Tin Tức và Thời Sự
ngày 24 tháng 11/1998

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines


Bạo động tôn giáo tại Indonesia, 14 người bị thiệt mạng

Bạo động tôn giáo tại Indonesia, 14 người bị thiệt mạng.

(AFP, EWTN 24/11/98) - Indonesia (Jakarta) - Tin tức từ thủ đô Jakarta của Indonesia cho biết tổng cộng có 14 người bị thiệt mạng trong vụ bạo động giữa người Hồi Giáo và Kitô Giáo tại thủ đô Jakarta của Indonesia vào cuối tuần vừa qua.

Những người Hồi Giáo đã đốt phá nhà thờ, trường học và các cửa tiệm trong hai ngày thứ Bảy 21/11/98 và Chúa Nhật 22/11/98. Tin nói rằng vụ bạo động phát xuất từ cuộc đụng độ giữa hai phe người Hồi Giáo và Kitô Giáo tại một khu thương mại nằm về phía Bắc thủ đô Jakarta. Những người Hồi Giáo cực đoan đã phản đối sự hiện diện của một sòng bài nằm gần đền thờ Hồi Giáo trong khu vực. Bạo động lan rộng trên đường phố, sau khi những người Hồi Giáo cực đoan tấn công người Kitô Giáo, đốt và đập phá nhà thờ Công Giáo. Cảnh sát và quân đội Indonesia được gửi tới để vãn hồi trật tự và họ đã phải dùng hơi cay để giải tán các đám đông người Hồi Giáo được võ trang bằng dao, lưỡi liềm và gậy gộc. Nhiều người Kitô giáo sinh sống trong khu vực phía Bắc và Tây thủ đô Jakarta đã phải di tản.

Ða số những người chết bị thiệt mạng sau khi những nơi họ đang lánh nạn bị người Hồi Giáo nổi lửa đốt. Có 11 nhà thờ Công Giáo bị đốt, hay đập phá. Ða số những nhà thờ này tọa lạc trong khu phố của người Hoa Kiều ở Jakarta. Tổng thống Habibie của Indonesia đãlên tiếng kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và kiềm chế tránh đi tới bạo động. Theo ông Habibie, vụ bạo động này là âm mưu của một vài phe nhóm muốn cho Indonesia bị tan rã.

Tòa Thánh đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những tin tức nhận được từ Indonesia liên quan tới vụ bạo động mới nhất này. Tiến sĩ Navarro Valls, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, tuyên bố như sau: "Tòa Thánh rất quan tâm về những tin tức từ Indonesia, dù đây chỉ mới là những tin sơ khởi". Tiến sĩ Navarro Valls lưu ý là vụ đụng độ xem ra khởi phát từ sự chia rẽ tôn giáo và nó đe dọa tới truyền thống khoan nhượng tôn giáo của Indonesia, dựa trên nguyên tắc Pancasila được ghi trong hiến pháp của nước này.


Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Jakarta lên án việc dùng các vấn đề tôn giáo cho bạo động

Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Jakarta lên án việc dùng các vấn đề tôn giáo cho bạo động.

(UCAN IJ1447.1003 24/11/98) - Indonesia (Jakarta) - Ðức Hồng Y Julius Darmaatmadja, Tổng Giám Mục Jakarta, cho biết, ngài rất quan tâm trước sự kiện người ta đang lạm dụng các vấn đề tôn giáo trong các vụ nổi loạn dẫn đến việc các nhà thờ và tài sản của người Kitô Giáo bị phá hại ngay tại thủ đô Jakarta.

