Chủ tịch
Hội Ðồng Các Giáo Hội Nam Hàn
củng cố hiệp nhất với Phật
Giáo
Ơn gọi tu dòng giảm
sút tại Italia
Quan sát viên của Tòa
Thánh tại LHQ lập lại ý nghĩa
của Giáng Sinh
Tòa Thánh từ chối
nhận lá thư của Ban Tôn Giáo Thổ
Nhĩ Kỳ
Tín hữu Kitô bị
bách hại tại Trung Quốc
Chính phủ Tây Ban Nha từ
chối nhã ý của vị Giám Mục
Công Giáo
Tân chủ tịch Hội Ðồng Các Giáo Hội Nam Hàn nỗ lực củng cố hiệp nhất với Phật Giáo.
(UCAN KO1412 25/11/98) - Nam Hàn (Seoul) - Hội Ðồng Các Giáo Hội Nam Hàn sẽ nỗ lực thăng tiến tình hiệp nhất và hòa giải giữa các giáo hội Kitô với nhau đồng thời xúc tiến công tác xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với giáo hội phật giáo Nam Hàn.
Trên đây là lời cam kết của Ðức Cha Chong Chul Bon, Tổng Giám Mục Anh Giáo của Seoul và là tân chủ tịch Hội Ðồng Các Giáo Hội Nam Hàn. Ðức Tổng Giám Mục Chong Chul Bon được bầu vào chức vụ mới trong khóa họp thường niên của Hội Ðồng diễn ra tại Seoul hôm 9/11/98 vừa qua. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn UCAN vài ngày sau đó, Ðức Cha Chul Bon đã phát biểu như sau: "Trong tư cách là chủ tịch Hội Ðồng Các Giáo Hội, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể cho sự hòa giải và hiệp nhất giữa các giáo hội. Tôi muốn khởi xướng các biện pháp cải tổ trong các giáo hội, và Hội Ðồng Các Giáo Hội sẽ dẫn đầu trong công tác đại kết bước vào thiên niên kỷ thứ ba".
Cũng trong cuộc phỏng vấn, vị Tổng Giám Mục Anh Giáo lên án một số người Kitô cực đoan có khuynh hướng bài Phật Giáo, khiến cho người Phật Giáo tại địa phương lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo Kitô cũng như chính phủ Nam Hàn, mà họ cho là thiên vị đối với người Kitô bởi vì tổng thống Kim Dae Jung là một người Công Giáo. Theo Ðức Tổng Giám Mục Chul Bon, việc sửa đối thái độ hiềm khích của một số phần tử Kitô Giáo chống lại các tôn giáo khác, cụ thể là Phật Giáo, là một công tác hết sức cấp bách của Hội Ðồng Các Giáo Hội Nam hàn. Bên cạnh những nỗ lực thăng tiến quan hệ giữa các giáo hội Kitô với nhau và với các tôn giáo khác, Hội Ðồng Các Giáo Hội Nam Hàn cũng sẽ khởi xướng các chương trình nhắm tới việc kiến tại một bầu khí hòa giải giữa hai chính phủ Nam và Bắc Hàn, tiếp tục các chương trình viện trợ thực phẩm cho anh chị em ở miền Bắc đang bị lâm vào tình cảnh đói kém.
Ơn gọi tu dòng giảm sút tại Italia.
Roma [Zenit 25/11/98] - Ơn gọi tu dòng đang giảm sút tại Italia. Hiện nay tại Italia có tất cả 182 dòng nam đang hoạt động với tổng số tu sĩ là 27 ngàn người. Trong khi đó, con số nữ tu họat động và chiêm niệm có khoảng 110 ngàn người thuộc 700 hội dòng khác nhau và rải rác trong 12,200 cộng đoàn. Những con số trên đây được phổ biến tại Hội Nghị mới đây của các bề trên cấp cao Dòng Nữ tại Italia. Liên hiệp các bề trên cấp cao dòng nữ tại Italia ghi nhận rằng từ năm 1995 đến nay, con số nữ tu thuộc ngành hoạt động giảm sút trên 8 ngàn người. Cũng trong ngành hoạt động, năm 1995 có tất cả khoảng 12 ngàn cộng đoàn. Nguyên trong năm nay, đã có 834 nhà đóng cửa.
Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc lập lại ý nghĩa của việc Chúa Giáng Sinh.
