Tin Tức và Thời Sự
ngày 01 tháng 12/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


ÐTC lên án nạn bóc lột những người di dân bất hợp pháp

ÐTC lên án nạn bóc lột những người di dân bất hợp pháp.

(CWN 1/12/98) - Vatican - Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa Nhật, ngày 29/11/98 vừa qua, ÐTC Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ lên án nạn bóc lột những người di dân và di trú bất hợp pháp.

Thứ Sáu tuần trước (27/11/98), hai chiếc tàu đụng nhau ngoài khơi bờ biển Brindisi trong vùng Adriatic, khiến cho một em bé một tuổi bị thiệt mạng và bốn người khác bị mất tích. Một trong hai chiếc tàu nay đang chở những người di dân bất hợp pháp từ các nước như Albanie, Kosovo, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài huấn đức ÐTC đã bày tỏ sự bất bình của ngài trước tình trạng những người đang mưu cầu lợi ích cho riêng mình giữa lúc người khác phải gánh chịu những hậu quả tang tóc. Ngài nói như sau: "Trong lúc chúng ta cầu nguyện cho các các nạn nhân, tôi không thể không lên án bằng những lời mạnh mẽ nhất, thái độ của một số người đang trục lợi giữa sự đau khổ của biết bao người khác. Cái chết của các nạn nhân chắc chắn đang đánh động mạnh tới lương tâm của họ. Tai nạn đụng tầu mới nhất này, một lần nữa phản ánh những vấn đề phức tạp của việc vận chuyển những người di dân bất hợp pháp".

Các chuyên gia ước lượng trong vòng 6 tháng vừa qua, tổng cộng có 17 ngàn người đã vào nước Italia bất hợp pháp, đa số họ là những người di dân thường phải trải qua sóng gió trên những con tàu èo ộp, cũ kỹ, không có khả năng chịu đựng sóng gió biển cả. Nhiều gia đình tại các nước nói trên đang lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng tại quê quán của họ và sẵn sàng trao mạng sống của cả gia đình vào tay những kẻ buôn lậu người di dân. Cũng trong bài huấn đức, ÐTC kêu gọi các chính phủ tìm ra biện pháp chấm dứt tình trạng khai thác người di dân, đồng thời kiến tạo những điều kiện trong đó những người tị nạn đuợc sống xứng với phẩm giá của họ, và có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Các Giám Mục Burundi và Rwanda kêu gọi hòa bình

Các Giám Mục Burundi và Rwanda kêu gọi hòa bình.

(EWTN 1/12/98) - Vatican - Các Giám Mục Công Giáo của Burundi và Rwanda vừa ra một thông cáo chung kêu gọi bãi bỏ các biện pháp cấm vận quốc tế nhắm vào hai quốc gia này, đồng thời xin các quốc gia giàu mạnh nhất trên thế giới hãy dùng thế lực của họ để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp đang kéo dài trong vùng Ðại Hồ.

Các Giám Mục của hai nước họp nhau tại thị trấn Giheta cả Burundi hồi tuần nước, đều đồng ý là các biện pháp cấm vận quốc tế do Tổ Chức Hiệp Nhất các Quốc Gia Châu Phi áp đặt kể từ năm 1996, đang gây thêm nhiều khổ cực cho người nghèo chứ không hề khiến cho chính phủ Burundi và Rwanda thay đổ chính sách cai trị. Thông cáo nhấn mạnh tới sự kiện, những thử thách, lòng oán hận, lo sợ và nỗi thống khổ, của người dân trong vùng Ðại Hồ đang ngày một gia tăng. Trong khi các trại tị nạn vẫn đầy áp những người đến tìm nơi lánh nạn, nhưng hoàn cảnh và điều kiện cư trú trong trại thì ngày một trở nên thiếu thốn nhiều hơn.

Lá thư chung của các Giám Mục Burundi và Rwanda chắc chắn sẽ gây sự chú ý của tân sứ thần Tòa Thánh tại Rwanda, là Ðức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, người Ý. Ðức tân sứ thần đã từng phục vụ trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh tại các nước Panama, Ethiopia, Australia, Ai Cập và Yugoslavia. Trước khi được bổ nhiệm sang Rwanda, ngài là sứ thần Tòa Thánh tại cộng hòa Ai Len.


