Tường
thuật chuyến thăm CUBA của ÐTC (ngày
22/01/98)
Ðiểm Báo ngày 22/01/98
về chuyến thăm Cuba của ÐTC
Tường thuật về chuyến viếng thăm CUBA của ÐTC. Bài 2: ÐTC đi thăm thành phố Santa Clara, cách thủ đô La Havana 250 cây số, về phía Ðông. Dâng Thánh Lễ và giảng về đề tài: Những Giá Trị Kitô của Gia Ðình.
Trong năm ngày viếng thăm Cuba, từ 21 đến 25-26 tháng Giêng, ÐTC dâng tổng cộng 4 thánh lễ cho dân chúng. Và dĩ nhiên, thánh lễ quan trọng nhất, sẽ là Thánh Lễ vào sáng Chúa Nhật 25/01/98, tại Quảng Trường Cách Mạng ở Thủ Ðô La Havana, với sự hiện diện của cả Chủ Tịch Fidel Castro.
Ngày thứ Năm 22/01, từ 8:30 sáng, ÐTC đã rời thủ đô La Havana, dùng máy bay đi thăm thành phố Santa Clara, thuộc miền Trung Ðông của Cuba. Nằm cách thủ đô La Havana 250 cây số về hướng Ðông, thành phố Santa Clara có dân số tổng cộng khoảng 200 ngàn, và là thành phố của hai thực tại mâu thuẩn với nhau:
Trước hết, đây là thành phố của anh hùng cách mạng ERNESTO CHE GUEVARA. Ông nầy đã bị giết chết bên BOLIVIA, vào năm 1967, khi lãnh đạo phong trào cách mạng cộng sản tại đây. Xác ông được chôn trong nấm mồ tập thể tại Bolivia, mãi cho đến tháng 7 năm vừa qua, mới được nhận diện chắc chắn và đưa về CUBA, để rồi sau đó, vào ngày 17 tháng 10 cùng năm 1997, Hài cốt của Vị anh hùng cách mạng Cuba nầy đã được đưa về chôn cất tại thành phố Santa Clara.
Thực tại thứ hai của thành phố nầy thì lại mâu thuẩn với thực tại thứ nhất; đó là thành phố Santa Clara hiện cũng là thành phố của phong trào bất đồng chính kiến với lãnh tụ Fidel Castro. Kể từ ngày 14 tháng 10 năm vừa qua (1997), và hiện vẫn còn kéo dài cho đến ngày ÐTC đến viếng thăm nơi đây, 6 người bất đồng chính kiến, đã tuyệt thực chống lại đường lối chính trị của Lãnh Tụ Fidel Castro. Ba trong số 6 người tuyệt thực nầy hiện còn bị giữ trong tù và ba người kia thì bị quản thúc tại nhà. Ông Elizardo Sanchez, chủ tịch của Ủy Ban Nhân Quyền và Hòa Giải Dân Tộc Cuba, đã cho biết là hiện sức khỏe của sáu nguời tuyệt thực đã trở nên tồi tệ hơn, nhưng chưa đến mức báo động nguy hiểm cho sinh mạng.
Và thánh lễ ÐTC Gioan Phaolô II cử hành tại Sân Thể Thao của Học Viện Thể Dục của Nhà Nước tại thành phố Santa Clara, là thánh lễ đầu tiên của ÐTC trên đất nước Cuba. Trước giờ ÐTC đến nơi, dân chúng và tín hữu Công Giáo đã có mặt chật cả Sân. Các quan sát viên ước lượng hơn 100 ngàn. Họ reo hò hát mừng chuẩn bị đón ÐTC. Bầu khí đại lễ chưa bao giờ có như vậy tại thành phố Santa Clara đã làm cho anh Jose Manuel Perez, 25 tuổi, nhân viên của nhà thương tại thành phố nầy, phát biểu như sau: Chưa bao giờ đã xảy ra như vậy tại đây. Tuyết đối chưa bao giờ có biến cố giống như vậy. Tôi không còn cảm thấy mình là người Công Giáo, bởi vì tôi chưa bao giờ bước vào nhà thờ. Nhưng tôi cảm thấy mình có tâm tình tôn giáo, bởi vì trong thâm tâm, tôi yêu mến Thiên Chúa. Cảnh tượng muôn người chuẩn bị đón vị thượng khách đến thăm thành phố, là cảnh tượng hết sức đẹp. Tâm tình kính trọng xuất hiện nơi tôi." Và chắc chắn anh Perez 25 tuổi kia không phải là người duy nhất có những tâm tình như vừa nói. Chủ Tịch Fidel Castro đã tuyên bố CUBA là một quốc gia chính thức theo chế độ Vô Thần, trong vòng 30 năm, từ năm 1962 cho đến năm 1992, là năm điều khoản về chế độ vô thần được rút ra khỏi Hiến Pháp Nhà Nước.
