Chính phủ
Ba Lan muốn giải quyết các cây Thánh
Giá tại Auschwitz
Các Giáo Hội Á Châu
cần hợp tác để tạo nên
tác động hiệu quả
Chính phủ Chile nhờ
Tòa Thánh can thiệp để trả tự
do cho tướng Pinochet
Giáo Hội Cuba thành lập
Học Viện Thần Học đầu tiên
cho giáo dân
ÐTC cử hành thánh
lễ cho các Vị Tiền Nhiệm của
ngài
Ðức Hồng Y Camillo
Ruini cử hành thánh lễ tại Nghĩa
Ðịa Roma
Hội thảo về vai trò
các tôn giáo về hoà bình
và công bằng xã hội
Chính phủ Ba Lan muốn giải quyết mau chóng vấn đề các cây Thánh Giá tại Auschwitz.
(Reuters 2/11/98) - Ba Lan (Warsaw) - Chính phủ Ba Lan muốn có một giải pháp mau chóng cho cuộc tranh chấp liên quan tới các cây Thánh Giá được người Công Giáo dựng lên tại trại tập trung Auschwitz, thuộc miền Nam Ba Lan. Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Hai 2/11/98, ông Jaroslaw Sellin, phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan ghi nhận rằng cuộc tranh chấp về các cây Thánh Giá tại Auschwitz đang làm hư hại hình ảnh của Cộng Hòa Ba Lan.
Ðể cứu vãn cây Thánh Giá lớn bằng gỗ khỏi bị tháo gỡ khỏi chỗ mà ÐTC Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện nhân chuyến viếng thăm của ngài tại Auschwitz dạo năm 1979, các tín hữu Công Giáo bảo thủ của Ba Lan đã dựng lên nhiều cây thánh giá nhỏ xung quanh cây thánh giá lớn này. Các tổ chức Do Thái Giáo đã mạnh mẽ phản đối việc trưng bày bất cứ biểu tượng tôn giáo nào tại trại tập trung Auschwitz nơi có 1 triệu rưỡi người, đa số gốc Do Thái, bị Ðức Quốc Xã sát hại. Ðầu năm nay, một viên chức của Bộ Ngoại Giao Ba Lan đã ngỏ ý là cây Thánh Giá lớn bằng gỗ phải được tháo gỡ khỏi Auschwitz chiếu theo thỏa thuận giữa chính phủ Ba Lan và các tổ chức Do Thái Giáo.
Phát biểu này đã khiến khởi màn một cuộc dựng cây Thánh Giá nhỏ bên cạnh cây Thánh Giá lớn đánh dấu chuyến viếng thăm của ÐTC. Tháng trước, chính quyền địa phương đã hủy bỏ khế ước nhượng đất trong khu vực của Auschwitz cho Hiệp Hội Tưởng Nhớ các Nạn Nhân Chiến Tranh của Ba Lan, tuy nhiên quyết định này đã bị một tòa án ở Oswiecim bác bỏ. Cuối tuần qua, đã có thêm nhiều cây thánh giá khác được dựng lên tại Auschwitz, nâng số tổng cộng lên khoảng 240 cây, trong số này có khoảng 100 cây cao hơn bốn mét.
Các Giáo Hội Á Châu cần phải hợp tác để có thể tạo nên tác động hiệu quả.
(UCAN AS1283.1000 2/11/98) - Thái Lan (Chiang Mai) - Ðể có thể trở thành một tiếng nói hiệu quả đối phó với những mối quan tâm chung, các giáo hội ở Á Châu phải làm việc chung với nhau.
Trên đây là xác tín của các tham dự viên tại khóa học hỏi thường niên về đại kết, Hội Ðồng Kitô Giáo Á Châu đứng ra tổ chức. Khoảng 30 người đã đến dự trong số này có 7 đại diện của Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Khóa học hỏi này do Hội Ðồng Kitô giáo đứng ra tổ chức tại Chiang Mai bên Thái Lan từ ngày 4-30 tháng 10/1998 vừa qua. Mục đích của khóa họp là để giúp chuẩn bị các nhà lãnh đạo giáo hội Á Châu lãnh nhận trách nhiệm tháng tiến tình hiệp nhất Kitô giáo. Ðề tài của khóa họp năm nay là "Tiến Ðến Một Cộng Ðoàn Bao Gồm". Trong bản nhận định chung kết, các tham dự viên cho rằng việc đối phó với những vấn đề như quan hệ liên tôn, các giá trị luân lý, phẩm giá và quyền của người tị nạn, phụ nữ và những người bị gạt ra ngoài xã hội, sẽ có tác động hiệu quả hơn nếu các giáo hội ở Á Châu cùng hợp tác với nhau.
