Tường Thuật 3 về
chuyến thăm Cuba của ÐTC
ngày 23 tháng 01/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Tường thuật Chuyến Viếng Thăm của ÐTC tại Cuba. Bài 3: Ngày thứ Sáu 23/01/98: ÐTC đi thăm thành phố Camaguey, nằm ở miền Trung Tây, cách thủ đô 300 cây số

Tường thuật Chuyến Viếng Thăm của ÐTC tại Cuba. Bài 3: Ngày thứ Sáu 23/01/98: ÐTC đi thăm thành phố Camaguey, nằm ở miền Trung Tây, cách thủ đô 300 cây số.

Thánh lễ thứ hai ÐTC cử hành trên đất nước Cuba, là vào sáng thứ Sáu 23/01/98, tại quảng trường Ignacio Agramonte của thành phố Camaguey, nằm ở miền trung Tây của Cuba, cách thủ đồ 300 cây số. Ðây là thánh lễ dành cho các bạn trẻ. Số ngưới tham dự không thua gì trong thánh lễ thứ nhất tại Santa Clara, nghĩa là hơn 100 ngàn người. ÐTC đã chiếm được con tim của các bạn trẻ. Trong bài giảng dành cho họ, ÐTC đã đề ra một mầu gương sống theo Chúa Kitô, để cuộc đời có được ý nghĩa trọn vẹn của nó. Những người trẻ nầy là những kẻ đã được sinh ra và lớn lên trong chế độ vô thần của Fidel Castro. Dân số toàn quốc Cuba là 11 triệu, trong số nầy có khoảng 4 triệu là đã được Rửa Tội theo đạo Công Giáo. Nhưng số người thực hành đạo lại rất ít, khoảng 500 ngàn mà thôi.

Phản ứng của các bạn trẻ đáp lại những lời khuyên của ÐTC thật là nồng nhiệt. Họ đã vổ tay nhiều lần hoan hô ÐTC khi ngài nói những lời thật ý nghĩa, đánh động họ.

Vậy đặc biệt, chúng ta hãy cùng nhau nghe qua nguyên văn bài giảng của ÐTC. ÐTC đã nói như sau:

Diễn Văn số 3: Trong THÁNH LỄ TẠI CAMAGUEY, DÀNH CHO GIỚI TRẺ. ÐTC bắt đầu với câu trích từ thơ của Thánh Phaolô Tông đồ như sau:

"Ðừng để mình thua sự dữ, nhưng hãy chiến thắng sự dữ bằng sự thiện" (Rom 12,21). Những người trẻ Cuba ngày hôm nay quy tụ quanh Ðức Giáo Hoàng, để cử hành đức tin và lắng nghe Lời Chúa; Lời Chúa trình bày cho ta con đường để giải thoát mình khỏi những công việc của sự dữ và khỏi những bóng tối và như thế, giúp ta mặc lắy những vũ khí của ánh sáng mà làm điều thiện. Vì thế Cha vui mừng được gặp chúng con tất cả tại quảng trường to lớn nầy, nơi hy tế của Chúa Giêsu Kitô được diễn lại trên bàn thờ. Nơi đây mang tên gọi của ông Ignacio AGRAMONTE, người can đảm; nó nhắc chúng ta nhớ lại một vị anh hùng được tất cả mọi người yêu mến, được đức tin Kitô thôi thúc; vị anh hùng nầy thể hiện những giá trị mô tả dung mạo con người thiện chí nam nữ như: sự ngay thẳng, sự trung thực, sự trung thành, tình yêu đối với sự công bằng. Ông Ignacio Agromonte là một người chồng tốt, người cha gia đình tốt, một người bạn tốt, một người bênh vực cho phẩm giá của con người chống lại sự nô lệ.