ÐTC đến Santa Clara vào lúc 9:30 ngày 22/01/98 và dùng xe từ phi trường thành phố đến Sân Thể Thao của Học Viện Thể Dục của thành phố, địa điểm cử hành thánh lễ, lúc 10 giờ sáng. Anh Ramon Clavero, 40 tuổi, thuộc thành phần lao động tại Santa Clara, cùng với cả gia dình vợ con, kéo nhau đến Sân Thề Thao, hai tiếng đồng hồ trước khi ÐTC đến, để có được một chổ tốt, để nhìn thấy ÐTC. Anh đã cho phóng viên Michael Langan của hảng tin AFP biết cảm tưởng như sau: "Chúng tôi cảm thấy rất hãnh diện được ngài đến thăm. Tôi không phải là tín hữu Công Giáo, nhưng tôi có niềm tin và sự kính trọng.
ÐTC đã bắt đầu thánh lễ đầu tiên của chuyến viếng thăm đầu tiên tại địa điểm Thành Phố vừa cách mạng vừa phản cách mạng, Santa Clara, lúc 10:30 sáng thứ Năm 22/01/98.
Không kể bài diễn văn quan trọng đầu tiên khi đặt chân xuống phi trường thủ đô La Havana, hôm chiều thứ Tư 21/01/98, trong đó ÐTC đã kêu gọi hãy để cho Giáo Hội Công Giáo được tự do hơn, và kêu gọi Nhà Nước CUBA hãy cởi mở với thế giới, để rồi được thế giới cởi mở với mình, thì bài giảng của ÐTC trong thánh lễ đầu tiên sáng thứ Năm 22/01/98, bàn về đề tài quan trọng số một của xã hội, của mọi xã hội, đó là đề tài về gia đình cần phải sống những giá trị Kitô.
Gia đình trong xã hội tại Cuba ngày nay đang bị xuống dốc trầm trọng. Theo con số thống kê, thì có 2 trong số 3 gia đình, phải tan rã, và việc phá thai được thực hiện cách dễ dàng. ÐTC đã không ngần ngại gọi việc phá thai là một "tội ác đáng khinh tởm", là một sự làm nghèo đi con người và xã hội. Theo bản thống kê của năm 1995, thì tổng cộng có 132 ngàn vụ phá thai trong năm, nghĩa là cứ 10 vụ sinh ra, thì đã có 9 vụ phá thai. Chúng tôi sẽ chia sẻ với quý vị và các bạn trọn cả bài giảng của ÐTC trong thánh lễ sáng qua tại Santa Clara, trong chương trình phát thanh khác. Trong khuôn khổ của bài tường thuật này, chúng tôi xin được trích lại một đoạn ngắn sau đây. ÐTC nói:
"Ngày nay, các gia đình tại CUBA đang phải chịu nhiều thách thức, như nhiều gia đình khác trên thế giới. Biết bao thành phần của các gia đình nầy phải tranh đấu và dùng hết đời sống của họ để có được một cuộc sống tốt hơn trong đó những quyền lợi căn bản của con người được bảo đảm: quyền làm việc, quyền có đủ lương thực nuôi sống, quyền có nhà ở, sức khỏe, giáo dục, an sinh xã hội và quyền được tham dự vào trong sinh hoạt của xã hội. Gia đình, tế bào căn bản của xã hội và là sự bảo đảm cho tính cách ổn định trong xã hội, đang trải qua những cuộc khủng hoảng đang tác hại trong xã hội. Ðây là điều xảy ra khi đôi bạn sống trong hệ thống kinh tế và văn hóa, trong đó, dưới danh nghĩa tự do và tiến bộ, người ta cổ võ và cả bênh vực cho tâm thức chống lại việc sinh con, và như thế dẫn đưa đôi bạn đến việc xử dụng những phương pháp điều hòa sinh sản không phù hợp với phẩm giá con người. Nguời ta cả đi đến việc chấp nhận phá thai; việc phá thai nầy luôn luôn là một tội ác đáng ghê tởm và là một sự làm nghèo đi ngôi vị con người và xã hội."