Trong cuộc phỏng vấn với các ký giả, Ðức Hồng Y Darmaatmadja đã nói về biến cố ngày Chúa Nhật 22/11/98 vừa qua như sau: "Tôi hết sức quan ngại về biến cố này. Ðiều đáng buồn là một cuộc đụng độ giữa hai nhóm người lại trở thành lý do để tấn công các nhà thờ. Việc tấn công vào các nơi thờ phượng là một sự nhục mạ tôn giáo. Một đền thờ Hồi Giáo bị tấn công là điều nhục mạ đối với người Hồi Giáo và tương tự, một nhà thờ Kitô giáo bị tấn công cũng là một sự nhục mạ người Kitô Giáo". Có ít nhất 14 người bị thiệt mạng, 3 nhà thờ bị đốt và 11 nhà thờ khác bị đập phá trong vụ nổi loạn vào hôm Chúa Nhật 22/11/98 theo sau cuộc đụng độ giữa một nhóm tín hữu Hồi Giáo với các nhân viên an ninh của một nơi bị tình nghi là sòng bạc.

Vị Tổng Giám Mục Jakarta cho rằng biến cố này không chỉ gây ra thiệt hại về nhân mạng và vật chất, nhưng nó còn tạo cho người dân cảm giác về tình trạng bất an ninh ngay tại Jakarta cũng như ở những nơi khác. Tuy nhiên điều là cho ngài quan tâm nhất là có thể vụ tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo là một âm mưu có kế hoạch hẳn hoi. Ðức Hồng Y Darmaatmadja nói ngài khó có thể chấp nhận được là một số đông người tấn công vào các nhà thờ lại có mặt ở hiện trường trong một thời gian ngắn ngủi, chỉ liền sau khi xảy ra cuộc đụng độ. Nếu đây là một kế hoạch, thì người dân Indonesia đang bị người ta lạm dụng vì một mục tiêu nào đó, và tệ hại hơn là tôn giáo cũng bị lạm dụng.

Trong khi đó các Giám Mục Công Giáo đến tham dự khóa họp thường niên của Hội Ðồng Giám Mục Indonesia những ngày này tại thủ đô Jakarta đã bày tỏ sự kinh hoàng trước những gì đã xảy ra. Ðức Cha Josefus Suwatan, Giám Mục Manada và là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục cho biết ngài rất lo lắng trước những thiệt hại về nhân mạng, các nhà thờ bị tấn công và nhất là tâm trạng lo âu của dân chúng tại thủ đô.


Tổng thống Philippines bác bỏ lời kêu gọi xin bỏ án tử hình

Tổng thống Philippines bác bỏ lời kêu gọi xin bỏ án tử hình.

(Reuters 24/11/98) - Philippines (Manila) - Tổng thống Philippines, ông Joseph Estrada đã từ chối lời yêu cầu của Tòa Thánh và Liên Hiệp Âu Châu, xin bãi bỏ án tử hình và tha tội chết cho ông Leo Etchagaray, người đầu tiên sẽ bị tử hình tại Philippines sau 22 năm.

Trả lời câu hỏi của các ký giả là liệu ông có thay đổi quyết định và tha tội chết cho ông Etchagaray hay không, tổng thống Estrada tuyên bố là ông đã dứt khoát với quyết định của mình và ông không nghĩ sẽ còn cơ hội nào khác để khoan hồng cho tử tội. Ông nói như sau: "Có quá nhiều vụ hãm hiếp trong nước và đây sẽ là một bài học cho họ. Phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, ông Jerry Barican cho biết trong bức điện gửi tới Manila, Tòa Thánh và Liên Hiệp Âu Châu đưa ra lời kêu gọi nói trên dựa trên lập trường chung chống lại án tử hình, chứ không phải vì ông Etchagaray là người vô tội.

Trong khi đó, bộ trưởng tư pháp của Philippines, ông Serafin Cuevas vừa cho biết là ngày giờ hành quyết tội nhân vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, án tử hình có thể sẽ được thi hành vào đầu tháng Giêng 1999 năm tới.


Tòa Thánh bác bỏ tin nói là ÐTC được yêu cầu can thiệp cho lãnh tụ người Kurd

Tòa Thánh bác bỏ tin nói là ÐTC được yêu cầu can thiệp cho lãnh tụ người Kurd.