Các Giám Mục Panama phản đối chính phủ dời ngày lễ tôn giáo

Các Giám Mục Panama phản đối chính phủ dời ngày lễ tôn giáo.

(EWTN 1/12/98) - Panama - Ðức Tổng Giám Mục Jose Dimas Delgado của Panama vừa gửi một bức thư phản đối lên quốc hội nước này liên quan tới sắc luật mới dời ngày lễ tôn giáo sang ngày thứ Hai gần nhất. Trong lá thư Ðức Tổng Giám Mục Delgado cho rằng luật mới này sẽ ngăn cản không cho phép các công nhân người Công Giáo mừng lễ tôn giáo một cách nghiêm chỉnh.

Luật mới này của quốc hội Panama sẽ được áp dụng lần đầu tiên vào tuần tới đây. Thứ Ba ngày 8/12/98, là lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chiếu theo luật mới này, thì các giáo dân Panama buộc phải mừng lễ này vào ngày thứ Hai 7/12/98, tức là ngày thứ Hai gần nhất với ngày lễ chính. Theo Ðức Tổng Giám Mục Delgado, vì luật này, các công nhân người Công Giáo sẽ gặp nhiều khó khăn nếu họ muốn dự thánh lễ vào đúng ngày thứ Ba 8/12/98.

Dù vậy, Ðức Tổng Giám Mục Delgado cũng nhắc nhở các tín hữu rằng bổn phận của họ là phải nghiêm chỉnh tham dự thánh lễ đúng vào ngày thứ Ba 8/12/98. Ngoài ra các linh mục chánh xứ trong Tổng Giáo Phận Panama cũng có nhiệm vụ đảm bảo thế nào để ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành theo đúng ngày với nghi thức cần thiết.


Một số cây thánh giá tại Auschwitz sẽ được tháo gỡ

Một số cây thánh giá tại Auschwitz sẽ được tháo gỡ.

(AFP 1/12/98) - Ba Lan (Varsava) - Thứ Ba 1/12/98, thủ tướng Jerzy Buzek của Ba Lan đã gửi một lá thư cho các nhà lãnh đạo Do Thái nói rằng một số cây thánh giá Auschwitz sẽ được tháo gỡ, tuy nhiên cây thánh giá lớn bằng gỗ bên cạnh bàn thờ nơi ÐTC Gioan Phaolô II cử hành thánh lễ dạo năm 1979 sẽ được giữ nguyên.

Trong lá thư, thủ tướng Buzek nói rằng ông không muốn vấn đề các cây thánh giá làm đổ vỡ mối quan hệ tốt đẹp, được cải tiến hồi gần đây giữa người Ba Lan và Do Thái, và trong tương lai, một đạo luật mới đang được quốc hội soạn thảo sẽ tránh lập lại những gì đã xảy ra tại Auschwitz. Bằng một cử chỉ hòa giải với người Do Thái, thủ tướng Buzek cũng cho biết thêm là chính phủ Ba Lan đang tiến hành thủ tục hoàn trả lại các tài sản của người Do Thái đã bị tịch thu trước đây.

Trong thời gian gần đây, tổng cộng đã có khoảng 239 cây thánh giá nhỏ đã được cắm lên xung quanh cây thánh giá lớn nắm bên ngoài trại tập trung Auschwitz, nơi khoảng 1 triệu người Do Thái đã bị Ðức Quốc Xã sát hại. Sự hiện diện của các cây thánh giá này đã khiến cho người Do Thái tức giận vì họ không muốn có một biểu tượng tôn giáo hay chính trị nào tại nơi mà hàng triệu người Do Thái đã hy sinh mạng sống. Các Rabbi trưởng của Israel đã chính thức xin ÐTC Gioan Phaolô II can thiệp trong vụ các cây thánh giá này. Israel cũng yêu cầu chính phủ Ba Lan can thiệp tháo gỡ những cây thánh giá, trong khi Ðức Hồng Y Josef Glemp, giáo chủ Công Giáo Ba Lan, thì khuyên các tín hữu Công Giáo Ba Lan tránh đừng dựng thêm thánh giá tại Auschwitz bởi vì hành động này chỉ làm hạ giảm giá trị của cây thánh giá mà thôi.