Ðặc biệt trong thánh lễ, sau bài giảng, trước khi đọc kinh Tin Kính, tất cả mọi nguời Công Giáo được mời gọi lặp lại những lời Hứa Tin Chúa, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. ÐTC là nguời đứng ra hỏi, và thật là cảm động nhìn thấy mọi nguời sốt sắng thưa: "Chúng con tin. Chúng xin con hứa".
Một điều khá bất ngờ, ngược lại với quyết định trước khi ÐTC đến thăm, là thay vì chỉ phát hình trên hệ thống truyền hình địa phương, thánh lễ sáng hôm thứ Năm, tại thành phố Santa Clara, đã được trực tiếp truyền hình trên đài truyền hình Nhà Nước, cho toàn quốc CUBA. Thánh Lễ kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, và kết thúc với phép lành trọng thể của ÐTC.
Chiều thứ Năm, ÐTC trở lại thủ đô La Havana, và đến Ðiện Cách Mạng để chào thăm Chủ Tịch Fidel Castro. ÐTC Gioan Phaolô II đã bắt đầu chiếm được cảm tình của người dân Cuba.
ÐIỂM BÁO ngày 22/01/98 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba.
Chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Cuba có lẽ là chuyến viếng thăm được các phương tiện truyền thông xã hội, thuộc bất cứ khuynh hướng chính trị nào, theo dõi nhiều hơn cả từ trước tới giờ. Không kể các hãng thông tấn quốc tế gửi tin qua hệ thông Internet , các báo chí xuất bản sáng thứ Năm 22/01/98, đã dành nhiều trang đầu với những tít lớn và nhiều hình ảnh về cuộc đón tiếp rất nồng hậu mà Chính Quyền và Dân Cuba dành cho Vị Lãnh Ðạo Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu, tại sân bay thủ đô La Havana và trên các ngã đường dài 20 cây số từ phi trường José Marti về tới Tòa Sứ Thần ở thủ đô La Havana hôm chiều thứ Tư 21/01/98. Cuộc đón tiếp đông đảo và nồng hậu của Nhà Cầm quyền và của người dân một quốc gia cộng sản, như CUBA, không thể không làm nhiều người ngạc nhiên và suy tư.
Thay cho phần điểm các báo, chúng tôi xin tường thuật "cuộc họp báo" lâu 20 phút trên máy bay từ Roma đi La Havana, ÐTC dành cho 75 phóng viên báo chí cùng đồng hành với ngài.
Cuộc họp báo bắt đầu với câu hỏi thứ nhất như sau:
- Hỏi: "Ông Fidel Castro nói công khai rằng Ông cảm phục và kính trọng ÐTC và cuộc gặp gỡ không phải là một cuộc gặp gỡ giữa thiên thần và ma quỉ, mà là một cuộc gặp gỡ giữa các thiên thần của các người nghèo khổ. ÐTC có đồng ý rằng Fidel Castro là một thiên thần không? ÐTC nghĩ gì về Ông?".
- ÐTC trả lời: "Chúng ta không phải là thiên thần, chúng ta là con người. Ðây là một cuộc gặp gỡ giữa con người, giữa hai người: một là Fidel Castro, chủ tịch Cuba và người kia là Gioan Phaolô II, Giám Mục Roma. Hai người này phải gặp nhau trong bối cảnh của chuyến viếng thăm, chuyến viếng thăm thứ nhất tại Cuba, Ðây là chuyến viếng thăm của một Vị Giáo Hoàng đến với Giáo Hội Cuba. Dĩ nhiên đây là một biến cố lịch sử, bởi vì tôi không thể viếng thăm Cuba trước đây được. Tôi đã viếng thăm các nước Châu Mỹ Latinh và cả Bắc Mỹ nữa, chỉ thiếu có Cuba, mấy đảo nhỏ miền Caraibes và ba miền Guyanes mà thôi".
- Hỏi: "Thưa ÐTC, ÐTC có định nói với dân Cuba về nhân quyền không?
