ÐTC gửi
sứ điệp cho Liên Hiệp các
Trường về hoạt động Giáo
Dục tại Ý
Một Giám Mục Mêhicô
cáo buộc các tổ chức quốc
tế cổ võ phá thai
Giáo Hội Công Giáo
tại Siberi đã chính thức đăng
ký
Hội nghị các giám
mục bốn nước Bắc Phi
Tổng thống Indonesia: đốt
phá nhà thờ là điều
không thể tha thứ
ÐTC gửi sứ điệp cho Liên Hiệp các Trường về hoạt động Giáo Dục tại Ý.
Vatican - 27.11.98. ÐTC vừa gửi sứ điệp cho các vị tham dự Khóa Họp lần thú 52 của Liên Hiệp các trường học tại Ý (FIDAE: Federazione Istituti di Attività educative). Liên hiệp các trường học là cơ quan được Hội Ðồng Giám Mục Ý công nhận, gồm hơn 10 ngàn trường độc lập với 800 ngàn học sinh, liên kết và dưới sự hướng dẫn của Giáo Quyền. Trong sứ điệp ÐTC nhắc lại cho các vị tham dự Khóa Họp rằng: bổn phận riêng biệt của các cơ cấu giáo dục Công Giáo là huấn luyện "trí tuệ và tâm hồn" của thế hệ mới, theo kiểu mẫu của nhân tính do Chúa Kitô đề nghị. Sứ mệnh giáo dục đòi một chứng tá đời sống gương mẫu của các giáo viên, giáo sư và cha mẹ; chứng tá này còn cần hơn nữa trong xã hội như xã hội thời nay, một xã hội sai lầm trong việc xây dựng thịnh vượng và hạnh phúc con người chỉ qua trung gian khoa học và kỹ thuật mà thôi".
Vì thế, ÐTC viết tiếp, ý tưởng về trường Công Giáo đối với các cha mẹ trở nên một cơ hợi quí báu và là một việc biểu dương về giá trị đối với một hệ thống học đường chuyên lo về giáo dục toàn diện cho con người. Như vậy các cha mẹ có thể lựa chọn trường học tương xứng cho con cái mình.
Trong phần kết thúc sứ điệp, ÐTC ước mong Liên Hiệp các Trường hoạt động Giáo Dục trung thành cổ võ mỗi ngày một cách quyết liệt hơn (cỗ võ) "căn cước" của các trường Công Giáo trong toàn cảnh giáo dục của nước Ý, bằng việc đề cao giá trị về thăng tiến văn hóa và về phát triền dân chủ xã hội.
Một Giám Mục Mêhicô cáo buộc các tổ chức quốc tế cổ võ phá thai.
(EWTN 27/11/98) - Mêhicô (Thủ đô Mêhicô) - Một vị Giám Mục Công Giáo người Mêhicô đã cáo buộc giới chức của các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới, là những tổ chức chuyên cổ võ phá thai trên khắp thế giới.
Ðức Cha Felipe Arizmendi Esquivel, Giám Mục Tapachula bên Mêhicô cho rằng, ba tổ chức quốc tế này đang tận dụng uy thế của họ về mặt tài chánh để ủng hộ cho các lãnh tụ chính trị cổ võ phá thai. Và như thế họ đang dùng quyền lực tài chánh để thăng tiến một nền văn hóa của sự chết.
Ðức Cha Esquivel kêu gọi các chính trị gia người Mêhicô hãy chống cự lại chương trình cổ võ phá thai của các tổ chức quốc tế này. Ngài nói như sau: "Các nhà làm luật, tự xưng mình là người có đức tin, dù là Công Giáo hay Tin Lành, cũng đều phải biểu lộ đức tin của mình bằng cách đưa ra các dự luật hoặc bỏ phiếu ủng hộ các dự luật nhắm bảo vệ sự sống. Ðể qua đó, Ðức Kitô tỏ lộ sự hiện diện của ngài trong xã hội, trong đời sống chính trị, kinh tế, học đường và trong các phương tiện truyền thông".
Giáo Hội Công Giáo tại Siberi đã chính thức đăng ký.
Novosibirsk - Siberi [Apic 27/11/98] - Giáo Hội Công Giáo tại Siberi đã chính thức đăng ký.