Ðức Sứ thần Tòa thánh tại Rumani lạc quan về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha vào năm tới

Ðức Sứ thần Tòa thánh tại Rumani lạc quan về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha vào năm tới.

Vatican [Zenit 1/12/98] - Ðức Tổng Giám Mục Jean Claude Perisset, sứ thần tòa thánh tại Rumani tỏ ra lạc quan về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha vào năm tới.

Ðức Cha Perisset đã được Ðức Thánh Cha tiếp kiến hôm cuối tháng 11/1998 vừa qua. Ngài cho biết việc xích lại gần nhau giữa hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo tại Rumani tùy thuộc vào vấn đề các tài sản của Giáo Hội Công Giáo đã bị chế độ cộng sản trước kia tịch thu và giao cho Giáo Hội Chính Thống. Về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha vào năm tới, Ðức Sứ Thần Tòa Thánh tại Rumani tin rằng mọi sự đang diễn ra theo chiều hướng thuận lợi.

Ðược biết nhân chuyến viếng thăm Vatican hồi tháng 7/1998 vừa qua, thủ tướng Rumani, ông Radu Vasile, đã chính thức mời Ðức Thánh Cha viếng thăm xứ sở của ông. Ðiều đáng ghi nhận là chính Giáo Hội Chính Thống tại Rumani cũng tỏ ra thuận lợi với một lời mời như thế.

Trong những tháng vừa qua, qua Bộ các Giáo Hội đông phương, Tòa Thánh đã có nhiều nổ lực nhằm tạo điều kiện để các tín hữu Công Giáo thuộc nghi lễ Hy Lạp được cộng tác với các anh em Chính Thống.

Dạo cuối tháng 8/1998, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Rumani, là phủ tổng thống Rumani đã cùng với cộng đồng thánh Egidiô đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ quốc tế với chủ đề "Con người và tôn giáo".

Cuối cùng, hồi đầu tháng 11/1998 vừa qua, Ðức Thượng Phụ Teoctist đã đại diện Giáo Hội Chính Thống Rumani để đến Roma mừng lễ bổn mạng của Ðức Thánh Cha.


Các phiên quân Sierra Leone đe dọa sẽ bắt cóc các Giám Mục Công Giáo

Các phiên quân Sierra Leone đe dọa sẽ bắt cóc các Giám Mục Công Giáo.

(AFP 1/12/98) - Sierra Leone (Freetown) - Các phiến quân thuộc chính quyền quân nhân bị lật đổ của Sierra Leone vừa lên tiếng đe dọa là họ sẽ bắt cóc một vị Giám Mục Công Giáo nếu các điều kiện của họ không được đáp ứng.

Ðức Cha Giorgio Biguzzi, Giám Mục giáo phận Mekeni, nằm cách thủ đô Freetown khoảng 140 kilômét về hướng Tây Bắc, cho các ký giả ở thủ đô biết, ông Solomon Musa, lãnh tụ của các phiến quân đã từ chối trả tự do cho cha Mario Guerra trừ khi chính quyền cung cấp cho họ thuốc men và cho riêng ông các dụng cụ để ông có thể liên lạc với vợ và các con của ông hiện đang bị giam tại Freetown. Ðức Cha Biguzzi đã liên lạc được với ông Musa và ông này đã đưa ra những điều kiện trên đây. Tuy nhiên Ðức Cha Biguzzi nói rằng ngài không có quyền hạn gì để đáp ứng các điều kiện này, và ông Musa cảnh cáo là họ có thể bắt cóc luôn cả Ðức Cha Biguzzi để gây áp lực. Do đó Ðức Cha Biguzzi phải trả lời là ngài sẽ thông báo cho chính quyền Sierra Leone về những điều kiện của phe phiến quân.