Bản nhận định cũng đề nghị thêm là các khóa học hỏi về đại kết trong tương lai được luân phiên tổ chức tại tất cả các nước ở Á Châu, và chủ đề của các khóa học hỏi này phải được hướng tới những thách đố mà giáo hội đang gặp phải tại quốc gia đó.
Chính phủ Chile nhờ Tòa Thánh can thiệp để trả tự do cho tướng Pinochet.
Roma [Apic 2/11/98] - Chính phủ Chile nhờ Tòa Thánh can thiệp để trả tự do cho tướng Pinochet.
Chiều Chúa Nhựt [1/11/98] vừa qua, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã tiếp thứ trưởng ngoại giao Chile, ông Mariano Fernandez tại Castelgandolfo. Phòng Báo Chí Tòa Thánh chỉ nói một cách vắn tắt rằng thứ trưởng ngoại giao của Chile, trên chuyến công du sang Âu Châu, đã xin được thông báo cho Tòa Thánh biết về vụ việc xảy ra có liên quan đến tướng Pinochet.
Về phần mình, sau một giờ hội kiến với Ðức Hồng Y Sodano, ông Mariano Fernandez cũng xác minh rằng cuộc gặp gỡ chỉ nhằm mục đích thông tin cho Tòa Thánh về vụ việc. Tuy nhiên, thứ trưởng ngoại giao Chile cũng nói rằng Ðức Hồng Y đã hứa sẽ trình bày nội dung cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha.
Ông Mariano Fernadez cũng xác nhận rằng Tổ Chức mang tên tướng Pinochet đang thu thập chữ ký tại Chile để xin Tòa Thánh can thiệp vì "lý do nhân đạo" cho tướng Pinochet.
Ngoài ra, thứ trưởng ngoại giao Chile cũng bác bỏ nguyên tắc theo đó tướng Pinochet có thể được xét xử ngoài lãnh thổ Chile, vì những tội mà ông đã phạm tại Chile.
Giáo Hội tại Cuba thành lập Học Viện Thần Học đầu tiên cho giáo dân.
Havana - Cuba [CWN 2/11/98] - Trong tuần này, tổng giáo phận Havana, Cuba sẽ khánh thành học viện thần học và mục vụ dành cho việc đào tạo giáo dân. Ðây là lần đầu tiên một học viện như thế được thành lập kể từ khi chế độ cọng sản đã đóng cửa mọi trung tâm giáo dục của Giáo Hội hồi đầu thập niên 60.
Tòa Tổng Giám Mục Havana cho biết học viện này là một áp dụng của chương trình mục vụ tòan quốc, được đề ra sau chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha hồi tháng Giêng năm 1997. Theo chương trình, việc đào tạo nhân viên mục vụ giáo dân được xem như là ưu tiên hàng đầu trong việc rao giảng Tin Mừng tại Cuba.
Ngoài thần học cơ bản, học viện còn có các ngành chuyên môn về mục vụ kéo dài ba năm.
Năm học đầu tiên sẽ tập trú về các khái niệm cơ bản của thần học Công Giáo. Chương trình năm thứ hai gồm có các môn Kitô học, Giáo Hội học, luân lý, bí tích và học thuyết xã hội của Giáo Hội. Cũng trong năm thứ Hai, các sinh viên có thể đi chuyên về mục vụ: huấn giáo, mục vụ giới trẻ, mục vụ y tế và phụng vụ. Năm cuối được dành cho việc đào sâu huấn luyện thần học và thực hành mục vụ.
ÐTC cử hành thánh lễ cho các Vị Tiền Nhiệm của ngài.
Vatican - 02.11.98 - Chiều lễ Các Thánh, mùng 1 tháng 11/1998, ÐTC cử hành thánh lễ trong Hấm Ðền Thờ Thánh Phêrô, để cầu cho các Vị Tiền Nhiệm của ngài. Sau thánh lễ, ÐTC đã đến cầu nguyệïn bên mộ các Vị Tiền Nhiệm của ngài trong thế kỷ 20 nầy. Không kể Ðức Pio X (1903-1914) đã được phong Hiển Thánh năm Thánh 1950, chúng ta có thể kể các vị Giáo Hoàng sau đây: Ðức Benedicto XV (1914-1922), Ðức Pio XI (1922-1939), Ðức Pio XII (1939-1958), Ðức Gioan XXIII (1958-1963), Ðức Phaolô VI (1963-1978) và Ðức Gioan Phaolô I (26.8 - 28.9.1978: 33 ngày).