(EWTN 24/11/98) - Vatican - Tòa Thánh đã lên tiếng bác bỏ tin loan trên báo chí ở Italia rằng ông Abdullah Ocalan, lãnh tụ người Kurd đòi ly khai, đã viết thư xin ÐTC can thiệp để giải quyết cuộc tranh chấp giữa người Kurd và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiến sĩ Navarro Valls, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết tin này là không có thật. Tờ Cộng Hòa xuất bản tại Ý đã loan tin nói trên. Ông Abdullah Ocalan đang bị giữ tại Ý và chính phủ Italia đang cứu xét tới chuyện ban cho ông quyền tị nạn chính trị. Ngoài ra Italia cũng từ chối lời yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ muốn ông Ocalan được trao trả về cho Thổ Nhĩ Kỳ để được mang ra xét xử về tội khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông Ocalan là người cầm đầu nhóm kháng chiến quân người Kurd tranh đấu đòi quyền tự trị. Tiến sĩ Navarro Valls cho biết thêm rằng Tòa Thánh rất thông cảm với hoàn cảnh và nguyện vọng của người Kurd, hiện đang sống rải rác tại nhiều quốc gia. Tòa Thánh hy vọng nguyện ước này sẽ được giải quyết đồng thời kêu gọi các phe phái liên hệ nỗ lực tìm giải pháp qua đối thoại với sự tôn trọng những gì là đúng.

Liên quan tới số phận của ông Ocalan, Ðức Hồng Y Achille Silvestrini, tổng trưởng bộ các Giáo Hội Ðông Phương, bày tỏ cảm nghĩ rằng, trường hợp của ông Ocalan muốn xin tị nạn chính trị tại Italia là một vấn đề quan trọng. Ðức Hồng Y Silvestrini ghi nhận hoàn cảnh của người Kurd đặt ra một câu hỏi chung cho cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ liên quan tới riêng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mà thôi.


Cựu chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Peru sửa sai tác giả thần học giải phóng

Cựu chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Peru sửa sai tác giả thần học giải phóng.

(EWTN 24/11/98) - Peru (Lima) - Ðức Tổng Giám Mục Ricardo Durrand Florez của Peru và là cựu chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục nước này vừa lên tiếng kêu gọi thần học gia linh mục Gustavo Gutierrez Merino, nên sửa chữa những quan điểm sai lầm liên quan tới cuốn sách của cha viết về thần học giải phóng.

Mới đây, Ðức Tổng Giám Mục Ricardo Florez đã cho ra mắt cuốn sách thứ ba của ngài về đề tài thần học giải phóng. Trong sách này, vị cựu chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Peru chỉ trích cuốn sách của cha Gustavo Gutierrez về cùng một đề tài. Cụ thể Ðức Tổng Giám Mục Florez cho rằng cha Gutierrez đã phạm những sai lầm liên quan tới những đề tài thần học căn bản liên quan tới ơn cứu độ và vai trò của giáo hội. Ðức Tổng Giám Mục Florez lưu ý tới một đoạn trong sách của cha Gutierrez ngụ ý rằng ơn cứu độ đến từ sự đấu tranh giai cấp chứ không phải do Thánh Giá cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Ðây là quan điểm sai lầm không thể nào chấp nhận được, vì ở đây, cha Gutierrez muốn nói rằng con người có thể đạt tới ơn cứu độ qua việc làm riêng của mình. Theo Ðức Tổng Giám Mục Florez, đây là một luận đề (proposition) hết sức sai lầm bởi vì con người không thể đạt tới ơn tha thứ tội lỗi qua đấu tranh giai cấp hay làm cách mạng. Quan điểm của cha Gutierrez bóp méo hoàn toàn ý nghĩa của ơn cứu độ và sứ mạng của giáo hội.


Hồng Thập Tự Quốc Tế không thể xác nhận tin về cuộc thảm sát tại Ðông Timor

Hồng Thập Tự Quốc Tế không thể xác nhận tin về cuộc thảm sát tại Ðông Timor.