Ðức cha Joseph Werth, Giám Quản Tông Tòa tại Siberi cho biết đây là một bước rất quan trọng đối với Giáo Hội tại đây. Với sự thừa nhận chính thức này, Giáo Hội có thể dễ dàng xin chiếu khán nhập cảnh cho các linh mục và tu sĩ nước ngoài cũng như đòi lại các tài sản của Giáo Hội.
Cuối năm 1997, mặc dù gặp nhiều chống đối từ bên ngoài, tổng thống Boris Yeltsin vẫn ký luật mới về tôn giáo, theo đó chỉ có Chính Thống Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo và Hồi Giáo được nhìn nhận như những tôn giáo truyền thống của liên bang Nga. Giáo Hội Công Giáo đã không ngừng lên tiếng tố cáo thái độ kỳ thị này. Mùa hè vừa qua, Giáo Hội Công Giáo đã đăng ký và được chính thức nhìn nhận tại Nga Âu. Nhưng tại các miền khác trong đó có Siberi, chính quyền địa phương đã tùy tiện đưa ra các qui định nhằm tạo khó dễ cho người Công Giáo. Theo luật mới về tôn giáo, thời hạn cuối cùng để các cộng đồng tôn giáo đăng ký là cuối năm 1999.
Hội nghị các giám mục bốn nước Bắc Phi.
Alger [Apic 27/11/98] - Các Ðức Giám Mục và tổng đại diện của các nước Algeri, Maroc, Tunisi và Lybi thuộc Bắc Phi đã gặp gỡ nhau trong phiên họp kéo dài từ ngày 14 đến 17/11/98 vừa qua tại Alger, thủ đô Algeri.
Theo hãng thông tấn Fides, trong văn kiện chung kết, các đức giám mục của các nước Bắc Phi đã trình bày kinh nghiệm sống của Giáo Hội tại các nước liên hệ. Tại Maroc, hai giáo phận trong nước đã tổ chức các khóa hội thảo giúp cho các nhà truyền giáo hiểu được tình hình đất nước và Giáo Hội hoặc giúp cho các linh mục Tây Ban Nha hiểu được hoàn cảnh của những nguời di dân trong nước họ. Tại Algeri, các đức giám mục ghi nhận rằng nhờ tình trạng an ninh được cải thiện, nhiều tu sĩ đã có thể đến đây. Tại Tunisi, càng gần đến Ðại Năm Thánh 2000 và nhân dịp kỷ niệm 100 năm Nhà Thờ Chính Tòa Tunis, các hoạt động thiêng liêng và văn hóa ngày càng gia tăng. Cuối cùng tại Lybi, các tu sĩ kêu gọi có thêm nhiều người hơn để đáp ứng với các nhu cầu của đất nước.
Ngoài ra, trước sự hiện diện của mục sư Hugh Johnson, chủ tịch của Giáo Hội Tin Lành Algeri và mục sư Mohr, đại diện cho Giáo Hội Methodist Thụy Sĩ, các tham dự viên hội nghị các giám mục Bắc Phi cũng đã bàn đến mối quan hệ huynh đệ cần được đào sâu giữa Giáo Hội Công Giáo và các cộng đoàn Kitô khác.
Cuối cùng, để chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 2000, các vị chủ chăn của các Giáo Hội tại Bắc Phi cũng đọc tài liệu chuẩn bị. Phiên họp khoáng đại đã được kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với ông Meziane, chủ tịch của Hội Ðồng tối cao của Hồi Giáo tại Algeri.
Tổng thống Indonesia: đốt phá các nhà thờ là điều không thể tha thứ được.
(AFP 27/11/98) - Indonesia (Jakarta) - Tổng Thống Habibie của Indonesia đã gọi những vụ đốt phá các nhà thờ Kitô giáo là điều không thể tha thứ được.
Ông Frans Seda, cố vấn của tổng thống Habibie đã trích thuật lời trên đây của vị tổng thống Indonesia. Ông Seda là một tín hữu Kitô và đã từng giữ chức bộ trưởng trong chính phủ trước đây. Thứ Năm 26/11/98 vừa qua, ông đã đến gặp tổng thống Habibie trong tư cách là một tín hữu Kitô để than phiền về vụ những người Hồi Giáo quá khích đã đốt phá tổng cộng 22 nhà thờ Kitô giáo, sau một vụ đụng độ giữa hai phe nhóm tại thủ đô Jakarta. Có 13 người Kitô giáo bị thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Tòa Thánh cũng như các Giám Mục Công Giáo Indonesia đã lên án và bày tỏ quan ngại sâu xa về hành động này của những người Hồi Giáo quá khích.