngữ của tây phương. Trong câu "anh yêu em" hay ngược lại "em yêu anh", anh hay em không bị phân biệt thành hai hình thái khác nhau của chủ thể và đối tượng.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page