Trước hết, tôi muốn chào chúc Ðức Cha Adolfo Rodriguez HERRERA, chủ chăn của Giáo Hội tại giáo phận nầy, chào Ðức Cha Juan Garcia Rodriguez, Giám Mục phụ tá, và các vị Giám Mục khác nữa và các linh mục hiện diện; qua các việc mục vụ, các ngài động viên và hướng dẫn những người trẻ Cuba đến với Chúa Kitô, Ðấng cứu chuộc, người bạn không bao giờ làm ta thất vọng. Cuộc gặp gỡ với Ngài thôi thúc con người ăn năn trở lại và nếm hưởng niềm vui để cao rao, như các môn đệ sau biến cố Chúa Phục sinh, rằng: Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa (Gn 20,24). Tôi cũng kính chào quý thẩm quyền dân sự đã muốn tham dự thánh lễ nầy; và tôi xin chân thành cám ơn sự cộng tác để tổ chức cuộc lễ nầy trong đó những kẻ được mời chính là các bạn trẻ.

Các bạn trẻ Cuba chúng con thân mến, cha chân thành ngỏ lời với chúng con, niềm hy vọng của Giáo Hội và của quê hương, vừa trình bày cho chúng con biết Chúa Kitô, ngỏ hầu chúng con nhận biết và theo Chúa với quyết định đầy đủ. Chúa Kitô ban cho chúng con sự sống, dạy cho chúng con biết đường đi, và mở ra cho chúng con biết sự thật. Chúa khuyến khích chúng con hãy cùng nhau tiến bước và trong tình liên đới, trong hạnh phúc và bình an, như là những phần tử sống động của Nhiệm Thể Chúa là Giáo Hội.

"Thử hỏi một người trẻ có thể làm gì để giữ đời sống của mình được trong trắng? Thưa bằng việc tuân giữ Lời Chúa" (TV 119,9). Thánh vịnh vừa cho ta câu trả lời cho vấn nạn mà mỗi bạn trẻ phải đặt ra cho mình, nếu muốn có một cuộc sống xứng đáng và đáng khen, phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình. Chúa Giêsu là con đường duy nhất để thực hiện điều vừa nói. Những nén bạc mà chúng con đã lãnh nhận từ Chúa, và là những nén bạc dẫn đưa chúng con đến sự dấn thân, đến tình yêu đích thực, và đến sự quảng đại; những nén bạc đó sinh hoa trái khi con người sống không phải chỉ bằng điều vật chất và chóng qua, nhưng bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4). Vì thế, hỡi các bạn trẻ chúng con thân mến, cha khuyến khích chúng con hãy sống bén nhạy với tình yêu Chúa Kitô, với ý thức về điều mà Chúa đã thực hiện cho chúng con, cho toàn thể nhân loại, cho con người nam nữ mọi thời đại. Nhờ cảm thấy được Chúa yêu thương, chúng con mới có thể sống yêu thương thật sự. Nhờ cảm nghiệm được sự hiệp thông thân thiết với Chúa, một sự hiệp thông được đi kèm với việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa, với việc lắng nghe Lời Chúa, với niềm vui được Ngài tha thứ và yêu thương, chúng con có thể bắt chước Chúa, và như thế, như tác giả thánh vịnh nói, chúng con có thể sống "trong sạch". Thử hỏi sống trong sạch có nghĩa là gì? Ðiều nầy có nghĩa là sống cuộc sống tuân theo những quy luật luân lý của Phúc Âm được Giáo Hội trình bày. Buồn thay, hiện tại, nhiều nguời dễ rơi vào trong chủ nghĩa tương đối hóa luân lý và trong sự đánh mất thực thể của mình mà biết bao nguời trẻ đang phải đau khổ vì sự thiếu mất nầy, nạn nhân cho những nền văn hóa thiếu ý nghĩa hay nạn nhân của những ý thức hệ không biết cung cấp những quy luật luân lý cao thượng và rõ ràng. Chủ nghĩa tương đối luân lý làm phát sinh sự ích kỷ, sự chia rẽ, sự loại ra bên lề, sự kỳ thị, lo sợ và nghi ngờ đối với kẻ khác. Hơn nữa, khi một người trẻ sống "theo ý mình", thì có khuynh hướng đề cao điều xa lạ bên ngoài, để mình bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa duy vật không giới hạn, đánh mất đi những gốc rễ của mình.Vì thế, sự trống rổng do những thái độ vừa nói trên tạo ra, giải thích cho nhiều sự dữ đang đe dọa các bạn trẻ: nạn rượu chè, đời sống phái tính vô trật tự, xữ dụng thuốc phiện, nạn dâm ô được che đậy duới nhiều lý do, và những nguyên do của nạn dâm ô nầy không luôn luôn là do cá nhân; những nguyên do đó là những chọn lựa dựa trên thú vui hay trên nhũng thái độ ích kỷ, trên chủ nghĩa chạy theo thời, trên sự thiếu vắng lý tưởng nghiêm chỉnh cho cuộc sống, trong đó không có chổ cho một cuộc sống hôn nhân ổn định; đó là chưa kể đến việc chối từ bất cứ quyền hành hợp pháp nào, ước muốn trốn chạy và di dân ra ngoài, vừa tránh không dấn thân, không lãnh lấy trách nhiệm, để chạy trốn trong một thế giới giả tạo, một thế giới đặt nền tảng trên sự vong thân và mất gốc.