Nhân dịp nấy, ÐTC đã nói như sau: "Trong Hầm Ðền Thờ Vatican này, chúng ta hãy phú thác cho lòng thương xót của Chúa Cha tất các vị có mộ ở đây và đang chờ đợi ngày sống lại của thể xác, cách riêng sáu Vị Giáo Hoàng đã thi hành tác vụï chủ chăn Giáo Hội hoàn cầu gần đây, trong thế kỷ này, để các ngài được tham dự Phụng Vụ đời đời trên Trời".
ÐTC cũng xin cầu nguyện cho tất cả những ai đã bỏ thế gian này, để Chúa mở rộng cánh tay của lòng thương xót và để tất cả được đón nhận trong Cộng Ðồng vinh quang của Thành Thánh Giêrusalem. Sau thành lễ, mọi người cùng với ÐTC hát Kinh Lạy Nữ vương Mẹ nhân lành (Salve Regina, Mater misericordiae).
Ðức Hồng Y Camillo Ruini, Tổng Ðại Diện, nhân danh ÐTC cử hành thánh lễ tại Nghĩa Ðịa Roma.
Roma - 02.11.98 - Cũng chiều Lễ Các Thánh, Ðức Hồng Y Camillo Ruini, Tổng Ðại Diện, nhân danh ÐTC, đã cử hành thánh lễ tại Nghĩa Ðịa của Thành Phố Roma, để cầu nguyện cho tẩt cả các tín hữu của giáo phận đã qua đời.
Giảng trong thánh lễ, Ðức Hồng Y nói: "Trong khi cầu nguyện cho các người qua đời của chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi suy ngắm về mầu nhiệm sự chết và do đó về mầu nhiệm sự sống và mầu nhiệm về Thiên Chúa, Chủ Sự Sống và Sự Chết".
Ðức Hồng Y khuyên các tín hữu đừng để mình bị lường gạt bởi những hình thức bên ngoài, hoặc có tính cách dị đoan, không phù hợp với đức tin Công Giáo trong dịp Lễ Các Thánh và Các Linh Hồn. Ngài nói: "Ý nghĩa của lễ nghi những ngày này thực sự là việc cầu nguyện cho các người đã qua đời, cho những người thân yêu đã chết đi, trong đức tin và trong hy vọng sống lại. Ở đây, chúng ta đi vào trung tâm sự sống và sự chết và là một sự kiện cần phải suy tư cách nghiêm chỉnh. Trong những ngày này, tại Ý cũng như trên cả thế giới, biết bao người viếng Nghĩa Ðịa để cầu nguyện, để củng cố đức tin và để gia tăng đức cậy".
Hội thảo về vai trò của các tôn giáo trong việc tìm kiếm hoà bình và công bằng xã hội.
Maryland - 02.11.98 - Hãng thông tấn quốc tế Fides loan tin: Vai trò của các tôn giáo trong việc tìm kiếm hòa bình và công bằng xã hội là trung tâm của một cuộc Hội Thảo, được Hiệp Hội các Hội Ðồng Giám Mục miền Tây Châu Phi nói tiếng Anh (AECAWA) tổ chức trong những ngày vừa qua tại Maryland, bên Nigeria. Tham dự cuộc Hội Thảo có cả các chuyên viên Hồi Giáo và các tôn giáo truyền thống của các nước trong miền: Gambia, Ghana, Liberia, Nigeria, Sierra Leone.
Sau cuộc Hội Thảo, một văn kiện đã được công bố trong đó các vị tham dự xác nhận rằng: ba truyền thống tôn giáo (Kitô giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo) công nhận rằng: nhân loại có một nguồn gốc chung là Ðấng Tối Cao, Allah hay Thiên Chúa và việc làm con cái chung này phải hướng dẫn đến việc tôn trọng sự sống, phẩm giá con người và sự bình đẳng giữa con người với nhau. Trong văn kiện các vị tham dự còn xác nhận rằng: một số giá trị tốt lành của Châu Phi đã bị mất đi và người dân Châu Phi cần tái khám phá và xử dụng những truyền thống tốt lành, những giá trị gia đình và những giá trị chung, cho công việc phát triển. Hơn nữa các vị tham dự còn công nhận rằng: trong việc thực hành ba tôn giáo cũng có những điểm tiêu cực không phù hợp với việc cổ võ hòa bình và công lý xã hội. Trong các thực hành này có chính sách bất khoan dung về chủng tộc, về tôn giáo, có chế độ thần quyền tôn giáo, những bất công xã hội và việc kỳ thị đối với phụ nữ. Theo văn kiện, còn có nhiều lãnh vực khác, trong đó ba tôn giáo có thể hoạt động chung với nhau: việc thăng tiến phẩm giá con người, công bằng xã hội và hòa bình, việc loại bỏ những căn cớ gây nên các vụ tranh chấp vũ trang.