- ÐTC đáp: "Như các ông biết rõ, tôi đang nghĩ về nhân quyền và những gì tôi nói với họ về nhân quyền, thì cũng giống như điều tôi đã nói tại nhiều nước, khởi sự từ Ba Lan năm 1979. Ðiều đã rõ rằng là: nhân quyền là những quyền căn bản cho việc xây dựng tất cả các nền văn minh của mọi cộng đồng xã hội hợp pháp. Mỗi ngày tôi xác tín mạnh mẽ thêm và dấn thân cho nhân quyền. Tôi đã mang theo với tôi tất cả điều này từ Ba Lan, trong việc đối phó với Liên Xô và với chế độ Sô Viết, với chế độ độc tài cộng sản. Như vậy vấn đề nhân quyền có một lịch sử dài".
- Hỏi: "Thưa ÐTC, trong chuyến viếng thăm lịch sử này, như ÐTC vừa nhắc, ÐTC muốn nghe những gì nơi Fidel Castro?
- ÐTC đáp: "Luôn luôn và mọi nơi, Tôi muốn nghe sự thật. Ước gì Ông nói với tôi sự thật, sự thật về riêng ông, như một con người, như vị chủ tịch, như một lãnh tụ của cuộc Cách Mạng. Cả sự thật về Quê Hương của Ông, về những mối liên quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Tất cả những cái này quan trọng đối với chúng ta. Nguyên việc mời viếng thăm Cuba đã có ý nghĩa nhiều rồi. Chủ Tịch Cuba biết rõ Giáo Hoàng là ai và nếu ông mời và mời sau chuyến ông viếng thăm Vatican, thì điều nầy có nghĩa là Ông đã suy nghĩ trước và khi mời Giáo Hoàng, Ông biết rõ rằng Ông mời ai và người đó có thể nói gì . Và cũng không thể quên rằng trong bối cảnh của chuyến viếng thăm này có Chúa Quan Phòng, hướng dẫn số phận thế giới, nhân loại, các Dân Tộc, và con người. Vì thế tôi nghĩ rằng cả hai chúng ta phải đặt mình trong tay Chúa Quang Phòng. Chắc chắn thế giới không phải được quản trị và hướng dẫn bởi chúng ta mà thôi, nhưng còn được hướng dẫn bởi Chúa Quan Phòng nữa và lịch sử thế giới không phải chỉ là lịch sử các dân tộc và các quốc gia, mà còn là lịch sử Cứu Rỗi nữa".
- Hỏi: "Thưa ÐTC, ÐTC có tâm tình nào khi thấy mình sắp được gặp các người Công Giáo và Dân Tộc Cuba?".
- ÐTC đáp: "Tâm tình hy vọng. Nhất là tâm tình biết ơn Thiên Chúa vì chuyến viếng thăm này đã đến, chuyến viếng thăm này đã có thể thực hiện được. Rồi, tâm tình yêu mến đối với người Công Giáo, nhưng không phải Công Giáo mà thôi, mà tất cả các người Cuba. Dân tộc này đã mở cửa rộng đón tiếp Vị Giáo Hoàng".
- Hỏi: "Che Guevara là một người chủ động mới đây của lịch sử Cuba. ÐTC nghĩ gì về nhân vật này đã chiến đấu cho các người nghèo khổ?"
- ÐTC đáp: "Ông đã đến trước Tòa Thiên Chúa. Chúng ta hãy để Thiên Chúa xét xử về công trạng của ông. Dĩ nhiên tôi tin chắc ông đã muốn phục vụ các người nghèo khổ".
- Hỏi: "ÐTC đã xin Fidel Castro trong buổi tiếp kiến tại Vatican để Lễ Giáng Sinh được cử hành tại Cuba. Vậy ÐTC có thể xin với Fidel Castro một cử chỉ thiện chí, trong tinh thần hòa giải quốc gia, đối với phe đối lập hay không?"
- ÐTC đáp: "Dĩ nhiên. Ðây là một trong các vấn đề nhân quyền, quyền của tôn giáo. Không được cử hành lễ Giáng Sinh trong một nước theo truyền thống vẫn là Công Giáo là một mâu thuẫn sâu xa, bởi vì đây là một lễ liên hệ đến các tâm hồn của mọi người, không phải chỉ các tín hữu mà thôi, mà cả những người không tin nữa. Hy vọng đây không phải là luật trừ cho lần này, mà sẽ được giữ lại mãi mãi".