Ðức Cha Giorgio Biguzzi đang thương lượng với các phiến quân để họ trả tự do cho linh mục Mario Guerra, người bị bắt cóc cách đây một tuần. Ðức Cha cũng cho biết thêm là ngài đã nói chuyện với cha Guerra và tánh mạng cha tạm thời vẫn an toàn nhưng đương nhiên là cha vẫn muốn được trả tự do.


Tổng thống và các lãnh tụ tôn giáo Indonesia kêu gọi hòa hoãn

Tổng thống và các lãnh tụ tôn giáo Indonesia kêu gọi hòa hoãn.

(Tổng hợp AFP, Reuters 1/12/98) - Indonesia (Jakarta) - Tổng thống Indonesia, ông Habibie và các nhà lãnh đạo tôn giáo nước này tha thiết kêu gọi dân chúng nên bình tĩnh và hòa hoãn để tránh gây nên bạo động giữa người Kitô và Hồi Giáo.

Lời kêu gọi trên đây được đưa ra theo sau vụ hàng trăm sinh viên người Kitô tại Kupang thuộc miền Tây Timor biểu tình trên đường phố vào hôm thứ Hai 30/11/98, để phản đối vụ người Hồi Giáo đốt phá các nhà thờ của người Kitô tại thủ đô Jakarta ngày 22/11/98 vừa qua. Cuộc biểu tình trở nên bạo động sau khi hàng ngàn người Kitô tại Kupang đã tấn công vào các đền thờ Hồi Giáo. Một đền thờ bị đốt, 4 đền thờ khác và nhiều cửa tiệm đã bị đập phá. Kupang là thủ phủ của tỉnh Ðông Nusatenggara, nơi có đa số người Kitô giáo sinh sống. Liền sau vụ bạo động tại Kupang, sáng sớm thứ Ba 1/12/98, có tin nói rằng một nhà thờ Tin Lành tại Banjarsari, thuộc Tây Java, đã bị người Hồi Giáo tấn công. Banjarsari nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 240 kilômét về hướng Tây Nam.

Ðứng trước tình trạng bạo động bè phái đang gia tăng, tổng thống Habibie của Indonesia đã nhanh chóng đưa ra lời kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, trong khi các nhà lãnh đạo tôn giáo thì cảnh giác các tín hữu, đừng để bị rơi vào cạm bẫy của những người muốn dùng tôn giáo để gây chia rẽ và làm xáo trộn an ninh. Một vị bộ trưởng của Indonesia nói rằng tổng thống Habibie đã lên án những vụ tấn công vào các nhà thờ của Kitô Giáo cũng như đền thờ Hồi Giáo. Thứ Ba 1/12/98, các ký giả đã trích thuật lời của ông Habibie tại một khóa hội thảo về nhân quyền như sau: "Chúng tôi lên án hành động đốt phá nhà của Thiên Chúa, dù là nhà thờ, hay đền thờ cũng vậy. Chúng tôi lên án hành động này bởi vì nó đi ngược lại với các giá trị văn hóa của Indonesia và đi ngược lại các giá trị nhân quyền quốc tế.

Về phần mình các nhà lãnh đạo giáo hội Công Giáo Indonesia kêu gọi các tín hữu đừng để mình bị khiêu khích gây thêm bạo động trong nước. Ðức Cha Joseph Suwatan, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Indonesia đã xin lỗi người Hồi Giáo về vụ đốt phá tại Kupang. Một thông cáo của Hội Ðồng Giám Mục Indonesia đã ghi như sau: "Bạo động chỉ khiến cho tình thế trở nên trầm trọng hơn mà thôi. Chúng tôi xin lỗi những người Hồi Giáo bị tổn thương bởi vụ đốt phá các đền thờ ở Kupang. Chúng tôi kêu gọi người Công Giáo hãy tích cực dự phần vào công tác tái thiết các nơi thờ phượng tại Kupang, và dấn thân tăng cường tinh thần huynh đệ với các anh chị em Hồi Giáo. Với lòng thành thực và nghiêm chỉnh, chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo của tất cả các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo, hãy tích cực cộng tác để làm cho tình thế lắng dịu lại. Xử dụng những biến cố bạo động này như một cái mồi, hay một chiêu bài chính trị, để gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chỉ phá hoại sự tồn tại của quốc gia và làm giảm uy tín của các nhà lãnh đạo tôn giáo mà thôi.