Trước hoàn cảnh như vậy, người trẻ Kitô nào muốn sống cuộc sống trong sạch, vững chắc trong đức tin, thì biết mình được gọi và được tuyển chọn do bởi Chúa Kitô để sống trong sự tự do đích thực của những con cái Thiên Chúa, một sự tự do có mang theo nhiều thách thức. Vì thế, lãnh nhận ân sủng đến từ các bí tích, người trẻ biết mình phải làm chứng cho Chúa Kitô với cố gắng liên lỉ, để sống ngay thẳng và trung thành với Chúa. Ðức Tin và nếp sống luân lý liên kết chung với nhau. Thật vậy, hồng ân được lãnh nhận dẫn đưa chúng ta đến một sự trở lại liên lỉ, để bắt chước Chúa Kitô và lãnh nhận những lời hứa của Người. Ðể kính trọng những giá trị căn bản, đặc điểm của một đời sống trong sạch, những người Kitô đôi khi phải lãnh chịu, cả một cách anh hùng, việc bị loại ra bên lề hay bị bách hại, bao lâu mà sự chọn lựa theo nguyên tắc luân lý đó đi nghịch lại những thái độ của thế gian. Chứng tá của thập giá của Chúa Kitô trong đời sống thường ngày còn là một mầm giống chắc chắn và làm trổ sinh thêm nhiều người Kitô. Một cuộc sống trọn vẹn nhân bản và dấn thân theo Chúa Kitô, thì có giá phải trả là lòng quảng đại và sự cho đi.

Các bạn trẻ thân mến, chứng tá Kitô, một đời sống xứng đáng trước nhan Chúa, đều có giá phải trả. Nếu chúng con không sẵn sàng để trả, thì chúng con sẽ gặp phải sự trống rổng trong cuộc sống và cảm thấy thiếu vắng một lý tưởng để sống xứng đáng và có trách nhiệm, cùng với tất cả những hậu quả của nó. Giáo hội có bổn phận cung cấp một sự huấn luyện luân lý, dân sự và tôn giáo, để giúp cho những người trẻ Cuba được lớn lên trong những giá trị nhân bản và Kitô; Giáo hội dấn thân trong công việc huấn luyện nầy, một cách không lo sợ và với sự kiên trì của một công việc giáo dục cần có thời gian, có những phương tiện và những cơ cấu thích hợp cho việc gieo vải những nhân đức và sự đạo đức, để phục vụ cho điều lợi ích của Giáo Hội và của Quốc Gia.

Thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì để có được sự sống đời đời? (Mc 10,17). Trong Phúc âm mà chúng ta vừa nghe, một người trẻ đến hỏi Chúa Giêsu phải làm gì, và Chúa Giêsu, vị Thầy đầy tình thương, trả lời cho người trẻ đó biết phải sống như thế nào. Người trẻ trong Phúc Âm, giả định là mình đã tuân giữ tất cả mọi quy luật, và Chúa Giêsu trả lời cho người trẻ đó rằng cần phải từ bỏ tất cả để theo Ngài. Ðiều nầy tuyệt đối hóa và đích thực hóa những giá trị, và cho phép người trẻ được thể hiện chính mình như là ngôi vị con nguời và như là người Kitô. Chìa khóa để thực hiện những điều vừa nói là sự trung thành, được thánh Phaolô trình bày, nơi bài đọc thứ nhất của thánh lễ hôm nay (x. Roma 12,5-7), như là một đặc điểm của thực tại Kitô của mình. Ðây là con đường của sự trung thành, được thánh Phaolô vạch ra như sau:

Ai chủ sự, thì hãy làm điều đó một cách hăng say. Hãy yêu thương nhau với tình huynh đệ. Hãy vui mừng trong hy vọng, sẵn sàng trong sự tiếp đón. Hãy chúc phúc. Hãy có cùng tâm tình như Chúa Kitô có đối với nhau. Ðừng tham vọng muốn có những việc quá cao. Hãy chọn lấy những điều đơn sơ khiêm tốn. Ðừng nghĩ quá cao về mình. Ðừng lấy điều xấu đáp lại điều xấu. Xin đừng để mình bị thắng vượt bởi điều xấu, nhưng hãy dùng điều thiện để thắng điều dữ. (Roma 12,8-21).

Hởi các bạn trẻ, tin hay không tin, xin hãy đón nhận lời cha mời gọi hãy sống đạo đức. Ðiều nầy có nghĩa là chúng con cần phải sống dũng mạnh bên trong tâm hồn, cao thượng, tràn đầy những tâm tình tốt đẹp, can dảm trong sự thật, gan lì trong tự do, liên lỉ trong trách nhiệm, quảng đại trong tình yêu, không gì có thể làm rung chuyển niềm hy vọng. Hạnh phúc có được, là do bởi biết sống hy sinh. Ðừng đi tìm bên ngoài điều mà chúng con có thể có nơi chính trong chúng con. Ðừng chờ đợi từ những kẻ khác điều mà bạn có thể làm và được gọi để thực hiện. Xin đừng dời lại ngày mai công việc xây dựng một xã hội mới, trong đó những giấc mơ cao cả nhất không bị thất vọng và là nơi mà các bạn có thể là những nguời làm chủ lịch sử cuộc đới mình. Hãy nhớ rầng con người và việc kính trọng con người, là con đường dẫn đến thế giới mới. Thế giới và con người sẽ bị nghẹt thở, nếu không mở rộng ra đón nhận Chúa Kitô. Chúng con hãy mở rộng con tim cho Chúa Kitô, và hãy bắt đầu một đời sống mới phù hợp với Luật Thiên Chúa, và đáp lại những khát vọng hợp lý mà chúng con có về sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp. Ước chi Cuba giáo dục những người trẻ trong nhân đức và trong tự do, ngỏ hầu người ta có thể có một tương lai được phát tirển một cách đích thực, phát triển nhân bản và phát triển toàn diện, trong một bầu khí hòa bình lâu bền.

Hỡi những người trẻ Công Giáo, tất cả những điều nầy là một chương trình sống cho chúng con và cho xã hội, được xây trên tình bác ái, trên sự khiêm tốn và trên hy sinh, một chương trình sống có lý do cuối cùng của nó là: phục vụ Chúa. Cha cầu chúc cho chúng con có niềm vui, để có thể thực hiện chuơng trình sống đó. Những cố gắng trong mục vụ giới trẻ, cần phải được hướng về việc thi hành chương trình sống này. Ðể giúp chúng con, cha để lại cho chúng con một sứ điệp viết, trong niềm hy vọng rằng sứ điệp đó đến được với tất cả các bạn trẻ Cuba, rằng họ là tương lai của Giáo Hội và của quê hương. Một tương lai đã bắt đầu trong hiện tại, và sẽ là điều vui mừng nếu được căn cứ trên sự phát triển toàn diện của mỗi người, một sự phát triển không thể nào đạt đến được, nếu không có Chúa Kitô, ngoài Chúa Kitô hoặc chống lại Chúa Kitô. Vì thế, như Cha đã nói vào lúc bắt đầu triều Giáo Hoàng, và cha muốn lặp lại nơi đây khi đến thăm Cuba, đó là: Ðừng sợ mở cửa tâm hồn đón nhận Chúa Kitô. Cha để lại cho chúng con với hết lòng quý mến của Cha, khẩu hiệu nầy và lời khuyến khích nầy, vừa yêu cầu chúng con hãy thông truyền lời mời gọi đó lại cho những nguời trẻ Cuba khác, với lòng can đảm và sự hăng say tông đồ. Xin Thiên Chúa toàn năng và Ðức Mẹ Rất Thánh, Ðức Trinh Nữ Rất Thánh của tình bác ái của Cobra, trợ giúp cho chúng con đáp lại cách quảng đại lời kêu gọi trên.