New York [Zenit 25/11/98] - Ðức Tổng Giám Mục Renato Martino, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, nhắc lại ý nghĩa của việc Chúa Giáng Sinh.
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về đề tài "Bêlem năm 2000", Ðức Cha Martino nói như sau: "Việc Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem cách đây 2000 năm đã đặt nền móng cho một nền văn minh xây dựng trên tình thương và hòa bình, trên mối quan hệ của mỗi người với Thiên Chúa và với nguời khác, trên sự tôn trọng hoàn toàn phẩm giá của mỗi nguời".
Trích dẫn Thánh Vịnh và sách tiên tri Isaia, vị đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nói đến đô thị nhỏ bé của miền Giuda như là "nơi hoàn thành niềm mong đợi của lịch sử và đồng thời cũng là nơi khai mở một kỷ nguyên mới dành ưu tiên cho nguời nghèo và những kẻ bị đẩy ra bền lề, vốn là những nguời được Thiên Chúa quan tâm một cách đặc biệt trong trang sử mới được viết bằng ngôn ngữ của Tình Yêu".
Ðức Tổng Giám Mục Martino giải thích như sau: "Khi tự đồng hóa với những nguời bị bách hại và áp bức và hành động như thế bằng cả cái chết bất công trên thập giá, Chúa Giêsu đã đứng về phía những người chịu bất công và đàn áp". Ngài mạc khải Thiên Chúa cho mỗi người để mỗi người đều có thể gọi Ngài là Cha. Ngài biến nhân loại thành một gia đình mà luật sống là tình huynh đệ, lòng tha thứ và sự khoan nhượng.
Kết thúc bài phát biểu, vị đại diện của Tòa Thánh khẳng định rằng sứ điệp của sự tha thứ , sức mạnh của tình thương và niềm hy vọng mà Chúa Giêsu đã loan báo được ngỏ một cách đặc biệt cho người dân Belem và toàn vùng.
Tòa Thánh từ chối nhận lá thư của Ban Tôn Giáo Thổ Nhĩ Kỳ.
(AFP 25/11/98) - Thổ Nhĩ Kỳ (Ankara) - Tòa Thánh đã từ chối nhận một lá thư từ vị chủ tịch ban tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu ÐTC Gioan Phaolô II can thiệp giải quyết cuộc tranh cãi giữa chính phủ Italia và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vấn đề trao trả lãnh tụ người Kurd về Thổ Nhĩ Kỳ để chịu xét xử.
Thứ Tư 25/11/98, Ðức Hồng Y Francis Arinze, tổng tưởng bộ đặc trách về đối thoại liên tôn của Tòa Thánh cho biết, trong chuyến viếng thăm mới đây của ngài tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, ngài đã từ chối nhận một lá thư do ông Mehmet Nuri Yilmaz, chủ tịch ban tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ, gửi tới ngài qua đường giây ngoại giao. Trong lá thư, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông Abdullah Ocalan là lãnh tự của Ðảng Công Nhân Người Kurd. Ðảng này đang tranh đấu võ trang để đòi quyền tự trị cho người Kurd tại lãnh thổ thuộc miền Ðông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến đã gây thiệt mạng cho khoảng 30 ngàn người, trong số này có nhiều phụ nữ và trẻ em. Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Italia trao trả ông Ocalan lại cho Thổ Nhĩ Kỳ để chịu xét xử theo luật quốc gia. Tuy nhiên Italia đã từ chối lời yêu cầu này vì nếu bị mang ra xét xử tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ocalan có thể lãnh án tử hình. Ông Ocalan bị bắt giữ tại phi trường ở Roma ngày 12/11/98 vừa qua và sau đó đã nộp đơn xin tị nạn chính trị.
Cuộc tranh cãi liên quan tới vấn đề của ông Ocalan đang gây căng thẳng giữa Italalia và các nước trong khối liên hiệp Âu Châu với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tín hữu Kitô bị bách hại tại Trung Quốc.
(Reuters 25/11/98) - Hoa Kỳ (New York) - Thứ Tư 25/11/98, một tổ chức có tên là Nhân Quyền tại Trung Quốc cho biết chính quyền cộng sản nước này đã bắt giữ khoảng 140 tín hữu thuộc giáo hội Tin Lành thầm lặng trong khoảng thời gian từ tháng 10 cho đến tháng 11 này. Ða số nạn nhân là lãnh tụ các giáo hội Tin Lành thầm lặng tại Trung Quốc và nhiều người trong họ đã bị đánh đập và tra tấn rất dã man.