Các lãnh tụ Hồi Giáo Indonesia cũng nhanh chóng đưa ra lời kêu gọi các tín hữu Hồi Giáo đừng quá dễ dàng để cho mình bị lừa gạt bởi những mưu toan muốn đặt người Hồi Giáo và Kitô giáo vào tình thế chống đối lẫn nhau. Ông Abdurrahman Wahid, lãnh tụ của tổ chức Hồi Giáo lớn nhất tại Indonesia cho rằng những vụ bạo động này không đơn thuần mang tính cách bài tôn giáo hay xảy ra một cách tự nhiên, nhưng đó là một âm mưu để gây chia rẽ giữa người Kitô và Hồi Giáo.


Chính phủ Cuba chính thức yêu cầu đặt Lễ Giáng Sinh trong lịch

Chính phủ Cuba chính thức yêu cầu đặt Lễ Giáng Sinh trong lịch.

(AFP 1/12/98) - Cuba (Havana) - Giáng Sinh năm nay và trong những năm sắp tới, sẽ là ngày nghỉ lễ tại Cuba.

Thứ Ba 1/12/98, tờ Granma, cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Cuba loan báo, văn phòng chính trị của đảng cộng sản đã chính thức đề nghị lên hội đồng nhà nước đặt trong lịch, ngày 25/12 kể từ năm nay và những năm kế tiếp là ngày nghỉ lễ cho tất cả dân chúng trong nước, Kitô cũng như không Kitô, có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng.

Ðây là lần đầu tiên trong gần ba thập niên qua, lễ Giáng Sinh được chính thức thừa nhận là ngày lễ nghỉ tại Cuba.


Tòa Thánh tham dự Hội Nghị quốc tế về Ngành Du Lịch

Tòa Thánh tham dự Hội Nghị quốc tế về Ngành Du Lịch.

Punta del fuoco - Ushuaia - 01.12.98 - Các quốc gia hội viên của Tổ Chức thế giới về Du Lịch (OMT: Organisation Mondiale du Tourisme, trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ) đang tham dự Hội Nghị trong những ngày này tại Punta del Fuoco-Ushuaia, điểm cực nam của thế giới, bên Argentina, với mục đích soạn một Bộ Luật chung về Luân Lý của Ngành Du Lịch - Ðại Diện Tòa Thánh, Linh Mục Piero Moni, hiện đang dự Hội Nghị này.

Trong diễn văn khai mạc, Ðại Diện Tòa Thánh nói: Trong khi lựa chọn miền Ðất Lửa, thuộc miền cực nam thế giới, cho cuộc hội họp quan trọng này, OMT một lần nữa đã muốn nhấn mạnh đến sự quan trọng của một hoạt động du lịch được kiểm soát, cách riêng nếu du lịch diễn ra trong những hệ thống môi sinh bấp bênh và nhằm đến việc bảo đảm việc phát triển có thể chấp nhận được. Linh Mục Moni nói tiếp: Nhắc lại sự đòi hỏi của một Du Lịch tôn trọng thiên nhiên, văn hóa, truyền thống và tôn giáo của các dân tộc, nghĩa là đặt mình trước vấn đề không thể tách lìa của nền luân lý du lịch. Việc giá trị hóa tạo dựng và việc tôn trọng các nền văn hóa, truyền thống và tập quán địa phương là những đòi hỏi ưu tiên của chính tương lai của ngành du lịch và đòi phải được đón nhận một cách hiểu biết và với việc thông tin tương xứng, kèm theo việc huấn luyện những người liên hệ: người du lịch cũng như người bản xứ.