Ðó là bài giảng của ÐTC trong thánh lễ dành cho các bạn trẻ CUBA. Một điểm cảm động khác nữa trong thánh lễ sáng hôm qua là thay cho phần đọc kinh Tin Kính, thì mọi người hịện diện được mời gọi lặp lại những lời hứa của Bí Tích Rửa Tội. Sau thánh lễ, ÐTC về lại thủ đô để gặp gỡ với giới Văn Hóa Cuba, tại đại học quốc gia ở thủ đô, với sự hiện diện của Chủ Tịch Fidel Castro.

Những lời kêu gọi của ÐTC trong buổi gặp gỡ chiều thứ Sáu 23/01/98, tại thủ đô La Havana, cũng đã được dư luận báo chí quốc tế lưu ý. Ngài kêu gọi hãy canh tân Ðất Nước Cuba cho có dân chủ hơn, và đồng thời kêu gọi hãy bải bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba. ÐTC đã đề cao mẫu gương anh hùng của Linh Mục Felix Varela, sống vào thế kỷ thứ 19. Linh mục Varela được mọi người dân kính phục, vì lập trường ủng hộ dân chủ, quý trọng sự độc lập của đất nước, và tranh đấu để hủy bỏ tệ nạn nô lệ.

Giải thích thêm ý nghĩa của dung mạo anh hùng của linh mục Felix Varela, ÐTC đã nói trong cuộc gặp gỡ cuối cùng của ngày thứ Sáu 23/01/98, tại Ðại Thính Ðường của Ðại Học Thủ Ðô Cuba, như sau: Cha Felix Varela ý thức rằng nền dân chủ có nghĩa là người dân phải được giáo dục, để biết sống trong tự do và có tinh thần trách nhiệm, và rằng hội dân chủ phải biết cung cấp cho người dân những cơ may để chu toàn vai trò của họ trong xã hội, một vai trò được bảo đảm bởi cơ cấu pháp lý. Xã hội pháp trị là bảo đảm thiết yếu cho mọi hình thức sinh hoạt dân chủ. Dung mạo dấn thân phục vu của linh mục Felix Varela, trong xã hội Cuba vào thế kỷ thứ 19, là điểm gặp gỡ chung giữa lãnh tụ Fĩdel Castro và ÐTC Gioan Phaolô II. Trước đó, trong buổi viếng thăm Chủ Tịch Fidel Castro, tại Ðiện Cách Mạng, hôm chiều thứ Năm 22/01/98, ÐTC đã tặng cho Chủ Tịch Fidel Castro Bức Tranh Kính Màu Mosaic về Chúa Giêsu Kitô và Chủ Tịch Fidel Castro đã tặng ÐTC chân dung của linh mục Felix Varela, linh mục của Giáo Hội Công Giáo vừa là anh hùng dân tộc Cuba. Các quan sát viên nhận định rằng, tuy ÐTC và Chủ Tịch Fidel Castro cùng có quan điểm chung đối với vấn đề cấm vận kinh tế đang làm khổ người dân Cuba, nhưng giữa ÐTC và Chủ Tịch Fidel Castro có những điểm thật khác biệt, không thể dung hòa được, trên bình diện giá trị luân lý đạo đức. ÐTC đã cho thấy rõ điểm nầy, trong các bài diễn văn của ngài, như khi ngài kêu gọi thực thi những giá trị Kitô trong đời sống hôn nhân và gia đình, tuyệt đối không thể chấp nhận việc phá thai, và khi ngài ngỏ lời vời các bạn trẻ Cuba (xem bài diễn văn) kêu gọi các bạn trẻ đừng sống vô trách nhiệm trong vấn đề liên hệ phái tính nam nữ, đừng chạy theo những giá trị giả tạo. ÐTC đã mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu, vào cuối bài giảng của ngài trong thánh lễ cho các bạn trẻ CUBA, tại CAMAGUEY, sáng thứ Sáu 23/01/98 như sau: Ước Chi CUBA giáo dục những người trẻ trong đạo đức và trong tự do, ngỏ hầu có được một tương lai phát triển đích thực, phát triển nhân bản và phát triển toàn diện, trong bầu khí hòa bình lâu bền. Ðó là sứ điệp chính của ÐTC trong ngày viếng thăm thứ Sáu 23/01/98.