(Tổng hợp AFP, Reuters 22-24/11/98) - Ðông Timor (Dili) - Thứ Ba 24/11/98, một đại diện của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế cho biết hội này chưa tìm ra bằng chứng nào để xác nhận tin nói là có tới 50 người dân Ðông Timor tại thị trấn Alas, nằm cách thủ phủ Dili khoảng 200 kilômét về hướng Ðông, đã bị các binh sĩ thuộc quân đội Indonesia thảm sát.

Thứ Năm tuần trước (19/11/98), ông Mario Carrascalao, cựu thống đốc Ðông Timor và hiện là cố vấn chính trị cho tổng thống Habibie cho các hãng thông tấn quốc tế biết rằng, theo các nguồn tin ông thu thập được thì có ít nhất là 42 thường dân tại thị trấn Alas của Ðông Timor bị sát hại sau khi các binh sĩ Indonesia mở cuộc truy lùng các du kích quân Ðông Timor đã tấn công một đồn lính tại đây vào ngày 9/11/98 vừa qua. Có 3 binh sĩ Indonesia bị thiệt mạng và khoảng hơn 10 binh sĩ khác bị bắt làm con tin trong vụ tấn công này. Liền sau khi tin về vụ thảm sát tại Alas được loan đi, Bồ Ðào Nha đình chỉ tất cả các cuộc thương thuyết với Bồ Ðào Nha liên quan tới vấn đề quyền tự trị của người Ðông Timor. Thứ Hai vừa qua (23/11/98), bộ ngoại giao Indonesia đã lên tiếng bác bỏ tin về vụ thảm sát tại Alas. Ðại diện của Hội Hồng Thập Tự đã được gửi đến nơi để kiểm chứng, tuy nhiên trước đó Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế cũng chỉ xác nhận là có nhiều hàng trăm dân làng tại Alas đã chạy lánh nạn vào các nhà thờ. Trong khi Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, giám quản tông tòa Dili thì cho biết ngài nhận được tin nói là các binh sĩ Indonesia vẫn còn bao quanh thị trấn Alas và ngài kêu gọi nên rút các binh sĩ ra khỏi đây.

Thứ ba 24/11/98, Ðức Cha Carlos Belo đã có mặt tại Jakarta để tham dự khóa họp của các Giám Mục Indonesia tuy nhiên ngài đã từ chối đưa ra lời phê bình liên quan tới tình hình tại thị trấn Alas. Từ thứ Hai 23/11/98 cho đến thứ Ba 24/11/98, hàng ngàn sinh viên Ðông Timor đã biểu tình tại Dili để đòi chính phủ Indonesia cho mở cuộc điều tra về vụ này. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về tình hình bạo động đang gia tăng tại Ðông Timor, đồng thời kêu gọi mọi phe phái tránh bạo động gây thiệt hại cho các thường dân.


ÐTC tiếp kiến tổng thống Cộng Hòa Congo

ÐTC tiếp kiến tổng thống Cộng Hòa Congo.

(EWTN 24/11/’98) - Vatican - Thứ Ba 24/11/98, ÐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến tổng thống Cộng Hòa Dân Chủ Congo, ông Laurent Kabila.

Ðây là một cuộc tiếp kiến ngắn bởi vì ÐTC đang bận tham dự khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Ðại Dương. Tuy nhiên vì cuộc nội chiến kéo dài tại Congo là điều mà Tòa Thánh đang rất quan tâm, cho nên ÐTC dành chút thì giờ để tiếp riêng tổng thống Kabila. Ông Kabila đang công du các nước Âu Châu để gặp gỡ các nhà lãnh đạo tại đây. Hôm nay ông cũng đến gặp tổng thống Ý, ông Luigi Scalfaro và cuối tuần này ông đi Pháp để gặp các nhà lãnh đạo châu phi và các nhà ngoại giao Pháp. Trong thời gian lưu lại Roma, ông Kabila cũng sẽ đến gặp ban lãnh đạo cộng đoàn thánh Egidio, là tổ chức có nhiều uy tín quốc tế trong vai trò làm trung gian giải quyết các cuộc tranh chấp tại các nước thuộc Châu Phi.


Back to Radio Veritas Asia Home Page