Cũng trong dịp này, Ðại Diện Tòa Thánh một lần nữa tố cáo "một sự bất chính được che đậy và có tính cách thương mại của một số tổ chức du lịch. Họ tổ chức các chuyến ra đi mà không có một chuẩn bị tối thiểu và với những chủ đích rõ ràng vô luân. Ðồng thời Ðại Diện Tòa Thánh cũng lên tiếng chỉ trích mấy chính phủ, chỉ chú trọng đến việc "hốt ngoại tệ", không đếm xỉa gì đến những thiệt hại về luân lý và về trí tuệ của người dân mình. Sau cùng đại diện Tòa Thánh nói lên sự khẩn cấp này là OMT soạn một Bộ Luật Chung về luân lý cho ngành du lịch, để hãn ngữ những hiện tượng tiêu cực nhắc trên đây, đồng thời bảo vệ những quyền căn bản của con người, đã được công nhận trên bình diện quốc tế.


Linh Mục André Feuillet, thuộc tu hội Xuân Bích và là nhà chú giải kinh thánh nổi tiếng, vừa qua đời hôm thứ Năm 26/11/98

Linh Mục André Feuillet, thuộc tu hội Xuân Bích và là nhà chú giải kinh thánh nổi tiếng, vừa qua đời hôm thứ Năm 26/11/98.

Tin Paris (Apic 1/12/98): Theo bản tin được hãng thông tấn Công Giáo Thụy Sĩ phổ biến hôm thứ Ba 1/12/98, thì Nhà Chú Giải Kinh Thánh nổi tiếng, linh mục André Feuillet, thuộc tu hội Xuân Bích, đã qua đời tại Paris, hôm thứ Năm ngày 26 tháng 11/1998 vừa qua, hưởng thọ 89 tuổi.

Với bằng Tiến Sĩ Thần Học và Cử Nhân Kinh Thánh, cha Feuillet đã dạy tại Học Viện Công Giáo Paris, từ năm 1952 cho đến năm 1973. Cha chuyên môn về thánh Phaolô và Thánh Gioan, và đã góp phần thực hiện bộ Kinh Thánh nổi tiếng bằng tiếng Pháp, gọi là Kinh Thánh Giêrusalem (Bible de Jérusalem). Hai tác phẩm nổi tiếng của Cha đã được xuất bản vào năm 1966 và 1972. Ðó là hai tập sách, một mang tựa đề: Chúa Kitô, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, theo những tác phẩm của Thánh Phaolô, xuất bản năm 1966; và tác phẩm mang tựa đề: Mầu Nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa trong thần học của Thánh Gioan, được xuất bản năm 1972.


Ðại Học Công Giáo Louvain, bên Bỉ, trao ba Bằng Tiến Sĩ Danh Dự, để kỷ niệm biến cố 50 năm Công Bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền

Ðại Học Công Giáo Louvain, bên Bỉ, trao ba Bằng Tiến Sĩ Danh Dự, để kỷ niệm biến cố 50 năm Công Bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Tin Bỉ Quốc (Apic 1/12/98): Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền đã được Khóa Họp Liên Hiệp Quốc ký nhận và công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948. Ðể kỷ niệm biến cố 50 năm công bố Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Ðại Học Công Giáo Louvain, bên nước Bỉ, đã trao bằng Tiến Sĩ Danh Dự (doctor honoris causa) cho ba nhân vật nổi tiếng trong việc bênh vực phẩm giá con người. Ðó là: Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, cựu chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Ðồng Tâm và Công Lý Hòa Bình, và đương kim chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh 2000; người thứ hai là bà AUNG SAN SUU KYI, lãnh đạo phong trào đối lập tại Miến Ðiện hiện nay và đã được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1991; người thứ ba là Bà Khalida MESSAOUDI, người Algêri.

Nơi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, người ta có thể đọc thấy những quả quyết mạnh mẽ như sau: "Tất cả mọi người sinh ra tự do và bình đẳng trong phẩm giá cũng như trong quyền lợi. Không một người nào có thể bị bắt giữ, bị giam tù hay bị đi đày, một cách tự ý vô cớ. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do chọn việc làm, có quyền hưởng những điều kiện công bằng và xứng đáng để làm việc, có quyền được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp."


Back to Radio Veritas Asia Home Page