Ðiểm Báo ngày 23.01.98 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba

ÐIỂM BÁO ngày 23.01.98 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba.

Trong phần điểm báo hôm nay về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cuba, chúng tôi xin thuật lại bài phỏng vấn Ông Mikhail Gorbachiov, cựu chủ tịch Liên Xô và cũng là nhân vật cộng sản đã mở một con đường mới để nhân đạo hóa chế độ cộng sản. Ông đã dành cho báo La Stampa, xuất bản ngày 22.01.98 tại Torino, miền bắc Italia. Bài phỏng vấn được đăng với tựa đề lớn là: "Các Ông sẽ thấy, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ thay đổi Castro".

Cuộc phỏng vấn xẩy ra trong lúc các đài truyền hình chiếu về chuyến lên đường của ÐTC tại phi trường quốc tế Roma. Tại Moscowa, chuyến viếng thăm này, theo báo La Stampa, được theo dõi hơn các nơi khác, dĩ nhiên được Cựu chủ tịch Nhà Nước Liên Xô lưu ý cách đặc biệt hơn. Từ ngày gặp ÐTC tại Vatican, ông Gorbachiov đã trở nên như người bạn thân của ÐTC và sau đó, ông còn gặp ÐTC nhiều lần khác nữa, mỗi khi có dịp tới Roma.

Và sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn từ Moscowa, được nhật báo La Stampa đăng lại. Bên cạnh bài, có đăng hình ông Gorbachiov được ÐTC tiếp kiến sau khi không còn là chủ tịch Nhà Nước Liên Xô nữa.


Giới bất đồng chính kiến hoan nghênh lời kêu gọi của ÐTC

Giới bất đồng chính kiến hoan nghênh lời kêu gọi của ÐTC.

(AFP 23/01/98) - Cuba (Havana) - Giới bất đồng chính kiến tại Cuba đã hoan nghênh việc ÐTC Gioan Phaolô II kêu gọi chính quyền cộng sản nước này ân xá cho các tù nhân lương tâm, tuy nhiên các nhóm Cuba lưu vong thì cho rằng đây chỉ là một bước nhỏ mà thôi.

Thứ Sáu (23/01/98), ông Elizardo Sanchez, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Cuba cho hãng thông tấn AFP biết là họ rất vui mừng vì Tòa Thánh nay đã chính thức lên tiếng bảo vệ nhân quyền tại Cuba, đồng thời họ hy vọng là các tù nhân sẽ mau chóng được trả tự do. Phát ngôn viên Tòa Thánh, tiến sĩ Navarro Valls cho biết lời yêu cầu trả tự do này đã được chuyển tới các viên chức của Cuba trong khi ÐTC hội kiến riêng với chủ tịch Fidel Castro tại Cung Ðiện Cách Mạng chiều hôm thứ Năm vừa qua (22/01/98), và lời yêu cầu của ÐTC đã được lưu ý cách đặc biệt. Tiến sĩ Navarro Valls cũng cho biết thêm là ÐTC đã đưa ra lời yêu cầu trên đây sau khi Tòa Thánh đã nhận được thư xin can thiệp từ các tù nhân và thân nhân của họ. Theo tin tức ghi nhận thì có 6 nhà bất đồng chính kiến đang ngồi tù tại Santa Clara, nơi ÐTC cử hành thánh lễ hôm thứ Năm (22/01/98), đang tuyệt thực hơn ba tháng trời.

Các nhóm đối lập người Cuba lưu vong thì cho rằng, chỉ trả tự do cho một vài tù nhân mà thôi thì không có gì khác hơn là một cử chỉ xã giao mà thôi. các nhóm này kêu gọi chính quyền Cuba hãy trả tự do cho tất cả các tù nhân, tôn trọng nhân quyền và quyền tự do ngôn luận. Theo ước tính, thì hiện có khoảng 110 ngàn người đang ngồi tù ở Cuba tức khoảng 1% tổng số dân Cuba, và trong số này có khoảng 500 tù nhân chính trị.