Tổ chức nhân quyền nói trên có trụ sở tại thành phố New York của Hoa Kỳ. Bản thông cáo do tổ chức này công bố đặc biệt nói đến trường hợp của cô Cheing Meiying, bị bắt ngày 26/10/98 tại tỉnh Hà Nam. Cô Meiying đã bị tra tấn rất dã man đến độ bị chấn thương não và mất trí nhớ hoàn toàn. Công an Trung Quốc đã trả tự do cho cô Meiying hôm thứ Bảy 21/11/98 tuần trước để trốn tránh trách nhiệm. Ðược biết cô Meiying đi lại thường xuyên trong các tỉnh Hắc Long Giang, Nội Mông và Hà Nam, nơi cô đã giúp thiết lập các giáo hội Tin Lành thần lặng. Trước đây cô cũng đã bị công an bắt và giam giữ nhiều lần.
Bản thông cáo cũng cho biết thêm hiện có khoảng 70 tín hữu Tin Lành vẫn còn bị giam giữ, những người khác được trả tự do sau khi đã nộp tiền phạt. Tiền phạt là 10 ngàn đồng Nhân Dân Tệ tương đương khoảng 1,200 Mỹ Kim, đôi khi lên cao gấp mấy lần. Theo các nguồn tin từ Trung Quốc thì tiền phạt này được coi như một hình thức tiền chuộc cho những người bị bắt hoạt động tôn giáo trái phép. Bản thông cáo kêu gọi Bắc Kinh nên sửa đổi chính sách đối với các giáo hội không chính thức và cho phép người dân được quyền tự do tín ngưỡng hoàn toàn. Thông cáo có đoạn ghi như sau: "Chúng tôi đòi chính phủ Trung Quốc tôn trọng hoàn toàn quyền tự do tôn giáo được ghi trong hiến pháp của nước này cũng như trong bản Hiệp Ước Quốc Tế về quyền dân sự và chính trị."
Ngày 5/10/98 vừa qua, Trung Quốc đã ký tên vào Hiệp Ước Quốc Tế trong đó đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tôn giáo. Cộng đồng quốc tế đã ca ngợi Trung Quốc đồng thời bày tỏ hy vọng là Trung Quốc sẽ nới rộng tự do của người dân trong nước. Tuy nhiên đã gần hai tháng trôi qua, người ta vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào là Trung Quốc tôn trọng bản hiệp ước quốc tế mà Bắc Kinh đã ký tên.
Chính phủ Tây Ban Nha từ chối nhã ý của vị Giám Mục Công Giáo.
(EWTN 25/11/98) - Tây Ban Nha (Madrid) - Chính phủ Tây Ban Nha đã lịch sự từ chối nhã ý của một Giám Mục Công Giáo nước này, sẵn sàng đứng ra làm trung gian cho cuộc thương thuyết giữa chính phủ Tây Ban Nha với lực lượng ETA đang đấu tranh đòi quyền tự trị cho vùng Basque.
Thứ Tư 25/11/98, ông Jame Oreja, bộ trưởng nội vụ Tây Ban Nha đã tuyên bố với các ký giả như sau: "Ðiều quan trọng là giáo hội giúp kiến tạo một bầu khí hòa bình, hòa giải và cầu nguyện. Tuy nhiên chính phủ không cần một trung gian trong cuộc thương thuyết với các lãnh tụ của lực lượng ETA". Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với tờ báo "Thế Giới", Ðức Cha Jose Maria Setien Alberro, Giám Mục San Sebastian đề nghị là ông Oreja có thể giúp ngài liên lạc với các lãnh tụ của ETA để mưu tìm đường hướng dẫn tới một cuộc đối thoại. Tuy nhiên, tổng thống Jose Maria Aznar của Tây Ban Nha vẫn giữ vững lập trường là bất cứ cuộc đối thoại nào với nhóm ETA phải là trực tiếp chứ không qua một trung gian nào.
Kể từ khi tuyên bố ngưng chiến, các đại diện của ETA đã ngỏ ý là muốn đối thoại với chính phủ Tây Ban Nha để mưu tìm một nền hòa bình vĩnh viễn, đồng thời xin trả tự do cho khoảng 535 thành viên của nhóm này đang ngồi tù tại Tây Ban Nha và nếu có thể đạt tới nguyện vọng là quyền tự trị tại vùng Basque.