- Hỏi: "ÐTC muốn nói gì trong cơ hội này với Hoa Kỳ về lệnh cấm vận?"
- ÐTC đáp: "Thay đổi, thay đổi lập trường. Xem ra Hoa Kỳ lưu ý nhiều đến chuyến viếng thăm của tôi tại Cuba. Có thể cả hai nước Cuba và Hoa kỳ đang nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn".
- Hỏi: "Chúng con theo dõi tình hình sức khỏe của ÐTC với nhiều lưu ý. ÐTC thấy mình khỏe mạnh để chịu đựng nổi chuyến ra đi khó khăn như vậy không?"
- ÐTC đáp: "Dĩ nhiên tôi không còn ở hạng tuổi của năm 1979; nhưng Chúa Quan Phòng sẽ gìn giữ tôi. Rồi nếu tôi muốn biết tình hình sức khỏe của tôi, tôi phải theo dõi báo chí". (ÐTC khôi hài).
- Hỏi: "Thưa ÐTC, ÐTC gọi Fidel Castro là Chủ Tịch và là lãnh tụ Cách Mạng nữa. Vậy ÐTC phê phán gì về 40 năm qua của Cuba, của lịch sử của dân tộc này?"
- ÐTC đáp: "Tôi không được tường tận về các vấn đề này. Tôi đang học hỏi. Nhưng theo các tin tức và theo cả báo cáo của các Giám Mục nữa, tôi xin nói: những sự việc đang tiến tới: thí dụ, việc ghi danh nơi các trường học, và vấn đề chăm sóc sức khỏe... Tôi xác tín những sự việc đang tiến tới… Tôi hy vọng sẽ có những tiến bộ về các phương tiện truyền thông xã hội; nhưng về phương diện con người , về các quyền con người, thì có lẽ ít tiến bộ hơn: chính ở điểm này chúng ta phải dấn thân hơn. Chúng ta đang sống giữa hai ý thức hệ nghịch nhau: ý thức hệ Mác Xít và ý thức hệ tự do cá nhân. Cần phải tìm một giải pháp hợp lý."
- Hỏi: "Thưa ÐTC, ÐTC hy vọng những thành quả của chuyến viếng thăm của ÐTC nơi dân tộïc Cuba không?"
- ÐTC đáp: "Có câu tục ngữ Ý nói như thế này: "Chi vivrà, vedrà! Ai sống, sẽ thấy".
- Hỏi: "Thưa ÐTC, Fidel Castro vẫn tiếp tục nói đến cách mạng. Làm sao có thể đặt chung với nhau cách mạng của Chúa Kitô và Cách mạng của Castro?"
- ÐTC đáp: "Chúng ta phải bắt đầu bằng danh từ này "Cách mạng", bởi vì từ cách mạng nầy có ý nghĩa tương tự: nó có thể nói về cuộc cách mạng của Chúa Kitô, nhưng cũng có thể nói cách mạng của Castro, và cả cách mạng của Stalin nữa. Cách mạng của Chúa Kitô là cách mạng của Tình Yêu; trái lại cách mạng của Lênin là phương thế của thù ghét, của trả thù và của những nạn nhân..."
Và vì có vài nguời hiểu khác đi câu trả lời của ÐTC về "cách mạng" nên sau đó, Ông Navarro Valls, phát ngôn viên Tòa Thánh, đã minh xác thêm như sau: "Khi nói với các phóng viên báo chí về "những cuộc cách mạng", ÐTC không nhằm đến cuộc cách mạng Cuba". Phòng báo chí Tòa Thánh, sau khi đã nhận được các tin tức, có nhiệm vụ minh xác về những điều sau đây: "Câu ÐTC nói với phóng viên báo chí trong chuyến bay, liên hệ đến các cuộc cách mạng khác với cuộc cách mạng của Chúa Kitô, do một kinh nghiệm lịch sử và địa dư, khác cuộc cách mạng Cuba". Ông nói thêm: "Ðiều đáng phàn nàn là việc trích lại một phần lời của ÐTC có thể làm cho ta không thể giải thích một cách trung thực tư tưởng của Ngài".