Fidel Castro đáp ứng lời kêu gọi trao trả tự do cho một số tù chính trị tại Cuba

Fidel Castro đáp ứng lời kêu gọi trao trả tự do cho một số tù chính trị tại Cuba.

Havana, 23/01/98 - "Ðừng lo sợ" đó là lời của ÐTC Gioan Phaolô II trong bài diễn văn gửi dân chúng Cuba trong chuyến viếng thăm Cuba ngày 22/01/98. ÐTC đã thẳng thắn chỉ trích chính quyền Cuba với những tệ nạn hiện nay đang xảy ra cho các gia đình Cuba do chính sách của Fidel Castro: những tỷ lệ rất cao hằng năm về ly dị, phá thai, và việc Fidel Castro đã đóng cửa các trường học Công Giáo. Tuy nhiên cũng có những điểm rất đáng lạc quan khi Vatican tuyên bố là Fidel Castro đã đáp ứng lời kêu gọi của ÐTC sẽ trao trả tự do cho một số tù chính trị tại Cuba.

Sau một buổi gặp gỡ riêng giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Chủ Tịch Fidel Castro, Vatican đã tuyên bố trong ngày thứ Năm (22/01/98) rằng chính quyền Cuba đã đồng ý để giải quyết việc trả lại tự do cho một số tù chính trị tại Cuba. Một vấn đề mà ÐTC đã từng chờ đợi để có dịp thương lượng với Fidel Castro trong dịp viếng thăm Cuba này.

Theo chương trình, ÐTC Gioan Phaolô II sẽ dâng thánh lễ ngoài trời tại Santiago de Cuba vào ngày thứ Bảy (24/01/98); và tại Thủ Ðô La Havana vào ngày Chúa Nhật (25/01/98).

Vào sáng thứ Năm (22/01/98), dân chúng Cuba vui mừng náo nhiệt với những điệu vũ, tiếng kèn, trống, nhạc... nhộn nhịp chuẩn bị buổi đón rước ÐTC đến dâng thánh lễ tại thành phố Santa Clara. Trong bài giảng thánh lễ, ÐTC đã nhấn mạnh đến việc canh tân giáo dục gia đình như sau:

"Gia đình, nhà trường và Giáo Hội cần phải tạo nên một nền tảng giáo dục lành mạnh để trong đó các trẻ em Cuba được lớn lên và trưởng thành đi theo với những nhân đức tốt. Ðừng lo sợ; hãy khai mở một nền giáo dục cùng với những giá trị cao quý của Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô, một Tin Mừng mà sẽ không bao giờ đem lại bất cứ một nguy hại nào cho xã hội".

Vào chiều thứ Năm (22/01/98), sau buổi gặp gỡ riêng giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Lãnh Tụ Fidel Castro, Vatican đã tuyên bố là rất hy vọng các tù nhân chính trị tại Cuba sẽ được trao trả tự do, một điều mà ÐTC Gioan Phaolô II đã mong đợi từ lâu để có dịp thương lượng với Fidel Castro trong dịp viếng thăm Giáo Hội Cuba lần này.

Trong lúc ÐTC Gioan Phaolô II và Lãnh Tụ Fidel Castro đang gặp gỡ riêng vào chiều thứ Năm 22/01/98 trong khoảng 50 phút tại Tòa Nhà Cách Mạng, Tiến sĩ Joaquin Navarro Valls, phát ngôn viên của Tòa Thánh Vatican đã cho biết: Hơn 500 tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Cuba đã từng yêu cầu ÐTC can thiệp với Fidel Castro trả lại tự do cho họ.

Fidel Castro đã tặng ÐTC một bản da cổ 120 năm chân dung của Linh Mục Felix Varela, người đã khám phá ra và sáng lập đất nước Cuba. ÐTC cũng tặng Fidel Castro một Tượng Chúa Giêsu bằng kính màu lóng lánh.


Back to Radio Veritas Asia Home Page